Chiến sự Nga-Ukraine chưa có dấu hiệu giảm nhiệt
Một tuần sau khi Nga có động thái quân sự với Ukraine, tình hình vẫn hết sức căng thẳng khi lực lượng của Moscow tiến gần hơn đến Thủ đô Kiev trong khi Liên hợp quốc (LHQ) đưa ra cảnh báo số người tị nạn gia tăng nhanh chóng có thể dẫn đến vấn đề nghiêm trọng khác.
Bộ Quốc phòng Anh ngày 3/3 cho biết, các thông tin tình báo cho thấy một đơn vị của quân đội Nga hiện còn cách Thủ đô Kiev của Ukraine hơn 30km. Trong 3 ngày qua, các lực lượng Nga đối mặt với sự phản kháng từ Ukraine cũng như gặp một số trục trặc về máy móc nên chưa thể tiến công sâu thêm.
Đại diện Bộ Quốc phòng Anh nói thêm rằng bất chấp những trận pháo kích dữ dội của Nga, các thành phố Kharkiv, Chernihiv và Mariupol vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine. Ngày 2/3, Bộ Quốc phòng Nga khẳng định đã hoàn toàn kiểm soát thành phố Kherson của Ukraine, thông tin này cũng được thị trưởng thành phố xác nhận cùng ngày.
Bộ Quốc phòng Nga ngày 3/3 lần đầu công bố thương vong trong chiến dịch quân sự, theo đó, gần 500 binh sĩ nước này đã thiệt mạng tại Ukraine, cùng với đó là 1.597 người khác bị thương. Dù phía Ukraine chưa đưa ra con số chính thức, Văn phòng nhân quyền của LQH (OHCHR) thông tin, 227 thường dân đã thiệt mạng và 525 người khác bị thương trong một tuần qua, vượt qua con số 136 người chết và 577 người bị thương trong cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine hồi năm 2014. Mặc dù vậy, OHCHR cũng thừa nhận các số liệu cho đến nay có thể không cao bằng thực tế.
Khoảng một triệu người, tương đương 2% dân số Ukraine, được cho là đã rời khỏi đất nước trong chưa đầy một tuần qua sau khi Nga tuyên bố phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt", trang AP đưa tin. Trước đó, Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) ngày 2/3 cho biết số người sơ tán qua các đường biên giới của Ukraine là 835.928 người, tăng so với mức 677.000 được công bố một ngày trước đó. Theo tổ chức này, hơn 50% số người sơ tán kể trên di chuyển về hướng Tây để sang Ba Lan, tiếp đó là các nước gồm Hungary, Slovakia, Moldova, Nga, Romania và Belarus cùng với một số nước Liên minh châu Âu (EU).
Số người tị nạn di cư khổng lồ từ Ukraine cũng có thể kéo theo một vấn đề lớn khác. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 2/3 cảnh báo cuộc xung đột đang diễn ra giữa Nga và Ukraine có thể khiến dịch bệnh COVID-19 lây lan mạnh hơn nữa, kéo theo nguy cơ gia tăng số trường hợp bệnh trở nặng.
Phát biểu tại một cuộc họp báo, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesu nhấn mạnh: "WHO quan ngại sâu sắc về tình hình nhân đạo khẩn cấp tại Ukraine hiện nay. Ukraine đã ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng cao trước thời điểm xảy ra xung đột. Động thái quân sự xảy ra khiến tỷ lệ xét nghiệm COVID-19 tại nước này sụt giảm, đồng nghĩa có thể không phát hiện được các chuỗi lây lan. Bên cạnh đó, tỷ lệ tiêm phòng thấp cũng là một yếu tố làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm".
Tổng Giám đốc WHO cảnh báo: "Sự dịch chuyển dân số quy mô lớn sẽ góp phần làm lây lan COVID-19, đồng thời có nguy cơ gia tăng sức ép đối với hệ thống y tế ở các nước láng giềng".
Cũng tại cuộc họp báo này, ông Mike Ryan - Giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO - cho biết thêm việc di chuyển dân cư ồ ạt do xung đột không chỉ khiến COVID-19 lây lan nhanh hơn mà còn có thể tạo ra những biến thể mới của virus SARS-CoV-2. WHO đang tiến hành vận chuyển vật tư y tế thiết yếu từ Dubai (Các tiểu vương quốc Arab thống nhất) nhằm hỗ trợ người dân Ukraine. Chuyến hàng đầu tiên dự kiến đến Ba Lan trong ngày 3/3, trong đó bao gồm 36 tấn vật tư dành cho việc chăm sóc chấn thương và phẫu thuật khẩn cấp.
Trong bối cảnh số người tị nạn được dự báo sẽ tăng thêm khi chiến sự tiếp diễn, Ủy viên châu Âu về các vấn đề nội vụ Ylva Johansson cho biết: "EU đã chuẩn bị cho tình huống hàng triệu người tị nạn dồn đến các nước trong khối". Cụ thể, EU đã nhanh chóng cấp quyền bảo vệ tạm thời đối với những người tị nạn chiến tranh, xem xét cấp giấy phép cư trú tạm thời cho người tị nạn và giúp họ có điều kiện tiếp cận với giáo dục và việc làm tại 27 nước thành viên.
Ủy ban châu Âu mới đây cam kết hỗ trợ nhân đạo cho người tị nạn lên đến 500 triệu euro (tương đương 560 triệu USD). UNHCR ước tính số người cần hỗ trợ trong xung đột Ukraine có thể lên hơn 4 triệu người. Ngày 1/3, LHQ kêu gọi 1,7 tỷ USD để hỗ trợ khẩn cấp cho những người sơ tán tránh xung đột. LHQ ước tính rằng 12 triệu người ở Ukraine sẽ cần được cứu trợ, ngoài ra, khoảng 4 triệu người tị nạn Ukraine có thể cần sự giúp đỡ ở các nước láng giềng trong những tháng tới.
Giá dầu thế giới tiếp tục tăng trong ngày 3/3, khiến nhiều chuyên gia cảnh báo về tình trạng lạm phát toàn cầu. Giá dầu thô Brent đã leo lên mức 117 USD/thùng, tăng 20% trong tuần qua, trong khi nhiều loại nhiên liệu như than đá, khí đốt, thậm chí là kim loại như nhôm đều cháy hàng trong bối cảnh nhiều nước phương Tây thắt chặt trừng phạt với Moscow. Những biến động giá cả này đã được dự báo từ trước, bởi "Nga cung cấp 30% lượng khí đốt và dầu cho châu Âu, đồng chời chiếm khoảng 11% sản lượng dầu thế giới", theo Shane Oliver, trưởng bộ phận chiến lược đầu tư của quỹ AMP.
Trong bối cảnh chiến sự tiếp diễn, phái đoàn Nga và Ukraine lên kế hoạch đàm phán ở biên giới Belarus-Ba Lan tối 3/3. Vòng đàm phán đầu tiên giữa Nga và Ukraine ở biên giới Belarus-Ukraine ngày 28/2 nhưng không đạt được đột phá nào.