Cơ hội nào hóa giải khủng hoảng Ukraine?

10:51 11/02/2022

Nỗ lực ngoại giao con thoi của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chưa mang lại kết quả rõ rệt nhằm hạ nhiệt cuộc khủng hoảng Ukraine. Cùng lúc đó, cả Nga, Ukraine và khối NATO đã tiếp tục có các hoạt động quân sự ở khu vực.

Nỗ lực của Pháp ít đột phá

Chỉ trong 3 ngày đầu tuần này, trong vai trò chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu (EU), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã xuất hiện ở thủ đô 3 quốc gia, gặp gỡ trực tiếp lãnh đạo của ít nhất 4 nước, gồm Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda để thảo luận về cuộc khủng hoảng đang tăng nhiệt xoay quanh tình hình ở Ukraine.

Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp với ông Putin, Tổng thống Macron cho hay, chuyến công du của ông đến Moscow đã “tạo giải pháp cho sự ổn định ở châu Âu” và nhà lãnh đạo Nga cam kết không leo thang căng thẳng. “Ông ấy nói với tôi rằng ông ấy sẽ không tiến hành leo thang và tôi nghĩ điều này là quan trọng”, ông Macron nói.

Xe tăng và binh sĩ Nga tham gia một hoạt động huấn luyện tác chiến thường xuyên.

Từ Kiev sau khi trò chuyện với người đồng cấp Zelensky, nhà lãnh đạo Pháp khẳng định, ông đã thấy hướng giải quyết căng thẳng giữa Nga và Ukraine; đồng thời đề cao triển vọng thúc đẩy các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Moscow và Kiev. Đứng cạnh Thủ tướng Đức và Tổng thống Ba Lan ở Berlin, ông Macron tiếp tục thể hiện vai trò tiên phong khi kêu gọi tiếp tục đối thoại “không chùn bước” với Nga để giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine. “Chúng ta phải cùng nhau tìm kiếm cách thức và phương tiện để đối thoại với Nga... vì đây là con đường duy nhất cho giải pháp hòa bình ở Ukraine”, ông Macron nói.

Tuy nhiên, khác với thái độ lạc quan của ông Macron, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitri Peskov đã bác bỏ thông tin về việc đã đạt được bất cứ thoả thuận hay cam kết bằng văn bản nào với Pháp. “Ở tình hình hiện tại, Moscow và Paris không thể đạt được thỏa thuận. Pháp là một quốc gia thuộc EU và thành viên NATO. Pháp không dẫn dắt NATO”, ông Peskov nói.

Tuyên bố này dường như ám chỉ rằng chỉ có Mỹ, quốc gia dẫn đầu khối quân sự NATO, là bên duy nhất có thể đứng ra đàm phán bất cứ thoả thuận giảm căng thẳng nào với Moscow. Về phần mình, Tổng thống Ukraine Zelensky cũng thể hiện thái độ kém lạc quan khi tuyên bố, ông không biết “bất cứ quốc gia châu Âu nào có thể gây áp lực lớn lên Nga”.

Trong diễn biến cho thấy tình hình chưa có dấu hiệu hạ nhiệt sau các nỗ lực của Pháp, cả Nga, Ukraine và NATO đã tiếp tục thể hiện lập trường thông qua các hoạt động quân sự.

Tờ The Washington Post ngày 9/2 dẫn thông tin từ Bộ Quốc phòng Nga cho hay, 6 tàu chiến của nước này đang từ Địa Trung Hải hướng đến biển Đen để tập trận cùng hơn 130 tàu chiến khác, 60 máy bay và khoảng 10.000 binh sĩ. Từ ngày 10/2, Nga và Belarus khởi động thêm một cuộc tập trận quy mô lớn ở Belarus với sự tham gia của hàng ngàn binh sĩ cùng khí tài cơ giới.

Cùng thời điểm, Ukraine xác nhận nước này cũng bắt đầu cuộc tập trận bắn đạn thật kéo dài 10 ngày, từ ngày 10/2, sử dụng máy bay không người lái và vũ khí chống tăng mà Mỹ và NATO cung cấp. Cách đây ít hôm, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba thông báo Kiev đã nhận được hơn 1.000 tấn vũ khí và vật tư quân sự từ các nước phương Tây. Từ phía NATO, Mỹ và Anh vẫn tiếp tục tăng cường lực lượng đến Ba Lan và Romania, động thái được mô tả là để bảo vệ sườn phía Đông của khối khỏi nguy cơ của cuộc khủng hoảng Ukraine.

Cánh cửa ngoại giao chưa đóng lại

Căng thẳng chưa hạ nhiệt, nhưng các bên vẫn tin rằng ngoại giao là con đường tốt nhất xử lý cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Ngày 9/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhấn mạnh, Moscow kì vọng các cuộc tiếp xúc sắp tới giữa các cố vấn chính trị với lãnh đạo các nước thuộc nhóm Bộ tứ Normandy (gồm Nga, Ukraine, Pháp và Đức) và phiên họp trực tuyến của Nhóm Tiếp xúc ba bên (gồm Nga, Ukraine và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu - OSCE) sẽ mang lại những tiến bộ tích cực trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine.

Bà Zakharova tin tưởng việc giảm leo thang ở Ukraine có thể đạt được nhanh chóng, nhưng để đạt được mục tiêu này, phương Tây cần phải ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine, triệu hồi các cố vấn quân sự khỏi nước này, tạm dừng các cuộc tập trận chung giữa các lực lượng vũ trang của Ukraine và các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ngoài ra, tất cả vũ khí nước ngoài đã chuyển cho Kiev trước đó phải được loại bỏ khỏi lãnh thổ Ukraine. Phía Nga cũng cho rằng chính quyền Kiev cần đối thoại trực tiếp với phe ly khai ở miền Đông.

Trong khi đó, EU ngày 9/2 một lần nữa đề nghị Nga tham gia các cuộc đàm phán trong khuôn khổ OSCE về các biện pháp tăng cường an ninh ở châu Âu. Trong thư gửi Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, các nước EU tin tưởng rằng căng thẳng và bất đồng có thể giải quyết thông qua đối thoại và ngoại giao. EU kêu gọi Nga rút bớt lực lượng khỏi biên giới Ukraine, từ Belarus và khẳng định sẵn sàng tiếp tục đối thoại với Nga nhằm tăng cường an ninh của “tất cả các bên”.

Theo DW, sau chuyến công du của Tổng thống Pháp, Thủ tướng Đức Scholz vào tuần tới cũng sẽ viếng thăm Ukraine và Nga. Ông Scholz dự kiến gặp gỡ Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 15/2. Trước chuyến đi, Thủ tướng Đức tin rằng căng thẳng với Nga có thể được hoá giải phần nào khi phương Tây thể hiện sự đoàn kết. 

Hai ngày sau cuộc gặp của ông Scholz và Tổng thống Putin, Hội đồng Bảo an LHQ ngày 17/2 đã có lịch tổ chức một cuộc thảo luận xung quanh việc thực thi thoả thuận Minsk đạt được bởi nhóm Bộ tứ Normandy năm 2014 về tình hình miền Đông Ukraine.

Giới quan sát kì vọng đây sẽ là dịp để các bên tìm thấy tiếng nói chung trong cách diễn giải văn kiện, từ đó tiếp tục cụ thể hoá các bước thực hiện thoả thuận trên một các thực chất. Trong các cuộc tiếp xúc gần nhất, Nga, Ukraine, Pháp và Đức đều tin rằng việc thực thi nghiêm túc thoả thuận Minsk là yếu tố then chốt xử lý cuộc khủng hoảng hiện nay.

Thiện Minh

Đêm 21/11 rạng sáng 22/11, các tổ công tác của Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) triển khai lực lượng tuần tra, xử lý xe quá tải lưu thông trên địa bàn đơn vị quản lý. Nhiều trường hợp vi phạm đã bị phát hiện xử lý, cánh tài xế “méo mặt” bởi mức phạt nặng.

Để chứng minh năng lực kinh nghiệm của mình, Liên danh Công ty cổ phần Xây lắp Thủy sản II và Công ty cổ phần Xây dựng vận tải đầu tư kinh doanh nhà Hải Đăng đã “phù phép” biến dự án xây dựng mà liên doanh đã thực hiện có tổng trị giá khoảng 59 tỷ đồng thành dự án 147 tỷ đồng để đủ điều kiện dự thầu và sau đó trúng thầu dự án có tổng trị giá hơn 190 tỷ đồng ở huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ngày 21/11 đã đề cử cựu Tổng chưởng lý bang Florida Pam Bondi, 59 tuổi, làm Tổng chưởng lý Mỹ, nhanh chóng thay thế cựu ứng cử viên Matt Gaetz sau khi ông này rút lui.

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文