Cơ sở để bình thường hóa quan hệ Nga – Mỹ
Quan chức ngoại giao cấp cao của Nga nhấn mạnh, Washington cần tôn trọng các lợi ích của Moscow nếu muốn cải thiện mối quan hệ song phương đã bị tổn hại.
Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn TASS của Nga hôm 13/8 (giờ địa phương), người đứng đầu Vụ Bắc Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao Nga Aleksandr Darchiev nhấn mạnh: "Tôi xin nói thẳng rằng chúng tôi không thấy có cơ sở để tìm kiếm các cuộc thoả hiệp với Mỹ - quốc gia hoàn toàn không có khả năng đàm phán. Tất nhiên, nếu cuối cùng phía Mỹ quay trở lại quan điểm chung và có cái nhìn đúng đắn về bối cảnh địa chính trị đang thay đổi, không phải thể hiện qua lời nói, mà bằng hành động, có thiện chí tôn trọng lợi ích quốc gia Nga, đó chính là cơ sở để dần bình thường hóa quan hệ giữa hai quốc gia".
Liên quan tới việc Mỹ và các đồng minh NATO đã áp đặt các lệnh trừng phạt sâu rộng đối với Nga sau khi Moscow triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt Ukraine, ông Aleksandr Darchiev cho rằng nỗ lực làm suy thoái nền kinh tế, cũng như việc tập hợp liên minh quốc tế đối phó với Nga, đã thất bại.
Nhà ngoại giao này nêu rõ: "Chúng tôi đang bình tĩnh đáp trả và không tìm kiếm các cuộc đàm phán". Ông cũng cảnh báo, nếu Quốc hội Mỹ thông qua tuyên bố Nga là quốc gia bảo trợ cho chủ nghĩa khủng bố, điều đó có nghĩa là Mỹ sẽ vượt qua điểm không thể quay đầu. Hậu quả của động thái này sẽ là quan hệ ngoại giao song phương có thể bị hạ thấp, hoặc thậm chí tan vỡ.
Cuối tháng 7 vừa qua, Thượng viện Mỹ đã nhất trí thông qua nghị quyết không ràng buộc, kêu gọi Bộ Ngoại giao chỉ định Nga là "quốc gia bảo trợ cho chủ nghĩa khủng bố". Điện Kremlin cho rằng động thái này sẽ chỉ làm căng thẳng thêm mối quan hệ giữa hai quốc gia.
Bên cạnh đó, ông Aleksandr Darchiev nhấn mạnh, việc Mỹ thu giữ tài sản của Nga sẽ phá hủy quan hệ giữa hai nước. Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh các quan chức hàng đầu của phương Tây đề nghị đóng băng nhiều tài sản của Nga để tài trợ cho dự án tái thiết Ukraine trong tương lai. Quan chức ngoại giao Nga nêu rõ: "Chúng tôi đã cảnh báo với phía Mỹ rằng những hành động như trên sẽ làm tổn hại vĩnh viễn quan hệ song phương. Điều này không có lợi cho cả Mỹ lẫn Nga". Tuy nhiên, ông không đề cập đến loại tài sản nào của Nga đang có nguy cơ bị đóng băng. Mỹ và các đồng minh đã đóng băng khoảng 30 tỷ USD tài sản của những tỷ phú Nga được cho là có quan hệ với Tổng thống Nga Vladimir Putin, bao gồm du thuyền, trực thăng, bất động sản và tác phẩm nghệ thuật, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết.
Bộ Tư pháp Mỹ đang đề nghị Quốc hội trao thêm quyền để tịch thu tài sản của các tỷ phú Nga nhằm gây thêm sức ép lên Moscow, một công tố viên Mỹ cho biết tháng trước. Ngoài ra, ông Aleksandr Darchiev cho biết can dự của Nhà Trắng vào tình hình tại Ukraine đã gia tăng đến mức Mỹ ngày càng trở thành một bên tham gia trực tiếp trong cuộc xung đột.
Liên quan đến vấn đề Ukraine, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov đã cáo buộc Washington "đổ thêm dầu vào lửa" trong cuộc xung đột ở Ukraine. Ông cho rằng chính quyền Tổng thống Joe Biden không quan tâm đến một giải pháp hòa bình cho cuộc chiến. Bình luận trên của ông Antonov được đưa ngay sau khi Nhà Trắng thông báo về một gói viện trợ quân sự bổ sung trị giá 1 tỷ USD cho Ukraine. Đây được xem là gói viện trợ quân sự lớn nhất mà Mỹ cung cấp cho Ukraine kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt hồi cuối tháng 2.
Nhà ngoại giao Nga cho rằng việc Mỹ phân bổ thêm 1 tỷ USD viện trợ quân sự cho chính phủ Ukraine chứng tỏ "Washington không có ý định lắng nghe nguyên nhân và sẽ không góp phần vào việc giải quyết cuộc khủng hoảng một cách hòa bình". Ông cũng bày tỏ sự hoài nghi đặc biệt đối với lời giải thích của chính quyền Tổng thống Joe Biden rằng việc cung cấp thêm vũ khí sẽ củng cố vị thế của Ukraine trong bất kỳ cuộc đàm phán nào trong tương lai với Nga.
"Về nguyên tắc, không rõ làm thế nào để có thể đề cập đến việc đàm phán khi mục tiêu duy nhất của Mỹ là kéo dài cuộc xung đột càng lâu càng tốt", ông nói. Đại sứ Anatoly Antonov cũng bác bỏ quan điểm cho rằng các lực lượng Ukraine có thể làm kiệt quệ Nga và giành chiến thắng trên chiến trường với sự hỗ trợ của các gói viện trợ vũ khí bổ sung từ phương Tây, gọi đó là điều không thực tế. Ông cho rằng việc Chính phủ Ukraine tin vào kịch bản này sẽ làm tăng con số thương vong trong cuộc xung đột, đồng thời cảnh báo Mỹ đang "ngày càng bị cuốn vào cuộc xung đột, tiến gần đến ranh giới nguy hiểm trong cuộc đối đầu với Nga".
Nhà ngoại giao Nga cáo buộc lực lượng Ukraine sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp để tấn công vào khu vực dân cư ở Donbass, cũng như khiến toàn bộ châu Âu rơi vào tình trạng nguy hiểm nghiêm trọng khi tấn công nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia do Nga kiểm soát.
Trong một diễn biến liên quan, trả lời phỏng vấn tờ Wall Street Journal ngày 13/8, cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger cho rằng Washington đã từ chối đường lối ngoại giao truyền thống và việc thiếu vắng một nhà lãnh đạo có uy thế đã đẩy thế giới tới bờ vực chiến tranh vì Ukraine và Đài Loan (Trung Quốc). Nhà ngoại giao này đã nêu chi tiết về vai trò của phương Tây trong cuộc xung đột Ukraine trong một cuốn sách gần đây nói về các nhà lãnh đạo nổi tiếng thời hậu Thế chiến II. Ông mô tả quyết định của Moscow về việc tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi cuối tháng 2 là vì an ninh của chính nước này, vì việc Kiev gia nhập NATO sẽ đưa vũ khí của liên minh đến phạm vi cách Nga 480 km.
Ngược lại, việc Ukraine hoàn toàn nằm trong ảnh hưởng của Nga sẽ không giúp ích gì nhiều để "xoa dịu nỗi sợ hãi lịch sử của châu Âu về sự thống trị của Nga". Theo ông, các nhà ngoại giao ở Kiev và Washington nên cân bằng những lo ngại này. Ông cũng mô tả cuộc xung đột hiện tại ở Ukraine là "kết quả tự nhiên của một cuộc đối thoại chiến lược thất bại". Ông Henry Kissinger cho rằng phương Tây lẽ ra phải coi trọng các yêu cầu an ninh của Tổng thống Nga Vladimir Putin và nói rõ rằng, Ukraine sẽ không được chấp nhận gia nhập liên minh NATO.
Ông Henry Kissinger nói rằng các nhà lãnh đạo Mỹ hiện đại có xu hướng coi ngoại giao là có "mối quan hệ cá nhân với kẻ thù", và "tìm cách thay đổi hoặc lên án người đối thoại hơn là thấu hiểu suy nghĩ của họ". Ông lập luận rằng Mỹ nên tìm kiếm "sự cân bằng" với Nga và Trung Quốc. Hiện nay, Washington không còn ở vị thế đứng về phía Moscow hay Bắc Kinh để chống lại bên kia.