Cộng đồng quốc tế đi tìm tương lai cho Dải Gaza
Ngoại trưởng các cường quốc nhóm G7 nhất trí đóng vai trò tích cực nhằm khôi phục tiến trình hòa bình Trung Đông và định hình tương lai bền vững cho Dải Gaza. Trong khi đó, Arab Saudi tổ chức loạt hội nghị thượng đỉnh cùng các nước Arab và Hồi giáo nhằm tìm lối thoát cho xung đột Israel-Hamas.
Bộ Ngoại giao Nhật Bản ngày 8/11 ra thông cáo xác nhận Ngoại trưởng các cường quốc nhóm G7 đã kết thúc loạt phiên làm việc kéo dài 2 ngày tại thủ đô Tokyo với một trong những nội dung thảo luận chính là tình hình Dải Gaza. Trong thông cáo chung của hội nghị, G7 kêu gọi các bên tạm dừng bắn nhân đạo tại Dải Gaza để tăng cường hoạt động viện trợ người dân Palestine mắc kẹt trong chiến sự giữa Israel và phong trào vũ trang Hamas.
Theo AP, dưới sự điều phối của Nhật Bản, các nước G7 cũng đã bàn bạc về kế hoạch khôi phục các tiến trình hòa bình ở Trung Đông và định hình một tương lai bền vững hơn cho Dải Gaza sau khi tình hình chiến sự hạ nhiệt.
Thông tin về kế hoạch thực hiện tham vọng của G7 chưa được công bố nhưng động thái đó vẫn được xem là chỉ dấu rất tích cực. Hầu hết các nước G7 đều từng lên tiếng ủng hộ giải pháp hai nhà nước nhằm xử lý cuộc khủng hoảng giữa Israel và Palestine, dù chưa thiết kế được cơ chế đối thoại nào nhằm đưa các bên vào bàn đàm phán. Trong bài phát biểu ngày 7/11 trước khi gặp gỡ những người đồng cấp G7, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định, G7 cần cùng đối mặt cuộc khủng hoảng ở Dải Gaza và đưa ra tiếng nói chung rõ ràng. Tuần trước, Ngoại trưởng Nhật Bản Yoko Kamikawa đã có chuyến công du Trung Đông, gặp những nhân vật chủ chốt của Israel và Palestine để thuyết phục các bên mở đường hợp tác nhằm cải thiện tình hình nhân đạo với người Palestine. Tokyo mới đây cũng công bố gói viện trợ đáng kể trị giá 65 triệu USD dành cho dân thường tại Dải Gaza.
Cùng ngày, Reuters dẫn lời Bộ trưởng Đầu tư Arab Saudi Khalid Al-Falih thông báo, Riyadh ngay trong tuần này sẽ triệu tập 3 hội nghị thượng đỉnh liên tiếp, cuộc đầu tiên với sự tham dự của lãnh đạo thế giới Arab, cuộc thứ hai cùng các nước châu Phi và một hội nghị thượng đỉnh Hồi giáo. Đáng chú ý, hội nghị của các nước Hồi giáo, dự kiến diễn ra ngày 12/11, sẽ có sự góp mặt của Tổng thống Iran Ibrahim Raisi. Iran lâu nay duy trì quan hệ gần gũi với lực lượng Hamas. "Trong ngắn hạn, mục tiêu tổ chức 3 hội nghị thượng đỉnh này và các cuộc họp khác dưới sự dẫn dắt của Arab Saudi sẽ là hướng tới giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột", ông Al-Falih nêu rõ.
Trong khi tiếng nói của G7 có sức nặng đáng kể với Israel và Palestine; các thông điệp của thế giới Arab và các quốc gia Hồi giáo có ảnh hưởng lớn tới mọi triển vọng đạt được đồng thuận tầm quốc tế cũng như khu vực để xử lý cuộc khủng hoảng hiện nay ở Dải Gaza, nơi phần lớn dân cư là người Palestine theo đạo Hồi.
Một tháng kể từ khi xung đột nổ ra, Israel vẫn kiên quyết với mục tiêu "xóa sổ" lực lượng Hamas. New York Times ngày 8/11 dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant xác nhận lực lượng mặt đất nước này đã "tiến tới trung tâm thành phố Gaza" và đang "thắt chặt gọng kìm" xung quanh khu vực được mô tả là thành trì của Hamas, đồng thời duy trì không kích các mục tiêu khác trên khắp Dải Gaza. Ở chiều ngược lại, Hamas chống cự quyết liệt các cuộc tấn công của Israel.
Giới quan sát đánh giá, với sức mạnh quân sự vượt trội, Israel áp đảo Hamas trong cuộc xung đột hiện nay. Tuy nhiên, mục tiêu "xóa sổ" Hamas chắc chắn không diễn ra dễ dàng. Israel chưa đưa ra thông điệp rõ ràng về kế hoạch dài hạn của họ với Dải Gaza sau khi xung đột chấm dứt. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm 6/11 tuyên bố Tel Aviv sẽ chịu trách nhiệm về an ninh ở Dải Gaza "trong một thời gian không xác định".
Không lâu sau, Ngoại trưởng Israel Eli Cohen nói với tờ Wall Street Journal rằng, Israel muốn vùng lãnh thổ này nằm dưới sự quản lý của một liên minh quốc tế, bao gồm Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), các cường quốc Hồi giáo hoặc lãnh đạo chính trị của người Palestine ở Dải Gaza. Đến ngày 8/11, cố vấn cấp cao của Chính phủ Israel, ông Mark Regev cho biết, Israel "hy vọng các nước Arab có thể cùng tham gia xây dựng lại Gaza phi quân sự thời hậu Hamas". Theo Reuters, giới ngoại giao ở Mỹ, Liên hợp quốc (LHQ), Trung Đông đang cân đối các lựa chọn.
Trong khi cộng đồng quốc tế đang bước những bước đầu tiên để định hình một tương lai phù hợp cho Gaza, tình hình nhân đạo ở dải đất này diễn biến ngày càng xấu đi. Ngoài việc thiếu thực phẩm, nước uống, nhiều bệnh viện ở Dải Gaza buộc phải đóng cửa vì không có năng lượng và vật tư y tế. Tại một số cơ sở, các bác sĩ phẫu thuật mà không có thuốc gây mê. Israel gần đây ngừng tấn công khoảng 4 giờ vào giữa trưa mỗi ngày để dân thường Palestine sơ tán về phía Nam Dải Gaza. Tuy nhiên, hàng trăm ngàn người vẫn mắc kẹt ở thành phố Gaza và các khu vực lân cận khác phía Bắc dải đất.
Tính đến sáng 8/11, thiệt mạng về người tại Dải Gaza đã vượt 10.000 với phần lớn nạn nhân là phụ nữ và trẻ em. Bên phía Israel, số người thiệt mạng vào khoảng 1.400, cũng chủ yếu là dân thường, và hơn 240 người bị Hamas bắt giữ. Trong số những sinh mạng mất đi trong chiến sự Israel-Hamas còn bao gồm hơn 160 nhân viên y tế và 89 thành viên cơ quan cứu trợ của LHQ làm việc tại Dải Gaza. "Số thương vong đó cao hơn bất cứ giai đoạn nào trong lịch sử LHQ", Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres nói.