Cú hích nội địa, áp lực toàn cầu

08:16 28/03/2025

Hôm 26/3 (giờ Mỹ), tức rạng sáng 27/3 (giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp mức thuế 25% đối với tất cả các dòng ôtô và phụ tùng ôtô nhập khẩu. Động thái này không chỉ khiến ngành công nghiệp ôtô toàn cầu rúng động mà còn khiến giới chuyên gia phải nhìn nhận lại chiến lược công nghiệp của Mỹ trong bối cảnh cạnh tranh địa kinh tế ngày càng gay gắt.

Tuy nhiên, việc nhắm mục tiêu vào ôtô nhập khẩu có thể trở thành nguồn cơn gây căng thẳng trong quan hệ của Mỹ với các đối tác thân thiết.

"Chúng tôi sẽ áp thuế 25% với tất cả các xe không được sản xuất tại Mỹ. Quyết định sẽ có hiệu lực từ ngày 2/4. Chúng tôi sẽ thu từ ngày 3/4", Reuters dẫn lời Tổng thống Trump tuyên bố trong một sự kiện tại Phòng Bầu dục hôm 26/3. Tuyên bố của Washington cũng thêm rằng các phụ tùng và thiết bị dùng cho việc lắp ráp xe được sản xuất tại Mỹ cũng không phải chịu khoản thuế này. Còn các loại phụ tùng nhập khẩu sẽ được hoãn áp thuế trong vòng một tháng, nhưng không muộn hơn ngày 3/5.

Việc tăng thuế với các loại ôtô nhập khẩu là điều mà ông Trump đã cam kết với các cử tri ngay trong chiến dịch tranh cử vừa qua. Trước hết, chính sách này được kỳ vọng sẽ giúp chính phủ Mỹ thu về khoảng 100 tỷ USD mỗi năm - nguồn ngân sách quan trọng trong bối cảnh thâm hụt tài khóa gia tăng. Thứ hai, các doanh nghiệp nước ngoài nếu muốn tiếp cận thị trường Mỹ - thị trường ôtô lớn thứ hai thế giới, sẽ phải cân nhắc nghiêm túc việc chuyển dây chuyền lắp ráp vào nội địa Mỹ. Điều này có thể tạo ra làn sóng đầu tư trực tiếp mới, thúc đẩy hoạt động sản xuất và thị trường lao động trong nước.

trump.jpg -0
Mỹ áp thuế 25% với toàn bộ ôtô nhập khẩu từ ngày 3/4 và với các loại phụ tùng ôtô nhập khẩu là không quá ngày 3/5. Ảnh minh họa.

Giới chuyên gia nhận định, chính sách thương mại nêu trên thực chất là một phần trong chiến lược khôi phục năng lực sản xuất nội địa mà chính quyền ông Trump từng theo đuổi ở nhiệm kỳ đầu. Trong thập kỷ qua, Mỹ chứng kiến sự suy giảm vai trò của công nghiệp chế tạo, đặc biệt trong lĩnh vực ôtô, khi nhiều nhà sản xuất lớn chuyển sang các quốc gia có chi phí thấp hơn như Mexico hoặc Canada. Theo Bloomberg, việc áp thuế 25% với ôtô nhập khẩu của Mỹ là một bước ngoặt lớn trong tư duy chiến lược công nghiệp của quốc gia này. Dù có thể tạo ra cú hích mạnh mẽ cho sản xuất nội địa và khẳng định lập trường "nước Mỹ trên hết", nhưng nó cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro về tăng giá tiêu dùng, bất ổn chuỗi cung ứng và căng thẳng thương mại toàn cầu.

Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Mỹ, mức thuế 25% sẽ làm giá trung bình mỗi xe nhập khẩu tăng thêm từ 3.000 - 5.000 USD, tùy thuộc vào loại xe và thị trường. Hệ quả là người tiêu dùng Mỹ vốn đã quen với các lựa chọn phong phú và mức giá cạnh tranh, sẽ chịu thiệt trực tiếp. Trước đó, năm 2024, Mỹ nhập khẩu một lượng ôtô các loại trị giá tới 474 tỷ USD, trong đó kim ngạch nhập khẩu xe chở khách là 220 tỷ USD. Thêm vào đó, chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đã bị gián đoạn trong giai đoạn hậu đại dịch COVID-19 và căng thẳng địa chính trị tại châu Âu - Trung Đông, có thể tiếp tục đối mặt với thách thức khi các hãng buộc phải tái cơ cấu sản xuất theo hướng "khu vực hóa" để thích nghi với các rào cản thuế quan.

Nhà phân tích Sam Fiorani tại AutoForecast Solutions bình luận: "Các công ty đã đầu tư hàng trăm triệu và hàng tỉ USD vào các nhà máy ở Canada và Mexico có thể sẽ thấy lợi nhuận của họ bị cắt giảm đáng kể trong vài quý tới, nếu không muốn nói là trong vài năm".

Quyết định của Mỹ ngay lập tức vấp phải chỉ trích từ Liên minh châu Âu (EU), Canada, Nhật Bản - những đối tác thương mại lớn trong ngành ôtô. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cảnh báo đây là "tin xấu cho doanh nghiệp, và tin tồi tệ hơn đối với người tiêu dùng". Thủ tướng Canada Mark Carney thậm chí gọi đây là "đòn tấn công trực diện" vào người lao động nước này. Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba ngày 27/3 thì cho biết, chính phủ nước này đang cân nhắc các "biện pháp phù hợp" để đáp trả.

Theo một số nguồn thạo tin, các bộ trưởng Nhật Bản đã vận động hành lang với những người đồng cấp ở Mỹ để được miễn trừ thuế quan đối với các mặt hàng như thép và ôtô, nhưng những yêu cầu này đã bị từ chối. Trong khi đó, dù bày tỏ sự thất vọng với kế hoạch áp thuế mới của Mỹ, Hiệp hội các nhà sản xuất và kinh doanh ô tô Anh (SMMT) kêu gọi hai bên đàm phán để đạt được một thỏa thuận cùng có lợi. Giám đốc điều hành SMMT Mike Hawes nhấn mạnh, thay vì áp đặt thêm thuế quan, hai bên nên tìm kiếm các biện pháp để tạo ra cơ hội cho cả các nhà sản xuất Anh và Mỹ, trong khuôn khổ một mối quan hệ cùng có lợi, đem lại lợi ích cho người tiêu dùng, tạo việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho cả hai bờ Đại Tây Dương.

Được biết, thị trường đã có phản ứng đối với mức thuế Mỹ công bố, khi giá cổ phiếu của các công ty trong ngành công nghiệp này ghi nhận giảm mạnh. Trong giao dịch ngoài giờ, cổ phiếu của công ty sản xuất ôtô Mỹ General Motors (GM) ghi nhận giảm 8%. Cổ phiếu của Ford và Stellantis giảm khoảng 4,5%. Tại châu Á, cổ phiếu của Toyota, nhà sản xuất ôtô bán chạy nhất thế giới, có thời điểm giảm gần 3,5%, trong khi Nissan giảm 2,5% và Honda giảm tới 3,1%. Cổ phiếu của Mitsubishi Motors giảm 4,5%, Mazda giảm 5,9% và Subaru giảm 6,1%.

Tại Hàn Quốc, cổ phiếu của Hyundai giảm 2,7%. Cùng lúc đó, cổ phiếu của Tesla - công ty xe điện của tỷ phú Elon Musk cũng giảm 1,3%. Trong công bố hôm 26/3, ông Trump cho biết mức thuế này có thể là mức trung tính hoặc thậm chí là tốt cho Tesla, đồng thời thông tin rằng đồng minh thân cận Elon Musk đã không cố vấn cho ông về thuế quan đối với ôtô.

Kim Khánh

Mỹ và Trung Quốc ngày 12/5 đã nhất trí đình chỉ hầu hết các mức thuế đối với hàng hóa của nhau trong một động thái cho thấy căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang có dấu hiệu lắng dịu.

Với vai trò là Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty Cổ phần dược Sơn Lâm, bị can Phạm Văn Cách đã có hành vi cấu kết với bị can Nguyễn Mạnh Quyền, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần y dược LanQ, dùng thủ đoạn gian dối, lừa đảo chiếm đoạt hơn 18 tỷ đồng của Bảo hiểm xã hội tỉnh Bắc Giang và của người dân cùng chi trả. 

Ngày 12/5, Đội CSGT số 14 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) triển khai tổ công tác thực hiện kế hoạch tuần tra đảm bảo TTATGT tại địa bàn quận Hoàng Mai và huyện Thanh Trì (Hà Nội), trong đó tập trung xử lý vi phạm đối với các phương tiện xe ba gác, xe tự chế chở hàng hóa cồng kềnh gây mất ATGT khiến người dân bức xúc.

Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Bộ Công an đang điều tra vụ án "Tổ chức đánh bạc; đánh bạc" xảy ra tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố. Để phục vụ công tác điều tra vụ án, Cơ quan ANĐT Bộ Công an tiếp tục kêu gọi các cá nhân ra trình diện, hợp tác với Cơ quan ANĐT Bộ Công an, làm rõ các nội dung có liên quan đến vụ án để được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật

Chiều 12/5, Thượng tá Huỳnh Minh Thơ, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an tỉnh Hậu Giang cho biết đơn vị vừa phối hợp các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh triệt phá 2 nhóm thanh niên đánh nhau, thu giữ nhiều súng, ma túy và hung khí nguy hiểm. 

Liên quan vụ sụp lún đường dẫn cầu Hòa Bình xảy ra trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, Cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản gửi Khu Quản lý đường bộ IV và Sở Xây dựng tỉnh Tây Ninh, yêu cầu khắc phục giao thông để đảm bảo an toàn, thông suốt. Công an tỉnh Tây Ninh đang phối hợp cùng các cơ quan chức năng khác điều tra, trưng cầu giám định để làm rõ chất lượng công trình.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ban hành kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An. Trong đó, bị can Phạm Thái Hà (cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cựu Trợ lý Chủ tịch Quốc hội) bị cáo buộc gây thiệt hại cho Nhà nước 96,8 tỷ đồng và hưởng lợi 750 triệu đồng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.