Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Nga - Trung mang nội dung gì?
Cuộc gặp Thượng đỉnh giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Moscow đánh dấu cuộc gặp lần thứ 40 giữa hai nhà lãnh đạo này. Cuộc trao đổi giữa hai nhà lãnh đạo kéo dài 4 tiếng rưỡi ngày 20/3 (giờ địa phương) và những cuộc trao đổi tiếp theo tiếp tục diễn ra vào ngày 21/3.
Cuộc gặp lần thứ 40
Tại cuộc gặp, Tổng thống Vladimir Putin đánh giá cao những bước nhảy vọt trong sự phát triển của Trung Quốc. Trong khi đó, Chủ tịch Tập Cận Bình gọi người đứng đầu Điện Kremlin là “người bạn thân thiết” và cho rằng sự phát triển của Nga đã “được cải thiện đáng kể”.
Liên quan đến Ukraine, Tổng thống Vladimir Putin một lần nữa khẳng định với Chủ tịch Tập Cận Bình rằng ông “luôn cởi mở với tiến trình đàm phán”. “Chúng tôi đã nghiên cứu cẩn thận các đề xuất của Trung Quốc để giải quyết cuộc khủng hoảng nghiêm trọng ở Ukraine. Tất nhiên, chúng tôi sẽ nhân cơ hội để thảo luận về vấn đề này”, ông nhấn mạnh. Ông đánh giá cao Bắc Kinh luôn duy trì lập trường khách quan và cân bằng trong nhiều vấn đề lớn của quốc tế. Nga đã nghiên cứu kỹ lập trường của Trung Quốc về giải pháp chính trị cho vấn đề Ukraine và sẵn sàng đàm phán vì hòa bình. Nga hoan nghênh Trung Quốc đóng vai trò xây dựng trong vấn đề này.
Trong khi đó, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh về vấn đề Ukraine, đa phần các quốc gia ủng hộ việc giảm bớt căng thẳng, ủng hộ các cuộc đàm phán hòa bình và phản đối các hành động khiến tình hình leo thang. Lịch sử cho thấy rằng các xung đột cuối cùng phải được giải quyết thông qua đối thoại và đàm phán. Nhà lãnh đạo Bắc Kinh nêu rõ Trung Quốc đã công bố một tài liệu về lập trường của mình đối với cuộc khủng hoảng Ukraine, ủng hộ giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng và bác bỏ tâm lý Chiến tranh Lạnh cũng như các biện pháp trừng phạt đơn phương.
Chuyến thăm Nga của Chủ tịch Tập Cận Bình đã làm dấy lên hy vọng sẽ có một vài đột phá nhằm chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine hiện đã bước sang năm thứ hai và khiến hàng chục nghìn người thương vong. Những hy vọng này lóe lên không chỉ bởi vai trò trung gian hòa giải của Trung Quốc trong thỏa thuận hòa bình giữa Saudi Arabia và Iran cũng như văn kiện lập trường 12 điểm về cuộc khủng hoảng ở Ukraine mà còn bởi những thông tin cho biết, sau cuộc gặp Thượng đỉnh với Tổng thống Vladimir Putin, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ có cuộc trao đổi trực tuyến với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Nếu điều này diễn ra, đó sẽ là cuộc trao đổi đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo này kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine vào cuối tháng 2 năm ngoái. Nhận định trên tờ Rossiiskaya Gazeta của Nga, Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng, tài liệu lập trường của Trung Quốc về xung đột ở Ukraine “đóng vai trò như một nhân tố mang tính xây dựng nhằm chấm dứt khủng hoảng và thúc đẩy giải pháp chính trị”.
Theo ông, các bên có thể tìm thấy một lối thoát hợp lý cho cuộc khủng hoảng Ukraine, cũng như một con đường dẫn đến hòa bình lâu dài và an ninh toàn cầu nếu cùng theo đuổi khái niệm an ninh chung toàn diện và bền vững, đồng thời tiếp tục đối thoại và tham vấn trên cơ sở bình đẳng, khôn ngoan và thực dụng. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng nhấn mạnh Bắc Kinh duy trì quan điểm khách quan về cuộc khủng hoảng Ukraine và đóng vai trò xây dựng trong việc thúc đẩy các cuộc đàm phán. Trên thực tế, hiện nay Trung Quốc dường như đang ở vị trí thuận lợi hơn hầu hết các quốc gia khác để đóng vai trò trung gian hòa giải.
Đề cao sự tin cậy
Chuyến thăm Nga lần này của Chủ tịch Tập Cận Bình mang ý nghĩa đặc biệt và tính biểu tượng cao trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động. Đối với Nga, đây là chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo một cường quốc thế giới kể từ khi Moscow triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine tháng 2/2022. Còn đối với Chủ tịch Tập Cận Bình, đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi ông tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba. Cách đây tròn 10 năm, tháng 3/2013, Nga cũng là điểm đến đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Tập Cận Bình trên cương vị Chủ tịch nước. Điều đó phần nào thể hiện sự gần gũi và tin tưởng lẫn nhau giữa hai nước láng giềng được cho là có nhiều điểm song trùng về lợi ích
Trợ lý của Tổng thống Nga Yury Ushakov cho biết, trong khuôn khổ chuyến thăm, hai nhà lãnh đạo sẽ tập trung thảo luận các biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện và hợp tác chiến lược phát triển hơn nữa, trong đó dự kiến thảo luận về Sáng kiến Vành đai con đường và Liên minh kinh tế Á - Âu. Có thể thấy rõ, thương mại song phương giữa Nga và Trung Quốc đã bùng nổ trong thời gian gần đây. Trong giai đoạn tháng 1 và 2/2023, kim ngạch thương mại giữa hai nước đã tăng 25,9% so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 33,69 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu của Nga sang Trung Quốc trong hai tháng tăng 31,3% - lên 18,65 tỷ USD, nhập khẩu vào Nga tăng 19,8%, đạt mức 15,04 tỷ USD. Đáng chú ý, năm ngoái, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đã tăng tới 29,3%, đạt 190,27 tỷ USD.
Trong bối cảnh hàng loạt doanh nghiệp phương Tây rút khỏi “xứ sở Bạch dương”, đồng thời Moscow phải chịu hàng nghìn biện pháp trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), kim ngạch thương mại giữa Nga và Trung Quốc đang ngày càng phát triển mạnh mẽ. Trung Quốc hiện là nước nhập khẩu nhiều dầu thô nhất từ Nga, đồng thời mua một lượng lớn khí đốt qua tuyến đường ống dẫn khí đốt “Sức mạnh Siberia”. Trong khi đó, khối lượng hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Nga cũng tăng mạnh.
Có thể nói chuyến thăm lần này của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Moscow sẽ càng đem lại thêm lợi ích cho các doanh nhân Trung Quốc, đồng thời đáp ứng lợi ích của Nga. Chuyến thăm Nga cũng đã tạo nền tảng để hai bên làm sâu sắc hơn sự hợp tác chiến lược, hiện đã mở rộng từ hợp tác ngoại giao đến tập trận chung và trao đổi thương mại. Qua chuyến thăm, Trung Quốc cũng tìm cách thể hiện vai trò và ảnh hưởng trên trường quốc tế.