Cuộc tập trận mang thông điệp cứng rắn

06:08 13/05/2024

Hồi cuối tuần qua, Bộ Quốc phòng Nga ra thông cáo cho biết Tổng thống Vladimir Putin đã lệnh cho Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nga chuẩn bị tiến hành diễn tập sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật. Bộ trên khẳng định, cuộc diễn tập nhằm bảo đảm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời nói rằng đây là "biện pháp phản ứng với những tuyên bố khiêu khích và lời đe dọa nhằm vào Nga từ một số quan chức phương Tây".

Trong thông cáo, Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ: "Các đơn vị tên lửa thuộc Quân khu miền Nam sẽ tiến hành diễn tập, nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng và năng lực chiến đấu của lực lượng hạt nhân phi chiến lược. Cuộc diễn tập sẽ diễn ra trong tương lai gần, có sự tham gia của không quân và hải quân". Theo cơ quan này, cuộc tập trận sẽ hướng đến "duy trì khả năng sẵn sàng của quân nhân cũng như các trang thiết bị đối với việc sử dụng các vũ khí hạt nhân chiến thuật để phản ứng, cũng như đảm bảo chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Nga".

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga mô tả cuộc tập trận tên lửa hạt nhân chiến thuật sắp tới là nỗ lực của Moscow nhằm "hạ nhiệt những cái đầu nóng" ở các nước phương Tây về việc đe dọa triển khai bộ binh tới Ukraine và thực hiện các bước đi khác có nguy cơ leo thang cuộc chiến ở Ukraine thành một cuộc xung đột toàn diện giữa Nga và NATO. Bộ trên nhấn mạnh: "Cuộc tập trận phải được xem xét trong bối cảnh những tuyên bố gây hấn gần đây của các quan chức phương Tây và hành động gây bất ổn mạnh mẽ được một số nước NATO thực hiện nhằm gây áp lực với Nga bằng vũ lực và tạo thêm mối đe dọa đối với an ninh của đất nước chúng ta liên quan đến cuộc xung đột trong và xung quanh Ukraine". Theo Bộ Ngoại giao Nga, cuộc tập trận sẽ giúp NATO nhận ra những hậu quả thảm khốc có thể xảy ra do những rủi ro chiến lược mà họ tạo ra, đồng thời ngăn chặn họ vừa hỗ trợ chính quyền Kiev trong các hành động tấn công vừa bị lôi kéo vào một cuộc đối đầu vũ trang trực tiếp với Nga.

Tên lửa Iskander-K của Nga được phóng trong một cuộc tập trận quân sự. Ảnh: AP

Về phần mình, Điện Kremlin cho biết, các cuộc tập trận theo kế hoạch của quân đội Nga liên quan đến các vũ khí hạt nhân chiến thuật có liên hệ trực tiếp với những tuyên bố của các quan chức Pháp, Anh và Mỹ về "khả năng sẵn sàng triển khai quân đội ở Ukraine". Những hành vi khiêu khích này "cần sự chú ý và các biện pháp đặc biệt", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nêu rõ khi được hỏi về mục đích các cuộc tập trận sắp tới.

Cuộc tập trận của Nga diễn ra trong bối cảnh Steadfast Defender - cuộc tập trận quân sự lớn nhất của NATO kể từ những năm 1980 đang diễn ra khắp châu Âu, bao gồm cả những khu vực gần biên giới Nga và những căng thẳng gia tăng giữa Moscow với phương Tây. Trong khi đó, trước nguy cơ Ukraine có thể mất các vị trí quan trọng trong cuộc xung đột với Nga, tại Kiev, Washington và Brussels, nỗi lo ngại ngày càng sâu sắc việc tình hình có thể vượt ngoài tầm kiểm soát của quân đội Ukraine. Không giống như tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đầu đạn hạt nhân có thể phá hủy toàn bộ các thành phố, các vũ khí hạt nhân chiến thuật được sử dụng để đối phó với quân đội trên chiến trường với khả năng ít mạnh mẽ hơn. Chúng cũng không phải là mục tiêu của các hiệp ước kiểm soát vũ khí giữa Moscow và Washington. Nga không công bố số lượng cũng như các loại vũ khí hạt nhân chiến thuật cụ thể. Theo hãng tin Sputnik, những vũ khí hạt nhân chiến thuật có thể được phóng từ các hệ thống sử dụng cho các loại vũ khí theo quy ước, bao gồm hệ thống tên lửa Iskander-M, các tên lửa hành trình Kalibr và Kh-59 cũng như các loại tên lửa và bom do các phương tiện trên không chiến thuật và chiến lược của Nga triển khai; các tàu ngầm tên lửa hành trình lớp Yasen cùng một loạt hệ thống pháo theo quy ước, trong đó có các lựu pháo Msta-S, Akatsiya, Giatsint-S, Pion, Malka, Tyulpan; đại bác và súng cối. Đạn hạt nhân chiến thuật cũng có thể được trang bị trên các hệ thống phòng thủ tên lửa chiến thuật của Nga, trong đó có hệ thống cố định A-135 đang bảo vệ Moscow, cũng như các hệ thống di động S-300 và S-400.

Theo các chuyên gia, Moscow giới hạn việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật cũng nghiêm ngặt như vũ khí hạt nhân chiến lược, đó là chỉ sử dụng để phản ứng trước các hành vi gây hấn chống lại nước Nga sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí hủy diệt hàng loạt, hay các hành vi gây hấn theo quy ước nghiêm trọng tới mức đe dọa sự thống nhất của nhà nước Nga. "Các cuộc tập trận sử dụng loại vũ khí này được tiến hành lần gần đây nhất là từ thời Liên Xô. Vì vậy, cần phải tiến hành tập trận để những người vận hành chúng biết cách phản ứng và sử dụng những vũ khí này", ông Alexei Leonkov - chuyên gia công nghệ quốc phòng, đồng thời là một nhà quan sát quân sự nhận định. Nhà quan sát này cho rằng, đây sẽ không phải là cuộc tập trận đạn hạt nhân thật giữa bối cảnh Nga tiếp tục tuân thủ cam kết không tham gia thử nghiệm bất kỳ loại vũ khí hạt nhân nào. "Nếu chúng ta nói về chính sách đối ngoại thì như Người phát ngôn Điện Kremlin đã phát biểu, đây là thông điệp gửi tới các nước phương Tây đang "chơi đùa" trong cuộc xung đột ở Ukraine, những người đang lên kế hoạch chính thức đưa quân tới đây và cung cấp những vũ khí cho phép Ukraine tấn công vào lãnh thổ của chúng tôi", ông giải thích.

Nói cách khác, cuộc tập trận được thiết kế để gửi đi một thông điệp rằng "sẽ có giới hạn" với những hành vi gây hấn mà Nga có thể chấp nhận. Cũng theo chuyên gia Alexei Leonkov, trước khi thông báo tập trận được đưa ra, Nga đã đưa ra tuyên bố về các tiêm kích F-16 đặt tại các nước NATO tham gia giao tranh trên lãnh thổ Ukraine. Theo đó, bất kể ai điều khiển chúng, dù là phi công người Ukraine hay không thì Nga sẽ coi các sân bay đặt các tiêm kích này và nơi cất cánh của chúng là những mục tiêu hợp pháp. Liên quan đến thông báo của Bộ Quốc phòng Nga về các cuộc tập trận hạt nhân chiến thuật theo kế hoạch, ông Alexei Leonkov cho rằng, những người ở phương Tây, một lần nữa chọn cách phớt lờ những cảnh báo của Nga về vấn đề trên và cho rằng chúng không quan trọng hoặc không đáng chú ý, "đã phạm sai lầm rất nghiêm trọng".

Khổng Hà (tổng hợp)

Tổng công ty điện lực và công ty điện lực các tỉnh tập trung toàn bộ lực lượng, phương tiện, vật tư cần thiết để ứng phó bão số 3, khẩn trương khắc phục các sự cố hệ thống lưới điện đảm bảo an toàn để cấp điện trở lại ngay sau khi bão đi qua.

Trước khi bão số 3 tiến vào Hà Nội, đã có rất nhiều nghĩa cử từ những người dân dành cho nhau trong lúc khó khăn. Đoàn xe ô tô chắn gió cho xe máy trên cầu hay những thông tin chia sẻ nhà ở tránh trú bão là những tình cảm ấp áp đang gây xúc động trên mạng xã hội.

Hàng chục hộ dân đang sống trong các ngôi nhà có nguy cơ sụp đổ trước bão đã được các quận ở Hà Nội di dời đến nơi an toàn, trong đó có 14 hộ dân tại chung cư P16A (phường Thuỵ Khuê) và 3 hộ với 11 nhân khẩu ra khỏi nhà G6A Thành Công (chung cư nguy hiểm cấp độ D). 

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) Nguyễn Văn Hồi cho biết, vụ việc ở Mái ấm Hoa hồng có vấn đề liên quan đến công tác quản lý chưa chắc. Ngay việc hoạt động vượt công suất trên 100% nhưng thanh tra, kiểm tra chưa xử lý được. Đây có vấn đề liên quan đến buông lỏng quản lý.

16h chiều 7/9, người dân Hà Nội đã có thể nhận thấy rõ sự ảnh hưởng rõ rệt của bão số 3 khi mưa lớn diễn ra khắp Thủ đô cùng với gió giật mạnh. Đường phố Hà Nội vắng lặng, lác đác có người di chuyển nhưng rất khó khăn. Lực lượng CSGT ứng trực 100% quân số, liên tục tuần tra, tổ chức cắt dọn cây xanh bị quật đổ.

Nhằm chủ động ứng phó với bão số 3 (Yagi), thực hiện Điện số 03 của Ban Chỉ huy Ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự Công an tỉnh Hà Nam, Công an các đơn vị, địa phương đã chủ động rà soát số lượng nhà không an toàn, đồng thời huy động lực lượng vận động, hỗ trợ nhân dân di rời đến nơi tránh, trú bão an toàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文