Đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine đạt nhiều tiến triển

06:19 03/04/2022

Ukraine tuyên bố đàm phán hòa bình với Nga đang đạt tiến triển hơn, trong khi Nga cho rằng, các cuộc đàm phán với Kiev không hề dễ dàng nhưng Moscow sẽ tiếp tục.

Hãng thông tấn RIA ngày 3/4 dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết các cuộc đàm phán của Nga với Ukraine không hề dễ dàng, nhưng điều quan trọng là hoạt động này vẫn đang tiếp diễn.

"Ukraine là một quốc gia rất khó khăn, rất khó khăn đối với chúng tôi", nhưng, "vấn đề chính là các cuộc đàm phán vẫn được tiếp tục, ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) hoặc ở một nơi nào khác", RIA dẫn lời ông Dmitry Peskov nêu rõ. Đồng thời nói thêm rằng, tiến trình đàm phán "không hề dễ dàng". Theo người phát ngôn Điện Kremlin, Nga muốn đàm phán tiếp tục diễn ra tại nước láng giềng Ukraine nhưng Kiev phản đối đề xuất này.

Cùng ngày, Trưởng phái đoàn đàm phán của Nga Vladimir Medinsky cho rằng, vòng hòa đàm chưa đủ tiến triển để tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh đạo Nga và Ukraine. Ông khẳng định lập trường của Moscow liên quan tình trạng bán đảo Crimea và khu vực Donbass vẫn không thay đổi. Trước đó, ông cho biết cuộc đối thoại với Ukraine diễn ra trên tinh thần xây dựng và Nga đang thực hiện 2 bước để xuống thang xung đột.

Về phía Ukraine, theo kênh CNBC, trong một bài đăng trên mạng xã hội Facebook vào ngày 2/4, Thứ trưởng Quốc phòng Hanna Malyar cho biết, nước này đã giành lại quyền kiểm soát Thủ đô Kiev, trong khi đàm phán hòa bình cũng đang đạt tiến triển hơn. Phía Nga không đưa ra bình luận ngay lập tức và CNBC cũng không thể xác minh độc lập tuyên bố này.

Trong một diễn biến khác, đàm phán hòa bình giữa Ukraine và Nga dường như đã đạt tiến triển. Theo nhà đàm phán Ukraine David Arakhamia, các văn bản dự thảo hiệp ước hòa bình đã đạt đủ tiến bộ để cho phép cuộc đàm phán trực tiếp giữa hai nhà lãnh đạo Ukraine - Nga và nhiều khả năng sẽ diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ.

"Phía Nga xác nhận luận điểm của chúng tôi rằng các văn kiện dự thảo đã được xây dựng đầy đủ để cho phép tham vấn trực tiếp giữa lãnh đạo hai nước", ông David Arakhamia phát biểu trên truyền hình nhưng không đề cập tới thời gian và địa điểm.

Theo quan chức này, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã có cuộc điện đàm với lãnh đạo Nga và Ukraine, và "dường như để xác nhận từ hai phía về việc họ sẵn sàng cho một cuộc gặp trong tương lai gần". Ông nói: "Chúng tôi nghĩ nhiều khả năng sẽ là ở Istanbul hoặc Ankara". Nga hiện chưa bình luận về khả năng này.

Sơ tán người dân khỏi thành phố chiến sự Mariupol, miền Đông Ukraine. Ảnh: Dayto News

Thông tin trên được đưa ra khi Bộ Ngoại giao Ukraine tuyên bố hôm 2/4 rằng khoảng 18.000 binh sĩ Nga đã thiệt mạng kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ngày 24/2. Ở mức đó, số quân nhân Nga được phía Ukraine cho là đã thiệt mạng vượt qua cả con số cao nhất mà NATO ước tính là 7.000 - 15.000. Trong khi đó, trong lần gần đây nhất Bộ Quốc phòng Nga cập nhật về con số binh sĩ thương vong tại Ukraine thì con số thấp hơn nhiều.

Hôm 25/3, Bộ Quốc phòng Nga thông báo 1.351 binh sĩ nước này thiệt mạng, 3.825 người bị thương kể từ khi bắt đầu chiến dịch tại Ukraine. Moscow cũng khẳng định chiến dịch quân sự mà Nga nói là nhằm "phi quân sự hóa Ukraine" đã phá huỷ các cơ sở hạ tầng quân sự, sân bay, sở chỉ huy, kho vũ khí, thiết bị của Ukraine, khiến "không quân Ukraine và hệ thống phòng không gần như đã bị phá hủy gần như hoàn toàn".

Tiếp đó, ngày 29/3, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Alexander Fomin thông báo quân đội sẽ giảm mạnh hoạt động quân sự quanh Kiev và Chernihiv khi hai bên đàm phán về một thỏa thuận về tình trạng trung lập, phi hạt nhân của Ukraine, cũng như những đảm bảo an ninh cho Ukraine. Quyết định này được thực hiện nhằm tạo ra lòng tin lẫn nhau, tạo điều kiện cần thiết cho đối thoại thêm giữa hai nước và đạt mục tiêu cuối cùng là ký thỏa thuận hòa bình tại Ukraine.

Trong khi đó, hôm 1/4, Tổng thống Ukaine Volodymyr Zelensky cũng cho biết, các lực lượng Nga đang rút dần khỏi miền Bắc Ukraine, trong khi loạt ảnh vệ tinh cho thấy Nga rút khỏi sân bay gần Kiev. "Nga đang rút dần lực lượng khỏi phía bắc đất nước chúng tôi. Việc rút quân diễn ra chậm nhưng đáng chú ý. Ở một số nơi họ bị đẩy lùi khỏi chiến sự. Ở những nơi khác họ tự ý rời bỏ vị trí" - đài CNN dẫn lời Tổng thống Volodymyr Zelensky phát biểu qua video.

Nhà lãnh đạo Ukraine cũng kêu gọi người nước này ở miền Bắc đất nước nên thận trọng: "Chúng ta đang tiến về phía trước một cách cẩn trọng. Và mọi người quay lại khu vực này cũng phải hết sức cẩn thận… Hãy đợi cho đến khi các bạn có thể yên tâm rằng không thể bị pháo kích nữa".

Trước đó, cuộc đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraine tại Istanbul diễn ra ngày 29/3. Sau khoảng 4 giờ đàm phán, đoàn đàm phán Nga đã trở về Moscow tối cùng ngày, mang theo đề xuất bằng văn bản của Ukraine về một "thỏa thuận hòa bình" giữa hai bên. Kết quả này được đánh giá là bước tiến đáng kể trong tiến trình đàm phán khó khăn nhằm chấm dứt cuộc xung đột đã kéo dài hơn một tháng tại Ukraine.

Ông Oleksandr Chaly, thành viên phái đoàn Ukrainne, cho biết Ukraine đồng ý duy trì quy chế trung lập và phi hạt nhân hóa với điều kiện được đảm bảo an ninh, mà việc bảo đảm an ninh này "về nội dung và hình thức" phải tương tự như Điều 5 Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, vốn quy định rằng "một cuộc tiến công quân sự chống một hoặc nhiều nước NATO sẽ được coi là một cuộc tiến công chống tất cả các nước thành viên". Theo ông, điều này liên quan đến sự hỗ trợ quân sự và thậm chí cả việc thiết lập vùng cấm bay sau 3 ngày tham vấn để giải quyết vấn đề về mặt ngoại giao.

Phía Ukraine nói rõ đề xuất trên đồng nghĩa với việc Kiev sẽ không tham gia các liên minh quân sự hay cho phép đặt các căn cứ quân sự tại nước này. Tuy nhiên, các cuộc tập trận quân sự sẽ vẫn được phép diễn ra tại Ukraine với các quốc gia "bảo đảm an ninh".

Trong bối cảnh sự giằng co giữa hai bên về những điều kiện tiên quyết trên bàn thương lượng khiến các vòng đàm phán trước gần như bế tắc, thì vòng đàm phán ở Istanbul rõ ràng là một bước tiến tuy nhỏ song quan trọng. Ít nhất, kết quả vòng đàm phán cho thấy hai bên có thể nhượng bộ để đạt được thỏa hiệp.

Đồng thời, cuộc gặp tại Istanbul cũng chứng minh đàm phán là con đường tối ưu để giải quyết xung đột. Tuy nhiên, để tạo được đột phá trên bàn đàm phán, ngoài thiện chí, hai bên còn cần rất nhiều bước đi nữa để thúc đẩy xây dựng lòng tin, cùng với nỗ lực trung gian của cộng đồng quốc tế.

Khổng Hà (tổng hợp)

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文