EU khởi động kế hoạch đối trọng với sáng kiến "Vành đai - Con đường" của Trung Quốc
Ủy ban châu Âu mới đây công bố chiến lược "Cổng kết nối toàn cầu", kế hoạch nhằm đầu tư hàng trăm tỷ USD trên phạm vi toàn thế giới cho đến năm 2027, cạnh tranh với ảnh hưởng của Trung Quốc trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng tại các quốc gia đang phát triển.
Theo kế hoạch chi tiết được Ủy ban châu Âu công bố ngày 1/12, số tiền 300 tỷ euro (tương đương 340 tỷ USD) sẽ được Ủy ban châu Âu, 27 quốc gia thành viên cũng như Ngân hàng đầu tư châu Âu (EIB) huy động thông qua các quỹ đầu tư công và tư nhân từ nay đến năm 2027. Số tiền này sẽ được sử dụng để tài trợ cho các dự án trong các lĩnh vực như số hóa, năng lượng sạch, giao thông vận tải, chăm sóc sức khỏe và giáo dục, nghiên cứu khoa học. Ủy ban châu Âu cho biết cũng đang xem xét tạo ra một cơ chế tín dụng mới cho các công ty châu Âu để họ có thể bán hàng hóa ở các thị trường bên ngoài EU và cạnh tranh với những doanh nghiệp nhận được sự bảo trợ của chính phủ.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nhấn mạnh, chiến lược mới này sẽ là một đối trọng đối với sáng kiến "Vành đai - Con đường" (BRI) của Trung Quốc. Được khởi động từ năm 2013 với mục đích tăng cường liên kết thương mại giữa Trung Quốc và các khu vực khác trên thế giới, BRI đã rót số tiền khổng lồ vào phát triển cơ sở hạ tầng ở nhiều nước. Tuy nhiên, không ít nước châu Âu cho rằng những khoản hỗ trợ tài chính từ Bắc Kinh thường không mấy "dễ chịu" hay minh bạch, và thường khiến những nước nghèo, đặc biệt là ở châu Phi, phải lệ thuộc vào Trung Quốc, theo Reuters.
Với việc triển khai các dự án cơ sở hạ tầng tại các quốc gia, BRI giúp Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng chính trị, không chỉ tại các nước đang phát triển ở châu Á, châu Phi, mà còn tại cả một số nước thành viên EU cũng như các nước láng giềng của châu Âu.
Không giống như Trung Quốc, EU đảm bảo rằng những cộng đồng tại địa phương có thể được hưởng lợi từ những dự án của "Cổng kết nối toàn cầu", đồng thời, với sự tham gia của khu vực tư nhân, rủi ro trong đầu tư sẽ giảm đi đáng kể. "Trên thực tế, các nước cần những đề nghị tốt hơn và khác với sáng kiến của Trung Quốc", bà Ursula von der Leyen cho biết và nói thêm rằng chiến lược của châu Âu sẽ kết nối với chiến lược tương tự của các nước G7 có tên "Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn" (B3W), được các nguyên thủ G7 công bố hồi tháng 6/2021.
Bà Jutta Urpilainen, Ủy viên châu Âu phụ trách về hợp tác quốc tế, nhấn mạnh: "Châu Âu muốn tạo ra những liên kết mạnh mẽ, bền vững và không phụ thuộc với thế giới, nhằm mang lại một tương lai mới cho những người trẻ, thông qua “Cổng kết nối toàn cầu”". Đưa ra số liệu chứng minh rằng "châu Âu là nhà cung cấp hỗ trợ phát triển lớn nhất trên thế giới trong giai đoạn 2013-2018 và phần lớn đều là các khoản viện trợ không hoàn lại với các điều khoản công bằng và thuận lợi để các nước nhận hỗ trợ không gặp khó khăn về nợ nần", bà Jutta Urpilainen khẳng định châu Âu không hề thua kém Trung Quốc, "cùng ở một cấp độ nhưng phương thức tiến hành hoàn toàn khác nhau".
Tuy nhiên, giới phân tích đánh giá rằng, chiến lược "Cổng kết nối toàn cầu" của châu Âu vẫn khó cạnh tranh với BRI của Trung Quốc. Đầu tiên, kế hoạch của châu Âu có quy mô tài chính tương đối nhỏ so với BRI. Theo ngân hàng đầu tư Morgan Stanley, tổng chi phí mà Bắc Kinh dành cho sáng kiến này có thể lên đến 1,3 nghìn tỷ USD vào năm 2027. Thêm nữa, giới phân tích cho rằng, EU vẫn cần rất nhiều thời gian để thực thi sáng kiến này, trong khi BRI đã được triển khai 8 năm với hơn 13.000 dự án tại 165 quốc gia. EU luôn tự hào rằng lợi thế chính của khối nằm ở tính minh bạch và đáp ứng những tiêu chuẩn cao về môi trường nhưng chỉ riêng những lợi thế đó chưa chắc giúp EU thuyết phục được các đối tác.
Reinhard Bütikofer, quan chức hàng đầu của EU về các vấn đề Trung Quốc, cho biết EU cần phải huy động sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, bởi không giống như Trung Quốc, EU "không thể yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện theo ý muốn mà chỉ có thể hợp tác với họ". Trong khi đó, Jonathan Hillman, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho rằng, dù mức độ đầu tư tài chính của EU có thể không sánh được với Trung Quốc, nhưng chiến lược "Cổng kết nối toàn cầu" có thể hấp dẫn vì các lý do môi trường, sinh thái. "Thay vì những lời đề nghị mà các nước không thể từ chối, EU sẽ đưa ra một lời đề nghị mà họ không muốn từ chối. Đó là điểm khác biệt lớn nhất giữa 'Cổng kết nối toàn cầu' và BRI", chuyên gia này nhận định.
Đáng chú ý, một số chuyên gia cho rằng, việc công bố kế hoạch diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa EU và Trung Quốc vẫn còn nhiều căng thẳng và EU vẫn cần phải duy trì đối thoại và hợp tác với Bắc Kinh trong các lĩnh vực từ kinh tế cũng như địa chính trị. Trung Quốc đã bày tỏ quan ngại về kế hoạch của EU. Đại sứ Trung Quốc tại EU Zhang Ming tuyên bố kế hoạch sẽ được "hoan nghênh nếu nó thực sự cởi mở". "Ngược lại, bất kỳ nỗ lực nào nhằm biến các dự án cơ sở hạ tầng thành một công cụ địa chính trị sẽ không đáp ứng kỳ vọng của cộng đồng quốc tế và gây tổn hại đến lợi ích của mỗi người", Đại sứ này nói thêm.