Hàng nghìn tòa nhà ở Thổ Nhĩ Kỳ đổ sập vì động đất, nguyên nhân do đâu?

12:14 10/02/2023

Hàng nghìn người được cho là vẫn đang mắc kẹt trong đống đổ nát của các tòa nhà bị sập ở Thổ Nhĩ Kỳ sau trận động đất kinh hoàng hôm 6/2. Theo chính phủ nước này, hai trận động đất lớn và hàng trăm dư chấn đã phá hủy ít nhất 6.444 tòa nhà tại 10 tỉnh, khiến hơn 17.600 người thiệt mạng tính đến hết ngày 9/2.

Một tòa nhà ở Golbasi, Adiyaman, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ bị đổ sập vì động đất. Ảnh AP.

Trong khi lực lượng cứu hộ tiếp tục tìm kiếm phép màu trong những đống đổ nát với hi vọng cứu sống những người còn mắc kẹt, không ít người tại Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang đặt ra nhiều câu hỏi tại sao Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đã chuẩn bị ứng phó với thảm họa tương tự trong hơn 20 năm qua, trận động đất này lại gây ra quá nhiều thiệt hại cho cơ sở hạ tầng.

Người ta đưa ra nhiều lí do: Liệu có phải hai trận động đất – trận đầu tiên có cường độ 7,8 độ richter và trận thứ hai có cường độ 7,6 độ richter – quá mạnh khiến nhiều tòa nhà không thể đứng vững? Hay các tòa nhà không đạt tiêu chuẩn xây dựng hiện đại? Phải chăng có sự lơ là quản lí của cơ quan chức năng?

Theo Giáo sư Okan Tuysuz từ Đại học Kỹ thuật Istanbul, hậu quả của trận động đất hôm 6/2 là sự kết hợp bi thảm của tất cả những yếu tố trên.

“Đó thực sự là những trận động đất mạnh với trận đầu tiên có sức mạnh gần tương đương với năng lượng giải phóng từ vụ nổ khoảng 5 triệu tấn TNT trong khi trận thứ hai tương đương 3,5 triệu tấn. Hầu hết tất cả các tòa nhà đều khó có thể trụ được sức mạnh như vậy”, ông Okan Tuysuz cho biết.

Đồng quan điểm này, Sinan Turkkan, kỹ sư xây dựng và chủ tịch Hiệp hội trang bị ứng phó động đất của Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết: “Các trận động đất không chỉ cực kỳ mạnh mà còn xảy ra liên tiếp nhanh chóng. Nhiều tòa nhà chỉ bị thiệt hại nhẹ đến trung bình trong trận động đất đầu tiên nhưng đã sụp đổ sau trận thứ hai”.

Mặc dù giới chuyên gia đều thống nhất ý kiến rằng những chấn động với sức mạnh như vậy và xảy ra liên tiếp có thể đe dọa đến bất kỳ cấu trúc nào, nhưng một thảm kịch quy mô như tại Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn nhiều yếu tố khác.

“Theo ước tính chính thức, 6.000 đến 7.000 tòa nhà đã sụp đổ vào ngày 6/2. Dù mạnh đến đâu, không trận động đất nào có thể gây ra thiệt hại lớn như vậy nếu tất cả các tòa nhà đều đạt tiêu chuẩn”, Turkkan cho biết.

Trong chuyến thăm vùng chịu ảnh hưởng của trận động đất, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm 8/2 đã lên tiếng khẳng định chính phủ nước này đã có sự chuẩn bị và biện pháp ứng phó với thảm họa, đồng thời nhấn mạnh sẽ xây dựng lại tất cả các tòa nhà bị sập ở 10 tỉnh chịu ảnh hưởng của động đất trong vòng một năm.

“Giống như những gì chúng ta đã làm ở Malatya, Elazig, Bingol, Van, chúng ta sẽ xây dựng lại tất cả những gì đã sụp đổ. Chính phủ đã chứng minh khả năng tái xây dựng hết lần này đến lần khác trong quá khứ. Chúng ta sẽ làm được điều tương tự ở Hatay, Maras và cả 8 tỉnh bị ảnh hưởng khác”.

Hầu hết các tòa nhà bị sập hôm 6/2 được xây dựng trước năm 1999, khi trận động đất mạnh 7,6 độ richter tấn công khu vực tây Marmara, khiến 17.500 người thiệt mạng. Kể từ đó, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã cải thiện đáng kể thiết kế chống chịu địa chấn, và vào năm 2008, bắt tay vào một dự án chuyển đổi đô thị đầy tham vọng nhằm ứng phó với bất kỳ trận động đất mạnh nào trong tương lai.

Vào tháng 11/2022, sau trận động đất mạnh 6 độ richter làm hư hại hơn 2.000 tòa nhà ở Duzce, miền bắc Thổ Nhĩ Kỳ, Bộ trưởng Môi trường và Đô thị hóa Murat Kurum nước này nhấn mạnh rằng các nhà chức trách đang nỗ lực để mọi tòa nhà trong nước “an toàn trước động đất vào năm 2035”.

Theo Bộ trưởng Kurum, Thổ Nhĩ Kỳ đã xây dựng lại 3,2 triệu ngôi nhà trên toàn quốc. 250.000 khu vực dân cư tại 81 tỉnh hiện đang được chuyển đổi để đáp ứng các quy định hiện hành. 24 triệu công dân của Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang sống ở những nơi an toàn trước động đất.

Tuy nhiên, những nỗ lực đầy tham vọng này đã không thể ngăn chặn thảm họa.

“Trên giấy tờ, thiết kế chống động đất của Thổ Nhĩ Kỳ đạt tiêu chuẩn toàn cầu. Tuy nhiên, trên thực tế, tình hình lại rất khác”, ông Turkkan cho biết.

Một người may mắn được cứu sống ở Kahramanmaras, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh AP. 

Chính phủ đã đưa ra các ưu đãi tài chính nhưng không có quy định bắt buộc phải tham gia vào dự án chuyển đổi đô thị. Điều này dẫn đến việc chỉ những người có khả năng kiếm tiền từ việc tái xây dựng - người sở hữu những mảnh đất có giá trị phù hợp để phát triển thêm - mới đồng ý phá bỏ tài sản cũ của họ và xây dựng lại theo thiết kế mới chống động đất. Nhiều người không muốn chi tiền cho công việc xây dựng lại hoặc nhận thấy việc tái xây dựng dường như không cấp bách. Đây là lý do tại sao, các chuyên gia cho biết, hơn 20 năm sau trận động đất năm 1999, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn rất nhiều tòa nhà được xây dựng bằng vật liệu dưới mức tiêu chuẩn và kỹ thuật xây dựng cũ, hậu quả là chúng ngay lập tức đổ sập khi gặp chấn động mạnh.

Các chuyên gia cho rằng chính phủ và chính quyền địa phương đáng nhẽ nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa mạnh tay hơn để đảm bảo tất cả các tòa nhà đều an toàn và các quy định về thiết kế chống động đất được thực hiện trong mọi bối cảnh.

Việc đảm bảo tuân thủ các quy định mới trong xây dựng ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng có nhiều bất cập.

“Một số tòa nhà tương đối mới cũng bị sập trong trận động đất này, điều đó có nghĩa là các nhà thầu đã ‘đi đường tắt’, cố gắng tiết kiệm bằng cách sử dụng vật liệu dưới mức trung bình và chính quyền đã không thực hiện thẩm định trước khi phê duyệt các dự án xây dựng”, ông Tuysuz cho biết.

Một số trường học, tòa nhà hành chính, bệnh viện và thậm chí cả trụ sở của Cơ quan Quản lý Khẩn cấp và Thảm họa Thổ Nhĩ Kỳ ở Hatay cũng bị sập trong trận động đất.

Ông Turkkan giải thích: “Theo quy định của nhà nước, các tòa nhà công phải chắc chắn hơn nhiều so với các công trình tư nhân. Khi bạn xây dựng bệnh viện, bưu điện hay bất kỳ tòa nhà công nào khác, thường sẽ phải sử dụng nhiều bê tông hơn, nhiều sắt hơn, nghiên cứu mặt đất chi tiết hơn. Điều này nhằm đảm bảo những tòa nhà đó đứng vững sau bất kỳ trận động đất hoặc thiên tai nào khác và để chúng có thể tiếp tục phục vụ mọi người vào thời điểm khủng hoảng”.

Chuyên gia Tuysuz cũng nói thêm: “Việc một tòa nhà công cộng, nhà máy điện hay sân bay sụp đổ trong một trận động đất là hoàn toàn không thể chấp nhận được”.

Viện Nghiên cứu Động đất và Đài quan sát Kandilli tại Đại học Bogazici cho biết thành phố Istanbul, với hơn 1,2 triệu dân, có khả năng hứng chịu động đất trong tương lai. Các chuyên gia tin rằng một tỷ lệ lớn các tòa nhà ở thành phố này không thể đứng vững khi xảy ra động đất mạnh.

Việc gia cố hoặc xây dựng lại tất cả các tòa nhà có nguy cơ ở những khu vực dễ xảy ra động đất sẽ khó khăn và tốn kém về mặt kỹ thuật và hậu cần. Tuy nhiên, đây lại là một nhiệm vụ không thể trốn tránh hoặc trì hoãn. Các chuyên gia kêu gọi chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cần phải mạnh tay hơn trong việc yêu cầu người dân kiểm tra các công trình, gia cố và xây dựng lại nếu cần thiết.

Duy Tiến (Theo Al Jazeera)

Bộ Công an khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam trong việc ủng hộ vai trò trung tâm của Liên hợp quốc (LHQ) trong hệ thống quản trị toàn cầu, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, xây dựng trật tự thế giới dựa trên pháp luật quốc tế và Hiến chương LHQ; đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế để giải quyết các vấn đề toàn cầu, góp phần duy trì hòa bình và an ninh trên thế giới.

Ngày 5/1, Công an TP Hà Nội cho biết, Cơ quan ANĐT Công an TP Hà Nội vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Vũ Thị Thảo (SN 1996, trú tại Lào Cai) và Lin Kai Yuan (SN 1985, quốc tịch Trung Quốc, trú tại tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc) về tội “Tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép”; khởi tố bị can đối với Dương Thị Như Hồng (SN 2000, trú tại xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) về tội “Sản xuất hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh”.

Theo Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai, kết quả xét nghiệm nước tiểu của nữ bệnh nhân 67 tuổi ở Thanh Hoá vào nhập viện trong tình trạng hôn mê phát hiện chất độc strychnin. Chất độc này cũng được tìm thấy trong gói bột thuốc người bệnh sử dụng.

Tôi về quê vào những ngày cuối năm, trên chuyến xe chật ních những người, lòng dâng lên một cảm xúc xốn xang, bồi hồi khó tả. Bao nhiêu năm trôi qua với niềm nhớ thương da diết, Tết quê nhà trong tim tôi vẫn luôn dung dị, bình yên với khói chiều cuối năm bảng lảng, ngày cuối Chạp bóng nắng hắt lên lũy tre làng xanh biêng biếc, bầy chèo bẻo đậu trên nhánh cây bạch đàn tao tác gọi bạn.

Kiểm toán nhà nước (KTNN) vừa công bố kết quả kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách năm 2023; chuyên đề việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2023; chuyên đề công tác quản lý và sử dụng nguồn kinh phí hoạt động giai đoạn 2021-2023 của các cơ sở y tế công lập tỉnh Khánh Hòa.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文