Hệ luỵ nghiêm trọng từ thảm hoạ vỡ đập Nova Kakhovka ở Ukraine
Trong bối cảnh cả Kiev và Moscow đều đổ lỗi cho đối phương về vụ vỡ đập thuỷ điện trọng yếu Nova Kakhovka ở khu vực miền Nam Ukraine, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Martin Griffiths mới đây cảnh báo, rằng vụ việc này sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng và sâu rộng đối với hàng vạn người ở cả hai bên chiến tuyến do mất nhà cửa, lương thực, nước sạch và sinh kế. Thậm chí, giới chuyên gia lo ngại vụ việc có thể đe dọa nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu, dẫn tới thảm hoạ nguyên tử.
CNN ngày 8/6 dẫn lời đại diện Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc thông tin, thảm hoạ vỡ đập Nova Kakhovka trên sông Dnieper hôm 6/6 ở Kherson, miền Nam Ukraine, có nguy cơ trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết khi mực nước vẫn đang tăng, nhấn chìm nhiều làng mạc và thị trấn.
Theo số liệu của giới chức Ukraine, khoảng 42.000 người nước này bị ảnh hưởng bởi lũ lụt do vỡ đập gây ra, hàng chục ngàn hecta đất nông nghiệp bị ngập úng và vụ việc có thể biến ít nhất 500.000ha đất không được tưới tiêu thành sa mạc.
Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề nhân đạo Martin Griffiths cho hay: "Mức độ nghiêm trọng của thảm họa sẽ chỉ được nhận thức đầy đủ trong những ngày tới. Nhưng rõ ràng vụ này sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng và sâu rộng đối với hàng ngàn người ở miền Nam Ukraine ở cả hai bên chiến tuyến do mất nhà cửa, lương thực, nước sạch và sinh kế. Trong bối cảnh trên, Liên hợp quốc và các tổ chức nhân đạo đã tăng cường nỗ lực để giảm thiểu tác động tiêu cực sau vụ vỡ đập.
Ông Griffiths cho biết, một phản ứng khẩn cấp đang được tiến hành để hỗ trợ cho hơn 16.000 người bị ảnh hưởng. Ông Griffiths nêu rõ: "Hậu quả của việc không thể hỗ trợ cho hàng triệu người bị ảnh hưởng bởi lũ lụt ở những khu vực này là rất thảm khốc… Chúng tôi vô cùng quan ngại trước cuộc sống của những người ở các khu vực bị ảnh hưởng mà chúng tôi hiện không thể tiếp cận. Chúng tôi sẵn sàng di chuyển bất cứ lúc nào cùng các đoàn xe và nhân viên cứu trợ để tiếp cận tới các khu vực do Nga kiểm soát".
Được biết, hồ chứa Nova Kakhovka, được hình thành bởi con đập chính cao 30m và dài 3,2km, xây dựng vào năm 1956. Với sức chứa của hồ lên đến 18km3, đây là nguồn cung cấp nước quan trọng cho hàng triệu người, không chỉ ở Kherson mà còn ở các tỉnh Zaporizhzhia và Dnipro, đồng thời là nguồn tưới tiêu nông nghiệp chính cho các khu vực miền Nam Kherson và bán đảo Crimea. Reuters dẫn lời giáo sư Modupe Jimoh của đại học Warwick (Anh) lo ngại, vụ vỡ đập làm hóa chất công nghiệp thấm vào đất và nước ngầm, gây tổn hại đến hệ sinh thái và đa dạng sinh học, cần nhiều năm để khắc phục.
Theo Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, 150 tấn dầu nhờn công nghiệp đã bị cuốn trôi khi phòng chứa động cơ tại nhà máy thủy điện Nova Kakhovka chìm trong nước. Ở khía cạnh vĩ mô hơn, theo giới quan sát, thiệt hại gây ra từ vụ vỡ đập cũng sẽ khiến chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu càng thêm căng thẳng, bởi giá lúa mì hôm 6/6 đã tăng hơn 3%.
Đặc biệt, tờ Guardian dẫn lời các nhà phân tích cho rằng trong trường hợp xấu nhất, vụ vỡ đập có thể gây nguy hiểm lâu dài cho Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Nếu không có đủ nguồn nước trong tương lai, nhà máy này sẽ không thể làm mát hệ thống vận hành các máy phát điện và từ đó có thể làm rò rỉ hạt nhân.
Trước đó, theo Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Nhà máy Zaporizhzhia hiện chưa gặp nguy hiểm vì các hồ chứa nước làm mát đang đầy và đủ đáp ứng trong vài tháng tới. Hiệp hội Hạt nhân Mỹ cũng nhận định, nhà máy còn có thể sử dụng máy bơm để lấy nước từ các nguồn thay thế. Tuy vậy, chiến sự kéo dài từ đầu năm ngoái đến nay đã gây thiệt hại nặng nề cho hạ tầng và nguồn nước của Ukraine.
Vụ vỡ đập Nova Kakhovka khiến Nhà máy Zaporizhzhia lại mất một lớp bảo vệ an toàn. Mới đây, đại diện Trung Quốc tại Liên hợp quốc Trương Quân cảnh báo, việc phá hủy đập Nova Kakhovka có thể gây nguy hiểm cho Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia lớn nhất châu Âu và dẫn đến thảm họa nguyên tử. Ông Trương Quân cũng kêu gọi các bên kiềm chế tối đa, tránh những lời nói và hành động có thể leo thang đối đầu và dẫn đến phán đoán sai lầm, duy trì sự an toàn và an ninh của Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Quan chức này tuyên bố: "Trung Quốc tái khẳng định, một khi xảy ra thảm họa hạt nhân, không ai có thể tránh khỏi ảnh hưởng".
Được biết, hôm 7/6, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã lên tiếng, cho rằng sự cố vỡ đập thuỷ điện Nova Kakhovka nên là mục tiêu của một cuộc điều tra và nghiên cứu cấp toàn cầu. Trong khi đó, Tổng thống Zelensky cho biết ông và người đồng cấp Pháp đã điện đàm về khả năng sử dụng các cơ chế quốc tế nhằm điều tra nguyên nhân vụ vỡ đập cũng như hậu quả môi trường và nhân đạo.
Theo các chuyên gia, giữa vùng chiến sự, rất khó tiến hành một cuộc điều tra độc lập về nguyên nhân vỡ đập và gây ngập lụt một khu vực rộng lớn ở hạ lưu. Hiện tại, ngoài việc Nga và Ukraine "chỉ tay" về đối phương, các bên đều bày tỏ thận trọng trong việc đưa ra nhận định đâu là nguyên nhân khiến con đập bị xé toạc.