Hội nghị Thượng đỉnh về hòa bình có thể phản tác dụng với Ukraine

07:57 17/06/2024

Hội nghị Thượng đỉnh về hòa bình cho Ukraine đã khai mạc ngày 15/6 (giờ địa phương) tại khu nghỉ dưỡng Burgenstock của Thụy Sĩ. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng, sự kiện này sẽ đặt nền móng cho hòa bình của nước ông. Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Olaf Scholz thừa nhận rằng, hòa bình thực sự ở Ukraine không thể đạt được nếu không có sự tham gia của Nga trong các cuộc đàm phán.

Phát biểu tại hội nghị, đánh giá cao sự tham gia của các nước, nhằm tìm kiếm một nền hòa bình thực sự và công bằng cho Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky bày tỏ hy vọng, sự kiện này sẽ là nền móng của một trang sử được tạo nên và cuộc xung đột có thể được giải quyết tại hội nghị thượng đỉnh lần 2.

Quang cảnh hội nghị Thượng đỉnh về hòa bình cho Ukraine.

Ông nói: "Hiến chương Liên hợp quốc (LHQ) là cơ sở cho chúng tôi. Và sau đó, khi kế hoạch hành động được đưa lên bàn, được tất cả mọi người nhất trí và minh bạch cho người dân, thì kế hoạch đó sẽ được thông báo tới các đại diện của Nga. Sau đó, tại hội nghị thượng đỉnh hòa bình lần thứ hai, chúng ta có thể giải quyết sự kết thúc thực sự của cuộc xung đột. Bây giờ chúng ta đang cùng nhau bắt đầu con đường này. Chúng ta phải chứng minh rằng, thế giới thống nhất là một thế giới hòa bình, một thế giới biết cách hành động đúng đắn".

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo phương Tây không mấy kỳ vọng vào một nền hòa bình cho Ukraine dễ dàng đạt được. Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã bác bỏ các điều kiện chấm dứt xung đột ngay lập tức của Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đưa ra, gọi đó là lời kêu gọi Ukraine đầu hàng trong khi Thủ tướng Anh Rishi Sunak tuyên bố những điều kiện của Nga sẽ không bao giờ được đáp ứng để thành hiện thực.

Đồng quan điểm, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng, Ukraine không được phép chấp nhận các yêu sách của Nga để mang lại hòa bình dài lâu cho Ukraine, đồng thời kêu gọi đưa thêm nhiều nước vào quá trình tìm kiếm chấm dứt xung đột Ukraine - Nga. Ông nhấn mạnh: "Tất cả chúng ta đều cam kết xây dựng một nền hòa bình bền vững. Nhưng một nền hòa bình như vậy không thể là một sự đầu hàng của Ukraine". Ông nói thêm rằng, bất cứ thỏa thuận nào về chấm dứt chiến sự đều phải khôi phục chủ quyền của Ukraine và tôn trọng "quy tắc quốc tế".

Về phần mình, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula Vonder Leyen cũng không đồng tình với việc đóng băng cuộc xung đột ở thời điểm hiện tại, cho rằng các nước cần hỗ trợ Ukraine để có một nền hòa bình toàn diện - ngầm ám chỉ những nỗ lực quân sự và ngoại giao để giúp Ukraine có được lợi thế trên chiến trường và bàn đàm phán.

Mặc dù cũng dành nhiều lời lẽ chỉ trích Nga, song Thủ tướng Olaf Scholz lưu ý không thể đạt được hòa bình nếu không có sự tham gia đối thoại của Moscow và có thể đạt được điều này dự trên Hiến chương LHQ.

Tổng thống Chile, ông Gabriel Boric nhận định rằng, sự hiện diện của Nga có ý nghĩa then chốt trên bàn đàm phán. Đây cũng là nhận định của đại diện Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia - hai nước từng đăng cai những hội nghị hòa bình Ukraine trước đó, nhưng ở cấp độ thấp hơn. Hai nước này cho biết, một tiến trình hòa bình có ý nghĩa cần có sự tham gia của Nga. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan đánh giá các điều kiện Nga đưa ra để giải quyết xung đột là những bước quan trọng mang lại hy vọng, trong đó có việc phát triển một chiến lược toàn diện, gồm các bước ngoại giao.

Còn Ngoại trưởng Saudi Arabia, Hoàng tử Faisal Bin Farhan Al Saud nêu rõ, sự tham gia của Nga rất quan trọng trong bất kỳ cuộc đàm phán đáng tin cậy nào nhằm chấm dứt xung đột ở Ukraine. Ông đồng thời nhắc lại cam kết của Saudi Arabia trong việc "hỗ trợ mọi nỗ lực nhằm chấm dứt" xung đột giữa Moscow - Kiev cũng như "đạt được hòa bình bền vững và công bằng". Ông cũng chỉ ra rằng, bất kỳ tiến bộ có ý nghĩa nào "sẽ đòi hỏi sự thỏa hiệp khó khăn" giữa các bên. Ông nói: "Chúng tôi tin rằng, điều quan trọng là cộng đồng quốc tế khuyến khích bất kỳ bước đi nào hướng tới các cuộc đàm phán nghiêm túc - vốn đòi hỏi sự thỏa hiệp khó khăn - như một phần của lộ trình dẫn đến hòa bình. Và ở đây cần phải nhấn mạnh rằng bất kỳ tiến trình đáng tin cậy nào cũng cần có sự tham gia của Nga". Hoàng tử Faisal bin Fahran Al Saud cho rằng, tầm quan trọng của việc "giải quyết những khác biệt một cách hòa bình thông qua đối thoại", bày tỏ sự sẵn sàng của Saudi Arabia trong việc "hòa giải và đưa cuộc xung đột đến gần hơn với một giải pháp".

Trong khi đó, Tổng thống Cộng hòa Czech Petr Pavel cũng không kỳ vọng vào một thỏa thuận về cách thức thiết lập hòa bình sẽ đạt được tại hội nghị, nhưng cho rằng, hội nghị là cơ hội đầu tiên để thảo luận về các điều kiện hòa bình trên nền tảng rộng rãi nhất có thể. Về phần mình, Tổng thống nước chủ nhà Viola Amherd cho rằng, hội nghị là cơ hội để các bên chia sẻ quan điểm, nhằm tìm một giải pháp cho hòa bình ở Ukraine.

Và lý do cho hội nghị lần này là để cộng đồng quốc tế chuẩn bị cho khả năng diễn ra đàm phán trực tiếp giữa các bên có liên quan là Nga và Ukraine. Do đó, thay vì bàn sâu về kế hoạch hòa bình của Tổng thống Ukraine, đại diện nhiều quốc gia khác tham dự hội nghị muốn bàn về những hậu quả của cuộc xung đột Nga - Ukraine, như chi phí cho người di cư, vấn đề an ninh lương thực và hạt nhân, nhằm kiểm soát cuộc xung đột không lan rộng. Tại đây, Phó Tổng thống Kamala Harris đã công bố gói viện trợ hơn 1,5 tỷ USD cho năng lượng và nhân đạo cho Ukraine.

Khổng Hà

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

Để chứng minh năng lực kinh nghiệm của mình, Liên danh Công ty cổ phần Xây lắp Thủy sản II và Công ty cổ phần Xây dựng vận tải đầu tư kinh doanh nhà Hải Đăng đã “phù phép” biến dự án xây dựng mà liên doanh đã thực hiện có tổng trị giá khoảng 59 tỷ đồng thành dự án 147 tỷ đồng để đủ điều kiện dự thầu và sau đó trúng thầu dự án có tổng trị giá hơn 190 tỷ đồng ở huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ngày 21/11 đã đề cử cựu Tổng chưởng lý bang Florida Pam Bondi, 59 tuổi, làm Tổng chưởng lý Mỹ, nhanh chóng thay thế cựu ứng cử viên Matt Gaetz sau khi ông này rút lui.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文