Hy vọng sớm nối lại thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen
Trung Quốc bày tỏ hy vọng sớm nối lại việc xuất khẩu lương thực và phân bón của Nga và Ukraine trong khi Moscow khẳng định sẵn sàng ngay lập tức trở lại thực thi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen nếu tất cả các điều khoản của thoả thuận được thực hiện và “bản chất nhân đạo” của thoả thuận được khôi phục.
Tìm lối đi mới
Phát biểu tại phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) về vấn đề nhân đạo của Ukraine vào ngày 21/7, Phó Đại diện thường trực của Trung Quốc tại LHQ Cảnh Sảng cho rằng, thỏa thuận vận chuyển nông sản ra bên ngoài tại các cảng của Biển Đen và Bản ghi nhớ về xuất khẩu lương thực và phân bón của Nga có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo nguồn cung lương thực và ổn định thị trường lương thực toàn cầu, cần được thực hiện một cách cân bằng, toàn diện và hiệu quả, đồng thời giải quyết thỏa đáng mối quan tâm hợp lý của các bên.
Bắc Kinh hy vọng tất cả các bên liên quan sẽ xuất phát từ lợi ích chung là bảo vệ an ninh lương thực toàn cầu, đặc biệt là từ góc độ giảm bớt khủng hoảng lương thực ở các nước đang phát triển và hợp tác với các cơ quan của LHQ để tăng cường đối thoại, cố gắng đạt được một giải pháp cân bằng cho các mối quan tâm chính đáng của các bên và sớm nối lại xuất khẩu lương thực, phân bón của Nga và Ukraine.
Cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Vershinin khẳng định, Moscow sẵn sàng khôi phục thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen, nhưng các yêu cầu phải được đáp ứng. Các điều kiện mà phía Nga đưa ra gồm: gỡ bỏ trừng phạt đối với việc vận chuyển ngũ cốc và phân bón của Nga; gỡ bỏ mọi trở ngại đối với các ngân hàng Nga cung cấp thực phẩm cho thị trường thế giới, bao gồm việc kết nối với hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT; nối lại việc cung cấp cho Nga các linh kiện, phụ tùng máy móc nông nghiệp và sản xuất phân bón; giải quyết tất cả các vấn đề về thuê tàu và bảo hiểm xuất khẩu thực phẩm của Nga; khôi phục hoạt động của đường ống dẫn Amoniac Tolyatti-Odessa; gỡ bỏ phong toả tài sản của Nga liên quan đến nông nghiệp; khôi phục bản chất nhân đạo ban đầu của thoả thuận ngũ cốc.
Tuy nhiên, ông Sergei Vershinin nhấn mạnh “hiện tại không có liên hệ nào về giải pháp thay thế cho thỏa thuận ngũ cốc”. Theo ông, Nga đã vạch ra các tuyến đường mới để xuất khẩu ngũ cốc sau khi chấm dứt thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen và Ukraine đe dọa đánh chìm tàu đến Nga. Thứ trưởng Ngoại giao Nga khẳng định, bằng cách này hay cách khác, hoạt động xuất khẩu nông sản của Nga sẽ tiếp tục.
Về phía Ukraine, việc Nga đình chỉ thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen buộc Kiev phải đẩy mạnh vận chuyển nông sản của mình qua những tuyến đường thay thế khác. Trong nhiều tháng qua, Izmail, một thị trấn cảng nhỏ bên bờ sông Danube, đã trở thành trung tâm xuất khẩu thay thế cho các cảng lớn ở Biển Đen. Các lô hàng ngũ cốc đến đây bằng xe tải, được chất lên sà lan xuôi dòng sông đến cảng Constanta của Romania, sau đó chúng được chuyển lên một con tàu lớn.
Mặc dù hy vọng sẽ chứng kiến việc mở lại hoàn toàn các cảng ở Biển Đen, nơi hầu hết ngũ cốc của Ukraine được vận chuyển trước xung đột, nhưng ngày càng có nhiều nhà sản xuất và thương nhân chuyển sang các cảng nhỏ trên sông Danube dọc biên giới Romania. Một phần của vụ thu hoạch hiện có thể chảy qua kênh này mà không chịu rủi ro về sự kiểm soát của Nga mà các tàu phải tuân theo thỏa thuận ngũ cốc.
Các quan chức giao thông Ukraine cho biết, khối lượng xuất khẩu của Ukraine có thể cao hơn nếu kênh đào Bystre trên sông Danube được đào sâu hơn. Tháng trước, một quan chức cấp cao Ukraine cho biết Kiev muốn bắt đầu công việc đào sâu kênh sớm nhất là trong năm nay. Trong khi đó, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cho biết ông đã nói với người đồng cấp Romania rằng hai nước có thể tăng gấp ba lần quá cảnh nông sản “thông qua việc phát triển các điểm qua biên giới, bến phà và cảng biển và sông”.
Khối lượng ngũ cốc được vận chuyển dọc theo sông Danube đã tăng từ khoảng 1,4 triệu tấn lên 2 triệu tấn mỗi tháng trong năm qua. Vào tháng 5 và tháng 6, những chuyến hàng đó thậm chí đã vượt qua hành lang Biển Đen, vốn bị ảnh hưởng bởi hoạt động kiểm soát. Từ sông Danube, ngũ cốc có thể được vận chuyển trực tiếp đến những người mua gần đó hoặc vận chuyển đến các trung tâm như Constanta ở Romania, nơi ngũ cốc được chất lên những con tàu lớn hơn cho những chuyến đi dài hơn. Tuy nhiên, một khó khăn là do các tàu lớn hơn không thể di chuyển trên sông.
Tác động không nhỏ
Theo giới chuyên gia, sự sụp đổ của thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen có thể gây ra những tác động vượt ngoài khu vực. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, trước xung đột, Ukraine là nước xuất khẩu lúa mì lớn thứ năm thế giới, chiếm khoảng 10% sản lượng toàn cầu. Ukraine cũng nằm trong top 3 nhà sản xuất lúa mạch, ngô và dầu hạt cải toàn cầu, Gro Intelligence - một công ty về dữ liệu nông nghiệp cho hay. Còn theo LHQ, cho đến nay, Kiev vẫn là nhà xuất khẩu dầu hướng dương lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 46% sản lượng.
Theo Phó Chủ tịch chính sách toàn cầu tại Mercy Corps, bà Kate Phillips-Barrasso, những gì đang diễn ra Ukraine “giống như đổ thêm dầu vào đống lửa vốn đã đang cháy to”. Trong khi đó, Ủy ban Cứu trợ Quốc tế (IRC) đánh giá, sự sụp đổ của thỏa thuận sẽ đẩy nhiều người đến “bờ vực của nạn đói”. Về phần mình, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nhận định, vào thời điểm thỏa thuận sụp đổ, nó sẽ gây ra “cuộc khủng hoảng khả năng chi trả lương thực trong một cuộc khủng hoảng đang diễn ra” nếu nông dân trên thế giới không có nguồn cung phân bón cần thiết trước vụ mùa.
Giám đốc phụ trách các vấn đề khẩn cấp khu vực Đông Phi tại IRC Shashwat Saraf thì nhấn mạnh: “Với khoảng 80% ngũ cốc của Đông Phi được xuất khẩu từ Nga và Ukraine, hơn 50 triệu người trong khu vực đang đối mặt với đói nghèo và giá lương thực tăng gần 40% trong năm nay”.
Bên cạnh đó, chỉ 2 ngày sau khi chấm dứt thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen, quân đội Nga đã ban hành một cảnh báo đi lại mới trên Biển Đen, tuyên bố rằng một số khu vực trong vùng biển quốc tế tại đây là “tạm thời không an toàn” đối với các tàu thuyền. Ngoài ra, quân đội Nga khuyến cáo những người đi biển không nên đến các bến cảng của Ukraine vì sẽ bị coi là mục tiêu quân sự, bắt đầu từ ngày 20/7. Do đó, nếu một con tàu cố ý cập cảng Biển Đen của Ukraine treo cờ của quốc gia nào thì quốc gia đó sẽ được xem như là một bên tham gia vào cuộc xung đột ở Ukraine theo phe Kiev. Các khu vực “tạm thời không an toàn” cho hoạt động hàng hải trên Biển Đen nằm ở phía tây bắc và đông nam của tuyến đường thủy này.
Phản ứng với động thái trên, Bộ Quốc phòng Ukraine ngày 20/7 đã đáp trả bằng cảnh báo tương tự. Theo đó, bộ trên nói rằng, các tàu đi đến các cảng của Nga hoặc các cảng ở Ukraine bị chiếm đóng sẽ được coi là tàu chở “hàng hóa quân sự, với tất cả các rủi ro tương ứng”. “Bằng cách công khai đe dọa các tàu dân sự chở lương thực từ các cảng của Ukraine, tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái vào cơ sở hạ tầng dân sự ở các thành phố và tạo ra mối đe dọa quân sự trên các tuyến thương mại, Điện Kremlin đã biến Biển Đen thành khu vực nguy hiểm đối với các tàu Nga”, Bộ Quốc phòng Ukraine nhấn mạnh.
Những tuyên bố cảnh báo ăn miếng trả miếng giữa Moscow và Kiev đã làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đen, làm dấy lên lo ngại chiến tranh có thể leo thang và làm gián đoạn nghiêm trọng hoạt động vận chuyển thương mại, từ đó sẽ tác động tiêu cực tới nguồn cung ngũ cốc thế giới.
Về triển vọng nối lại thỏa thuận, theo 2 nhà phân tích nhận định trên New York Times, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc - 2 khách hàng lớn nhất mua ngũ cốc của Ukraine, có thể sẽ gây sức ép để Tổng thống Vladimir Putin chấp nhận việc này. Lãnh đạo 2 nước này vẫn giữ mối quan hệ thân thiện với Tổng thống Nga sau khi xung đột ở Ukraine nổ ra. Tổng thống Vladimir Putin cũng dự kiến thăm Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng tới để trao đổi với người đồng cấp Tayyip Erdogan. Dù vậy, Nga cho biết, thỏa thuận đã chấm dứt thay vì tạm dừng. Điều đó khiến cho triển vọng thỏa thuận nhanh chóng được nối lại khó có thể xảy ra.
Hồi tháng 4, Moscow đã đưa ra một loạt yêu cầu để đổi lấy việc gia hạn thỏa thuận. Những yêu cầu này gồm dỡ bỏ hạn chế với việc xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga cũng như chấm dứt trừng phạt Ngân hàng Nông nghiệp Nga. Tổng Thư ký Antonio Guterres cũng đưa ra các đề xuất nhằm đáp ứng một số yêu cầu của Nga nhưng Moscow vẫn quyết định rút khỏi thỏa thuận. Ông cho biết ông lấy làm tiếc về quyết định của Nga.
Trong khi đó, Cao ủy Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại Jossep Borrell đánh giá, động thái của Moscow có thể đe dọa an ninh lương thực toàn cầu.