Iran đối mặt nhiều thách thức sau sự ra đi của Tổng thống Ebrahim Raisi

08:00 22/05/2024

Sự ra đi của Tổng thống Ebrahim Raisi xảy ra vào thời điểm đất nước Iran đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có cả ở trong và ngoài nước.

Cuộc khủng hoảng kế nhiệm

Sự ra đi của Tổng thống Ebrahim Raisi đặt ra câu hỏi về việc ai cuối cùng sẽ kế nhiệm lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei, 85 tuổi, người quyết định cuối cùng về các vấn đề đối nội và đối ngoại của nước Cộng hòa Hồi giáo. Nền tảng giáo sĩ của Iran đã đầu tư rất nhiều vào cố Tổng thống Ebrahim Raisi trong nhiệm kỳ tổng thống của ông, coi ông là người kế vị tiềm năng cho nhà lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei.

Các nhà quan sát cũng cho rằng ông Ebrahim Raisi đã được chuẩn bị để tiếp quản vị trí lãnh đạo tối cao. Chuyên gia Karim Sadjadpour, thành viên cấp cao tại Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie bình luận rằng, cái chết của ông Ebrahim Raisi sẽ tạo ra “một cuộc khủng hoảng kế nhiệm ở Iran”. Theo Hiến pháp Iran, Hội đồng Chuyên gia gồm 88 thành viên sẽ chọn người kế vị lãnh tụ tối cao sau khi ông qua đời. Tuy nhiên, bản thân các thành viên của Hội đồng này đã được Hội đồng Giám hộ - một cơ quan quyền lực gồm 12 thành viên chịu trách nhiệm giám sát các cuộc bầu cử và luật pháp - xét duyệt trước.

Hội đồng Chuyên gia ngày càng trở nên cứng rắn hơn trong những năm qua. Trong cuộc bỏ phiếu hồi tháng 3, ông Ebrahim Raisi đã được bầu lại vào Hội đồng này, trong khi Hội đồng Giám hộ đã cấm cựu Tổng thống Hassan Rouhani tranh cử. Một số người đã chỉ ra con trai của lãnh tụ tối cao đương nhiệm Mojtaba Khamenei, một giáo sĩ cấp trung, là một ứng cử viên tiềm năng cho vị trí cao nhất, nhưng đó sẽ là một sự thay đổi so với các nguyên tắc của Cộng hòa Hồi giáo Iran, quốc gia đã lật đổ chế độ quân chủ vào năm 1979 và luôn tự hào vì đã xóa bỏ luật cha truyền con nối.

Bên cạnh đó, các đối thủ của cố Tổng thống Ebrahim Raisi cũng có khả năng cố gắng lấp đầy khoảng trống mà ông để lại. Tuy nhiên, Iran không thiếu những chủ thể chính trị “phụ thuộc và thuộc về Lực lượng Vệ binh cách mạng của Cộng hòa Hồi giáo (IRGC)”, những người có thể thay thế ông Ebrahim Raisi.

Sau sự ra đi của ông Ebrahim Raisi, quyền lực đã được chuyển giao cho Phó Tổng thống thứ nhất Mohammad Mokhber và một ngày sau đó, được Lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei phê chuẩn làm quyền Tổng thống. Mặc dù  không nổi tiếng như người tiền nhiệm quá cố, nhưng ông Mahammad Mokhber là “một nhà lãnh đạo kiểu khác”, “ông thân thiết với IRGC, gần với đòn bẩy quyền lực”.

Chuyên gia Ali Vaez, Giám đốc Dự án Iran tại tổ chức nghiên cứu Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, nhận định rằng, ông Mahammad Mokhber có thể sẽ đưa ra một mô hình “làm việc như thường lệ” trong những ngày tới. Nhưng theo luật, Iran sẽ phải tổ chức bầu cử trong vòng 50 ngày tới.

Ngày 20/5, Hãng thông tấn nhà nước Iran IRNA cho biết cuộc bầu cử tổng thống Iran sẽ diễn ra vào ngày 28/6. Các ứng cử viên có thể đăng ký từ ngày 30/5 - 3/6 và chiến dịch tranh cử sẽ diễn ra từ ngày 12/6 - 27/6. Các chuyên gia cho rằng, cuộc bầu cử có thể sẽ được tổ chức vội, tỉ lệ cử tri đi bầu không cao, trong khi một số khác nhận định, cuộc bầu cử tạo cơ hội quay trở lại cho những người ôn hòa.

Theo các nhà phân tích chính trị, dự kiến sẽ có rất ít thay đổi sau sự ra đi của ông Ebrahim Raisi, đặc biệt là về chính sách đối ngoại, vốn hầu như thuộc quyền quyết định của nhà lãnh đạo tối cao. Chính sách đối ngoại của Iran do Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao quyết định và có thể bị lãnh đạo tối cao phủ quyết. Chuyên gia Ali Vaez bình luận: “Thực sự, nhà lãnh đạo tối cao và IRGC là những người đưa ra quyết định cuối cùng và thậm chí với các đồng minh trong khu vực cũng hầu hết đều thực hiện chính sách của Iran”.

Người dân Iran bày tỏ lòng thương tiếc đối với cố Tổng thống Ebrahim Raisi.

Nhân tố gián tiếp gây ra vụ tai nạn

Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Iran kể từ cuộc cách mạng năm 1979 và sau đó là về chương trình hạt nhân đã khiến Tehran gặp khó khăn trong việc có được các phụ tùng thay thế hoặc mua máy bay mới. Kể từ lệnh trừng phạt đầu tiên của Mỹ đối với Iran cách đây 45 năm, nền kinh tế Iran bị ảnh hưởng sâu rộng và đặc biệt là các hãng hàng không của nước này bị tác động nặng nề khi chính phủ nước Cộng hòa Hồi giáo không thể nhập khẩu máy bay mới.

Trọng tâm của các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với hàng không Iran là lệnh cấm nước này nhập khẩu bất kỳ máy bay hoặc thiết bị máy bay nào được sản xuất với hơn 10% linh kiện của Mỹ. Điều đó đã loại trừ khả năng Iran mua máy bay hoặc trực thăng mới của phương Tây, đồng thời cũng khiến Tehran gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các bộ phận cần thiết để bảo trì các phi đội bay cũ kỹ của mình. Một số máy bay phản lực của Nga cũng phụ thuộc vào các bộ phận của Mỹ, do đó, việc tìm nguồn cung ứng ngay cả những thứ đó cũng gặp khó khăn đối với Iran, bất chấp mối quan hệ chặt chẽ giữa Tehran và Moscow.

Theo Viện Cận Đông Washington, tính đến tháng 4/2019, 23 hãng hàng không Iran đang vận hành 156 máy bay trong tổng số 300 máy bay ở nước này, cho thấy gần một nửa số máy bay của Iran không thể bay vì phải chờ phụ tùng thay thế.

Theo ông Mohammad Mohammadi-Bakhsh, người đứng đầu cơ quan hàng không Iran, Tổ chức Hàng không Dân dụng Iran (CAO), nhu cầu sửa chữa thường xuyên đã làm tăng giá vé máy bay ở Iran và cũng gây căng thẳng kinh tế cho các công ty sản xuất máy bay nhỏ hơn. Máy bay cũng không thể gửi ra nước ngoài để sửa chữa và phải bảo dưỡng ở trong nước, với nhân lực chuyên gia hạn chế. Năm 2015, thỏa thuận hạt nhân Iran mang tên Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) đã được ký kết.

Trong đó, Iran đồng ý ngừng sản xuất các vật liệu có thể được sử dụng để sản xuất vũ khí hạt nhân. Đổi lại, các biện pháp trừng phạt đối với lĩnh vực hàng không được nới lỏng, cho phép nước này mua máy bay từ các nhà sản xuất nước ngoài như Airbus và Boeing. Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt đã được tái áp đặt khi Mỹ rời bỏ thỏa thuận hạt nhân dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump vào năm 2018.

Và theo Viện Washington, khoảng thời gian ngắn ngủi khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ không giúp ích gì nhiều cho Iran: Iran đã đặt mua hơn 200 máy bay từ các hãng phương Tây nhưng chỉ nhận được ba máy bay phản lực Airbus và 13 động cơ phản lực cánh quạt ATR - những máy bay nhỏ hơn - trước khi chính quyền Tổng thống Donald Trump áp dụng lại các lệnh trừng phạt.

Khổng Hà (tổng hợp)

Chiều 28/9, ông Võ Cao Long, Trưởng phòng GD&ĐT quận 1, TP  Hồ Chí Minh cho biết, liên quan đến việc cô giáo của Trường tiểu học Chương Dương xin phụ huynh hỗ trợ tiền để mua laptop cá nhân, tạm thời không bố trí lớp cho cô giảng dạy trong thời gian đang giải quyết vụ việc.

Chiều 28/9, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Công an TP Hà Nội chủ trì, phối hợp với các lực lượng liên quan thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và TP Hà Nội tổ chức diễn tập thực binh "Xử trí tình huống tấn công chiếm quyền điều khiển hệ thống mạng thông tin, đấu tranh bắt giữ đối tượng khủng bố, giải quyết bạo loạn và bảo vệ hội nghị quốc tế".

Ngay sau khi nhận thông tin, Công an TP Hà Nội đã điều động 6 xe chữa cháy và 40 CBCS Cảnh sát PCCC & CNCH thuộc Công an huyện Hoài Đức, Đan Phượng và Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH Công an TP Hà Nội đến hiện trường, tổ chức chữa cháy. Đồng thời, các lực lượng phối hợp với quần chúng hỗ trợ công tác chữa cháy, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.

Quân đội Israel ngày 28/9 khẳng định họ đã tiêu diệt thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah trong một cuộc không kích vào thủ đô Beirut của Lebanon, mặc dù Hezbollah vẫn chưa đưa ra tuyên bố về số phận của ông này. 

Thêm hai thi thể được tìm thấy tại khu vực xảy ra vụ nổ trạm xăng ở vùng Dagestan của Nga, nâng tổng số người chết trong vụ việc lên 12. 

Hỏi: Tôi được biết, dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) do Bộ Công an chủ trì xây dựng sẽ trình Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8 với nhiều chính sách mới nhằm mang lại hiệu quả trong thực hiện công tác PCCC và CNCH. Xin hỏi, những chính sách mới trong dự thảo Luật PCCC và CNCH? (Nguyễn Kim Ngọc, Hà Nội)

Ngày 28/9, Công an TP Hồ Chí Minh cho biết trong 9 tháng năm 2024, Công an thành phố đã phát hiện, khám phá 2.430 vụ/6.137 đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật về ma túy (so với cùng kỳ tăng 754 vụ - 44,99%), thu giữ hơn 980 kg ma túy các loại cùng nhiều súng, đạn và các công cụ phương tiện có liên quan; Cơ quan Cảnh sát điều tra 2 cấp thuộc Công an thành phố đã khởi tố 2.076 vụ/4.023 bị can.

Đường dây ma túy “khủng” này lấy hàng từ Campuchia về TP Hồ Chí Minh để tiêu thụ, do “ông trùm” Lâm Thành Trung cầm đầu, điều hành từ xa, với tang vật thu giữ khoảng 17 kg ma túy các loại. Đáng nói, để phụ giúp cho các hoạt động của đường dây tội phạm này có nhiều đối tượng trong nước trợ lực, trong đó có cả một nữ DJ nổi tiếng, được nhiều người chú ý vì những hình ảnh sang chảnh trên mạng của cô này...

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文