Khi hy vọng và hoài nghi cùng hiện diện trên bàn đàm phán

06:59 16/04/2025

Khi các kênh đối thoại giữa Nga và Mỹ được nối lại trong bối cảnh chiến sự Ukraine giằng co và chính trường quốc tế chia rẽ, một lối thoát ngoại giao dường như đang được mở ra. Thế nhưng, giữa những tuyên bố thiện chí, vẫn hiện diện những điều kiện đối nghịch, toan tính chiến lược và hoài nghi sâu sắc – khiến tiến trình hòa đàm chưa thể bứt khỏi bóng tối của bất trắc.

Cuộc xung đột kéo dài tại Ukraine đang bước vào giai đoạn khó đoán định, khi các nỗ lực quân sự trên thực địa dường như rơi vào thế giằng co, còn mặt trận ngoại giao bắt đầu xuất hiện những chuyển động mới. Trong bối cảnh đó, việc Mỹ và Nga nối lại tiếp xúc song phương được xem là một tín hiệu tích cực - dù còn dè dặt - cho khả năng mở ra một kênh đàm phán thực chất nhằm từng bước tìm kiếm giải pháp hòa bình.

15_4_2025_quocte.jpg -0
Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp Đặc phái viên Tổng thống Mỹ Steve Witkoff tại St. Petersburg, ngày 11/4. Ảnh: Reuters

Tuy vậy, những chia rẽ sâu sắc trong chính trường Mỹ, cùng với lập trường đối lập của các bên liên quan, tiếp tục là rào cản đáng kể trên con đường tiến tới chấm dứt chiến tranh. Trước hết, không khí chính trị tại Washington đang bị bao trùm bởi sự bất đồng về cách tiếp cận cuộc chiến. Trong nội bộ chính quyền Tổng thống Donald Trump, các quan điểm đối lập về xử lý hồ sơ Ukraine đã dần lộ rõ. Ngoại trưởng Marco Rubio và Đặc phái viên về Ukraine Keith Kellogg thúc đẩy lập trường cứng rắn hơn với Moscow, cảnh báo rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin chưa có dấu hiệu thực tâm ngồi vào bàn đàm phán.

Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump lại đặt niềm tin vào Đặc phái viên Steve Witkoff - người vừa có cuộc gặp trực tiếp với người đứng đầu Điện Kremlin tại St. Petersburg - và khẳng định rằng nhà lãnh đạo Nga “muốn hòa bình một cách nghiêm túc”. Cuộc gặp giữa hai bên diễn ra hôm 11/4 kéo dài tới bốn giờ đồng hồ, với trọng tâm là các vấn đề gai góc như ngừng bắn, quy chế các vùng lãnh thổ đang tranh chấp ở miền Đông Ukraine, và triển vọng gia nhập NATO của Kiev. Ông Witkoff mô tả cuộc trò chuyện là “hấp dẫn và mang tính xây dựng”, nhưng cũng thừa nhận rằng việc đạt được thỏa thuận trước lễ Phục sinh là điều khó khả thi. Phía Nga thể hiện mong muốn đạt được “một nền hòa bình lâu dài”, song đi kèm với những điều kiện mà nhiều bên xem là phi thực tế hoặc không thể chấp nhận.

Không chỉ chia rẽ trong nội bộ Nhà Trắng, Quốc hội Mỹ cũng đang vật lộn với những bất đồng về mức độ cam kết đối với Ukraine. Một số nghị sĩ đảng Cộng hòa tỏ ra ngày càng thận trọng trong việc phê duyệt viện trợ quân sự mới, kêu gọi gắn trách nhiệm đối với Kiev trong tiến trình đàm phán. Trong khi đó, một nhóm nghị sĩ lưỡng đảng lại thúc ép chính quyền đẩy mạnh các biện pháp trừng phạt nhằm buộc Moscow thể hiện thiện chí. Trong bối cảnh đó, việc Tổng thống Donald Trump cam kết sẽ “kết thúc chiến tranh trong 24 giờ” nếu tái đắc cử tiếp tục gây tranh cãi, nhất là khi kế hoạch cụ thể để thực hiện lời hứa này vẫn chưa được công bố. Sự căng thẳng tiếp tục leo thang khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky lên tiếng kêu gọi người đồng cấp Donald Trump tới thăm Ukraine để chứng kiến tận mắt hậu quả chiến tranh.

Trong khi tranh cãi chính trị vẫn diễn ra gay gắt, một đề xuất gây chú ý - và gây tranh cãi - đã được đưa ra bởi chính Đặc phái viên Keith Kellogg, theo đó ông đề xuất chia cắt Ukraine theo mô hình tương tự Berlin sau Thế chiến II. Cụ thể, các vùng do Nga kiểm soát sẽ nằm phía Đông, còn khu vực phía Tây sẽ do lực lượng gìn giữ hòa bình do Anh và Pháp dẫn đầu đảm nhiệm, được ngăn cách bởi một vùng phi quân sự rộng 30km. Đề xuất này ngay lập tức vấp phải phản đối từ Kiev và nhiều đồng minh châu Âu, những người cho rằng điều này đồng nghĩa với việc công nhận quyền kiểm soát của Nga đối với các lãnh thổ chiếm đóng, tạo tiền lệ nguy hiểm và làm suy yếu nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ.

Mặt khác, châu Âu cũng đang cố gắng tái khẳng định vai trò trong tiến trình đàm phán. Một “liên minh thiện chí” gồm 31 quốc gia do Anh và Pháp dẫn đầu đã được hình thành, với cam kết sẽ triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình trong trường hợp đạt được thỏa thuận ngừng bắn. Tuy nhiên, nhiều nhà lãnh đạo châu Âu lo ngại bị đẩy ra ngoài lề trong các cuộc thương lượng Mỹ - Nga, nhấn mạnh rằng không thể có một giải pháp hòa bình bền vững nếu không có sự tham gia của Ukraine và các bên liên quan trực tiếp ở châu Âu. Thêm vào đó, các điều kiện tiên quyết mà Nga đặt ra tiếp tục là trở ngại lớn. Điển hình là yêu cầu Ukraine phải từ bỏ kế hoạch gia nhập NATO và công nhận chủ quyền của Moscow đối với Crimea, Donetsk, Lugansk, Zaporizhia và Kherson - những vùng mà Nga đã sáp nhập sau các cuộc trưng cầu dân ý bị quốc tế bác bỏ.

Trong khi đó, Kiev tiếp tục bảo vệ lập trường kiên quyết về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời yêu cầu một lộ trình an ninh rõ ràng từ các đối tác phương Tây để đảm bảo sự tồn tại quốc gia. Trước sự đối lập về quan điểm và lợi ích, giới phân tích quốc tế cho rằng triển vọng hòa bình vẫn còn xa vời. Tuy vậy, việc các kênh đối thoại giữa Mỹ và Nga được duy trì là tín hiệu đáng khích lệ trong bối cảnh xung đột có nguy cơ vượt khỏi tầm kiểm soát. Các chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng, nếu không có sự cam kết chính trị mạnh mẽ từ hai cường quốc này, và nếu các bên liên quan - bao gồm Ukraine, EU và cả Liên hợp quốc - không được đảm bảo vai trò trung tâm trong tiến trình hòa bình, thì mọi thỏa thuận tạm thời cũng sẽ khó có thể duy trì ổn định.

Trong bối cảnh thế giới đứng trước nhiều thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống đan xen, việc tháo ngòi một cuộc xung đột đã kéo dài hơn hai năm như tại Ukraine là mong muốn chung của cộng đồng quốc tế, và càng trở nên cấp thiết khi hậu quả nhân đạo, kinh tế và chính trị của cuộc chiến này đang lan rộng vượt ra ngoài khu vực. Sự nối lại đàm phán giữa Mỹ và Nga - dù còn ở mức sơ khởi, thiếu vắng tính cam kết - vẫn là tín hiệu tích cực cần được nuôi dưỡng, bởi nếu các cường quốc hàng đầu không đối thoại được với nhau, thì nguy cơ đối đầu toàn diện sẽ càng khó tránh khỏi.

Trên bàn cờ chính trị quốc tế hiện nay, những sáng kiến ngoại giao trung lập, dựa trên nguyên tắc tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc (LHQ), chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, ngày càng có vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu căng thẳng và kiến tạo môi trường đối thoại bền vững. Đó cũng là lập trường nhất quán của Việt Nam - quốc gia luôn đề cao các giải pháp hòa bình cho mọi tranh chấp quốc tế, đồng thời tích cực tham gia và đóng góp vào các cơ chế đa phương, từ các diễn đàn an ninh khu vực cho tới các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ.

Với vai trò là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam ủng hộ mọi nỗ lực mang tính xây dựng nhằm khôi phục đối thoại, thúc đẩy hòa bình và phục hồi lòng tin giữa các bên liên quan. Những kinh nghiệm từ quá khứ, từ lịch sử đấu tranh giữ nước cũng như hành trình hội nhập quốc tế của chính mình, cho phép Việt Nam nhìn nhận xung đột không chỉ bằng lăng kính lợi ích chiến lược, mà còn từ nhu cầu nhân văn của các dân tộc - những con người bị cuốn vào vòng xoáy chiến tranh, nhưng luôn khao khát một cuộc sống bình yên, được xây dựng trên nền tảng của hòa giải và hiểu biết lẫn nhau.

Hòa bình, một khi được đạt được không chỉ bằng sức mạnh, mà bằng đối thoại và niềm tin, sẽ là thứ hòa bình bền vững. Để điều đó thành hiện thực, các bên cần dũng cảm vượt qua hận thù, lắng nghe thay vì áp đặt, và đặt tương lai của người dân - chứ không phải toan tính quyền lực - làm trọng tâm trong mọi tiến trình đàm phán. Đó là con đường không dễ đi, nhưng cũng là con đường duy nhất nếu thế giới không muốn rơi vào một vòng xoáy đối đầu bất tận.

Khổng Hà

Trong khí thế hào hùng của những ngày tháng 4 lịch sử, những người bạn quốc tế, cũng là những chuyên gia nghiên cứu lịch sử chính trị, đã dành nhiều lời ca ngợi chiến thắng 30/4/1975 của Việt Nam - gọi đây là biểu tượng của chính nghĩa và tình đoàn kết quốc tế.

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, sáng 28/4, tại lòng hồ Kẻ Gỗ, thuộc xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ và Tạp chí Đầu tư Tài chính - VietnamFinance chính thức tổ chức Đại lễ Khánh thành Đền thờ anh hùng liệt sỹ tại hồ Kẻ Gỗ.

Dòng người cứ tăng dần, mỗi phút trôi qua lại có rất nhiều phần vỉa hè đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa được mọi người "xí phần” làm chỗ chờ xem diễu binh vào ngày 30/4.

Khởi chiếu vào những ngày tháng tư lịch sử, bộ phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của khán giả. Một bộ phim nữa cùng khai thác đề tài chiến tranh cách mạng là “Mưa đỏ” cũng đang được tích cực hoàn thiện để ra rạp vào ngày 2/9. Như vậy, cùng với những bộ phim kinh điển ghi dấu trước đó, niềm hân hoan, tự hào về ngày thống nhất 30/4 vẫn luôn là nguồn cảm hứng dạt dào với những người làm điện ảnh...

Công an tỉnh Vĩnh Long khẩn trương điều tra làm rõ diễn biến hành vi gây án của Nguyễn Vĩnh Phúc, người đã dùng súng bắn Nguyễn Văn Bảo Trung và các tình tiết liên quan. Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an kiểm tra toàn bộ hồ sơ vụ tai nạn giao thông xảy ra ngày 4/9/2024 làm con của Phúc tử vong và quá trình giải quyết khiếu nại trong vụ việc.

Những ngày tháng Tư lịch sử, Facebook “nhuộm màu đỏ” mừng Ngày Giải phóng miền Nam, thống đất nước đất nước. Giữa những bộn bề mạng xã hội – nơi tưởng như quá ít điểm dừng – lực lượng Công an đã lặng lẽ biến từng dòng tin, từng bài viết thành những “cánh cửa” dẫn người xem trở về với cội nguồn. Những trang fanpage vốn gắn liền với công tác điều tra, phòng chống tội phạm…, bỗng trở thành nơi lưu giữ ký ức, nơi khơi dậy lòng tự hào dân tộc một cách rất đỗi dịu dàng, gần gũi.

Những biến động mạnh mẽ trên thị trường tài chính toàn cầu trong 100 ngày đầu nhiệm kỳ Tổng thống Donald Trump khiến giá đồng USD sụt giảm nhanh so với rổ tiền tệ quốc tế. Đã có ý kiến cảnh báo tình thế hiện nay sẽ thách thức vị thế thống trị kéo dài nhiều thập kỷ của đồng bạc xanh, nhưng cũng nhiều chuyên gia coi đây là sự tái cân bằng của danh mục đầu tư toàn cầu.

Từ 19h ngày 29/4 đến sáng 30/4, Công an các phường Võ Thị Sáu (quận 3), phường Bến Nghé và Bến Thành (quận 1, TP Hồ Chí Minh) cùng các đơn vị khác thuộc Công an TP Hồ Chí Minh bắt đầu điều phối hàng ngàn người dân đang ngồi chờ xem diễu binh.

Phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách trong những ngày đầu mới giải phóng, nhưng với truyền thống năng động, sáng tạo cả trong những thời điểm khó khăn và trong sự nghiệp đổi mới, TP Hồ Chí Minh đã vững vàng trở thành đô thị đầu tàu của cả nước từ nhiều năm qua. Trước vận hội mới của đất nước, thành phố mang tên Bác đã sẵn sàng tạo đà để tăng tốc… 

Với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là 50 kiều bào mới được TP Hồ Chí Minh biểu dương (25/4), những người con đã và đang sống xa Tổ quốc đã có chia sẻ cảm xúc, tình cảm về ngày trọng đại 30/4 lịch sử; những tâm tư, nguyện vọng, đồng thời kết nối sâu sắc hơn nữa tình cảm dành cho quê hương, đất nước, phát huy nguồn lực kiều bào trong giai đoạn bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Sự trở lại của Tổng thống Donald Trump trong nhiệm kỳ thứ hai đã đặt Liên minh châu Âu (EU) vào một thế lưỡng nan phức tạp: hoặc thích nghi với một nước Mỹ mang đậm chủ nghĩa đơn phương và lợi ích quốc gia thuần túy, hoặc phải tự xây dựng khả năng tự chủ chiến lược mạnh mẽ hơn để bảo vệ các lợi ích sống còn của mình.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.