Làm gì để đạt được mục tiêu tiêm phòng COVID-19 cho 70% dân số thế giới?
Theo giới chuyên gia, mục tiêu đến tháng 6 năm nay sẽ tiêm phòng COVID-19 được cho 70% dân số thế giới mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đề ra hồi tháng 10 năm ngoái là hoàn toàn khả thi. Nhưng cần phải có đủ ngân sách, chiến lược phân phối tốt hơn và đảm bảo các loại vaccine có thời hạn sử dụng lâu hơn.
Những nhân tố giúp biến mục tiêu thành hiện thực
Trong khi các quốc gia phương Tây vẫn đang chật vật triển khai tiêm mũi tăng cường nhằm ứng phó với làn sóng dịch bệnh do biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2, chỉ có 8,4% người dân tại các quốc gia có thu nhập thấp đã tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19. Sự chênh lệch giữa tỷ lệ tiêm phòng tại các nước thu nhập cao và thu nhập thấp đang lớn hơn bao giờ hết. Số vaccine được phân phối tới các quốc gia châu Phi trong khuôn khổ cơ chế chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX thường có thời hạn sử dụng ngắn và cần vận chuyển nhanh nhất có thể. Tại Nigeria, chỉ có 2% dân số đã tiêm đủ liều cơ bản và họ đã phải tiêu hủy hơn 1 triệu liều vaccine gần hết hạn. Tại Ghana, chỉ có 7,4% dân số đã được tiêm phòng.
Đại diện của WHO Fred Osei-Sarpong cho biết việc nhận các vaccine có thời hạn ngắn đã gây khó khăn cho việc lên kế hoạch để vận chuyển vaccine một cách phù hợp. Vấn đề này cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác vận chuyển vaccine đến khu vực nông thôn. Bên cạnh đó, tiêu chuẩn bảo quản nhiệt độ thấp cũng là nhân tố khiến tốc độ tiêm phòng bị chậm lại bởi châu Phi không có đủ hạ tầng để đáp ứng điều kiện này.
Vậy liệu việc xóa bỏ bản quyền với vaccine ngừa COVID-19 có phải là giải pháp hợp lý cho mục tiêu của WHO? Trên thực tế, việc tự sản xuất vaccine là thách thức lớn đối với mỗi quốc gia. Một số quốc gia như Kenya, đã bắt đầu lộ trình này khi tìm cách sản xuất các lọ chứa vaccine, song công nghệ này đòi hỏi phải có các nhà máy dược phẩm công nghệ cao để đảm bảo chất lượng an toàn. Việc sản xuất vaccine trong nước cũng cần có sự chuyển giao công nghệ và xây dựng năng lực chuyên môn, những điều kiện sẽ khó lòng đảm bảo được trong thời gian ngắn đến trung hạn. Do đó, đáp án sẽ phụ thuộc vào cơ chế phân phối toàn cầu như COVAX do họ có thể đảm bảo trước về nguồn cung vaccine.
Việc phân phối vaccine công bằng với các sản phẩm có thời hạn sử dụng dài sẽ cho phép việc triển khai kế hoạch hiệu quả. Ngoài những yếu tố trên, mỗi quốc gia còn có nhiều vấn đề riêng dẫn đến tỷ lệ tiêm phòng thấp. Do đó, nếu như có đủ ngân sách hỗ trợ, mỗi nước có thể tự giải quyết khó khăn và đảm bảo việc tiếp cận vaccine đến từng người dân.
Theo các chuyên gia, Kenya cần các nguồn lực để có thể thực hiện chiến lược tiêm phòng đến từng hộ gia đình, giống như họ đã làm với chiến dịch tiêm phòng cho trẻ em. Các quốc gia có hệ thống phân phối hiệu quả thường có tỷ lệ tiêm phòng cao. Kenya và Ghana là hai ví dụ điển hình khi có tỷ lệ tiêm phòng cho trẻ em lần lượt ở mức 80% và 90%.
Do đó, mục tiêu của WHO hoàn toàn khả thi trong trường hợp này. Trước tình hình này, không chỉ những quốc gia đang thiếu vaccine cần phải hành động khẩn cấp, mà cả thế giới cần chung tay phối hợp hành động mới có thể sớm chấm dứt dịch bệnh. Giống như Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres từng nhấn mạnh: “Không ai trong chúng ta an toàn cho đến khi tất cả đều an toàn”.
Thế giới đã có đủ công cụ để kết thúc đại dịch
Sự xuất hiện của biến chủng Omicron có khả năng lây nhiễm cao hơn đã khiến hi vọng chấm dứt đại dịch trong năm 2022 trở nên xa vời. Tuy nhiên các chuyên gia y tế cũng cho rằng, thế giới lúc này đã được trang bị tốt hơn, với kho vaccine an toàn và tương đối hiệu quả đang ngày càng tăng dần.
“Chúng tôi đã nói điều này từ rất lâu rồi, giai đoạn cấp tính của đại dịch có thể kết thúc vào năm 2022. Khả năng virus biến mất hoàn toàn là rất khó xảy ra, mà có thể sẽ lắng xuống thành một loại virus có mức độ lây truyền thấp, thỉnh thoảng gây ra các đợt bùng phát ở những quần thể chưa được tiêm chủng”, Giám đốc điều hành chương trình khẩn cấp của WHO Mike Ryan đưa ra nhận định này trong bối cảnh cuộc chiến chống COVID-19 toàn cầu đã bước sang năm thứ 3 và đang phải đối mặt với sự lây lan mạnh của biến thể siêu đột biến Omicron.
Chia sẻ quan điểm này, ông John Bell, Giáo sư miễn dịch học hàng đầu tại Đại học Oxford, thành viên Ban cố vấn khoa học đời sống Chính phủ Anh đánh giá, những gì mà Omicron gây ra hiện “không còn giống với căn bệnh mà chúng ta thấy cách đây một năm nữa”. Biến thể mới dường như ít gây bệnh nặng hơn, thời gian nằm viện của người nhiễm virus cũng tương đối ngắn.
Các nhà khoa học của Viện quốc gia về các bệnh truyền nhiễm (NICD) Nam Phi, quốc gia đầu tiên xác nhận các ca bệnh liên quan biến thể Omicron thì nhấn mạnh, dù cần tiến hành nghiên cứu thêm song dữ liệu của nước này đã truyền đi tín hiệu tích cực về mức độ nghiêm trọng của biến thể Omicron. Theo dữ liệu của Viện quốc gia về các bệnh truyền nhiễm Nam phi, số ca lây nhiễm trong 4 tuần đầu tiên của làn sóng COVID-19 thứ tư do biến thể Omicron gây ra tăng mạnh hơn so với con số này trong 3 làn sóng trước đây. Tuy nhiên, tỷ lệ nhập viện hiện là 5,7%, thấp hơn so với mức hơn 13% trong các làn sóng trước đó.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo lạc quan vào thời điểm hiện nay là quá sớm khi tất cả những gì thế giới biết về biến chủng Omicron mới chỉ ở giai đoạn đầu. Ngay cả khi dữ liệu chứng minh điều đó, thì việc virus lây lan mạnh vẫn có thể dẫn đến sự gia tăng lớn số ca nhập viện và tử vong. Điều đó có thể gây căng thẳng thêm cho các hệ thống chăm sóc sức khỏe vốn đã gặp nhiều khó khăn.
Theo Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, dù nhờ có vaccine thế giới đang xây dựng được “bức tường miễn dịch”, song “yếu tố quyết định chính” cho việc kết thúc đại dịch vẫn là giúp toàn thế giới tiếp cận được vaccine càng sớm càng tốt. “Ít nhất nguồn cung cấp vaccine hiện nay đang được cải thiện dù việc các nước giàu tăng cường tiêm mũi bổ sung cho dân số của mình có thể một lần nữa gây ảnh hưởng tới nguồn cung vaccine tại những nước thu nhập nhấp. Tôi kêu gọi lãnh đạo các nước giàu và các nhà sản xuất hãy học bài học từ các biến thể Alpha, Beta, Gamma, Delta và bây giờ là Omicron và làm việc cùng nhau để đạt được tỷ lệ bao phủ tiêm chủng 70% cần thiết để kết thúc giai đoạn cấp tính của đại dịch”, ông nói.
Trang dnaindia.com (Ấn Độ) mới đây dẫn một kết quả nghiên cứu tại Mỹ cho rằng Omicron có thể là một loại “vaccine tự nhiên”, giúp đưa đại dịch COVID-19 đến hồi kết vào cuối năm 2022. Theo nghiên cứu này, Omicron càng lây lan nhanh thì càng nhanh thay thế biến thể Delta trở thành biến thể chủ đạo, tức là thay thế biến thể độc hơn. Thứ 2, dù Omircon lây lan nhanh hơn những lại gây ra ít ca nhập viện hơn. Hơn nữa, các triệu chứng khi nhiễm biến thể Omicron cũng không khác nhiều so với nhiễm cúm và cũng kéo dài trong 4-5 ngày.
Trên thực tế, giới chức Mỹ cũng đã giảm thời gian cách ly tại nhà đối với bệnh nhân COVID-19 nhiễm biến thể Omicron xuống còn 5 ngày. Ở Mỹ, những người nhiễm Omciron có thể ra ngoài sau 5 ngày được phát hiện mắc bệnh nếu không có triệu chứng. Tuy nhiên, trong thời gian này, họ vẫn phải đeo khẩu trang. Và quan trọng nhất, biến thể Omicron dường như đang hoạt động như một loại vaccine tự nhiên.
Tại Anh, những người khỏi bệnh sau khi nhiễm Omicron đều có lượng kháng thể cao hơn. Kháng thể là khiên bảo vệ cơ thể, giúp nâng cao sức chiến đấu với virus và những bệnh khác giống như COVID-19. Việc tiêm vaccine phòng bệnh chính là để kích thích cơ thể sản sinh kháng thể chống lại virus. Nghiên cứu của Mỹ chỉ ra kháng thể sản sinh sau khi nhiễm Omicron mạnh hơn bất kỳ kháng thể nào khác có được từ việc tiêm phòng. Và có lẽ, đây chính là lý do mà kể cả khi số ca mắc mới dâng “như sóng thần” tại các quốc gia như Mỹ và Anh thì tình trạng vẫn chưa bị coi là nghiêm trọng.
Hiện nay, dù số ca mắc mới trong ngày có thể lên đến 250.000 ca tại Mỹ hay 150.000 ca tại Anh nhưng số ca tử vong tại các nước này lại ít hơn nhiều. Điều này chỉ ra rằng ngày càng nhiều người nhiễm biến thể Omicron nhưng không nguy hiểm đến tính mạng. Các số liệu về các ca nhập viện vì Omicron cũng mang đến những thông tin tương tự. Với biến thể Delta, cứ 100 người nhiễm thì 30 người nhập viện trong vòng 3-4 ngày sau khi nhiễm. Với Omicron, tỷ lệ nhập viện là từ 10-13ca/100 ca và trong số những người nhập viện thì có 50% không cần trợ thở oxy.