Lãnh đạo Trung Quốc - Mỹ trao đổi thẳng thắn về quan hệ song phương

08:36 30/07/2022

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden tối 28/7 đã có cuộc điện đàm kéo dài hơn 2 tiếng. Thông cáo báo chí do Trung Quốc công bố sau cuộc điện đàm cho biết, nguyên thủ hai nước đã có cuộc trao đổi và giao tiếp thẳng thắn về quan hệ Trung - Mỹ và các vấn đề cùng quan tâm.

Cuộc điện đàm “thẳng thắn và sâu sắc”

Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng, việc nhìn nhận và định nghĩa mối quan hệ Trung - Mỹ từ góc độ cạnh tranh chiến lược, coi Trung Quốc là đối thủ chính và thách thức lâu dài nghiêm trọng nhất, “là đánh giá sai về quan hệ Trung-Mỹ và hiểu sai về sự phát triển của Trung Quốc”, nhấn mạnh điều này sẽ đưa ra chỉ dẫn sai lầm cho nhân dân hai nước và cộng đồng quốc tế. Ông kêu gọi hai bên duy trì liên lạc các cấp về các vấn đề lớn như phối hợp chính sách kinh tế vĩ mô, duy trì sự ổn định của chuỗi cung ứng và công nghiệp, đảm bảo an ninh năng lượng và lương thực toàn cầu.

Ông cũng kêu gọi hai bên thúc đẩy việc giảm căng thẳng và hạ nhiệt các vấn đề điểm nóng trong khu vực, giúp thế giới sớm thoát khỏi đại dịch COVID-19, cũng như lạm phát đình trệ và suy thoái kinh tế, duy trì hệ thống quốc tế với Liên hợp quốc làm nòng cốt và trật tự quốc tế dựa trên luật pháp quốc tế.

Tổng thống Joe Biden (trái) và Chủ tịch Tập Cận Bình trong một cuộc họp trực tuyến. Ảnh: New York Times.

Cuộc điện đàm diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ do có thông tin Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi có kế hoạch thăm Đài Loan, khiến ông Tập Cận Bình đã phải tái khẳng định nguyên tắc “một nước Trung Quốc” là nền tảng chính trị của quan hệ Trung-Mỹ. Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố kiên quyết phản đối các động thái ly khai hướng tới “Đài Loan độc lập” và sự can thiệp của các thế lực bên ngoài, đồng thời không để bất cứ khoảng trống nào cho các lực lượng “Đài Loan độc lập” dưới bất kỳ hình thức nào. Ông khẳng định: “Lập trường của Chính phủ và người dân Trung Quốc về vấn đề Đài Loan là nhất quán. Kiên quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia của Trung Quốc là ý chí kiên định của hơn 1,4 tỷ dân Trung Quốc”, đồng thời cảnh báo “đùa với lửa ắt sẽ tự thiêu. Hy vọng phía Mỹ hiểu rõ điều này”.

Trong khi đó, Tổng thống Joe Biden mong muốn duy trì đối thoại thông suốt với Trung Quốc, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, tránh hiểu lầm và đánh giá sai, tìm kiếm hợp tác trong các lĩnh vực hội tụ lợi ích và kiểm soát thỏa đáng bất đồng. Ông cũng tái khẳng định chính sách “một nước Trung Quốc” của Mỹ là không thay đổi, nhấn mạnh Washington không ủng hộ Đài Loan “độc lập” và phản đối mạnh mẽ các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng hoặc cản trở hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan.

Cuộc điện đàm là một phần các nỗ lực của chính quyền Tổng thống Joe Biden nhằm duy trì và làm sâu rộng các kênh liên lạc giữa Mỹ và Trung Quốc đồng thời quản lý có trách nhiệm các bất đồng và phối hợp nơi hai nước có chung lợi ích. Cuộc điện đàm được thực hiện sau cuộc nói chuyện giữa lãnh đạo hai nước ngày 18/3 và một loạt các cuộc làm việc giữa các quan chức cấp cao hai nước. Hai nhà lãnh đạo cũng trao đổi về cuộc khủng hoảng Ukraine, tuy nhiên vấn đề thuế quan đã không được nhắc đến trong thông cáo báo chí của Trung Quốc. Nguyên thủ hai nước đánh giá cuộc điện đàm là “thẳng thắn và sâu sắc”, đồng thời nhất trí giữ liên lạc và giao cho các nhóm làm việc tiếp tục trao đổi hợp tác.

Liệu có xuất hiện một “mùa hè rực lửa”?

Giới chuyên gia nhận định rằng, dù mang lại nhiều hệ lụy tới kinh tế thế giới, song xung đột Nga-Ukraine cũng đang ít nhiều giúp hạ nhiệt căng thẳng Mỹ-Trung và buộc cả Bắc Kinh lẫn Washington phải triển khai chính sách thận trọng hơn. Một mặt, trong bối cảnh Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) “tiên phong” trong trừng phạt Nga, Trung Quốc đang đóng vai trò then chốt, góp phần giữ kinh tế toàn cầu không chìm sâu hơn vào khủng hoảng khi từ chối tuân theo những động thái này.

Mặt khác, Bắc Kinh vẫn ưu tiên giao dịch tài chính bằng đồng USD nhằm tránh hệ quả không đáng có từ lệnh trừng phạt của Nhóm G7, trong bối cảnh nước này cũng gặp khó từ COVID-19. Trong khi đó, Mỹ hạn chế áp đặt biện pháp trừng phạt thứ cấp để tránh làm trầm trọng thêm căng thẳng thương mại, ảnh hưởng tới đồng minh, đối tác của mình. Tuy nhiên, theo chuyên gia Reva Goujon của tập đoàn Rhodium (Mỹ) về phân tích chính sách và xu thế toàn cầu, sự thận trọng này có thể sớm biến mất nếu một trong hai kịch bản sau xảy ra.

Trước hết, đó là dư chấn ngày một lớn từ xung đột Nga-Ukraine. Bước sang tháng thứ ba, nhiều viễn cảnh về giai đoạn tiếp theo của cuộc xung đột này đã được thảo luận. Giao tranh ở miền Đông Ukraine có thể biến thành một cuộc “xung đột đóng băng” nếu Nga củng cố hành lang trên bộ ở phía Đông Nam. Một khả năng khác là Nga sẽ cố gắng thực hiện chiến lược đàm phán “leo thang để xuống thang” bằng cách cắt nguồn cung cấp năng lượng tới nhiều quốc gia châu Âu hơn, tấn công các đoàn vận tải vũ khí hay giành lấy Odessa.

Thời gian tới, Mỹ có khả năng sẽ áp đặt trừng phạt thứ cấp để ngăn chặn bước tiến của Nga, song xung đột kéo dài có thể khiến G7 rạn nứt. Đứt gãy chuỗi cung ứng, cấm vận tài chính cùng xuất nhập khẩu của một số mặt hàng thiết yếu cùng biến động địa chính trị đã khiến giá thực phẩm và năng lượng tăng cao đột biến. Lạm phát cũng lên mức “kịch trần” trong 4 thập kỷ qua ở cả Mỹ và châu Âu. Từ Tunisia đến Yemen, các chính phủ phải đối mặt với làn sóng bất ổn chính trị khi không có đủ nguồn dự trữ về ngũ cốc và nhiên liệu để hỗ trợ cho người dân.

Tuy nhiên, với Trung Quốc, đây có thể là cơ hội tốt. Trong nhiều năm, Trung Quốc đã tích trữ hơn một nửa nguồn cung lương thực của thế giới cho thời điểm như hiện nay. Với nỗ lực giữ khoảng cách an toàn với chiến sự ở Ukraine, Bắc Kinh muốn biến mình thành bên trung gian và ủng hộ một trật tự thế giới đa cực. Mặc dù Trung Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn để lôi kéo các nước như Brazil hay Ấn Độ làm đồng minh dưới danh nghĩa trung lập, nước này lại sở hữu nhiều công ty tự do để lách trừng phạt và gây khó dễ cho nỗ lực xây dựng liên minh của Mỹ. Bắc Kinh cũng sẵn sàng phản ứng với một loạt chính sách sắp tới của Washington. Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang phải chịu áp lực ngày càng lớn từ lưỡng đảng trong xây dựng một chiến lược kiềm chế Trung Quốc toàn diện hơn.

Kịch bản thứ hai là khi Mỹ triển khai chính sách cứng rắn hơn với Trung Quốc. Tính đến nay, các chiến lược mới của Mỹ trong một số lĩnh vực trọng tâm đang bắt đầu hình thành. Một đợt đánh giá các mức thuế quan dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, dự kiến diễn ra vào quý III năm nay, có thể sẽ mở ra một cuộc điều tra mới của phía Mỹ về các cáo buộc vi phạm thương mại của Trung Quốc. Ngoài ra, có một số chỉ dấu cho thấy ông chủ Nhà Trắng có thể ký một sắc lệnh hành pháp vào cuối mùa hè để xây dựng cơ chế sàng lọc đầu tư vào Trung Quốc. Các cơ quan quản lý tài chính Mỹ cũng có thể hủy bỏ giao dịch chứng khoán đối với bất kỳ công ty Trung Quốc nào không tuân thủ các quy tắc về công bố thông tin. Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nhắm vào Trung Quốc cũng có thể được thắt chặt hơn nữa, trong bối cảnh nhiều mối lo ngại về “chảy máu công nghệ” được đặt ra trong dòng chảy thương mại Mỹ-Trung. Đồng thời, Washington sẽ thúc đẩy hợp tác đa phương với các nước G7 để cùng kiểm soát xuất khẩu công nghệ.

Cùng lúc đó, Nhà Trắng đang cân nhắc có nên áp đặt các hạn chế gắt gao hơn với việc xuất khẩu công nghệ xuất xứ Mỹ hay không, nhất là với tập đoàn sản xuất chất bán dẫn SMIC của Trung Quốc. Về mặt an ninh, cạnh tranh ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang leo thang nhanh chóng. Đài Loan (Trung Quốc) tiếp tục kêu gọi hỗ trợ về an ninh, kinh tế và chính trị. Bộ ba AUKUS (Mỹ, Anh và Australia) đang tăng cường phối hợp về công nghệ siêu thanh và có thể sẽ sớm mở rộng tư cách thành viên cho Nhật Bản. Mới đây, một hiệp ước an ninh giữa Trung Quốc và quần đảo Solomon đã khiến Washington và Canberra quan ngại sâu sắc.

Trong bối cảnh cột mốc quan trọng với cả hai nước đang đến gần, những ảnh hưởng từ xung đột Nga-Ukraine cùng hàng loạt chính sách mới được Washington triển khai có thể khiến quan hệ Mỹ-Trung sớm bước vào một mùa hè rực lửa.

Khổng Hà (tổng hợp)

Vụ sạt lở đất trong đêm khiến nhà ông Trần Văn Khưa bị sập một phần công trình nhà ở. May mắn 6 người trong nhà chạy ra ngoài kịp thời, riêng ông Khưa và vợ bị các đòn gỗ trên mái nhà rơi xuống gây chấn thương, sau đó được lực lượng chức năng hỗ trợ đưa đến Trạm Y tế sơ cứu.

Sáng 25/11, Cơ quan CSĐT Công an thị xã Tịnh Biên (An Giang) cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và Lệnh tạm giam đối với Lê Văn Điền (SN 1972, HKTT: tổ 14, ấp Tân Thành, xã Tân Lập, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang); Lê Thị Ngọc Nhan (SN 1971, vợ Điền); Lê Phước Sang (SN 1991) và Lê Phước Hoàng (SN 1999, con Điền); Lê Công Triết (SN 1983) và Nguyễn Văn Lộc (SN 1982, cháu Điền) để điều tra về tội “Chống người thi hành công vụ”.

Ngày 25/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Phước cho biết đã thực hiện Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Leo Minh Hiếu, SN 1999, thường trú thôn 6, xã Long Bình, huyện Phú Riềng; nơi ở thôn Phước Tân, xã Bình Tân, huyện Phú Riềng. Leo Minh Hiếu bị khởi tố về tội “Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng”.

Từ kết luận của Thanh tra TP Hồ Chí Minh cho thấy, nhiều đơn vị được giao quản lý tài sản công ở khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh xem tài sản nhà nước như của riêng mình. Tự tiện cho thuê khi chưa có đề án và cũng tự tiện sử dụng tiền cho thuê tài sản như thể của riêng đơn vị mình...

Do mưa lớn kéo dài những ngày qua đến sáng nay, nhiều huyện miền núi thuộc tỉnh Quảng Nam đã xảy ra sạt lở đất, nhiều khu vực giao thông bị chia cắt. Lực lượng Công an phối hợp cùng các lực lượng chức năng đã khẩn trương triển khai khắc phục sạt lở đất để đảm bảo an toàn, giao thông thông suốt.

Bệnh sởi đã có vaccine phòng ngừa và mấy năm qua chỉ rải rác người mắc. Nhưng năm 2024, bệnh sởi bùng phát ở nhiều địa phương trên cả nước, chuyển hướng mắc nhiều ở nhóm trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng và người lớn. Nhiều người lớn chủ quan không nghĩ mình mắc sởi, đến khi nặng mới nhập viện. 

Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 12 của Thủ tướng Chính phủ về phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan "tín dụng đen", với sự quan tâm, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đấu tranh, xử lý quyết liệt của các cơ quan chức năng, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen" đã có những chuyển biến rõ rệt so với trước khi ban hành chỉ thị.

Đắk Song là huyện biên giới của tỉnh Đắk Nông, tiếp giáp với nước bạn Campuchia. Đây là địa phương có diện tích cây nông nghiệp lớn bậc nhất tỉnh Đắk Nông, gồm các loại chủ lực là cà phê, hồ tiêu và sầu riêng.

Chỉ sau hơn 1 tháng thực hiện Luật Căn cước, Hà Tĩnh đã có xã đầu tiên trên toàn tỉnh hoàn thành chỉ tiêu cấp thẻ căn cước cho công dân ở 3 độ tuổi. Đến nay, sau 4 tháng triển khai, Hà Tĩnh tiếp tục là một trong những địa phương dẫn đầu, xếp thứ 2 toàn quốc về tỷ lệ thu nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước cho công dân trên địa bàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文