Liệu Nga-Ukraine có sắp lao vào chiến tranh?
Bất chấp những cảnh báo gấp gáp từ Mỹ, quan chức cấp cao Liên minh châu Âu (EU) nhận định khả năng sớm xảy ra một cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine khá thấp. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine cũng thừa nhận ông chưa thấy dấu hiệu nào Nga sắp phát động tấn công.
Politico hôm nay (25/1) cho biết các quan chức cấp cao nhất của châu Âu và Mỹ mới đây đã nhóm họp để bàn bạc về tình hình căng thẳng giữa Ukraine và Nga, trong bối cảnh Mỹ liên tiếp đưa ra cảnh báo, cũng như sốt sắng chuẩn bị cho kịch bản Nga tấn công quân sự nhằm vào Ukraine.
Trả lời báo giới về cuộc thảo luận với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, ông Josep Borrell, Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), dường như đã bác bỏ nhận định cho rằng Nga có kế hoạch hành động quân sự với Ukraine trong tương lai gần.
"Chắc chắn là không, tôi không thấy có điều gì mới mà có thể làm gia tăng sự lo ngại về một cuộc tấn công ngay lập tức", ông Borrell trả lời câu hỏi của một phóng viên.
Tuyên bố được đại diện ngoại giao của EU đưa ra trong bối cảnh Mỹ và một số nước NATO cáo buộc Nga triển khai gần 130.000 quân tới biên giới Ukraine, cho rằng đây là một động thái chuẩn bị cho một cuộc tấn công nhằm vào quốc gia láng giềng, bất chấp việc Nga liên tiếp bác bỏ khả năng này.
Tình hình trông có vẻ nghiêm trọng hơn khi Mỹ cách đây một hôm quyết định rút bớt nhân viên ngoại giao khỏi Kiev, khiến nhiều bên, bao gồm của chính quyền Ukraine, tỏ ra bất ngờ. Đức và Australia sau đó cũng thông báo kế hoạch rút nhân viên ngoại giao khỏi Ukraine.
Tuy nhiên, ông Borrell tiết lộ, Ngoại trưởng Mỹ Blinken đã khẳng định việc rút nhân viên ngoại giao không phải một cuộc sơ tán mà là nhằm đưa các nhân viên không thiết yếu khỏi khỏi Ukraine.
Ông Borrell tuyên bố EU sẽ không theo chân Mỹ trong việc sơ tán các nhà ngoại giao EU khỏi Ukraine. Ông cho rằng không cần thiết phải "nghiêm trọng hóa" tình hình.
Vẫn theo ông Borrell, hoạt động quân sự của Nga ở biên giới với Ukraine đã "chia rẽ" châu Âu. "Chúng tôi biết rất rõ mức độ của các mối đe dọa và cách chúng tôi phải phản ứng", ông Borrel nói. "(Nhưng) các bạn cần bình tĩnh để làm những thứ cần làm và tránh hoảng hốt thái quá".
Trước đó, bình luận về khả năng áp đặt các biện pháp trừng phạt chống Nga để… phòng ngừa nguy cơ Nga tấn công Ukraine, ông Borrell cho rằng đây là điều không cần thiết. "Chúng tôi chỉ thảo luận về những gì cần làm trong trường hợp thực sự có điều gì đó xảy ra", ông Borrell phát biểu.
Cũng trong ngày 25/1, hãng thông tấn Nga TASS dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Alexey Reznikov cho biết, cho tới nay, ông không nhận được bất kỳ thông tin nào cho thấy khả năng Nga hành động quân sự với Ukraine trong tương lai gần.
"Đến hôm nay, các lực lượng vũ trang của Nga đã không thiết lập ra nhóm tấn công nào để sẵn sàng tiến hành một cuộc tấn công", ông Reznikov với kênh truyền hình ICTV của Ukraine.
Khi được hỏi về khả năng Nga tấn công Ukraine vào ngày 20/2, ngày cuối cùng của Thế vận hội Olympic ở Bắc Kinh giống như những đồ đoán gần đây của giới truyền thông phương Tây, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine trả lời: "Thấp".
NATO "động binh"
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby ngày 24/1 thông báo, 8.500 binh sĩ đã được đặt vào trạng thái cảnh giác cao độ để có thể nhanh chóng triển khai tới châu Âu, giữa lúc phương Tây lo ngại Nga sẽ tấn công “chớp nhoáng” vào Ukraine."Đây là động thái trấn an các đồng minh của chúng tôi. Nó gửi tín hiệu rất rõ ràng cho ông Putin rằng chúng tôi coi trọng trách nhiệm với NATO", ông nói.
Theo lời ông Kirby, các đơn vị bộ binh và lực lượng hỗ trợ được yêu cầu sẵn sàng xuất quân trong 5 ngày nếu có lệnh triển khai. Tuy nhiên, nhóm binh sĩ này sẽ không được triển khai tới Ukraine, bởi Kiev chưa phải thành viên của khối NATO. "Mỹ sẽ hành động kiên quyết để bảo vệ lợi ích quốc gia trước những hành vi gây hại cho chúng tôi hay đồng minh và đối tác", Kirby khẳng định.
NATO trước đó thông báo đặt lực lượng vào trạng thái sẵn sàng, đồng thời điều thêm chiến hạm và tiêm kích đến Đông Âu để "củng cố liên minh". Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết liên minh "sẽ tiếp tục áp dụng những biện pháp cần thiết để bảo vệ và phòng thủ mọi nước đồng minh".
Trước đó, Mỹ xác nhận tàu sân bay USS Harry Truman cùng nhóm tác chiến tấn công đã tham gia hoạt động tuần tra dọc biển Địa Trung Hải. Đây là lần đầu tiên kể từ sau chiến tranh lạnh, một nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ với đầy đủ thành phần đã được đặt dưới sự chỉ huy của NATO.
Cùng ngày 24/1, NATO cũng loan báo họ đang củng cố biên giới phía Đông với tàu chiến và tiêm kích. Đan Mạch sẽ huy động một khinh hạm tới biển Baltic và 4 tiêm kích F-16 tới Lithuania. Tây Ban Nha thì được đề nghị được đưa một khinh hạm tới Biển Đen và một máy bay tới Bulgaria, trong khi Hà Lan sẽ triển khai hai chiến đấu cơ F-35 tới Bulgaria.