Lo ngại hệ lụy từ khủng hoảng ngoại giao Mexico – Ecuador
Mexico ngày 8/4 hoan nghênh sự trở về của các nhà ngoại giao nước này sau vụ việc cảnh sát Ecuador đột kích Đại sứ quán Mexico ở thủ đô Quito, dẫn đến sự cố ngoại giao được cho là tồi tệ nhất khu vực Mỹ Latinh trong nhiều thập kỷ qua với lo ngại về những hệ lụy trong khu vực.
Chào đón các nhà ngoại giao tại sân bay quốc tế ở thủ đô Mexico, Ngoại trưởng Alicia Barcena ca ngợi tình đoàn kết mà chính phủ nhiều nước đã thể hiện với Mexico, đồng thời chỉ trích hành vi “gây hấn” của Ecuador đối với Đại sứ quán nước này. Tuyên bố của bà Barcena nhắm tới vụ việc cảnh sát và binh lính Ecuador đã tiến vào Đại sứ quán Mexico ở Quito tối muộn ngày 5/8 (giờ địa phương) để bắt giữ cựu Phó Tổng thống Jorge Glas. Ông Glas đã lưu trú tại Đại sứ quán Mexico kể từ cuối năm 2023 và vừa được Tổng thống nước này cấp quy chế tị nạn chính trị trong ngày 5/8.
Tuy nhiên, phía Ecuador lập luận rằng việc Mexico cấp quyền tị nạn cho ông Glas, người đã bị kết án hai lần về tội hối lộ, là trái pháp luật. Chính phủ Ecuador khẳng định, Đại sứ quán Mexico ở nước này nên đóng vai trò là không gian ngoại giao để tăng cường quan hệ giữa hai quốc gia và không nên lạm dụng đặc quyền miễn trừ ngoại giao để cấp quyền tị nạn cho một tội phạm. Trong một tuyên bố, Tổng thống Ecuador Daniel Noboa cho rằng hành vi “bảo vệ người tị nạn” của Mexico là bất hợp pháp vì ông Glas đang đối mặt với các cáo buộc tham nhũng.
Phản ứng trước các hành vi và tuyên bố của phía Ecuador, Ngoại trưởng Mexico trong lễ đón các nhà ngoại giao về nước nhấn mạnh: “Tổng thống Ecuador Daniel Noboa đã phạm sai lầm khi đưa ra một quyết định không chỉ vi phạm tất cả các công ước quốc tế đã được thiết lập mà còn cho thấy sự thiếu hiểu biết về thực tế đất nước”.
Theo truyền thông Mexico, tại thời điểm xảy ra sự cố, nhiều nhân viên ngoại giao Mexico, bao gồm cả Tham tán Công sứ Roberto Canseco đã bị các lực lượng chức năng Ecuador tấn công thô bạo và để lại nhiều thương tích. Vì thế, sau khi vụ việc xảy ra, chính phủ Mexico đã tuyên bố cắt đứt quan hệ với Ecuador và rút ngay lập tức toàn bộ nhân viên ngoại giao về nước, đóng cửa vô thời hạn đại sứ quán và cơ quan lãnh sự tại nước này.
Bộ Ngoại giao Mexico cũng tuyên bố sẽ khởi kiện chính phủ Ecuador lên Tòa án Công lý Quốc tế, viện dẫn việc Ecuador đột kích Đại sứ quán Mexico là hành động không chỉ vi phạm thô bạo Công ước Vienne về quan hệ ngoại giao năm 1961, mà còn thể hiện rõ sự coi thường “cao độ” các chuẩn mực cũng như nhận thức phổ quát về quan hệ quốc tế.
Ngay sau khi vụ việc được coi là sự cố ngoại giao nghiêm trọng nhất Mỹ Latinh xảy ra, chính phủ nhiều nước đã có phản ứng. Cụ thể, chính phủ Nicaragua lập tức tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ecuador, đồng thời lên án mạnh mẽ vụ tấn công trên, coi đây là hành vi vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế và các công ước ngoại giao giữa các quốc gia và chính phủ trên thế giới.
Còn Bộ Ngoại giao Tây Ban Nha tuyên bố: "Việc tấn công Đại sứ quán Mexico ở Quito là vi phạm Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao năm 1961. Chúng tôi kêu gọi tôn trọng luật pháp quốc tế và sự hòa hợp giữa Mexico và Ecuador, các nước anh em của Tây Ban Nha và các thành viên cộng đồng người Mỹ gốc Ibero". Tổng thống Colombia Gustavo Petro trong một tuyên bố cũng cho rằng quyền tị nạn của ông Glas đã "bị vi phạm một cách trắng trợn", trong khi Tổng thống Honduras Xiomara Castro gọi vụ đột kích Đại sứ quán Mexico "là hành động không thể dung thứ đối với cộng đồng quốc tế".
Trong diễn biến mới nhất, Người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 7/4 (giờ địa phương) cho biết Tổng thư ký rất "bất ngờ" trước cuộc đột kích, đồng thời tái khẳng định "nguyên tắc cơ bản về quyền bất khả xâm phạm của các cơ sở, nhân sự ngoại giao và lãnh sự". Cùng ngày, Tổng thư ký Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) Luis Almargo đề nghị Hội đồng Thường trực OAS họp khẩn để có thể tìm ra phương hướng giải quyết căng thẳng ngoại giao giữa Mexico và Ecuador - hai quốc gia thành viên OAS.
Về phần mình, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller tuyên bố Mỹ lên án mọi vi phạm Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao và nhấn mạnh mọi quốc gia phải tuân thủ nghĩa vụ theo luật quốc tế về việc tôn trọng quyền bất khả xâm phạm các phái đoàn ngoại giao. Mỹ nhận định Mexico và Ecuador đều là hai đối tác quan trọng và kêu gọi hai nước này giải quyết các bất đồng theo chuẩn mực quốc tế.
Giới quan sát lo ngại, cuộc đột kích Đại sứ quán Mexico có thể khiến Ecuador bị nhiều nước quay lưng, đồng thời gây thiệt hại cả về mặt kinh tế. Theo ông Esteban Nicholls, chuyên gia nghiên cứu Mỹ Latinh tại Đại học Simon Bolivar Andean của Ecuador, sau khi thụ lý đơn kiện, Tòa án Công ký Quốc tế có thể cho rằng Ecuador đã vi phạm Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao. Quốc gia này có thể bị trừng phạt bằng cách tước quyền bỏ phiếu của nước này tại các cơ quan đa phương như OAS.
Các chuyên gia luật quốc tế và lãnh đạo khu vực cũng cho rằng động thái của Ecuador đã vi phạm khuôn khổ luật pháp quốc tế lâu đời mà ít nhà cầm quyền dám vượt qua và chắc chắn sẽ khiến Quito phải chịu đòn giáng nặng nề về ngoại giao.