Mỹ-Hàn tìm cách đưa Triều Tiên trở lại bàn đàm phán
Mỹ và Hàn Quốc tiến hành hàng loạt cuộc tiếp xúc song phương cấp cao trong vài tuần trở lại đây để thảo luận về cách thức tái khởi động các cuộc đàm phán phi hạt nhân với Triều Tiên, vốn đã bị đình trệ hơn hai năm qua.
Nửa năm từ thời điểm nhận bàn giao Nhà Trắng, chính quyền của đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden đang có những bước đi ngoại giao dày đặc và quyết liệt nhằm cùng Hàn Quốc đưa Triều Tiên trở lại bàn đàm phán. Theo thông báo ngày 6/8 của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Hàn Quốc Chung Eui-yong, trong đó “nhất trí Hàn Quốc và Mỹ sẽ tiếp tục có những nỗ lực ngoại giao phối hợp vì sự tiến triển lớn lao hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn cũng như thiết lập hòa bình vĩnh viễn trên Bán đảo Triều Tiên”, Reuters đưa tin.
Phía Hàn Quốc nhấn mạnh, Washington và Seoul đề cao vai trò của các cuộc tham vấn song phương về vấn đề Triều Tiên và cùng cho rằng hợp tác với Bình Nhưỡng về vấn đề nhân đạo có thể là khởi đầu tốt vào lúc này. Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Blinken xác nhận cuộc điện đàm diễn ra hiệu quả. Ông tái khẳng định sự ủng hộ của Mỹ dành cho đối thoại liên Triều, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của liên minh Hàn-Mỹ vì mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên và thiết lập hòa bình lâu dài ở khu vực.
Cuộc điện đàm trên được tiến hành sau khi Phó đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Jung Pak và các quan chức từ Bộ Ngoại giao, Bộ Thống nhất, Văn phòng Tổng thống và Hội đồng An ninh quốc gia Hàn Quốc tham vấn hôm 4/8 ở Seoul về tình hình trên Bán đảo Triều Tiên, triển vọng hợp tác nhân đạo, hợp tác về vấn đề Triều Tiên với các bên tại các diễn đàn đa phương, gồm cả hợp tác 3 bên với Nhật Bản.
Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết, Mỹ và Hàn Quốc cũng thảo luận về các dự án liên Triều mà hai miền Triều Tiên có thể tự triển khai. Trước đó, Seoul thông báo bà Jung Pak và những người đồng cấp Hàn Quốc đã thảo luận về cách thức để sớm nối lại đàm phán Mỹ- Triều. Trước khi bà Pak đến Hàn Quốc, cấp trên của bà là Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Sung Kim cũng đã thăm Seoul và tuyên bố Mỹ sẵn sàng gặp gỡ phía Triều Tiên “bất cứ khi nào và ở bất cứ đâu” mà không kèm điều kiện tiên quyết.
Đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều rơi vào thế bế tắc từ năm 2019 dưới thời Tổng thống Donald Trump. Khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức, Washington và Bình Nhưỡng tiếp tục có những bình luận khá gay gắt về đối phương, kéo lùi triển vọng đàm phán trong nhiều tháng. Quan hệ liên Triều cũng rơi vào trạng thái lạnh nhạt trong suốt thời gian này. Căng thẳng cũng có lúc leo thang khi các kênh liên lạc trực tiếp giữa hai miền Triều Tiên cũng bị gián đoạn trong 13 tháng vì Bình Nhưỡng cho nổ văn phòng liên lạc để phản đối việc một số tổ chức ở Hàn Quốc rải truyền đơn phản đối Triều Tiên ở khu biên giới.
Tuy nhiên, tình hình có dấu hiệu cải thiện khi Triều Tiên và Hàn Quốc hồi cuối tháng 7 đã nối lại các đường dây liên lạc, vốn được mô tả là nhờ nỗ lực ngoại giao qua thư của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Theo CNBC, Triều Tiên đang tìm cách gỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế trước khi tiếp tục đàm phán phi hạt nhân hóa với Mỹ.
Reuters dẫn thông tin từ các nghị sĩ Hàn Quốc sau cuộc họp với cơ quan tình báo nói rằng, các mặt hàng phía Triều Tiên muốn bỏ cấm vận bao gồm kim loại nhập khẩu, nhiên liệu và các mặt hàng thiết yếu khác. Ngoài ra, Triều Tiên cũng cần khoảng một triệu tấn gạo. Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc mới đây ước tính kinh tế của Bình Nhưỡng trong năm 2020 sụt giảm mạnh do các lệnh trừng phạt, do thời tiết cực đoan và tác động của dịch COVID-19.
Dù chính quyền Tổng thống Biden chưa tỏ ý sẵn sàng nhượng bộ, song các chuyên gia cho rằng cách tiếp cận này có thể thay đổi khi hai bên trở lại các cuộc đối thoại. Phía Mỹ thời gian qua vẫn cẩn trọng trong việc xác định hướng tiếp cận với Bình Nhưỡng và cho hay họ đang đánh giá lại toàn bộ chiến lược từ thời tổng thống Donald Trump.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman hồi tháng 7 từng khẳng định Washington vẫn muốn có được một hướng đi “đáng tin cậy, có thể dự đoán và mang tính xây dựng” trong tiến trình đàm phán với Bình Nhưỡng. Trong diễn biến tích cực liên quan, Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ nói rằng Washington đang phác thảo kế hoạch nới lỏng một phần các biện pháp trừng phạt để đổi lấy việc Triều Tiên thực hiện các bước phi hạt nhân hóa, dù rằng mục tiêu này rất khó vượt qua cửa ải lưỡng viện Quốc hội Mỹ.