Mỹ và phương Tây còn nhiều phụ thuộc vào Nga

08:20 01/04/2024

Sau khi nổ ra cuộc xung đột Nga - Ukraine, Mỹ và phương Tây đã áp dụng các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn trong lĩnh vực năng lượng, nguồn thu nhập chính của Nga. Tuy nhiên, họ đã loại trừ năng lượng hạt nhân khỏi các lệnh trừng phạt đối với Moscow. Bên cạnh đó, titan - một nguyên liệu chủ chốt trong ngành công nghiệp quốc phòng cũng khiến Mỹ và phương Tây không thể cắt đứt hoàn toàn với Nga.

Chiếm gần 50% thị phần toàn cầu

Trong quá trình làm giàu uranium, quy trình đầu tiên trong sản xuất nhiên liệu hạt nhân, Nga chiếm gần 50% thị phần toàn cầu là điều khiến Mỹ và phương Tây loại trừ năng lượng hạt nhân khỏi các lệnh trừng phạt đối với Moscow. Mỹ, các nước Liên minh châu Âu (EU) và đặc biệt là các nước Trung và Đông Âu phụ thuộc rất nhiều vào Nga.

Trước khi xung đột ở Ukraine nổ ra, Nga đã thu được hàng tỷ USD hằng năm từ việc xuất khẩu nhiên liệu hạt nhân và lò phản ứng. Bên cạnh việc có quyền kiểm soát thị trường xuất khẩu lò phản ứng, Nga cũng đang thống trị thị trường nhiên liệu hạt nhân cho các lò phản ứng nhỏ (SMR) và lò phản ứng tái tạo nhanh (FBR), được gọi chung là lò phản ứng thế hệ tiếp theo, vốn đòi hỏi một quy trình đặc biệt so với nhiên liệu hạt nhân thông thường được sử dụng rộng rãi trên khắp thế giới. Do đó, ảnh hưởng của Nga trên thị trường điện hạt nhân toàn cầu có thể sẽ tiếp tục tăng trong tương lai.

Bên trong nhà máy sản xuất titan VSMPO-AVISMA của Nga. Ảnh: Getty Images.

Chuyên gia Henry Sokolski thuộc Trung tâm Giáo dục Chính sách Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPEC), một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Mỹ với các chuyên gia về không phổ biến vũ khí hạt nhân và các nhà hoạch định chính sách, lập luận rằng, phương Tây nên hạn chế dựa vào Nga để làm giàu uranium và nhiên liệu hạt nhân càng sớm càng tốt.

Đồng ý với lập luận này, kể từ khi nổ ra xung đột Nga - Ukraine, Phần Lan, Cộng hòa Czech và Slovakia đã liên tiếp có động thái cân nhắc chuyển sang sử dụng nhiên liệu hạt nhân từ các nhà cung cấp của Mỹ, trong đó, một số nước đã thành công. Tuy nhiên, do thực tiễn với các hợp đồng điện hạt nhân nên việc thay đổi nhà cung cấp một cách nhanh chóng là điều không dễ dàng.

Việc làm giàu uranium và nhiên liệu hạt nhân thường được giao dịch theo hợp đồng dài hạn từ 5 đến 10 năm. Việc hủy hợp đồng giữa kỳ có thể có nguy cơ phải bồi thường khoản tiền khổng lồ cho Tập đoàn Năng lượng hạt nhân Nhà nước Rosatom của Nga. Vì vậy, bất chấp những lời kêu gọi mạnh mẽ trong EU về việc trừng phạt Moscow, Ủy ban châu Âu (EC) không thể hành động trong lĩnh vực này.

Trong bối cảnh đó, Mỹ ngày càng lo ngại rằng, nếu tình hình không thay đổi, Nga không chỉ có nguồn thu vững chắc giúp duy trì xung đột ở Ukraine mà còn trở thành mối đe dọa an ninh, sử dụng nguồn cung cấp nhiên liệu hạt nhân làm "vũ khí ngoại giao". Vì vậy, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có những bước đi cụ thể. Họ đã quyết định cung cấp khoản trợ cấp 150 triệu USD cho các công ty tham gia sản xuất uranium chất lượng cao và mức độ làm giàu thấp từ 5-19,75% (HALEU). Đây là nguyên liệu hạt nhân thích hợp để làm lõi phản ứng cho các nhà máy điện hạt nhân tiên tiến đang được Mỹ và nhiều nước châu Âu khác phát triển.

Mặc dù khoản trợ cấp này vẫn còn quá nhỏ để có thể giáng một đòn mạnh vào doanh thu của Nga nhưng có hai yếu tố đằng sau chính sách này. Thứ nhất là lo ngại về sự thống trị áp đảo của Nga trên thị trường điện hạt nhân toàn cầu hiện nay, Mỹ đang tập trung vào khả năng tự cung cấp HALEU, điều cần thiết cho các lò phản ứng thế hệ tiếp theo. Và thứ hai là, sự thống trị ngày càng tăng của Nga (và Trung Quốc) trên thị trường điện hạt nhân toàn cầu sẽ trở thành vấn đề an ninh đối với Mỹ và các nước phương Tây.

Với sự kiểm soát mạnh mẽ hơn trên thị trường, họ sẽ có nhiều tiếng nói hơn trong Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và các cơ quan khác nơi các thỏa thuận quốc tế được quyết định. Nếu Nga cũng thống trị thị trường lò phản ứng thế hệ tiếp theo, các quy tắc quốc tế về chuyển giao và quản lý vật liệu hạt nhân có thể được xây dựng theo hướng có lợi cho Nga.

Tuy nhiên, rõ ràng là một mình Mỹ không thể giải quyết được vấn đề, vì nước này không có công ty nào có khả năng cung cấp máy ly tâm cần thiết cho sản xuất HALEU. Do đó, chính sách trợ cấp của Mỹ đã khiến các đồng minh cân nhắc các giải pháp và sự chú ý đang đổ dồn vào động thái của Cơ quan Năng lượng Hạt nhân Nhật Bản (Urenco) và Công ty trách nhiệm hữu hạn Nhiên liệu hạt nhân Nhật Bản (JNFL), những đơn vị có thể tự cung cấp máy ly tâm ở phương Tây.

Tóm lại, trừ khi Nhật Bản và các nước phương Tây khác tập hợp công nghệ và cơ sở vật chất của họ để đưa ra các giải pháp, sự thống trị của Nga trên thị trường điện hạt nhân toàn cầu có thể sẽ tiếp tục trong tương lai. Trong khi đó, để thực hiện các biện pháp trên, điều quan trọng là phải nỗ lực khôi phục niềm tin vào việc sử dụng năng lượng hạt nhân.

"Vật liệu máy bay"

Các nhà phân tích trong ngành công nghiệp hàng không và quốc phòng cho biết, đối với trường hợp titan, sự phụ thuộc của phương Tây vào Nga làm gia tăng lo ngại về an ninh, vì kim loại này đóng vai trò rất quan trọng không chỉ trong việc sản xuất cả máy bay thương mại mà cả máy bay quân sự. Tầm quan trọng của titan đến từ nhiều yếu tố: cứng như thép nhưng nhẹ hơn đến 45%, có khả năng chịu nhiệt và chống ăn mòn tốt. Nó được gọi là "vật liệu máy bay" vì tầm quan trọng chưa thể thay thế trong ngành công nghiệp chế tạo sản phẩm này.

Các hãng sản xuất máy bay phương Tây đã phụ thuộc vào titan từ Nga trong hàng chục năm qua. Ngay cả trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Mỹ âm thầm nhập titan từ Liên Xô dù quan hệ 2 bên trong tình trạng leo thang căng thẳng. Điều này có thể giải thích cho lý do tại sao cho tới nay, Tập đoàn VSMPO-AVISMA - nhà sản xuất titan lớn nhất thế giới của Nga vẫn chưa bị Mỹ hoặc EU trừng phạt mặc dù thuộc sở hữu một phần của Rostec - Tập đoàn Quốc phòng hàng đầu của Nga sở hữu hàng trăm công ty con và đang chịu lệnh trừng phạt của cả Mỹ và EU.

Hồi tháng 9/2023, Bộ Thương mại Mỹ đã áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với VSMPO-AVISMA, tuyên bố rằng công ty này "trực tiếp tham gia và sản xuất các sản phẩm titan cho quân đội cũng như các cơ quan an ninh của Nga". Tuy nhiên, những biện pháp kiểm soát đó cấm xuất khẩu hàng hóa cho VSMPO-AVISMA, chứ không cấm Mỹ nhập khẩu titan từ công ty Nga. Giám đốc điều hành Tập đoàn Airbus Guillaume Faury nhấn mạnh rằng: "Chúng tôi nghĩ rằng, việc trừng phạt titan Nga sẽ là trừng phạt chính chúng tôi", trong khi các nhà cung cấp lớn cho Tập đoàn sản xuất Boeing vẫn tiếp tục mua titan của Nga, dù họ tuyên bố hiện sử dụng nguồn cung cấp titan ở Mỹ.

Tập đoàn Safran của Pháp chuyên sản xuất động cơ và thiết bị hạ cánh cho các công ty hàng không vũ trụ, bao gồm cả Boeing, đã tăng lượng nhập khẩu titan từ Nga trong năm 2022. Titan nhập từ Nga có trong động cơ LEAP 1B do Safran sản xuất, động cơ này được sử dụng trong máy bay của cả Boeing và Airbus.

Rolls-Royce, một công ty của Anh sản xuất động cơ cho cả Airbus và Boeing, đầu năm 2022 đã tuyên bố sẽ ngừng mua titan của Nga. Tuy nhiên theo dữ liệu thương mại Rolls-Royce vẫn nhập khẩu từ VSMPO trong cả năm 2022, thậm chí tăng so với năm 2021. Lô titan VSMPO-AVISMA giao cho Rolls-Royce gần đây nhất là vào tháng 4/2023. Các nhà phân tích cho rằng, các công ty phương Tây đang gặp khó khăn trong việc tìm nhà cung ứng thay thế VSMPO-AVISMA.

Khổng Hà (tổng hợp)

Nhiều xe chữa cháy chuyên dụng cùng trang thiết bị hiện đại và hàng chục CBCS Cảnh sát PCCC và CNCH được huy động chiến đấu với "giặc lửa" tại hiện trường vụ hỏa hoạn ở quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội). May mắn không có thiệt hại về người.

Ngày 9/1, Công an TP Vinh, tỉnh Nghệ An cho biết: đơn vị vừa phá thành công chuyên án, bắt giữ 2 đối tượng về hành vi mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, thu giữ số ma túy lớn và nhiều vật chứng liên quan khác.

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, khoảng 1.000 kiều bào, trong đó có 100 kiều bào tiêu biểu, sẽ tham gia chương trình Xuân Quê hương 2025, mở đầu cho một năm đầy ắp những sự kiện lớn của đất nước, đồng thời, là cơ hội để vinh danh những đóng góp của người Việt Nam ở nước ngoài với quê hương, động viên kiều bào tiếp tục nỗ lực vì sự phát triển của đất nước. 

Ngày 9/1, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Hoà Bình cho biết, đơn vị vừa phối hợp với Công an huyện Kim Bôi đã phát hiện, đấu tranh được nhiều tài khoản trên các nền tảng mạng xã hội có tên “@hotieubao123, @hotieubaoservice, @hatokibotnetstealer; @jero_stealer_japan” có hành vi mua bán phần mềm mã độc sử dụng để tấn công mạng.

Ngày 9/1, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Hoàng Khánh Linh (SN 2004, trú tại TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương) về tội giết người. Điều rất đau lòng là bị hại trong vụ án chính là người Linh yêu. 

Thông tin từ Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cho biết, hiện có 4 nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN) kinh doanh thương mại điện tử dựa trên nền tảng số tại Việt Nam chưa thực hiện quy định về đăng ký thuế thông qua Cổng thông tin điện tử (TTĐT) của Tổng cục Thuế.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文