Ngoại trưởng G7 và EU họp khẩn, kêu gọi Nga giảm leo thang căng thẳng

07:39 21/02/2022

Bên lề Hội nghị An ninh Munich diễn ra tại Đức, hôm 19/2 (giờ địa phương), Ngoại trưởng Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã họp khẩn về tình hình Ukraine và kêu gọi Nga giảm leo thang căng thẳng. Sau cuộc họp, Ngoại trưởng các nước G7 và đại diện Liên minh châu Âu (EU) đã ra tuyên bố chung, trong đó đề cập một số nội dung quan trọng.

Tuyên bố chung bày tỏ quan ngại sâu sắc trước việc Nga tăng cường quân đội xung quanh Ukraine, ở bán đảo Crimea và ở Belarus, cho rằng đó là một thách thức đối với an ninh toàn cầu và trật tự quốc tế.

Ngoại trưởng các nước G7 và đại diện EU kêu gọi Nga lựa chọn con đường ngoại giao, giảm leo thang căng thẳng, rút các lực lượng quân sự khỏi khu vực gần biên giới Ukraine và tuân thủ đầy đủ các cam kết quốc tế, bao gồm giảm thiểu rủi ro và minh bạch hóa các hoạt động quân sự. Ngoại trưởng các nước G7 và đại diện EU ghi nhận thông báo mới nhất rằng Nga sẵn sàng can dự về mặt ngoại giao, đồng thời nhấn mạnh cam kết của mình đối với Nga trong việc theo đuổi đối thoại về các vấn đề cùng quan tâm.

Về vấn đề Ukraine, Ngoại trưởng các nước G7 và đại diện EU tái khẳng định tình đoàn kết với người dân nước này, ủng hộ những nỗ lực của Ukraine nhằm tăng cường dân chủ và thể chế, khuyến khích những tiến bộ hơn nữa trong cải cách. Tuyên bố đồng thời nhắc lại cam kết của G7 và EU đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine trong các đường biên giới và lãnh hải được quốc tế công nhận.

Ngoại trưởng các nước G7 và đại diện EU đánh giá cao và tiếp tục ủng hộ các nỗ lực của Đức và Pháp thông qua Tiến trình Normandy nhằm đảm bảo thực hiện đầy đủ các Thỏa thuận Minsk, coi đây là con đường duy nhất tiến tới một giải pháp chính trị lâu dài cho cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine.

Ngoại trưởng các nước G7 và đại diện EU đồng thời bày tỏ sự ủng hộ đối với Phái bộ Giám sát Đặc biệt của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), nơi các quan sát viên đóng vai trò quan trọng trong các nỗ lực giảm leo thang. G7 và EU lưu ý phái bộ phải được phép thực hiện đầy đủ nhiệm vụ mà không có hạn chế đối với các hoạt động của họ và cho rằng sự tự do di chuyển mang lại lợi ích và an ninh cho người dân ở miền Đông Ukraine.

Một cuộc họp của Tổng thống Mỹ Joe Biden với Hội đồng An ninh Quốc gia để thảo luận về tình hình tại Ukraine.

Cùng chung tìm kiếm biện pháp ngoại giao để giải quyết tình hình liên quan Ukraine, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov sẽ có cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ Antony Blinken vào ngày 24/2 tới. Trước đó, theo thông tin từ Nhà Trắng, cuộc gặp này được lên kế hoạch vào ngày 23/2. Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh sẽ nỗ lực tìm kiếm biện pháp ngoại giao để giải quyết tình hình liên quan Ukraine.

Trong ngày 20/2 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã triệu tập cuộc họp Hội đồng An ninh Quốc gia để thảo luận về tình hình tại Ukraine. Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki thông báo: "Tổng thống Joe Biden tiếp tục theo dõi diễn biến tại Ukraine và những thông tin trên thực địa được Hội đồng An ninh Quốc gia cập nhật thường xuyên". Theo Nhà Trắng, ông Joe Biden đã nhận được các thông tin từ các cuộc họp tại Hội nghị An ninh Munich, trong đó có các cuộc họp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã có cuộc điện đàm khẩn cấp với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron để thảo luận về các biện pháp làm giảm leo thang căng thẳng nhanh chóng cũng như giải quyết các vấn đề chính trị-ngoại giao ở miền Đông Ukraine. Tại cuộc điện đàm, ông Volodymyr Zelensky khẳng định sẵn sàng đối thoại với Moscow.

Phủ Tổng thống Pháp cho biết theo kế hoạch, ông Emmanuel Macron sẽ có cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin để thảo luận về vấn đề này. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nhật Bản ngày 20/2 thông báo Ngoại trưởng Yoshimasa Hayashi và Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg đã nhất trí hợp tác nhằm xoa dịu tình hình căng thẳng liên quan đến Ukraine.

Trong khi đó, phát biểu bên lề Hội nghị An ninh Munich, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho rằng không nên giả định hoặc phỏng đoán các quyết định của Nga về Ukraine, sau khi Mỹ đưa ra cảnh báo rằng Nga "sắp tấn công Ukraine".

Bà nhấn mạnh: "Chúng ta không thể biết liệu một cuộc tấn công đã được quyết định hay chưa. Tôi khẩn cấp kêu gọi tất cả cần quan sát các diễn biến thật trên thực địa", đồng thời cảnh báo nguy cơ của "những thông tin sai sự thật có chủ đích".

Đáp lại một câu hỏi về việc liệu Đức có cùng quan điểm với đánh giá của Tổng thống Mỹ Joe Biden về khả năng Nga tấn công Ukraine, Ngoại trưởng Annalena Baerbock cho biết: "Trong tình huống khủng hoảng, điều không phù hợp nhất là phỏng đoán và giả định".

Trong một diễn biến liên quan, các lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga đã tổ chức tập trận ngày 19/2 và được đích thân Tổng thống Vladimir Putin giám sát. Tất cả tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo được phóng trong cuộc tập trận răn đe chiến lược của Nga dưới sự chỉ đạo của người đứng đầu Điện Kremlin đều nhắm trúng mục tiêu.

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cũng theo dõi cuộc tập trận răn đe chiến lược cùng với Tổng thống Putin tại trung tâm kiểm soát tình hình của Điện Kremlin. Văn phòng Báo chí Điện Kremlin nhấn mạnh, cuộc tập trận trên được lên kế hoạch từ trước và được tiến hành để "kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu của các trung tâm chỉ huy quân sự, cũng như khởi động các nhóm tác chiến, các thủy thủ đoàn của các tàu chiến và tàu mang tên lửa chiến lược nhằm hoàn thành nhiệm vụ được giao và cho thấy độ tin cậy của các vũ khí thuộc lực lượng hạt nhân chiến lược cũng như các lực lượng theo quy ước". Trong cuộc tập trận hạt nhân chiến lược trên, lực lượng Hàng không vũ trụ Nga đã phóng thành công tên lửa siêu thanh Kinzhal.

"Các tàu chiến và tàu ngầm của Hạm đội phương Bắc và Hạm đội Biển Đen đã tiến hành phóng các tên lửa hành trình Kalibr và tên lửa siêu thanh Zircon nhằm vào các mục tiêu trên đất liền và trên biển. Tại bãi thử Kapustin Yar ở khu vực Astrakhan, tên lửa hành trình phóng từ mặt đất Iskander cũng đã được phóng đi", thông báo trên cho hay.

Khổng Hà (tổng hợp)

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đại diện cử tri, thực hiện những quyền hạn, nhiệm vụ về giám sát, bảo vệ lẽ phải, giữ nghiêm kỷ cương phép nước. Từ vụ án của ông Lưu Bình Nhưỡng và ông Lê Thanh Vân cho thấy, cần xem xét bổ sung, hoàn thiện các quy định liên quan đến việc giám sát ĐBQH tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, đảm bảo thực hiện đúng quy định của Luật Tổ chức Quốc hội và góp phần phòng ngừa vi phạm.

Thông tin trên được Tỉnh ủy Lâm Đồng công bố tại hội nghị Tổng kết thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 15/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII diễn ra ngày 27/12.

Ngày 27/12, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết, Trường Quốc tế Ngôi sao Sài Gòn (Saigon Star International School) gồm Trường Mẫu giáo Quốc tế Ngôi sao Sài Gòn và Trường tiểu học Quốc tế Ngôi sao Sài Gòn (phường Thạnh Mỹ Lợi (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) chưa được Sở cấp phép hoạt động giáo dục.

UBND TP Hà Nội đã yêu cầu các sở, ngành liên quan loại bỏ chức năng nhà ở thương mại đối với lô đất 94 Lò Đúc. Ngay trong nửa đầu năm 2025, Hà Nội sẽ hoàn thành công tác đầu tư theo hướng xây dựng không gian hiện đại về thương mại - dịch vụ. 

Ngày 27/12, Công an tỉnh Tuyên Quang cho biết, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh vừa ra Quyết định khởi tố bị can và Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Đức Hòa (SN 1989, trú tại xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) và Võ Thành Đạt (SN 2000, trú tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hai phóng viên đến mỏ cát trên địa bàn xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình và đe dọa sẽ viết bài liên quan đến các sai phạm của mỏ cát này và yêu cầu chủ mỏ cát phải chung chi 50 triệu đồng để bỏ qua.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文