Ngoại trưởng Mỹ với nhiệm vụ "ghi điểm" tại Tây Thái Bình Dương
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 9/2 đã đến Australia để tham dự cuộc họp với nhóm Bộ Tứ, đồng thời, sẽ đến Fiji vào cuối tuần này. Chuyến thăm nhằm lấy lại niềm tin các quốc đảo ở Thái Bình Dương rằng Washington và các đồng minh cam kết đảm bảo an ninh và cung cấp vaccine COVID-19, trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường viện trợ và ảnh hưởng trong khu vực.
Trước khi đến Fiji trong chuyến thăm đầu tiên của một Ngoại trưởng Mỹ đến quốc đảo này sau bốn thập kỷ, ông Blinken ngày 9/2 đã hạ cánh xuống Melbourne, Australia, nơi tổ chức cuộc họp của nhóm Bộ Tứ gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia, dự kiến diễn ra ngày 11/2 này. "Nhóm Bộ Tứ đang dần trở thành một cơ chế mạnh mẽ trong việc cung cấp vaccine và trợ giúp tiêm chủng cho người dân ở nhiều nơi trên thế giới", Ngoại trưởng Mỹ cho biết trên đường đến Melbourne.
Thông điệp chính Ngoại trưởng Mỹ sẽ mang tới trong chuyến thăm lần này là cải thiện hơn nữa mối quan hệ đối tác. "Bộ Tứ chính là một thành phần quan trọng trong chính sách kinh tế và an ninh của Mỹ tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, thông qua mối quan hệ đối tác, các nước sẽ cải thiện môi trường an ninh trong khu vực nhằm đẩy lùi các hành động gây hấn và ép buộc", Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Đông Á và Thái Bình Dương, Daniel Kritenbrink nói. Dự kiến, Trung Quốc vẫn sẽ là chủ đề chính trong các cuộc họp của nhóm Bộ Tứ, ngoài ra, các quan chức tham dự cũng sẽ thảo luận về mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Moscow.
Ngoại trưởng Mỹ sẽ tổ chức một cuộc họp trực tuyến với các nhà lãnh đạo của 18 quốc đảo Thái Bình Dương, một động thái được cho là nhằm "tái cân bằng" sự chú ý tại khu vực này với một bên là Trung Quốc đang ngày một có sức ảnh hưởng lớn và bên kia là Mỹ cùng các đồng minh. Liên bang Micronesia cho biết Tổng thống nước này, ông David Panuelo, sẽ tham gia cuộc họp và dự định mang đến vấn đề biến đổi khí hậu và đánh bắt cá bất hợp pháp.
Richard Clark, Thư ký báo chí của Tổng thống Panuelo đánh giá cao việc Mỹ và đồng minh nhận thấy sự hiện diện ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương chính là động lực để tăng cường hơn nữa các cam kết và hoạt động tại khu vực này.
Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã tăng cường liên kết về quân sự và cảnh sát, đồng thời đưa ra các khoản vay hấp dẫn và trợ giúp cơ sở hạ tầng cho các quốc đảo Thái Bình Dương. Một tuyên bố chung do Bắc Kinh đưa ra sau cuộc họp cấp ngoại trưởng với các quốc đảo Thái Bình Dương hồi tháng 10/2021 cam kết tăng cường hợp tác hơn nữa với các quốc đảo trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng thông qua Sáng kiến Vành đai và con đường (BRI).
Peter Connolly, cựu quan chức quân đội và nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Australia về chính sách của Trung Quốc ở Thái Bình Dương, cho biết Bắc Kinh đang sử dụng hoạt động kinh tế liên kết với BRI để đạt được các mục tiêu địa chính trị. Theo ông Connolly, "các quốc gia Tây Thái Bình Dương coi BRI là một nguồn tài chính và cơ sở hạ tầng rất cần thiết", tuy nhiên, người dân tại khu vực này đang dần nhận thấy những hệ quả có thể xảy đến trong tương lai. Các nước Tây Thái Bình Dương không có hợp tác về quân sự với Mỹ, theo Reuters.
Theo Graeme Smith, nhà nghiên cứu hoạt động của Trung Quốc ở Thái Bình Dương tại Đại học Quốc gia Australia, khả năng Trung Quốc thiết lập căn cứ quân sự ở Thái Bình Dương đang khiến giới chuyên gia và quan sát tại Canberra quan ngại. Đáng chú ý, Trung Quốc đã cử nhiều chuyên gia và huấn luyện viên trong lĩnh vực cảnh sát cũng như trang thiết bị chống bạo động đến quần đảo Solomon hồi tháng 12/2021, một động thái chưa từng có và diễn ra ngay sau khi nhiều vụ bạo loạn xảy ra tại quốc đảo này. Điều này khiến Australia "đứng ngồi không yên" vì chính Canberra từng gửi nhiều sĩ quan cảnh sát đến Solomon theo một thỏa thuận về an ninh được ký nhiều thập kỷ trước giữa hai nước.
Fiji có vị trí quan trọng, nằm ở trung tâm của Tây Thái Bình Dương và là nước đầu tiên tại khu vực này có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc cách đây 47 năm. Ngoài ra, Fiji cũng đã tiếp nhận hàng trăm xe quân sự và cảnh sát từ Bắc Kinh từ năm 2018. Thủ tướng Fiji Frank Bainimarama lên nắm quyền sau chính biến quân sự tại nước này hồi năm 2006, sau đó, mãi đến năm 2014, Mỹ mới dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với quốc đảo này sau một cuộc bầu cử dân chủ. Được biết, ông Bainimarama đang hồi phục sau ca phẫu thuật tim ở Australia. Mặc dù các quan chức Mỹ cho biết, theo lịch trình, ông Bainimarama sẽ có cuộc gặp với Ngoại trưởng Blinken, phía Fiji đến nay chưa có bình luận gì về thời điểm Tổng thống nước này quay trở lại thủ đô Suva.
Jonathan Pryke, Giám đốc chương trình Quần đảo Thái Bình Dương tại Viện nghiên cứu Lowy Institute có trụ sở tại Sydney, đánh giá rằng "sự hiện diện của Trung Quốc tại khu vực chắc chắn thu hút sự chú ý của Mỹ và các đồng minh", các động thái của Bắc Kinh tại đây cũng được theo dõi chặt chẽ hơn. Bộ Ngoại giao Mỹ mới đây khẳng định sự phối hợp hiệu quả về quốc phòng với Australia và các đồng minh khác đã được thể hiện trong hoạt động viện trợ nhanh chóng đối với quốc đảo Tonga, hứng chịu thảm họa núi lửa và sóng thần hồi tháng một vừa qua. Đáng chú ý, hai tàu viện trợ của hải quân Trung Quốc hiện đang trên đường đến Tonga.
Sau khi kết thúc chuyến thăm đến Australia và Fiji, Ngoại trưởng Mỹ dự kiến sẽ đến Hawaii và có cuộc gặp với người đồng cấp đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc để thảo luận về các mối quan ngại liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.