Những kịch bản cho nước Pháp sau cuộc bầu cử vòng một

08:08 02/07/2024

Không nằm ngoài dự đoán từ trước, đảng National Rally (hay Mặt trận Quốc gia – RN) giành ưu thế dẫn đầu trong vòng một của cuộc bầu cử Quốc hội Pháp, trong khi đảng cầm quyền của ông Emmanuel Macron chỉ xếp ở vị trí thứ ba, cử tri Pháp sẽ tiếp tục đến các điểm bỏ phiếu cho vòng hai vào ngày 7/7 tới.

Bộ Nội vụ Pháp ngày 1/7 thông báo kết quả chính thức của cuộc bầu cử Quốc hội, cho thấy đảng RN của bà Marine Le Pen cùng các đồng minh giành được 33% phiếu bầu, Mặt trận Bình dân Mới (NFP) theo xu hướng cánh tả giành được 28%, còn liên minh trung dung cầm quyền của Tổng thống Emmanuel Macron xếp thứ ba với 20% phiếu bầu.

Ông Macron khiến cả nước Pháp sửng sốt và khiến một số đồng minh bối rối vì kêu gọi bầu cử sớm, sau khi đảng RN bất ngờ đánh bại liên minh trung dung trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu ba tuần trước, chứng kiến khối cực hữu đang dần mở rộng sức ảnh hưởng khi bất ngờ giành được hơn 70 ghế và hiện đang tranh giành vị trí quyền lực thứ ba tại Nghị viện châu Âu. Sau khi kết quả vòng một được công bố, Tổng thống Macron kêu gọi thành lập liên minh chống lại phe cực hữu trong vòng bầu cử thứ hai.

Đảng National Rally của bà Marine Le Pen dẫn đầu trong vòng một của cuộc bầu cử Quốc hội Pháp. Ảnh: Getty Images.

Trong khi đó, Thủ tướng Pháp Gabriel Attal, người có khả năng phải rời vị trí nếu liên minh cầm quyền không chiến thắng trong vòng hai, nhận định phe cực hữu đang ở trước ngưỡng cửa quyền lực và cho rằng không nên bầu bất cứ phiếu nào cho RN trong vòng này. “Chúng ta chưa chiến thắng và vòng thứ hai sẽ mang tính quyết định”, bà Le Pen nhấn mạnh. “Chúng ta cần chiếm đa số tuyệt đối trong 8 ngày nữa để ông Macron bổ nhiệm Jordan Bardella làm thủ tướng”.

Trong khi đó, ông Bardella cho biết muốn “trở thành Thủ tướng của toàn thể người dân Pháp”. Ông khẳng định sẽ chỉ thành lập chính phủ nếu đảng RN chiếm đa số tuyệt đối trong Quốc hội Pháp sau kỳ bầu cử. Lãnh đạo liên minh cánh tả NFP Jean-Luc Melenchon nhận định phe trung dung của Tổng thống Macron “đã chịu thất bại nặng nề và không thể chối cãi” trong cuộc bầu cử Quốc hội.

Kết quả này nhìn chung không quá khác biệt với dự báo hôm 30/6 của các công ty thăm dò ý kiến lớn. Tuy nhiên, điều được dư luận đặc biệt quan tâm là liệu có tiềm ẩn yếu tố bất ngờ nào trong vòng hai của cuộc bỏ phiếu vào ngày 7/7 tới hay không? Tương lai nước Pháp, cũng như châu Âu sẽ ra sao bởi vòng một của cuộc bầu cử cho thấy cử tri Pháp đang có rất nhiều thay đổi về quan điểm.

Trong số nhiều kịch bản được giới phân tích thảo luận, có việc đảng RN hoặc NFP sẽ giành được đại đa số, đồng nghĩa với việc giành ít nhất 289 trong 577 ghế tại Quốc hội. Kết quả sơ bộ vòng một cho thấy, RN được cho là có nhiều khả năng đạt được đại đa số tại vòng hai với khoảng 295 ghế tại Quốc hội. Tuy vậy, phe ủng hộ Tổng thống do Thủ tướng đương nhiệm Gabriel Attal dẫn đầu đã tuyên bố sẵn sàng rút 60 ứng viên để tăng khả năng thắng lợi của liên minh NFP cầm quyền.

Mặt khác, Chủ tịch đảng “Nước Pháp bất khuất” Jean-Luc Mélanchon cũng cho biết đảng sẽ rút lui tại một số địa phương để ủng hộ NFP. Chính vì vậy, cuộc chiến này sẽ còn căng thẳng và sẽ là quá sớm để có thể khẳng định điều gì. Trong một viễn cảnh khác, nếu cả RN và NFP đều chiếm đa số ghế tại Quốc hội nhưng không đạt được đại đa số tuyệt đối, chính trường Pháp sẽ trở nên phức tạp và chính phủ mới sẽ khó vận hành khi luôn phải đàm phán và không ngừng thay đổi liên minh để đạt được mục đích. Chưa kể đến phe đối lập sẽ không ngừng yêu cầu bỏ phiếu bất tín nhiệm để ngăn cản việc thông qua các văn bản pháp luật.

Một kịch bản khác, nếu cả ba phe hàng đầu hiện nay cùng chiếm đa số không tuyệt đối, chính trường nước Pháp sẽ càng rối ren và chính phủ không thể vận hành trơn tru, Tổng thống khó chọn Thủ tướng. Dù vậy, khả năng này được các chuyên gia đánh giá là khó xảy ra.

Theo giới quan sát, dù kịch bản nào xảy ra, một điều dễ dàng nhận thấy là ông Macron đang đối mặt với nhiều thách thức sau cuộc bầu cử nhanh do chính ông đề xuất. Trong kịch bản được cho là tốt nhất hiện nay, nếu không có nhiều thay đổi so với vòng một, Tổng thống Macron sẽ phải “cộng sinh”, thỏa hiệp với liên minh, đồng nghĩa với việc mất đi nhiều quyền lực, không thể toàn phần quyết định các chính sách. Hơn nữa, nếu bên mà ông Macron phải thỏa hiệp là đảng RN, những sự khác biệt về tư tưởng sẽ khiến cho ông gặp càng nhiều thách thức.

Tiến Minh

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

Để chứng minh năng lực kinh nghiệm của mình, Liên danh Công ty cổ phần Xây lắp Thủy sản II và Công ty cổ phần Xây dựng vận tải đầu tư kinh doanh nhà Hải Đăng đã “phù phép” biến dự án xây dựng mà liên doanh đã thực hiện có tổng trị giá khoảng 59 tỷ đồng thành dự án 147 tỷ đồng để đủ điều kiện dự thầu và sau đó trúng thầu dự án có tổng trị giá hơn 190 tỷ đồng ở huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ngày 21/11 đã đề cử cựu Tổng chưởng lý bang Florida Pam Bondi, 59 tuổi, làm Tổng chưởng lý Mỹ, nhanh chóng thay thế cựu ứng cử viên Matt Gaetz sau khi ông này rút lui.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文