Những lo ngại về thảm họa hạt nhân Zaporizhzhia

08:57 29/08/2022

Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia hôm 27/8 tiếp tục bị pháo kích, khiến thế giới vô cùng lo sợ về một thảm họa hạt nhân có thể xảy ra "bất cứ lúc nào". Nga cáo buộc Ukraine đang tiến hành "khủng bố hạt nhân" khi thực hiện các cuộc pháo kích; còn Kiev cáo buộc ngược lại Moscow về hành động "tống tiền hạt nhân" với Ukraine và châu Âu.

"Dù là trong xung đột, nhưng hành động tấn công một nhà máy điện hạt nhân là không hề khôn ngoan" hay "Đó có thể là một thảm họa toàn cầu, chứ không riêng gì Ukraine hay châu Âu" là những lời cảnh báo của thế giới khi nhà máy điện hạt nhân lớn nhất tại châu Âu của Ukraine là Zaporizhzhia đang do Nga kiểm soát, bị tấn công. Thế nhưng, các cuộc pháo kích nhằm vào nhà máy điện hạt nhân này vẫn chưa dừng lại.

Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Ảnh: Reuters

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga - Tướng Igor Konashenkov ngày 27/8 cáo buộc phía Ukraine đã bắn 17 quả đạn pháo, tên lửa vào nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, cho rằng đây là hành động "khủng bố hạt nhân". Ông nhấn mạnh: "Chính quyền Ukraine tiếp tục các hành động khủng bố hạt nhân tại nhà máy Zaporizhzhia. Trong 24 giờ qua, pháo binh của các lực lượng vũ trang Ukraine đã nã pháo vào nhà máy ba lần.

Tổng cộng có 17 quả đạn pháo được phóng đi, rơi xuống 3 khu vực lưu trữ nhiên liệu và chất thải hạt nhân. Lực lượng Ukraine nã pháo vào nhà máy hạt nhân từ khu vực Marhanets, vùng Dnipro. Tại khu vực đó, lựu pháo M-777 do Mỹ sản xuất đã bị phát hiện và phá hủy. Bức xạ tại nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia hiện vẫn bình thường". Cùng ngày, Phái bộ Nga tại Liên hợp quốc (LHQ) thông báo đã gửi những bằng chứng về việc Ukraine đã tấn công nhà máy trong các ngày 25 và 27/8, cho các thành viên Hội đồng Bảo an LHQ xem xét. Về phía Ukraine, nước này cũng đã xác nhận việc nhà máy Zaporizhzhia bị tấn công ngày hôm qua, song vẫn cáo buộc Nga thực hiện, cho đây là hành động "tống tiền hạt nhân" của Nga với Ukraine và toàn bộ châu Âu. Công ty điện hạt nhân nhà nước Energoatom của Ukraine - đơn vị vận hành nhà máy dưới sự bảo vệ và kiểm soát của Nga hôm qua cho biết, nhân viên của họ "đang chịu áp lực ngày một tăng khi các vụ tấn công diễn ra".

Khác với vụ tấn công ngày 25/8 khiến nhà máy Zaporizhzhia phải ngừng cung cấp điện, thiệt hại của vụ tấn công hôm 27/8 chưa được thống kê chi tiết, nhưng nguồn điện từ nhà máy đến nay vẫn được cung cấp bình thường. Hiện Nga và Ukraine đều mong muốn nhân viên của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) sớm đến Nhà máy điện hạt nhân để đánh giá tình hình. Hạ viện Nga muốn IAEA đến để chứng thực về các mối đe dọa từ phía Ukraine, đồng thời cảnh báo về một thảm kịch "khủng khiếp" cho cả nhân loại. Trong khi đó, Ukraine cho rằng, Nga đang làm gia tăng nguy cơ thảm họa hạt nhân và sử dụng nhà máy như lá chắn để mở rộng các cuộc tấn công tại những khu vực lân cận. Ukraine cũng cáo buộc Nga đang chiếm đóng nhà máy và sử dụng nó như một căn cứ quân sự. Dù chưa có sự cố rò rỉ phóng xạ hạt nhân nào xảy ra, nhưng với các vụ tấn công có tần suất ngày một lớn, một thảm họa hạt nhân từ nhà máy Zaporizhzhia có thể xảy ra bất cứ khi nào. Điều này khiến người dân Ukraine tại các khu vực lân cận đang phải sống trong sự hoang mang, sợ hãi.

Các nhà quan sát nhận định rằng, chiến tranh hạt nhân là sự kiện khó có khả năng xảy ra nhưng không phải là mối đe dọa không có thật. "Tôi hy vọng cuộc chiến này sẽ không leo thang và tôi nghĩ có những tín hiệu khả quan cho thấy điều đó không xảy ra nhưng việc các quốc gia hạt nhân tham gia vào xung đột là rủi ro hiện hữu", bà Tara Drozdenko, Giám đốc Chương trình An ninh Toàn cầu thuộc Liên minh các nhà khoa học cho biết. Vị chuyên gia này nói thêm rằng: "Ukraine không có vũ khí hạt nhân, vì thế rủi ro chiến tranh hạt nhân trong viễn cảnh này là bằng một cách nào đó, xung đột leo thang, kéo theo các quốc gia NATO hoặc Mỹ can dự vào cuộc chiến. Điều đó làm dấy lên rủi ro đối đầu hạt nhân bởi một số quốc gia NATO sở hữu vũ khí hạt nhân". Trong khi đó, bà Kathryn Higley, giáo sư về khoa học hạt nhân tại Đại học Bang Oregon nhận định rằng, chỉ một vụ nổ hạt nhân cũng đã dễ dàng xóa sổ toàn bộ một thành phố: "Khó mà có thể khẳng định thành phố này sẽ sống sót còn thành phố kia thì không. Điều này phụ thuộc chủ yếu vào quy mô vũ khí, địa hình, nơi chúng được kích hoạt, hướng gió".

Khi một quả bom hạt nhân được kích hoạt, nó sẽ tạo ra một luồng sáng, hình thành nên một quả cầu lửa hình cam khổng lồ và tạo ra sóng xung kích có thể làm đổ các tòa nhà. Những người ở trung tâm của vụ nổ (trong phạm vi gần 1km với một quả bom 300 kiloton) có thể sẽ thiệt mạng ngay tức khắc trong khi những người ở khu vực xung quanh có thể bị bỏng cấp độ 3.

Một vụ nổ hạt nhân 1.000 kiloton có thể mở rộng phạm vi những người bị bỏng cấp độ 3 thêm 8km, mở rộng phạm vi những người bị bỏng cấp độ 2 thêm 10km và mở rộng phạm vi những người bị bỏng cấp độ 1 thêm 6km, ước tính của AsapScience cho hay. Những người ở khoảng cách 85km có thể bị mù tạm thời.

Khổng Hà (tổng hợp)

Để chứng minh năng lực kinh nghiệm của mình, Liên danh Công ty cổ phần Xây lắp Thủy sản II và Công ty cổ phần Xây dựng vận tải đầu tư kinh doanh nhà Hải Đăng đã “phù phép” biến dự án xây dựng mà liên doanh đã thực hiện có tổng trị giá khoảng 59 tỷ đồng thành dự án 147 tỷ đồng để đủ điều kiện dự thầu và sau đó trúng thầu dự án có tổng trị giá hơn 190 tỷ đồng ở huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ngày 21/11 đã đề cử cựu Tổng chưởng lý bang Florida Pam Bondi, 59 tuổi, làm Tổng chưởng lý Mỹ, nhanh chóng thay thế cựu ứng cử viên Matt Gaetz sau khi ông này rút lui.

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文