Những người phụ nữ đầu tiên trong chính trường Mỹ

09:32 05/11/2024

Bà Kamala Harris, Phó Tổng thống và hiện là nữ ứng viên tranh cử Tổng thống Mỹ 2024. Trước bà Harris, có nhiều người đã đặt nền tảng cho vai trò của phụ nữ trong chính trường Mỹ. 

Bà Kamala Harris là nữ Phó Tổng thống đương nhiệm, tranh cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tiếp theo. Ảnh Getty Images. 

Nữ ứng viên tổng thống đầu tiên

50 năm trước khi phụ nữ trên khắp nước Mỹ giành được quyền bầu cử, Victoria Woodhull, một nhà môi giới chứng khoán, nhà xuất bản báo và nhà đấu tranh cho cải cách xã hội, đã tuyên bố ứng cử tổng thống. Mặc dù bà có tiếng là một người lập dị khi là một thầy bói du lịch, sự ủng hộ công khai của bà Woodhull đối với quyền bầu cử của phụ nữ đã thu hút sự chú ý trên toàn quốc và giúp bà giành đề cử tổng thống năm 1872 của đảng Bình đẳng Quyền, một đảng tồn tại trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, bà đã không nhận được bất kỳ phiếu bầu nào. Trong cuộc bầu cử năm đó, ông Ulysses S. Grant giành chiến thắng. Những người phụ nữ đáng chú ý theo chân bà Woodhull với tư cách ứng cử viên tổng thống bao gồm Belva Lockwood, Margaret Chase Smith và Shirley Chisholm.

Nữ Hạ nghị sĩ đầu tiên

Với tư cách là thư ký lập pháp của Hiệp hội Quyền bầu cử của Phụ nữ Mỹ, bà Jeannette Rankin đã giúp phụ nữ ở quê hương Montana của bà giành được quyền bầu cử vào năm 1914 (trước Tu chính án thứ 19 mở rộng quyền bầu cử cho phụ nữ được thông qua vào năm 1920). Những nỗ lực của bà đã được đền đáp hai năm sau đó khi người dân Montana bầu bà vào Hạ viện Mỹ. Mặc dù nhiệm kỳ của bà Rankin rất ngắn ngủi, khi bà chỉ phục vụ hai nhiệm kỳ (1917–1919 và 1941–1943), di sản của bà tại Quốc hội không chỉ đơn giản là người tiên phong cho phụ nữ. Là một người theo chủ nghĩa hòa bình suốt đời, bà cũng giữ kỷ lục là thành viên duy nhất của Quốc hội bỏ phiếu chống lại sự tham gia của Mỹ vào cả Thế chiến thứ Nhất và Thế chiến thứ Hai. Sau bà Rankin, số lượng phụ nữ trong Quốc hội Mỹ tăng đều đặn và vào năm 2007, bà Nancy Pelosi đã trở thành nữ chủ tịch đầu tiên của Hạ viện.

Nữ Thượng nghị sĩ đầu tiên

Trên thực tế, người phụ nữ đầu tiên phục vụ tại Thượng viện Mỹ là bà Rebecca Felton từ bang Georgia, người được bổ nhiệm vào năm 1922 để thay thế chồng bà sau khi ông qua đời. Đây chủ yếu là một cử chỉ mang tính biểu tượng, nhằm tôn vinh cam kết của chồng bà với quyền phụ nữ (và cũng là một động thái chính trị của thống đốc Georgia nhằm giành được sự đồng cảm của những cử tri nữ mới được trao quyền). Bà chỉ phục vụ trong 2 ngày.

Người phụ nữ đầu tiên được bầu vào Thượng viện là bà Hattie Caraway của bang Arkansas. Giống như bà Felton, bà Caraway là vợ của một Thượng nghị sĩ và được bổ nhiệm vào ghế của ông sau khi ông qua đời vào năm 1931. Nhưng sau đó bà đã giành chiến thắng trong một cuộc bầu cử đặc biệt và thực hiện nhiệm kỳ của chồng mình, và với tư cách là người ủng hộ đáng tin cậy của luật New Deal, bà đã được bầu lại vào chức vụ này hai lần. Chỉ có một số ít người có thể đi theo bước của bà Caraway trong thời gian sau đó. Năm 1992, việc 4 nghị sĩ, gồm Barbara Boxer, Carol Moseley Braun, Dianne Feinstein và Patty Murray được bầu vào Thượng viện được coi là một dấu mốc quan trọng. Thậm chí, năm 1992 còn được gọi là “năm của phụ nữ tại Thượng viện Mỹ”.

Nữ Thống đốc đầu tiên

Một người phụ nữ đã thay thế chồng mình tại chức là bà Nellie Tayloe Ross, người được bầu làm Thống đốc Wyoming vào tháng 11/1924, chỉ vài tuần sau cái chết đột ngột của chồng là ông William Ross. Mặc dù hoàn cảnh không lường trước được, nhưng bối cảnh lại vô cùng phù hợp: Wyoming là tiểu bang đầu tiên ở Mỹ cho phép phụ nữ có toàn quyền bỏ phiếu. Bà Ross đã thua cuộc tái tranh cử vào năm 1926, nhưng bà vẫn hoạt động chính trị. Năm 1933, Tổng thống Franklin D. Roosevelt đã bổ nhiệm bà làm giám đốc Sở Đúc tiền Mỹ, một vị trí mà bà đã giữ trong 20 năm. Chỉ 15 ngày sau khi bà Ross trở thành nữ Thống đốc đầu tiên của nước Mỹ, bà Ma Ferguson đã trở thành nữ Thống đốc của Texas. Tuy nhiên, mãi đến năm 1974, khi bà Ella Grasso được bầu làm Thống đốc Connecticut, thì mới có một người phụ nữ lên nắm giữ chức vụ cao nhất của tiểu bang mà “không có chồng đảm nhiệm vị trí đó trước”.

Bà Sandra Day O'Connor là nữ Thẩm phán Tối cao đầu tiên của Mỹ. Ảnh Getty Images. 

Nữ thành viên nội các đầu tiên

Những người phụ nữ đầu tiên nắm chức vụ cao trong nội các của Mỹ đã được bổ nhiệm khi ông Franklin D. Roosevelt nhậm chức vào năm 1933. Ngoài việc bổ nhiệm bà Nellie Tayloe Ross tại Sở Đúc tiền Mỹ, bà Ruth Bryan Owen được bổ nhiệm làm người phụ nữ đầu tiên là trưởng phái đoàn ngoại giao và bà Frances Perkins trở thành Bộ trưởng Lao động. Trước khi phục vụ tại Nhà Trắng, bà Perkins đã đấu tranh không mệt mỏi cho quyền lợi và sự an toàn của người lao động tại nhiều cơ quan của thành phố và tiểu bang New York. Là một trong hai thành viên nội các phục vụ trong toàn bộ chính quyền Roosevelt (1933–1945), bà đã đóng vai trò tích cực trong việc phát triển và ban hành nhiều chương trình New Deal, bao gồm Đạo luật An sinh Xã hội và Đạo luật Tiêu chuẩn Lao động Công bằng. Những người phụ nữ khác đã giữ các chức vụ trong nội các bao gồm Janet Reno (nữ Tổng chưởng lý đầu tiên) và Madeleine Albright (nữ Ngoại Trưởng đầu tiên).

Thẩm phán tối cao đầu tiên

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 1980, ông Ronald Reagan đã tuyên bố rằng nếu đắc cử, ông sẽ bổ nhiệm một phụ nữ vào Tòa án Tối cao. Ông đã thực hiện lời hứa của mình vào năm sau khi đề cử Thẩm phán Tòa Phúc thẩm Arizona Sandra Day O’Connor để lấp chỗ trống do Thẩm phán Potter Stewart nghỉ hưu. Sau khi được Thượng viện phê chuẩn, bà O’Connor đã tiếp tục sự nghiệp kéo dài 25 năm tại Tòa án Tối cao. Khi bà Ruth Bader Ginsburg được bổ nhiệm vào Tòa án Tối cao năm 1993, bà O’Connor đã rất vui mừng vì có “bạn đồng hành”. Khi bà O’Connor nghỉ hưu vào năm 2006, bà Ginsburg tuyên bố bà “cô đơn” tại cơ quan quan trọng hàng đầu của Mỹ. Tuy nhiên, không lâu sau đó, bà Sonia Sotomayor đã được bổ nhiệm vào năm 2009 và sau đó một năm là bà Elena Kagan.

Ứng viên đảng Dân chủ Walter Mondale và bạn đồng hành tranh cử Geraldine Ferraro. Ảnh Getty Images. 

Ứng cử viên Phó Tổng thống đầu tiên của đảng lớn

Mặc dù những người phụ nữ đã xuất hiện trên các lá phiếu bầu tổng thống kể từ thời Victoria Woodhull, nhưng trong nhiều thập kỷ, họ chỉ giới hạn ở các đảng nhỏ, những đảng gần như không có hy vọng tích lũy được một phiếu đại cử tri nào. Tuy nhiên, vào năm 1984, ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Walter Mondale, với mục đích tạo sự phấn khích cho chiến dịch của mình, đã chọn bà Geraldine Ferraro, một nữ nghị sĩ New York, làm người bạn đồng hành tranh cử. Thật không may, ông Mondale đã bị ông Ronald Reagan đánh bại. Cho đến khi bà Hillary Clinton giành được đề cử của đảng Dân chủ năm 2016 tranh cử tổng thống, người phụ nữ duy nhất khác xuất hiện trong lá phiếu của một đảng lớn là bà Sarah Palin, ứng cử viên Phó Tổng thống đảng Cộng hòa năm 2008.

Tiến Minh

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文