Những phản ứng trước việc Trung Quốc xin gia nhập CPTPP
Hôm 16/9, Trung Quốc thông báo đã chính thức đệ đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), nơi quy tụ 11 nền kinh tế trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và đóng góp tới 13,5% vào nền kinh tế toàn cầu. Các nước thành viên CPTPP đã ngay lập tức có phản ứng đối với nguyện vọng này của Bắc Kinh.
Giới chính trị Nhật Bản, trong đó có các ứng cử viên đang tham gia vào cuộc đua Chủ tịch đảng cầm quyền Tự do Dân chủ (LDP), đang tỏ ra thận trọng đối với quyết định trên của Trung Quốc. Theo giới chuyên gia, điều này cho thấy có thể Tokyo sẽ không ủng hộ việc gia nhập của Bắc Kinh. Đương kim Bộ trưởng Cải cách kiêm phụ trách tiêm chủng Koro Taro thẳng thắn khi nói rằng, trong nhiều qui tắc thương mại của Trung Quốc hiện nay không thỏa mãn điều kiện gia nhập CPTPP.
Cựu Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Trưởng ban Nghiên cứu chính sách LDP Fumio Kishida thì cho rằng cần phải xem Bắc Kinh có thể đảm bảo được trách nhiệm lớn đó hay không. Trong khi đó, bà Takaichi Sanae - cựu Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Truyền thông với mong muốn sẽ trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của Nhật Bản thận trọng cho biết, cần phải thảo luận về vấn đề này.
Về phần mình, bà Seiko Noda, quyền Tổng Thư ký đảng khẳng định, cần phải xem xét năng lực của Trung Quốc và thảo luận trực tiếp nhằm ổn định kinh tế thế giới. Bên cạnh đó, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Katsunobu Kato cũng có phát biểu tương tự ông Fumio Kishida khi nhấn mạnh sự cần thiết phải xem Trung Quốc có đáp ứng được yêu cầu hay không.
Trong khi đó, phản ứng trước đơn xin gia nhập CPTPP của Trung Quốc, Bộ trưởng Thương mại Australia Dan Tehan cho biết, Bắc Kinh không nên tham gia CPTPP cho đến khi nước này thuyết phục được các thành viên về việc “tuân thủ” các Hiệp định thương mại hiện có cũng như các cam kết của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Bộ trưởng Dan Tehan khẳng định, “các bên tham gia CPTPP cũng muốn tự tin về việc một ứng cử viên tham gia sẽ thực hiện đầy đủ các cam kết theo Hiệp định một cách thiện chí” và “đây là vấn đề quan trọng đòi hỏi sự tham gia của các Bộ trưởng”. Hiện chưa rõ quan điểm của Australia, một thành viên của CPTPP tác động như thế nào đến việc Trung Quốc tham gia Hiệp định này. Tuy nhiên trước khi Trung Quốc nộp đơn gia nhập CPTPP vài ngày, Singapore, một thành viên khác của CPTPP tuyên bố hoan nghênh sự quan tâm của Bắc Kinh đối với hiệp định này.
Theo giới chuyên gia, động thái xin gia nhập CPTPP của Trung Quốc nhiều khả năng là nằm trong chiến lược mở rộng ảnh hưởng dài hạn về mặt kinh tế ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương những năm gần đây.
Tiến sĩ Gao Lingyun thuộc Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho rằng, việc Trung Quốc gia nhập CPTPP sẽ có lợi cho nước này theo hướng Bắc Kinh có được vị thế trong quá trình đặt ra các quy tắc thương mại khu vực trong tương lai. Hiệp định cũng được kỳ vọng sẽ giúp bổ sung cho những nỗ lực cải cách hành chính và tinh giản thủ tục thương mại - đầu tư từ nước ngoài vào thị trường Trung Quốc thời gian qua.
Theo Tiến sĩ Song Wei, Phó Giám đốc Học viện Hợp tác kinh tế và thương mại quốc tế Trung Quốc, việc nộp đơn xin gia nhập CPTPP cho thấy Bắc Kinh muốn thể hiện “cam kết của mình với xu hướng mở rộng thương mại toàn cầu”, bất chấp sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ và ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19.
Trái với nhận xét tích cực của giới học giả Trung Quốc, một số học giả phương Tây lại không đánh giá cao cơ hội Trung Quốc lọt qua cửa xét duyệt thành viên của CPTPP trong giai đoạn hiện nay. Trước Trung Quốc, Anh vào tháng 6 cũng từng nộp đơn xin gia nhập và đến cuối tháng 8 đã bắt đầu đàm phán chính thức với các nước CPTPP, do đó khả năng Anh được kết nạp là rất cao.
Theo cơ chế hoạt động của CPTPP, mọi quyết định về thêm, bớt nước tham gia phải có sự đồng thuận của toàn bộ thành viên hiệp định. Hơn nữa, việc Trung Quốc đề nghị gia nhập CPTPP được đưa ra chưa đầy một ngày sau khi Australia, Anh và Mỹ vừa tuyên bố tham gia một thỏa thuận hợp tác ba bên AUKUS trên các lĩnh vực ngoại giao - quân sự - an ninh nhằm đối trọng nguy cơ an ninh ngày càng tăng từ Trung Quốc.
Ngay cả khi Trung Quốc bằng một cách nào đó giải quyết xong các mâu thuẫn với những thành viên của CPTPP nói trên, vẫn còn một câu hỏi khác là liệu Trung Quốc có chấp nhận và chịu tuân thủ các quy định, cơ chế hoạt động của hiệp định khi gia nhập hay không.
Theo hãng tin Bloomberg, một trong những điểm trọng tâm của CPTPP là các thành viên phải cam kết tạo ra sân chơi công bằng cho doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp quốc doanh, không áp dụng các chính sách bảo hộ cho khối quốc doanh làm ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh chung của thị trường. “Căn cứ vào điều kiện như vậy, rõ ràng là, Trung Quốc khi gia nhập sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nếu muốn nói là không thể, trong tuân thủ các quy tắc thương mại của CPTPP”, Phó Chủ tịch Viện Chính sách xã hội châu Á (Mỹ) Wendy Cutler nhận định.
The Diplomat cũng nhận định, Trung Quốc khó có khả năng thực sự tham gia CPTPP. Thỏa thuận theo thiết kế bao gồm các tiêu chuẩn cao vượt xa việc xóa bỏ thuế quan, bao gồm các quy định hướng dẫn tiếp cận thị trường, quyền lao động và mua sắm của chính phủ. Về lý thuyết, Trung Quốc có thể chấp nhận các điều khoản nghiêm ngặt của CPTPP như một điều kiện cần thiết để gia nhập.
Một số nhà phân tích, đặc biệt là ở Trung Quốc, cho rằng đây sẽ là một cách để bắt đầu những cải cách trong nước đầy khó khăn của chính Trung Quốc; một động lực tương tự cũng diễn ra trong quá trình Trung Quốc gia nhập WTO. Tuy nhiên, một số khác cho rằng các quy định tương đối nghiêm ngặt của CPTPP về trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước, “dòng chảy tự do” của dữ liệu và mở các thỏa thuận mua sắm chính phủ để cạnh tranh với nước ngoài sẽ thách thức Trung Quốc. Đã có một số ý kiến cho rằng, Trung Quốc đang tìm cách pha loãng các tiêu chuẩn cao của CPTPP thông qua quá trình trở thành thành viên - hay nói một cách màu mè hơn là “rút ruột CPTPP từ bên trong”.
The Diplomat không rõ liệu các thành viên CPTPP khác có đồng ý với điều đó hay không. Có thể không có nhiều nhu cầu về việc pha loãng CPTPP để phù hợp với Trung Quốc, đơn giản vì gần như tất cả các thành viên của khối đã có các thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh.