Nỗi lo về cuộc chiến mới đang nhen nhóm tại “chảo lửa” Trung Đông
Viễn cảnh về một cuộc chiến toàn diện giữa Israel và lực lượng dân quân Hezbollah của Lebanon là nỗi ám ảnh với người dân ở hai bên biên giới, nhiều chuyên gia quan ngại cuộc đối đầu này sẽ cuộc chiến tàn khốc nhất mà cả hai bên từng trải qua nhưng khó tránh khỏi do hậu quả từ cuộc chiến Israel-Hamas đang diễn ra ở Gaza.
Cả Israel và Hezbollah, mỗi bên đều có bài học từ cuộc đối đầu gần đây nhất vào năm 2006, một cuộc xung đột kéo dài một tháng mà không ai giành phần thắng. Cuộc chiến năm 2006, 6 năm sau khi lực lượng Israel rút khỏi miền Nam Lebanon, nổ ra sau khi Hezbollah bắt giữ hai binh sĩ Israel và giết chết một số người khác trong một cuộc đột kích xuyên biên giới. Israel đã phát động một cuộc tấn công trên không và trên bộ toàn diện, đồng thời áp đặt lệnh phong tỏa nhằm giải thoát các con tin và phá hủy khả năng quân sự của Hezbollah, một nhiệm vụ cuối cùng đã thất bại.
Các vụ đánh bom của Israel đã san bằng những vùng đất rộng lớn ở phía Nam Lebanon và vùng ngoại ô Beirut. Đáp lại, Hezbollah đã bắn hàng nghìn quả tên lửa vào các cộng đồng dân cư phía Bắc Israel. Cuộc xung đột đã khiến khoảng 1.200 người Lebanon thiệt mạng, chủ yếu là dân thường và 160 người Israel, chủ yếu là binh lính. Một nghị quyết của Liên hợp quốc (LHQ) chấm dứt chiến tranh kêu gọi rút lực lượng Israel khỏi Lebanon và lập khu phi quân sự ở phía biên giới Lebanon. Bất chấp việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ, Hezbollah vẫn tiếp tục hoạt động ở khu vực biên giới, trong khi Lebanon cho biết Israel thường xuyên vi phạm không phận của mình và tiếp tục chiếm đóng các vùng đất của Lebanon.
Tháng trước, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres từng cảnh báo rằng một cuộc chiến giữa Israel-Hezbollah “sẽ là một thảm họa”, trong bối cảnh Mỹ và châu Âu đang có một loạt các chính sách ngoại giao con thoi. Kể từ khi xung đột Israel-Hamas nổ ra hồi tháng 10/2023, Hezbollah và Israel tiến hành các cuộc tấn công xuyên biên giới gần như mỗi ngày và leo thang dần. Israel cũng thực hiện các vụ tiêu diệt có chủ đích các nhân vật Hezbollah và Hamas ở Lebanon. Hơn 200 người, chủ yếu là chiến binh Hezbollah, đã thiệt mạng, trong khi phía Israel ghi nhận 18 người chết. Hàng chục ngàn người đã phải di dời ở cả hai bên. Các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự của Israel đã cảnh báo Hezbollah về nguy cơ chiến tranh ngày càng cao trừ khi phiến quân rút khỏi biên giới. Lãnh đạo Hezbollah, Hassan Nasrallah, không đe dọa khơi mào chiến tranh nhưng cảnh báo về một cuộc chiến “không giới hạn” nếu Israel có động thái.
Theo các quan chức Lebanon, Hezbollah sẽ không đồng ý ngừng bắn ở biên giới Israel-Lebanon trước khi có lệnh ngừng bắn ở Gaza và đã từ chối đề xuất của Mỹ về việc di chuyển lực lượng của họ ra xa biên giới vài kilômét. Andrea Teneti, phát ngôn viên của phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ ở miền Nam Lebanon, cho biết bất chấp những phát ngôn này, dường như không bên nào muốn chiến tranh, tuy nhiên, “một tính toán sai lầm có thể gây ra một cuộc xung đột rộng lớn hơn và rất khó kiểm soát”.
Một cuộc chiến toàn diện giữa Israel và Hezbollah, nếu xảy ra, có thể sẽ lan rộng ra nhiều mặt trận, làm leo thang sự tham gia của các lực lượng ủy nhiệm của Iran ở Syria, Iraq và Yemen và thậm chí có thể lôi kéo chính Iran. Bên cạnh đó, cuộc chiến cũng có thể kéo Mỹ, đồng minh thân cận nhất của Israel, vào sâu hơn cuộc xung đột. Mỹ trong thời gian qua đã điều động thêm tàu chiến tới khu vực. Orna Mizrahi, từ Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia Israel, cho biết Hezbollah có từ 150.000 đến 200.000 tên lửa và tên lửa thuộc nhiều tầm bắn khác nhau. Kho vũ khí này lớn hơn ít nhất 5 lần so với Hamas và chính xác hơn nhiều. Vũ khí dẫn đường của Hezbollah có thể bắn tới các cơ sở cấp nước, điện, thông tin liên lạc và các khu dân cư đông đúc.
Ở Lebanon, các cuộc không kích có thể sẽ tàn phá cơ sở hạ tầng và có khả năng giết chết hàng nghìn người. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu từng đe dọa “biến Beirut thành Gaza”, nơi cuộc tấn công trên không và trên bộ của Israel đã gây ra sự tàn phá trên diện rộng và giết chết hơn 26.000 người, theo Cơ quan y tế tại Gaza. Israel lại có một số hệ thống phòng không hiện đại, trong đó có “mái vòm thép” (Iron Dome), có khả năng đánh chặn tên lửa với tỷ lệ thành công khoảng 90%. Nhưng hệ thống này không phải là bất bại, có thể bị áp đảo nếu đối mặt với một loạt tên lửa cùng một lúc. Khoảng 40% dân số Israel sống trong những ngôi nhà với các phòng an toàn riêng được tăng cường khả năng chống nổ để ứng phó với các cuộc tấn công bằng tên lửa. Israel cũng có một mạng lưới các hầm tránh bom, nhưng một báo cáo của chính phủ nước này năm 2020 cho thấy khoảng 1/3 người Israel không dễ dàng tiếp cận được các hầm này.
Lebanon không có mạng lưới như vậy và các nơi trú ẩn sẽ ít có tác dụng trước những quả bom “phá hầm” khổng lồ như những gì Israel thả xuống Gaza. Theo Dina Arakji, từ công ty tư vấn rủi ro Control Risks có trụ sở tại Anh, Hezbollah có hệ thống phòng không hạn chế, trong khi hệ thống phòng không của quân đội Lebanon đã lỗi thời và không đủ do thiếu ngân sách. Quân đội Lebanon vẫn đứng ngoài cuộc trong 4 tháng qua. Năm 2006, lực lượng này tham gia chiến đấu với năng lực hạn chế nhưng không rõ lực lượng này sẽ phản ứng thế nào trong trường hợp xảy ra một cuộc chiến tranh Israel-Hezbollah mới.