Nóng bài toán "vì một châu Âu tự chủ chiến lược"
"Chúng ta cần tự chủ trong việc lựa chọn đối tác và định hình vận mệnh của châu lục, thay vì chỉ là những chứng nhân đơn thuần cho sự phát triển như vũ bão của thế giới. Chúng ta sẽ làm được điều này với một tinh thần cởi mở và luôn sẵn sàng chào đón những cái bắt tay phù hợp", Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố trong bài phát biểu hôm 11/4 (giờ địa phương) tại thành phố La Haye (Hà Lan), nhân chuyến thăm hai ngày hiếm hoi tới đất nước của những chiếc cối xay gió.
Từ ngày 11-12/4, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tới Hà Lan trong một chuyến thăm cấp nhà nước. Đây là lần đầu tiên một Tổng thống Pháp công du đất nước của những chiếc cối xay gió trong hơn hai thập kỷ qua. Và điều đặc biệt khiến giới truyền thông đổ dồn sự chú ý vào lần xuất hiện này của ông Macron chính là bài phát biểu kêu gọi tăng cường quyền tự chủ của khối Liên minh châu Âu (EU).
Trong bài diễn văn tại Viện Nexus, La Haye, ông Macron nêu rõ, đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột đang diễn ra tại Ukraine chỉ khiến châu Âu lộ điểm yếu rằng họ phải phụ thuộc quá nhiều vào các nguồn cung bên ngoài, từ thuốc men, vật tư y tế cho tới vấn đề năng lượng. Tổng thống Pháp nhấn mạnh: "Chúng tôi không muốn phụ thuộc vào người khác trong các vấn đề quan trọng. Nếu không có quyền lựa chọn về năng lượng, cách thức phòng thủ, mạng xã hội hay trí tuệ nhân tạo, bạn sẽ bị loại khỏi lịch sử trong giây lát. Châu Âu cần giảm bớt sự phụ thuộc nếu muốn giữ gìn bản sắc riêng".
Với bối cảnh hiện nay, ông Macron kêu gọi các quốc gia thành viên khối EU cần thiết lập một học thuyết kinh tế mới, cho phép dung hoà việc tạo cơ hội nghề nghiệp, tài trợ công với các biện pháp nhằm chống lại biến đổi khí hậu. Học thuyết này nên dựa trên năm trụ cột chính, bao gồm: khả năng cạnh tranh, chính sách công nghiệp chung, chủ nghĩa bảo hộ, sự có đi có lại và cùng hợp tác.
Cụ thể, về khả năng cạnh tranh, ông Macron nhấn mạnh rằng hội nhập châu Âu sẽ được thực hiện thông qua việc giảm bớt hay đơn giản hoá các quy chế hiện có, đồng thời cải thiện chất lượng giáo dục cũng như khai thác tiềm năng của người nhập cư. Các chính sách công nghiệp cần hướng đến việc phát triển công nghệ mới để nắm quyền tự quyết khi các đối thủ cạnh tranh đang không tuân thủ luật chơi. Đặc biệt, châu Âu cần có các biện pháp bảo hộ trong lĩnh vực quốc phòng và công nghệ.
Cũng theo giới chuyên gia, sự có đi có lại mà ông Macron nhắc tới không chỉ tồn tại trong EU, mà với cả những nền kinh tế lớn khác nhằm tránh thâm hụt thương mại. Cuối cùng, châu Âu cần tăng cường quan hệ hợp tác, xây dựng cơ chế rõ ràng để giải quyết các khía cạnh xung đột. "Chúng ta cần tự chủ trong việc lựa chọn đối tác và định hình vận mệnh của châu lục, thay vì chỉ là những chứng nhân đơn thuần cho sự phát triển như vũ bão của thế giới. Chúng ta sẽ làm được điều này với một tinh thần cởi mở và luôn sẵn sàng chào đón những cái bắt tay phù hợp", Tổng thống Pháp kết lại diễn văn bằng lời kêu gọi như thế.
Được biết, tự chủ chiến lược là khái niệm không mới trong chính sách đối ngoại của Pháp nói chung và của ông Macron nói riêng. Ngay từ nhiệm kỳ đầu tiên, ông Emmanuel Macron đã xác định tự chủ chiến lược của châu Âu là một trong những ưu tiên đối ngoại lớn nhất trong chính sách châu Âu của mình. Về lý thuyết, học giả Ấn Độ S. Kalyanraraman cho rằng, tự chủ chiến lược là việc các nước theo đuổi chính sách đối ngoại đơn thuần chỉ để phục vụ lợi ích quốc gia. Tuy nhiên, tự chủ chiến lược không có nghĩa là tự cô lập. Politico dẫn lời một số học giả nhận định, việc ông Macron làm nóng chủ đề này ở thời điểm hiện tại là có chủ đích.
Theo đó, rất có thể khi trở về từ chuyến công du tới Trung Quốc cùng Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen hôm 7/4, ông Macron nhận ra rằng sự phân cực trong quan hệ quốc tế ẩn chứa đầy những nguy cơ khó lường và không ai muốn một kịch bản "chiến tranh lạnh" tái diễn khi Mỹ và Trung Quốc ngày càng cạnh tranh ảnh hưởng một cách gay gắt.
Nêu quan điểm về tuyên bố của ông Macron, người đứng đầu Hội đồng châu Âu Charles Michel nhấn mạnh, rằng lập trường của Tổng thống Pháp phản ánh quan điểm của nhiều nhà lãnh đạo châu Âu. Theo ông Charles Michel, đã có sự dịch chuyển trong vấn đề tự chủ chiến lược so với tình hình cách đây vài năm, rằng khối luôn ủng hộ việc thắt chặt và phát triển quan hệ với các bên, song không mù quáng chạy theo lập trường của bất kể bên nào. Tuy nhiên, ngược lại với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Người phát ngôn chính phủ Ba Lan Piotr Mueller cho biết, thay vì quyền tự chủ chiến lược của châu Âu, Ba Lan thích nói về quan hệ đối tác chiến lược giữa EU và Mỹ hơn.
Theo ông Piotr Mueller, Mỹ và châu Âu chia sẻ các giá trị tương tự và trên thực tế là giống nhau, bao gồm dân chủ, pháp quyền và xây dựng các hệ thống kinh tế dựa trên các nguyên tắc này. Trong đó, Ba Lan là cầu nối tạo dựng quan hệ đối tác chiến lược giữa EU và Mỹ. Nhiều chuyên gia cho rằng, tham vọng của Pháp rất lớn nhưng việc hiện thực hoá được tham vọng này hay không lại là một câu chuyện khác. Lý do chính là bởi hiện nội bộ châu Âu vẫn còn khá nhiều bất đồng và cuộc xung đột Nga - Ukraine đang diễn ra vẫn gây ảnh hưởng lớn tới lục địa già.