“Nóng” cuộc đua vào ghế Thủ tướng Đức
Gương mặt có khả năng thay thế đương kim Thủ tướng Đức Angela Merkel đã dần lộ diện sau khi 3 ứng viên sáng giá nhất của vị trí này vừa có cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên trên truyền hình, trong đó quan điểm chính trị của họ về những vấn đề cốt lõi của nước Đức đã được trình bày rõ nét.
Cuộc đua vào ghế Thủ tướng Đức đang bước vào chặng nước rút với ưu thế nghiêng về Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Olaf Scholz, đại diện cho đảng Dân chủ Xã hội (SPD), người được đánh giá là đã thể hiện tốt hơn trong cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình tối 29/8 (giờ địa phương) so với hai ứng viên còn lại là Chủ tịch đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) đồng thời là Thủ hiến bang Nordrhein-Westfalen, ông Armin Laschet, đại diện cho Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU); và Chủ tịch đảng Xanh là bà Annalena Baerbock.
Theo ghi nhận của hãng tin Đức DW, buổi tranh luận đã diễn ra gay cấn và có vai trò quan trọng để người Đức biết thêm về đường lối chính trị của các ứng viên xung quanh những thách thức mà nước này đối mặt trong tương lai. Các chủ đề lớn được các ứng viên nhắc tới lần này gồm có tình hình ở Afghanistan, nơi Đức từng triển khai binh sĩ tham chiến cùng Mỹ và các đồng minh NATO; biện pháp ứng phó với dịch COVID-19 và cách thức khôi phục kinh tế từ ảnh hưởng của dịch bệnh; biện pháp ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu; khả năng tăng thuế và vấn đề an ninh…
Mang quan điểm tương đồng với bà Merkel, ứng viên Laschet cho thấy mình là người muốn hướng tới những giải pháp hài hòa cho các vấn đề nội bộ. Về đối ngoại, ông ủng hộ quan hệ xuyên Đại Tây Dương và tích cực hậu thuẫn chính sách nhập cư của nữ Thủ tướng đương nhiệm.
Ứng viên Baerbock thì gây chú ý với những phát ngôn quyết liệt bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Trong khi đó, ông Scholz chứng minh mình là người có nhiều kinh nghiệm thực tiễn khi đã trải qua nhiều vị trí. Ông đồng thời đưa ra một loạt cam kết khá rõ ràng về tăng đầu tư công nhằm đẩy mạnh hệ thống y tế, trường học và giao thông vận tải.
DW cho hay, một trong những chi tiết đáng chú ý của cuộc tranh luận là các màn đáp trả giữa hai ứng viên Laschet và Baerbock, khi lãnh đạo đảng Xanh chỉ trích ông Laschet không có chương trình hành động thực tiễn nào; còn đại diện CDU/SDU thì lên án bà Baerbock dành quá nhiều ưu tiên cho vấn đề môi trường và có thể gây tổn hại nền công nghiệp Đức. Ứng viên Scholz, trong khi đó, kiệm lời hơn và chỉ tập trung phân tích những thách thức của nước Đức và cách ông sẽ đối mặt.
Theo cuộc thăm dò được tiến hành ngay sau cuộc tranh luận do Forsa tiến hành, có đến 36% cử tri Đức đánh giá ông Scholz đã chiến thắng cuộc tranh luận, so với 30% dành cho bà Baerbock và 25% của ứng viên Laschet.
Đây là lần đầu tiên trong nhiều thập niên cuộc tranh luận của các ứng viên Thủ tướng Đức không có sự xuất hiện của người lãnh đạo đương nhiệm. Sau 16 năm chèo lái nền kinh tế mạnh nhất châu Âu, bà Angela Merkel sẽ rời vị trí Thủ tướng Đức khi cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 26/9 tới.
Số liệu của các cuộc thăm dò dư luận gần đây chỉ ra rằng tỷ lệ ủng hộ dành cho bà Merkel tăng trở lại vào cuối nhiệm kì, khi phần đông dân số đánh giá cao nỗ lực của bà trong phát triển kinh tế, nâng cao vị thế đối ngoại của Đức, cũng như vai trò dẫn dắt Liên minh châu Âu (EU) trong ứng phó COVID-19, Brexit, khủng hoảng Hy Lạp, vấn đề Ukraine…Tuy nhiên, tỷ lệ ủng hộ của cá nhân bà Merkel chưa đủ để CDU/CSU có được lợi thế trong cuộc bầu cử, dù bà gần đây trực tiếp tham gia các cuộc vận động cùng ông Laschet.
Trước cuộc tranh luận hôm 29/8, một cuộc thăm dò do báo Bild am Sonntag công bố cho thấy, tỷ lệ ủng hộ dành cho SPD đã tăng lên 24%, còn tỷ lệ ủng hộ dành cho đảng CDU của Thủ tướng Merkel giảm còn 21%.
Một kết quả thăm dò khác của Viện nghiên cứu dư luận Yougov thì chỉ ra rằng, SPD đang dẫn trước CDU/CSU về tỷ lệ ủng hộ và nếu cuộc bầu cử diễn ra hôm 29/8, SPD sẽ nhận 24% số phiếu, tăng 8% so với cuộc thăm dò hồi tháng 7/2021, còn CDU/CSU nhận được 22% phiếu bầu, giảm 6%. Đảng Xanh giữ nguyên tỷ lệ ủng hộ 16%, đảng Dân chủ Tự do (FDP) được 13%, đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) 11% và đảng Cánh tả 8%.
Theo giới quan sát, tỷ lệ ủng hộ của các đảng phái ở Đức khác biệt nhưng không đáng kể, cho thấy khả năng cao sẽ không một đảng nào chiếm đủ 50% số ghế trong quốc hội để tự thành lập chính phủ sau bầu cử. Trong tình huống này, những đảng nhỏ hơn như FDP và đảng Cánh tả sẽ là “ẩn số” khó lường, trở thành là yếu tố quyết định cơ cấu của liên minh cầm quyền cũng như ai sẽ là người lãnh đạo nước Đức. Ngoài cuộc tranh luận lần này, các ứng viên sẽ “đấu” nhau trên truyền hình trực tiếp ít nhất 2 lần nữa trước khi cuộc bầu cử diễn ra ngày 26/9 tới. Đây sẽ là dịp quan trọng để họ tranh thủ những lá phiếu quan trọng của cử tri.