Ông Donald Trump và “bài toán khó” mang tên Ukraine

06:15 18/12/2024

Trong chiến dịch tranh cử, ông Donald Trump nhiều lần cam kết sẽ giải quyết xung đột Ukraine trong vòng 24 giờ sau khi nhậm chức. Tuy nhiên, vị Tổng thống đắc cử Mỹ mới đây đã thừa nhận rằng, cuộc xung đột này phức tạp hơn so với cuộc chiến giữa Israel và Hamas ở Trung Đông.

Trong cuộc họp báo bất ngờ ở Florida ngày 16/12 (giờ địa phương), Tổng thống đắc cử Donald Trump nhấn mạnh, xung đột ở Ukraine cần phải được chấm dứt. Ông cũng lần đầu tiên thừa nhận sẽ khó khăn trong việc giải quyết cuộc xung đột này.

Theo ông, cuộc xung đột ở Trung Đông giữa Israel và Hamas sẽ ở tình thế tốt khi ông bắt đầu nhiệm kỳ, tuy nhiên, cuộc xung đột ở Ukraine phức tạp hơn. Ông cũng cho biết, ông phản đối quyết định của chính quyền Tổng thống Joe Biden tháng trước cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa để tấn công sâu trong lãnh thổ Nga, nhấn mạnh đó là một sai lầm lớn và cho biết, ông sẽ đảo ngược quyết định của chính quyền tiền nhiệm.

Trong khi ông Donald Trump tự tin tuyên bố, những phát biểu của Tổng thống Nga Vladimir Putin và lãnh đạo quân đội Nga cùng ngày đã báo động một bức tranh đáng lo ngại hơn. Phát biểu tại cuộc họp với các quan chức quốc phòng Nga, người đứng đầu Điện Kremlin cảnh báo, sự leo thang của NATO và đặc biệt là động thái mới như việc cho phép Ukraine tấn công vào lãnh thổ Nga bằng tên lửa tầm xa sẽ khiến Moscow “không thể không phản ứng”.

Không chỉ dừng lại ở những cảnh báo đối với Ukraine, Tổng thống Vladimir Putin còn nhấn mạnh nguy cơ NATO đang sẵn sàng triển khai hàng trăm nghìn quân dọc biên giới Nga trong vòng vài tháng tới. Trước một NATO đang tăng cường sự hiện diện, Nga không ngần ngại phát đi những tên lửa siêu vượt âm như Oreshnik như một lời nhắc nhở rằng, sự phân chia đỏ - trắng trên sân khấu quốc tế hiện nay không dễ dàng bị xóa nhòa.

war-in-ukraine.jpg -0
Cuộc xung đột ở Ukraine không thể giải quyết chỉ bằng các tuyên bố hay chiến lược đàm phán đơn lẻ.

Chia sẻ quan điểm này, cũng tại cuộc họp, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Andrey Belousov cảnh báo, sự bế tắc giữa Nga với Mỹ và các đồng minh của Washington đang “tiếp tục gia tăng và mở rộng”. Trong bối cảnh như vậy, một trong những mục đích chính của Bộ Quốc phòng Nga là “đảm bảo sự sẵn sàng cho mọi diễn biến có thể xảy ra trong trung hạn”. Điều này bao gồm cả “một cuộc xung đột quân sự tiềm tàng với NATO ở châu Âu trong thập niên tới”.

Bộ trưởng Andrey Belusov cũng nhấn mạnh, một cuộc xung đột như vậy nếu xảy ra là do liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu kích động chứ không phải Nga. Theo ông, khả năng xảy ra xung đột như vậy là do các quyết định được đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO hồi tháng 7. Điều này cũng được phản ánh trong các tài liệu học thuyết của Mỹ và các thành viên khác trong liên minh quân sự.

Ông cũng cho rằng, NATO hiện đang chuyển sang một hệ thống sẵn sàng chiến đấu mới dự kiến sẽ cho phép khối này triển khai 100.000 quân dọc biên giới phía Tây của Nga trong vòng 10 ngày, 300.000 quân trong vòng một tháng và 800.000 quân trong vòng 180 ngày. Những tuyên bố trên không phải mang tính dự đoán, mà là một dấu hiệu rõ ràng về việc Nga đang chuẩn bị một học thuyết quân sự dài hạn. Trong khi NATO coi Nga là “mối đe dọa sát sườn nhất”, Nga coi NATO là kịch bản đẩy xung đột lên quy mô toàn cầu.

Lời tuyên bố của ông Donald Trump, khi cam kết giải quyết xung đột Ukraine trong thời gian ngắn, nghe qua có vẻ đầy quyền lực và tự tin. Tuy nhiên, bản chất của cuộc xung đột này không đơn thuần là một cuộc chiến giữa hai quốc gia. Đây là cuộc đối đầu phức tạp giữa các lợi ích địa chính trị và chiến lược của nhiều bên. Pháp, Đức, Anh và đặc biệt là NATO không chỉ đóng vai trò quan sát mà đã can dự sâu vào việc hỗ trợ Ukraine, từ viện trợ quân sự, kinh tế đến các cam kết chính trị. Những hành động này tạo nên một cục diện mà bất kỳ nỗ lực hòa giải nào cũng phải đối mặt với vô số rào cản.

Về phía Nga, Điện Kremlin vẫn khẳng định lập trường cứng rắn: xung đột sẽ chỉ kết thúc khi các mục tiêu chiến lược được đảm bảo. Điều này khiến các cuộc đàm phán, dù được tổ chức dưới bất kỳ hình thức nào, phần lớn chỉ mang tính chất hình thức hoặc là biện pháp tạm thời nhằm làm giảm áp lực từ cộng đồng quốc tế. Thực tế, cả Nga và Ukraine đều chưa sẵn sàng lùi bước, trong khi các đồng minh phương Tây của Kiev tiếp tục đổ thêm nguồn lực, biến xung đột này thành một cuộc chiến ủy nhiệm kéo dài, khó có lối thoát.

Tổng thống đắc cử Mỹ có thể tái khởi động các vòng đàm phán Ukraine bằng phong cách “thương thuyết” từng áp dụng với Triều Tiên hay Iran, dựa trên việc tạo sức ép kinh tế và ngoại giao để buộc các bên nhượng bộ. Tuy nhiên, tình hình Ukraine không giống với các cuộc khủng hoảng trước đây. Với Nga, nhượng bộ đồng nghĩa với việc từ bỏ những lợi ích cốt lõi về an ninh và lãnh thổ, điều mà Tổng thống Putin sẽ khó lòng chấp nhận.

Trong khi đó, NATO và Mỹ coi cuộc xung đột này là phép thử sống còn cho vị thế và ảnh hưởng của họ trên trường quốc tế và việc tiếp tục hỗ trợ Ukraine trở thành ưu tiên chiến lược.

Nhìn chung, lời hứa của ông Donald Trump, dù mang tính thuyết phục đối với cử tri trong bối cảnh tranh cử, khó có thể trở thành hiện thực. Xung đột Ukraine, với bản chất là cuộc đối đầu giữa hai hệ thống chính trị - quân sự lớn nhất thế giới, không thể giải quyết chỉ bằng các tuyên bố hay chiến lược đàm phán đơn lẻ. Đặc biệt, trong bối cảnh cả Nga và NATO đều đang gia tăng khả năng sẵn sàng đối đầu trực diện, một giải pháp hòa bình thực sự dường như vẫn nằm ngoài tầm với.

Khổng Hà

Một đường dây chuyên làm giả hồ sơ giám định tâm thần vừa bị Công an TP Hà Nội triệt phá, hé lộ những mánh khóe tinh vi nhằm giúp đối tượng phạm tội lẩn tránh truy cứu trách nhiệm hình sự. Vụ việc không chỉ gây rúng động dư luận mà còn gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng lợi dụng “giấy chứng nhận tâm thần” để che giấu tội ác.

Ngày 28/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết, đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Đỗ Thị Ngọc Hằng (SN 1986, xã Đạ Oai, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng) để điều tra về hành vi gây rối trật tự công cộng.

Để tạo điều kiện tốt nhất về công tác mặt bằng, xây dựng các khu tái định cư cũng như tham vấn ý kiến về vị trí hướng tuyến của dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam qua địa bàn, các cấp chính quyền tỉnh Hà Tĩnh đã nỗ lực, khẩn trương rà soát và xây dựng phương án tối ưu nhất. Trước mắt, địa phương này cam kết đã đủ điều kiện để khởi công khu tái định cư đầu tiên vào ngày 19/8 theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà.

Ngày 26/6, Trung tướng Nguyễn Ngọc Vân, Phó Trưởng tiểu ban thường trực Tiểu ban Diễu binh diễu hành Bộ Công an, Tư lệnh Cảnh sát cơ động cùng đoàn công tác tới thăm, tặng quà, động viên gần 4.000 cán bộ, chiến sĩ thuộc các khối lực lượng Công an nhân dân tham gia diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9 (A80) đang tập luyện tại Đại học Quốc gia Hà Nội (Hoà Lạc, Hà Nội)

Để giải quyết mâu thuẫn từ trước, hai đối tượng rủ rê thêm đồng bọn đi xe máy đến điểm hẹn gây ra cuộc hỗn chiến với kết cục một người tử vong, ba bị can vào vòng tố tụng hình sự về tội danh giết người, nhiều đối tượng còn lại đang tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.

Một thẩm phán tại tiểu bang Colorado của Mỹ đã tuyên án một chủ nhà tang lễ, người đã giấu 191 thi thể tại cơ sở của mình, mức án tù 20 năm vì tội lừa đảo khách hàng và lừa đảo chính phủ liên bang.

Với chủ đề “Nâng tầm chuyên môn và mở rộng kết nối quốc tế” Liên hoan phim Châu Á – Đà Nẵng lần thứ III (DANAFF III) từ ngày 29/6 đến ngày 5/7 tại thành phố Đà Nẵng có bước phát triển vượt trội về quy mô, thời gian và nội dung hoạt động.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.