Palestine nỗ lực hiện thực hóa khát vọng gia nhập Liên hợp quốc
Chính quyền Palestine kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) tiến hành bỏ phiếu về đơn gia nhập LHQ mà họ đã đệ trình từ hơn một thập kỉ trước. Đến nay, 140 quốc gia đã bày tỏ ủng hộ quyết tâm của chính quyền Palestine, nhưng nỗ lực này vẫn đứng trước thách thức do quan điểm của Mỹ.
Tờ Washington Post ngày 4/4 dẫn lời đại diện thường trực của chính quyền Palestine tại LHQ Riyad Mansour đã đề nghị Hội đồng Bảo an LHQ họp kín để xem xét đơn xin gia nhập LHQ của Palestine trước khi tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo kết thúc vào ngày 9/4 tới đây, làm tiền đề để tiến hành phiên bỏ phiếu chính thức về vấn đề này tại cuộc họp hằng tháng của Hội đồng Bảo an về tình hình Trung Đông, dự kiến được tổ chức ở cấp Bộ trưởng vào ngày 18/4 tới.
“Chúng tôi tin rằng đã đến lúc nhà nước của chúng tôi trở thành một thành viên chính thức của LHQ”, Đại sứ Mansour nêu quan điểm. “Mọi người đều nói về “giải pháp hai nhà nước” (trong xử lý cuộc khủng hoảng Palestine-Israel), không có logic nào cho việc từ chối kết nạp chúng tôi”.
Một nhà nước sẽ trở thành thành viên đầy đủ của LHQ sau khi nhận được sự chấp thuận của Hội đồng Bảo an và không bị ủy viên thường trực nào (gồm Nga, Mỹ, Trung Quốc, Anh và Pháp) bỏ phiếu phủ quyết, sau đó cần ít nhất 2/3 trên tổng số 193 thành viên Đại hội đồng LHQ bỏ phiếu thông qua.
Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã đệ đơn đề nghị trở thành thành viên thứ 194 của LHQ từ tháng 9/2011. Tháng 11/2012, Đại hội đồng LHQ đã bỏ phiếu thông qua một nghị quyết nâng quy chế cho Palestine từ “thực thể quan sát viên” lên “nhà nước quan sát viên”. Tuy nhiên, Hội đồng Bảo an đến nay chưa biểu quyết về đơn của Palestine do vướng phải sự phản đối của Mỹ.
Nỗ lực gia nhập LHQ được chính quyền Palestine tái thúc đẩy vào thời điểm cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas ở Dải Gaza sắp bước sang tháng thứ 7 với việc người Palestine hứng chịu thương vong khổng lồ; và Israel vẫn đang tiếp tục mở rộng các khu định cư ở Bờ Tây, bất chấp sự phản đối của quốc tế. Tại thời điểm hiện nay, bên cạnh nỗ lực chấm dứt chiến sự tại Dải Gaza, áp lực toàn cầu đòi hỏi phải nối lại quyết tâm thực hiện giải pháp hai nhà nước, với một nhà nước Palestine độc lập cùng với Israel, ngày càng gia tăng.
Đại diện của Palestine tại LHQ khẳng định, 140 quốc gia đã công nhận chính quyền Palestine và có thư chung đề nghị xem xét đơn xin gia nhập của Palestine, trong đó gồm 22 thành viên Liên đoàn Arab (AL), 57 thành viên Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) và 120 quốc gia trong Phong trào Không liên kết (NAM).
Theo Reuters, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã nhận được đơn của Palestine và chuyển đề nghị đến Hội đồng Bảo an, nhưng đến nay chưa có phản hồi chính thức. Trong số các thành viên Hội đồng Bảo an hiện nay, 7 nước đã công nhận Palestine, bao gồm Trung Quốc, Nga, Ecuador, Mozambique, Algeria, Guyana và Sierra Leone.
Tuy nhiên, cũng giống như trong quá khứ, nỗ lực của Palestine có thể vấp phải phản ứng không thuận của Mỹ. Khi được hỏi về việc liệu Washington có phủ quyết đề nghị xin gia nhập LHQ của Palestine tại phiên họp Hội đồng Bảo an hay không, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller khẳng định nước này “ủng hộ việc thành lập một nhà nước Palestine độc lập”, nhưng việc đó “cần được thực hiện thông qua đàm phán trực tiếp với các bên”, nhất là Israel, chứ “không phải thông qua tại LHQ”. Theo ông Miller, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã tích cực thúc đẩy vấn đề “đảm bảo an ninh” cho Israel như một phần điều kiện để thành lập nhà nước Palestine, nhưng không nêu chi tiết.
Trong khi đó, Phó đại sứ Mỹ tại LHQ Robert Wood đưa ra một rào cản khác: việc LHQ công nhận tư cách thành viên đầy đủ của Palestine đồng nghĩa rằng, Washington sẽ cắt toàn bộ tài trợ cho tất cả cơ quan thuộc LHQ. Mỹ hiện là nhà tài trợ lớn nhất của LHQ. Theo một đạo luật được các nhà lập pháp Mỹ thông qua, Chính phủ Mỹ phải cắt viện trợ cho bất cứ cơ quan nào của LHQ công nhận Palestine là thành viên trước khi Israel và Palestine đạt thỏa thuận hòa bình song phương.
Năm 2011, Mỹ từng cắt tài trợ cho Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO) vì kết nạp Palestine làm thành viên, sau đó rút khỏi UNESCO vào năm 2018, nhưng đã tái gia nhập cơ quan này hồi năm ngoái. “Chúng tôi bị ràng buộc bởi luật pháp Mỹ”, ông Wood nêu quan điểm. “Vì vậy, chúng tôi hi vọng họ không theo đuổi nỗ lực theo cách đó”.
Tuy vậy, cũng có những chỉ dấu tích cực cho thấy quan điểm của Mỹ đang dần cởi mở hơn trong vấn đề Palestine. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden gần đây nhiều lần nêu công khai quan điểm ủng hộ giải pháp thành lập một nhà nước Palestine độc lập bên cạnh Israel. Washington cũng ủng hộ việc chính quyền Palestine sẽ phụ trách quản lý cả khu vực Bờ Tây và Dải Gaza khi tình hình ổn định. Trong thông điệp phát đi ngay sau bình luận của các quan chức Mỹ về đơn gia nhập LHQ của Palestine, Đại sứ Palestine Mansour một lần nữa nhấn mạnh, việc trở thành thành viên LHQ là “quyền tự nhiên và hợp pháp” của Palestine. “Hãy để quá trình ấy diễn ra”, ông Mansour nêu rõ.