Pháp đảm nhận vị trí Chủ tịch EU: Thời cơ đan xen thách thức với Tổng thống Macron
Pháp chính thức đảm nhận vị trí Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) cho nửa đầu năm 2022, trong bối cảnh đất nước và cả khu vực EU đứng trước nhiều thách thức như đại dịch COVID-19 cũng như cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vào tháng 4 này.
Thời khắc chuyển giao năm 2021-2022, Pháp tiếp quản vị trí từ Slovenia, nước Chủ tịch Hội đồng EU từ ngày 1/7/2021, đồng thời, sẽ nhường lại vị trí này vào nửa cuối năm cho Cộng hòa Séc. Biểu trưng cho sự kiện chuyển giao này, tháp Eiffel nổi tiếng cũng như Điện Elysee tại Paris đã được thắp sáng với ánh đèn màu lam, màu của lá cờ EU.
Đây là lần thứ 13 Pháp giữ vai trò này kể từ khi EU được thành lập. Với cương vị Chủ tịch Hội đồng EU, Pháp phải thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng theo chương trình lập pháp của châu Âu và đưa ra các thỏa hiệp có khả năng giải quyết các vấn đề chính trị giữa các chính phủ của 27 quốc gia thành viên hoặc giữa các chính phủ và Nghị viện châu Âu.
Tổng thống Emmanuel Macron đã đưa ra một chương trình nghị sự đầy tham vọng cho nhiệm kỳ 6 tháng của Pháp trên cương vị này. Trong diễn văn chúc mừng năm mới, Tổng thống Macron nhấn mạnh rằng EU “có thể đặt niềm tin vào cam kết” của Pháp trong một loạt các lĩnh vực, từ kiểm soát biên giới, quốc phòng, chuyển đổi nhằm chống biến đổi khí hậu, bình đẳng giới cho đến xây dựng mối quan hệ đồng minh với các nước châu Phi, giám sát các nền tảng lớn trên Internet hay văn hóa châu Âu. “Hãy biến khoảnh khắc 13 năm mới có một lần này trở thành thời điểm bắt đầu một tiến trình”, ông Macron nhấn mạnh.
Không dừng lại ở đó, Tổng thống Pháp tuyên bố đầy tham vọng rằng “năm 2022 phải là năm đánh dấu một bước ngoặt của châu Âu”. Trong bài phát biểu đầu tháng 12/2021, ông Macron nhấn mạnh nhiệm vụ là phải làm cho “châu Âu vững mạnh trên trường quốc tế, toàn vẹn về chủ quyền, tự do đưa ra các lựa chọn và làm chủ vận mệnh của mình”.
3 lĩnh vực trọng tâm trong nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên của Pháp bao gồm: Áp dụng mức lương tối thiểu trên toàn khu vực EU, áp dụng các quy định đối với những ông lớn công nghệ và áp thuế carbon đối với các mặt hàng nhập khẩu vào châu Âu dựa theo tác động đối với môi trường của các sản phẩm này.
Ngoài ra, ông Macron cũng chủ trương cải tổ khu vực Schengen nhằm “tăng cường bảo vệ khu vực biên giới châu Âu” trong bối cảnh cuộc khủng hoảng di cư, một chủ đề có thể sẽ là trọng tâm trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Pháp sắp tới của ông, theo Euronews. Ông Macron cũng có ý định đưa lên bàn thảo luận một bản sửa đổi đối với các quy định ngân sách, hay còn được biết đến với tên “tiêu chí Maastricht”, chi phối thâm hụt ngân sách các nước châu Âu, nhằm hỗ trợ nhiều hơn cho các khoản đầu tư và tăng trưởng của các nước thành viên.
Pháp đảm nhận vị trí Chủ tịch luân phiên EU vào thời điểm đặc biệt. Nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên EU của Pháp kéo dài từ ngày 1/1 đến hết ngày 30/6 và trong khoảng thời gian này, Pháp sẽ tổ chức hai cuộc bầu cử quan trọng nhất trong nền chính trị nước này, bao gồm bầu cử Tổng thống Pháp trong tháng 4 và bầu cử lập pháp vào tháng 6.
Các sự kiện chính trị tại Pháp dự kiến sẽ tác động lớn đến việc đảm nhiệm vai trò Chủ tịch EU của nước này, trong đó có mặt hậu cần, tổ chức, khi các chiến dịch tranh cử mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron dự kiến tiến hành, được cho là sẽ phân tán một nguồn lực lớn của chính quyền Pháp. Làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới cùng với sự xuất hiện của biến thể Omicron khiến chương trình nghị sự có phần chùng xuống khi phần lớn các sự kiện, ít nhất trong tháng 1 này, đều sẽ tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Thêm nữa, kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống rất khó đoán định. Một số chuyên gia nhận định, trong trường hợp Tổng thống đương nhiệm không chiến thắng thêm một nhiệm kỳ, Pháp sẽ có một chính quyền mới và có thể xảy ra gián đoạn hoặc thay đổi ưu tiên trong thời gian hơn 2 tháng còn lại giữ chức Chủ tịch luân phiên EU. Tuy nhiên, về cơ bản, sẽ khó có các thay đổi quá lớn.
Việc nhiệm kỳ Chủ tịch EU trùng với cuộc bầu cử Tổng thống cũng có thể là cơ hội cho người biết nắm giữ. Về cơ bản, đây được coi là một thuận lợi với Tổng thống Macron bởi trong những năm qua, ông đã cố gắng khẳng định vai trò và vị thế của mình với tư cách một trong những lãnh đạo hàng đầu, có tầm nhìn, có tham vọng của châu Âu. Ngoài ra, ông được đánh giá là người có hiểu biết và có vị thế ở châu Âu hơn tất cả các đối thủ đua tranh ghế Tổng thống Pháp khác. Do đó, đây có thể là cơ hội của ông Macron nếu hoàn thành tốt trên cương vị Chủ tịch EU.
Tuy vậy, nếu không cẩn trọng, ông Macron có thể sẽ gặp bất lợi. Thierry Chapin, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Lille (Pháp), cho rằng đây có thể là “tài sản cho Tổng thống Pháp nhưng cũng có thể là một mối lo nếu những đối thủ chính trị của ông tấn công phủ đầu nhằm vào các chính sách châu Âu của ông”.
Ví dụ mới nhất là sự việc Pháp treo cờ châu Âu phía trên mộ liệt sĩ vô danh ở Khải hoàn môn hôm 31/12 và 1/1 để đánh dấu việc Pháp giữ chức Chủ tịch EU mà lại không treo cờ Pháp bên cạnh. Tất cả các đối thủ chính trị của ông Macron, như Marine Le Pen hay Eric Zemmour, đã đồng loạt công kích ông Macron là đã xem nhẹ chủ quyền nước Pháp. Trước làn sóng công kích, chính quyền Pháp đã phải sớm hạ lá cờ EU xuống.