Quan hệ Australia – Trung Quốc trên đà tan băng
Chuyến công du của Ngoại trưởng Australia Penny Wong ngày 20/12đánh dấu chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của một Ngoại trưởng Australia trong 4 năm qua, với sự trở lại của Đối thoại ngoại giao chiến lược song phương, báo hiệu bước tiến tích cực trong quan hệ giữa hai bên sau nhiều năm mâu thuẫn.
Thông cáo báo chí chung giữa Thủ tướng Australia Anthony Albanese và Ngoại trưởng Penny Wong đưa ra ngày 19/12 cho biết, vào ngày 21/12, tại Trung Quốc sẽ diễn ra Đối thoại Ngoại giao Chiến lược Australia-Trung Quốc lần thứ 6 nhân kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao.
Ngoại trưởng Australia Penny Wong sẽ lên đường đến Trung Quốc ngày 20/12 để tham dự sự kiện này. Thông cáo khẳng định, sau 5 thập kỷ, “Trung Quốc đã phát triển và trở thành một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới và là đối tác thương mại lớn nhất của Australia. Thương mại giữa Australia và Trung Quốc, cũng như các mối liên kết mạnh mẽ giữa con người với con người, văn hóa và kinh doanh đã mang lại những lợi ích đáng kể cho cả hai quốc gia”.
Thông cáo đồng thời chỉ rõ, Australia đang “tìm kiếm mối quan hệ ổn định với Trung Quốc” theo hướng “hợp tác trong những lĩnh vực có thể, bất đồng nếu cần thiết và gắn kết dựa trên lợi ích quốc gia”.
Diễn ra ngày 21/12, Đối thoại Ngoại giao Chiến lược Australia - Trung Quốc lần thứ 6 cũng là sự kiện đối thoại song phương đầu tiên kể từ năm 2019, thời điểm quan hệ giữa hai nước bắt đầu đi xuống. Chuyến thăm chính thức gần đây nhất của người đứng đầu ngành ngoại giao Australia tới Trung Quốc là hồi năm 2018. Trên thực tế, mối quan hệ song phương đã trở nên căng thẳng vào năm 2018, khi Australia trở thành quốc gia đầu tiên công khai cấm “gã khổng lồ” công nghệ Trung Quốc Huawei tham gia phát triển mạng 5G của nước này.
Tháng 4/2020, Australia đã lên tiếng kêu gọi điều tra làm rõ nguồn gốc đại dịch COVID-19 và trách nhiệm của các bên liên quan khi để dịch bệnh lây lan trên toàn cầu. Sau lời kêu gọi của Australia, quan hệ của Australia với Trung Quốc đã xuống dốc không phanh. Trung Quốc đã áp đặt một loạt rào cản thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu từ Australia khiến các doanh nghiệp của nước này thiệt hại khoảng 20 tỷ AUD.
Đỉnh điểm, vào ngày 6/5/2021, Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc thông báo đình chỉ "vô thời hạn" tất cả các hoạt động trong khuôn khổ Đối thoại Kinh tế Chiến lược Trung Quốc-Australia. Do đó, chuyến công du, theo Sky News, sẽ chính thức làm tan băng căng thẳng kéo dài và mở rộng cơ hội cho các cuộc gặp gỡ thường xuyên hơn giữa các quan chức Bắc Kinh và Canberra sau chuỗi ngày căng thẳng “xếp chồng” căng thẳng.
Trước cuộc đối thoại này, Thủ tướng Australia Anthony Albanese và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp mặt bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Indonesia vào tháng 11. Tại cuộc gặp, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng Trung Quốc và Australia cần cải thiện, duy trì và thúc đẩy mối quan hệ song phương, đồng thời đánh giá hai bên có tiềm năng hợp tác lớn trong lĩnh vực kinh tế-thương mại. Về phần mình, Thủ tướng Australia Anthony Albanese nhấn mạnh Australia và Trung Quốc cần phối hợp hướng tới mục tiêu tạo khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ổn định và thịnh vượng. Ông cũng khẳng định cả Australia và Trung Quốc đã nỗ lực để ổn định mối quan hệ dựa trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi.
Trước đó, vào tháng 6, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles với người đồng cấp Trung Quốc, Tướng Ngụy Phượng Hòa đã có cuộc gặp phá băng bên lề Diễn đàn Shangri La tại Singapore, đánh dấu cuộc đối thoại trực tiếp đầu tiên giữa hai nước kể từ cuối năm 2019. Tiếp sau đó, Bộ trưởng Ngoại giao Australia Penny Wong cho biết Australia đã thực hiện “bước đầu tiên quan trọng” nhằm ổn định quan hệ với Trung Quốc sau cuộc gặp song phương đầu tiên trong gần ba năm với người đồng cấp Vương Nghị, diễn ra ngày 8/7 tại Bali, Indonesia bên lề Hội nghị Ngoại trưởng G20.
Trước thềm chuyến công du của Ngoại trưởng Wong, hôm 16/12, trong bài phỏng vấn với phóng viên tờ Politics, Thủ tướng Australia Anthony Albanese đã bày tỏ hi vọng rằng “bất kỳ rào cản nào đối với hoạt động kinh tế bình thường sẽ được dỡ bỏ và hai nước có mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ hơn". "Trung Quốc là đối tác kinh tế lớn của chúng tôi. Và tôi nghĩ trong những tuần tới, các bạn sẽ thấy các biện pháp và hoạt động tiếp theo cho thấy mối quan hệ được cải thiện nhiều. Đó là lợi ích của cả hai nước chúng ta, nhưng quan trọng hơn, là lợi ích của hòa bình và an ninh trong khu vực”, ông chia sẻ.
Trong khi đó, Allan Behm, giám đốc chương trình các vấn đề an ninh và quốc tế tại Viện nghiên cứu Australia, cựu cố vấn của Ngoại trưởng Penny Wong, cho biết: “Đây là một chuyến đi thực sự quan trọng và có ý nghĩa”. Mặc dù không kỳ vọng chuyến đi sẽ dẫn đến những đột phá chính sách ngay tức thời, song chuyên gia này tin rằng nó sẽ đặt nền móng cho việc trở lại mối quan hệ bình thường hơn giữa Trung Quốc và Australia.