Quan hệ Mỹ - Iran rơi vào vòng xoáy nguy hiểm
Mối quan hệ vốn đã “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” giữa Mỹ và Iran đang “căng như dây đàn” sau vụ tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) khiến 3 binh sĩ Mỹ thiệt mạng và hơn 30 người khác bị thương ở Jordan hôm 28/1 vừa qua. Washington cảnh báo sẽ trả đũa, còn Tehran đáp lại rằng: “Dù chưa có chiến tranh, nhưng luôn đặt ngón tay lên cò súng”.
Quân đội Mỹ ngày 2/2 (giờ địa phương) đã tiến hành không kích khoảng 85 mục tiêu ở Iraq và Syria thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) và các lực lượng vũ trang liên quan. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nhấn mạnh, các cuộc không kích này mới chỉ là khởi đầu các biện pháp đáp trả của Mỹ đối với vụ tấn công hôm 28/1 vào tiền đồn quân sự của Mỹ có tên Tháp 22 ở Đông Bắc Jordan.
Ông Lloyd Austin đồng thời cho biết, Tổng thống Joe Biden đã chỉ thị tiếp tục hành động nhằm buộc IRGC và các nhóm vũ trang liên quan phải chịu trách nhiệm về các cuộc tấn công nhắm với các lực lượng Mỹ và liên quân. Người đứng đầu Lầu Năm Góc nhấn mạnh, các biện pháp trả đũa của Mỹ sẽ diễn ra vào thời điểm và địa điểm mà Washington lựa chọn. Ông cũng khẳng định, Mỹ không tìm kiếm xung đột ở Trung Đông hoặc bất cứ nơi nào khác trên thế giới nhưng sẽ không tha thứ cho các cuộc tấn công nhắm tới các lực lượng của nước này: “Mỹ sẽ có các hành động cần thiết để bảo vệ nước Mỹ, các lực lượng và lợi ích của nước Mỹ”.
Đồng quan điểm, các quan chức trong chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng khẳng định, Nhà Trắng sẽ đáp trả cuộc tấn công nhưng không muốn tình hình leo thang. Người phát ngôn Lầu Năm Góc Sabrina Singh nhấn mạnh: “Chúng tôi chắc chắn không tìm kiếm một cuộc chiến tranh và thành thật mà nói, chúng tôi không thấy Iran muốn xảy ra một cuộc chiến tranh với Mỹ”.
Người phát ngôn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby cũng cho biết, Washington không muốn xảy ra xung đột quân sự với Iran. “Chúng tôi không muốn nổ ra một cuộc chiến khác. Chúng tôi không tìm cách leo thang. Nhưng chúng tôi chắc chắn sẽ làm những gì cần thiết”, ông nói. Và trước những lời lẽ gay gắt của các nhà lãnh đạo thuộc đảng Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ và những lời kêu gọi Washington thực hiện các cuộc tấn công chống Tehran, Nghị sĩ Seth Moulton của đảng Dân chủ nhấn mạnh: “Hỡi những người “diều hâu” đang kêu gọi chiến tranh với Iran, các bạn đang rơi vào “bẫy” của kẻ thù. Liệu các bạn có chấp nhận cho con, cháu mình tham gia chiến đấu. Chúng ta phải có phản ứng hiệu quả, mang tính chiến lược theo các điều kiện và tiến trình của mình. Răn đe phải cứng rắn, nhưng chiến tranh sẽ tồi tệ hơn”.
Về phía Iran, Thời báo Tehran khẳng định, Tehran coi bất kỳ cuộc tấn công nào vào lãnh thổ của mình là “ranh giới đỏ” và sẽ phản ứng thích hợp. Họ lưu ý rằng, Iran không muốn chiến tranh với Mỹ nhưng sẽ “đối đầu mạnh mẽ” với bất kỳ hành động phiêu lưu nào của Washington. Các quan chức quân sự Iran cũng đã cảnh báo rằng, bất kỳ cuộc tấn công nào vào nước này sẽ nhận sự đáp trả mạnh mẽ. Iran đã chứng tỏ rằng, họ sẵn sàng phản ứng trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ.
Vào tháng 6/2019, không quân Iran đã bắn hạ UAV giám sát Global Hawk do Mỹ sản xuất sau khi vi phạm không phận Iran ở tỉnh ven biển phía Nam Hormozgan của nước này. Vào ngày 8/1/2020, IRGC cũng tấn công căn cứ Ain al-Asad, nơi có lực lượng quân sự Mỹ đồn trú ở tỉnh Anbar phía Tây Iraq, bằng một loạt tên lửa. Cuộc tấn công được thực hiện để trả đũa vụ Mỹ ám sát Tướng Qassim Soleimani, chỉ huy Lực lượng Quds của IRGC, gần Thủ đô Baghdad ở Iraq vài ngày trước đó. Thời báo Tehran lưu ý, Mỹ hoàn toàn nhận thức được rằng nếu muốn tấn công Iran, Washington sẽ bị lôi kéo vào một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp với Tehran. Mỹ có thể bắt đầu một cuộc chiến với Iran nhưng sẽ không phải là bên có thể kết thúc giao tranh.
Theo giới chức Iran, cuộc xung đột Israel - Hamas ở Dải Gaza chính là nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự leo thang đang diễn ra ở Trung Đông. Nếu Mỹ quan tâm đến việc giảm leo thang, như các quan chức Nhà Trắng tuyên bố, họ phải gây áp lực lên Tel Aviv để ngừng cuộc chiến ở Gaza. Tuy nhiên, trên thực tế, sự hỗ trợ chính trị và quân sự của Mỹ với Israel đã dẫn đến sự “lây lan” của chiến tranh sang các khu vực khác ở Trung Đông. Mỹ không chỉ cung cấp số lượng lớn vũ khí cho Israel mà còn cản trở những nỗ lực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhằm thiết lập lệnh ngừng bắn vĩnh viễn ở Gaza. Do đó, theo Thời báo Tehran, Mỹ nên gây sức ép với Israel để chấm dứt cuộc tấn công vào Gaza. Nếu không, các lực lượng Mỹ sẽ tiếp tục gánh chịu hậu quả.
Giới chuyên gia đã đưa ra 3 kịch bản trả đũa cuộc tấn công hôm 28/1 mà Mỹ có thể thực hiện, gồm: nhắm mục tiêu vào các cơ sở của IRGC ở Iraq và Syria; tấn công mạng; tấn công trực tiếp vào Iran. Tuy nhiên, cả Washington và Tehran đều đã khẳng định họ không muốn tham gia vào một cuộc chiến tranh toàn diện. Hơn nữa, Iran có thể đáp trả bằng cách cố gắng đóng cửa Eo biển Hormuz, nơi vận chuyển 20% lượng dầu và khí đốt của thế giới qua đó, giáng một đòn mạnh vào kinh tế thế giới.
Phó Giám đốc Mạng Truyền thông Eisenhower (EMN) Matthew Hoh nhận định: “Tấn công hạn chế vào các mục tiêu ở Iran sẽ gây ra sự trả đũa tương xứng của Tehran. Vì thế, các cuộc tấn công vào cơ sở của IRGC hoặc các căn cứ không quân và hải quân sẽ chứng kiến các cuộc tấn công đáp trả vào các căn cứ của Mỹ ở Iraq và Syria”. Ông nói: “Phản ứng của Iran trước vụ Mỹ ám sát Tướng Qassem Soleimani vào tháng 1/2020 là một ví dụ điển hình. Hy vọng rằng đó là nơi mọi chuyện sẽ kết thúc”, đồng thời cảnh báo: “Tuy nhiên, có nguy cơ nó không kết thúc và một chu kỳ ăn miếng trả miếng ngày càng leo thang đang diễn ra - bị thúc đẩy bởi áp lực chính trị nội bộ của Mỹ và Iran”.