Quan hệ Mỹ - Trung: Căng thẳng và hòa dịu

07:14 18/12/2023

Đó là hai sắc thái đối lập được sử dụng để miêu tả mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc trong năm nay. Quan hệ song phương giữa hai cường quốc bắt đầu năm 2023 ở tình trạng "căng như dây đàn", thậm chí có lúc gần như "chạm đáy", nhưng cả hai đã nhận thức được rằng, cần phải đưa mối quan hệ này thực sự đi vào "đường ray" ổn định, đối thoại và hợp tác vì lợi ích chung của cả hai nước và toàn thế giới.

Ngăn quan hệ song phương rơi vào vòng xoáy xung đột

Hồi đầu năm nay, tình trạng hòa hoãn vừa chớm nở giữa hai cường quốc đã bị "đóng băng" ngay sau khi các chiến đấu cơ của Mỹ đã bắn hạ một khinh khí cầu của Trung Quốc khi bay qua vùng biển ngoài khơi bang South Carolia hôm 4/2. Bắc Kinh khẳng định đây là khinh khí cầu được sử dụng cho mục đích nghiên cứu khoa học và việc xuất hiện trong không phận Mỹ là ngoài ý muốn. Các cuộc đối thoại, liên lạc gần như bị ngừng lại toàn bộ.

Cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình hôm 15/12 tại San Francisco, Mỹ.

Thêm vào đó, nhiều cọ xát đã xảy ra, từ tăng cường hiện diện quân sự và thách thức lẫn nhau ở những vùng biển chiến lược hay những khu vực mà hai bên tranh giành ảnh hưởng, cho đến bất đồng trong vấn đề Đài Loan (Trung Quốc), xung đột Nga-Ukraine... Tất cả đã đẩy quan hệ Mỹ-Trung gần như "chạm đáy". Dẫu vậy, như nhận định của chuyên gia Susan Shirk tại Đại học California San Diego (Mỹ): "Đôi khi quan hệ Mỹ-Trung phải xuống tới mức nguy hiểm trước khi chính phủ hai nước có thể đầu tư nhiều nỗ lực hơn vào việc cải thiện quan hệ".

Sự "đầu tư" này được thể hiện qua hàng loạt hoạt động ngoại giao con thoi mà Mỹ khởi động vào giữa năm. Với mục tiêu xây dựng lại liên lạc và lòng tin giữa hai nước, Mỹ đã cử ít nhất 4 quan chức cấp cao tới Bắc Kinh, đồng thời cùng Trung Quốc thành lập các nhóm chuyên trách kinh tế, tài chính.

Đáp lại, các quan chức cấp cao Trung Quốc, trong đó có Phó Chủ tịch Hàn Chính và Ngoại trưởng Vương Nghị, cũng đã thực hiện một loạt chuyến thăm Mỹ. Các chuyển động ngoại giao tích cực này đã giúp hiện thực hóa cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở San Francisco (Mỹ) hồi tháng 11 vừa qua. Giới quan sát đánh giá cuộc gặp đã mang đến bối cảnh lý tưởng để Mỹ và Trung Quốc nhen nhóm lại tinh thần đối thoại và hợp tác mà lãnh đạo hai nước thúc đẩy trong cuộc gặp thượng đỉnh tại Bali (Indonesia) hồi cuối năm ngoái.

Ngay sau cuộc gặp này, hai nước đã nối lại liên lạc quân sự để tránh những "xung đột nóng" xảy ra do những sự cố bất ngờ hoặc tính toán sai lầm là khâu quan trọng nhất trong "hàng rào bảo vệ" quan hệ. Hai bên cũng nhất trí nối lại hợp tác chống ma túy, kiểm soát ngăn việc vận chuyển tiền chất fentanyl vào Mỹ, đồng thời gia tăng số chuyến bay vào năm tới, mở rộng giao lưu nhân dân trên các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, thể thao, kinh doanh...

Bên cạnh đó, trong lĩnh vực hợp tác về vấn đề biến đổi khí hậu, hai quốc gia phát thải khí nhà kính nhiều nhất thế giới đã nhất trí lập nhóm làm việc về khí hậu, trong đó tập trung vào chuyển đổi năng lượng, giảm khí methane, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, tăng hiệu quả khai thác các nguồn tài nguyên, phát triển các thành phố phát thải ít carbon và chống nạn phá rừng. Ông Jake Werner, quyền Giám đốc chương trình Đông Á tại Viện Quincy, nhận định năng lượng sạch và biến đổi khí hậu là "một trong những khía cạnh mang tính xây dựng nhất trong quan hệ Mỹ-Trung".

Đây là minh chứng cho thấy, từ kết quả đạt được từ cuộc gặp hồi tháng 11 giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung, cả Bắc Kinh và Washington đều ý thức được lợi ích và tầm quan trọng của việc quản trị sự khác biệt để ngăn quan hệ song phương rơi vào vòng xoáy xung đột. Việc thiết lập một cấu trúc thể hiện lợi ích chung được hai bên công nhận lẫn nhau có vai trò then chốt đối với lợi ích của Mỹ bởi điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự cạnh tranh lẫn hợp tác lành mạnh với Trung Quốc.

Ba điều nên làm và một điều nên tránh

Trên thực tế, quan hệ Mỹ-Trung luôn có những mâu thuẫn lợi ích. Các biện pháp bảo hộ hay kiểm soát xuất khẩu được áp dụng khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới gia tăng cạnh tranh ngôi vị toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ. Với lý do "an ninh quốc gia", Washington tiếp tục tìm cách kiềm chế Bắc Kinh vươn tầm ảnh hưởng công nghệ bằng cách hạn chế một số khoản đầu tư của Mỹ vào các lĩnh vực công nghệ cao nhạy cảm ở Trung Quốc - điều mà Bắc Kinh cho là "chống toàn cầu hóa". Mỹ cũng đạt các thỏa thuận với Hà Lan và Nhật Bản nhằm siết chặt kiểm soát xuất khẩu máy móc sản xuất chip công nghệ cao cho Trung Quốc.

Với lập luận tương tự, Trung Quốc đã cấm các công ty trong nước mua chip từ nhà sản xuất Micron Technology của Mỹ, đồng thời tăng cường kiểm soát xuất khẩu hai nguyên liệu thô chiến lược để sản xuất chất bán dẫn là gali và germani. Bắc Kinh cũng chuyển sang củng cố hệ thống công nghệ trong nước bằng chiến lược quốc gia dựa trên cấu trúc chip nguồn mở. Bên cạnh lĩnh vực công nghệ, cạnh tranh địa chính trị cũng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, khi những tranh cãi xung quanh việc Mỹ thắt chặt quan hệ đồng minh với Philippines và tiến hành cuộc tập trận chung ngoài khơi Manila càng "làm nóng" thêm những hồ sơ gây bất hòa quan hệ Mỹ-Trung.

Khó có thể nói rằng, quan hệ Mỹ-Trung đang nồng ấm trở lại, bởi suy cho cùng, cách tiếp cận của hai bên vẫn còn quá nhiều khác biệt. Đối với Mỹ, Trung Quốc là nước duy nhất có đủ năng lực kinh tế, quân sự, công nghệ, chính trị để thách thức trật tự và lợi ích của Mỹ.

Do đó, Washington xác định cạnh tranh là điều khó tránh khỏi nhưng vẫn cần phải quản lý và tìm kiếm cơ hội hợp tác. Điều này được thể hiện qua cách tiếp cận 3 điểm của chính quyền Tổng thống Joe Biden trong quan hệ với cường quốc châu Á đang trỗi dậy, đó là hợp tác ở những lĩnh vực hai bên có lợi ích chia sẻ, cạnh tranh nếu cần thiết và đối đầu nếu bắt buộc để bảo vệ lợi ích của Mỹ. Trong khi đó, Trung Quốc lại duy trì 3 nguyên tắc cơ bản đối với quan hệ Mỹ-Trung, gồm tôn trọng lẫn nhau, tồn tại hòa bình và hợp tác cùng thắng.

Bà Liu Yuanling, trợ lý giáo sư tại Viện Nghiên cứu Mỹ thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, nhận định trong thời gian tới, hai bên cần sự ổn định để từng bước cải thiện quan hệ song phương và xây dựng lại lòng tin. Trong khi đó, ông Ralph Cossa, Chủ tịch danh dự Diễn đàn Thái Bình Dương thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế, nhận định mâu thuẫn Mỹ-Trung hiện nay chính là vấn đề cạnh tranh chiến lược giữa cường quốc số 1 thế giới và cường quốc đang vươn lên vị trí đó. Vì vậy, để quản lý mối quan hệ này vẫn cần đến 4 chữ C gồm "3 điều nên làm và 1 điều nên tránh". Đó là: "Cooperation" (hợp tác) khi có thể, "Compete" (cạnh tranh) khi thích hợp, "Confront" (đối đầu) khi cần thiết và tuyệt đối tránh "Conflict" (xung đột) trực tiếp.

Là hai cường quốc hàng đầu, Mỹ và Trung Quốc đều nhận thức được rằng, cần phải điều phối mối quan hệ một cách có trách nhiệm bởi những thách thức toàn cầu, từ các vấn đề chính trị an ninh, đến biến đổi khí hậu, phát triển công nghệ, vẫn cần hai bên hợp tác cùng nhau. Điều này đòi hỏi sẽ cần nhiều hơn nữa các hành động thực tế từ cả hai phía để đưa quan hệ song phương thực sự đi vào "đường ray" ổn định, đối thoại và hợp tác vì lợi ích chung của cả hai nước và toàn thế giới.

PV (tổng hợp)

Sau hơn 1 tháng trao đổi với chúng tôi về những vụ việc có dấu hiệu sai phạm xảy ra tại Phân hiệu Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh (Phân hiệu) thuộc Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, ngày 30/12/2024 ông Hà Tài Sáu, Giám đốc Phân hiệu đã có văn bản trả lời xung quanh những vấn đề này…  

Ngày 4/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Bùi Thanh Tùng và Phan Văn Tiến, là phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, về hành vi “Cưỡng đoạt tài sản”, quy định tại Điều 170 BLHS.

Sáng 4/1, tại xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, Cục Công tác đảng và công tác chính trị, Ban Thanh niên CAND - Bộ Công an phối hợp với Công an tỉnh, Tỉnh đoàn Đắk Lắk cùng các đơn vị đồng hành đã tổ chức Chương trình “Về với buôn làng”.

Bà Hồ Ngọc Bích T. (ngụ TP Cần Thơ) thừa nhận không có bằng chứng chứng minh mối quan hệ bất chính, do ghen tuông, tức giận, nóng vội nên đưa lên những hình ảnh nhạy cảm và nói khống đã 5 lần bắt gặp chồng và nữ nhân viên ngân hàng có mối quan hệ bất chính để mọi người xung quanh đồng tình, đứng về phía mình.

Gói thầu số 06, “Thi công xây dựng công trình và bảo hiểm công trình thuộc Dự án cầu và đường từ bản Uôn đi bản Páng, xã Phú Thanh, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hoá” có vốn đầu tư khoảng 39 tỷ đồng. Tuy nhiên, quá trình tham gia dự thầu, cả 3 công ty đều bị chủ đầu tư phát hiện có gian lận hồ sơ tham gia dự thầu.

Bất luận thời tiết không thuận lợi trong những ngày cuối năm, song để đảm bảo về đích đúng tiến độ, thông xe toàn tuyến qua địa bàn Hà Tĩnh trước ngày 30/4/2025, các nhà thầu thi công dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đã tăng cường “3 ca, 4 kíp”, vượt nắng, thắng mưa để thi công trên công trường đảm bảo hiệu suất cao nhất.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文