Sự phân cực trong chính trị ở xứ Cờ hoa

06:47 16/09/2024

Cuộc tranh luận kịch tính giữa ông Donald Trump và bà Kamala Harris hôm 10/9 vừa qua đã đánh dấu một trong những khoảnh khắc quan trọng nhất trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2024. Sự kiện này không chỉ làm nổi bật sự khác biệt sâu sắc giữa hai ứng cử viên về các vấn đề như phá thai, nhập cư và nền dân chủ, mà còn phản ánh sự phân cực chính trị hiện tại của nước Mỹ.

Với thái độ tự tin, năng động khi bước lên sân khấu, ngay từ giây phút đầu cho tới khi kết thúc cuộc tranh luận, Phó Tổng thống Kamala Harris luôn chủ động tấn công đối thủ, dường như cố gắng chọc tức đối thủ bằng những lời nhắc nhở về thất bại trong cuộc bầu cử năm 2020 - một kết quả mà cựu Tổng thống Donald Trump vẫn từ chối chấp nhận, cùng những cáo buộc mạnh mẽ về hành động của ông khi còn là tổng thống, khiến ứng cử viên tổng thống đại diện cho đảng Cộng hòa liên tục ở tư thế bảo vệ.

Hai ứng cử viên đã có màn tranh luận căng thẳng, thể hiện rõ sự phân cực trong chính trị nước Mỹ.

Không chỉ vậy, bà Kamala Harris chế nhạo các cuộc vận động tranh cử của ông Donald Trump, đặt ra câu hỏi là liệu số người ủng hộ tham dự có thực sự nhiều như ông nói, hay liệu họ có thực sự trung thành với ông hay không. Vị nữ Phó Tổng thống Mỹ nói rằng, đối thủ của mình thực sự không quan tâm đến những người ủng hộ ông, rằng mọi hành động của ông là vì lợi ích của chính mình. Bà cùng liên tục tục chế giễu những tuyên bố sai sự thật của ông Donald Trump và nhấn mạnh vai trò của ông trong việc Tòa án Tối cao lật ngược quyền phá thai trên toàn quốc 2 năm trước.

Tiếp tục cuộc tấn công, bà Kamala Harris cho rằng, các nhà lãnh đạo trên khắp thế giới coi ông Donald Trump là một "sự thất bại", qua đó đặt đối thủ vào tình thế khó khăn khi phải bảo vệ chính mình, viện dẫn sự ủng hộ từ Thủ tướng Hungary Viktor Orban - một trong những nhà lãnh đạo gây tranh cãi nhất phương Tây. Bà thậm chí còn tấn công những thành tích của ông Donald Trump như một trùm kinh doanh trước khi bước chân vào chính trị, nói rằng toàn bộ tài sản của ông được xây dựng dựa trên những thành công mà cha ông đã đạt được trước đó.

Đáng chú ý là đến phút cuối, bà Kamala Harris đã biến một trong những khoảnh khắc thất bại điển hình nhất của chính quyền Biden-Harris: quá trình Mỹ rút quân khỏi Afghanistan thành một cuộc tấn công nhắm vào ông Donald Trump. Bà nói rằng ông Donald Trump đã "đàm phán một trong những thoả thuận yếu đuối nhất" với Taliban, và xúc phạm sự thiêng liêng của đất Mỹ khi mời các nhà lãnh đạo của tổ chức này đến Trại David, một đặc quyền Tổng thống Mỹ chỉ dành cho các đoàn ngoại giao quan trọng nhất.

Trong khi đó, cựu Tổng thống Donald Trump liên tục bị mắc kẹt trong thế phòng thủ, phải bảo vệ tính chính danh của mình và không có đủ thời gian để đáp trả toàn bộ cuộc tấn công của đối thủ. Ông nói rằng, chính vì những lời lẽ đầy hận thù của các đối thủ đảng Dân chủ như bà Kamala Harris mà ông đã "bị bắn vào đầu", ám chỉ đến vụ ám sát hụt hồi đầu tháng 7. Ông Trump, mặc dù liên tục ở thế phòng thủ, đã tìm cách thúc đẩy thông điệp cốt lõi của chiến dịch rằng lạm phát và nhập cư - một điểm yếu của bà Kamala Harris - đang gây tổn thương cho người Mỹ. Ông cho rằng, những người nhập cư đã "phá hủy cấu trúc của đất nước," và liên tục gắn kết đối thủ với Tổng thống đương nhiệm Joe Biden. "Bà ấy là Biden", ông khẳng định, nhấn mạnh rằng lạm phát và nền kinh tế là vấn đề mà bà Kamala Harris không thể thoát khỏi.

Đáp trả mạnh mẽ, Phó Tổng thống Kamala Harris nhấn mạnh rằng, bà không phải là Joe Biden hay Donald Trump, mà đại diện cho một thế hệ lãnh đạo mới. Vị cựu Tổng thống Mỹ cũng đã có một vài "đường" tấn công hiệu quả nhằm vào đối thủ khi ông đặt câu hỏi cho cử tri rằng, nếu bà Kamala Harris thực sự muốn làm gì để giúp ích nước Mỹ, tại sao bà không làm vậy trong hơn ba năm qua với cương vị Phó Tổng thống.

Ông nói rằng, Tổng thống Joe Biden giao cho bà một công việc duy nhất là quản lý chính sách biên giới với Mexico, nơi bà đã thất bại hoàn toàn khi cho phép làn sóng nhập cư trái phép "lớn nhất trong lịch sử" Mỹ. Ông đã đúng vì, dưới thời ông, số người vượt biên trái phép vào Mỹ năm 2019 là 850,000, trong khi con số này tăng vọt lên 2,2 triệu người dưới thời chính quyền Biden-Harris trong năm 2021.

Giáo sư truyền thông chính trị Ben Warner, người đã theo dõi cuộc tranh luận, nhận định rằng, bà Kamala Harris đã thành công trong việc ngăn chặn ông Donald Trump tập trung vào các vấn đề then chốt như nhập cư và lạm phát. Thay vào đó, ông Donald Trump liên tục quay lại bảo vệ bản thân về cuộc bầu cử năm 2020 và vai trò của ông vào ngày 6/1/2020 (thời điểm những người biểu tình ủng hộ ông Donald Trump tràn vào toà nhà Quốc hội Mỹ). "Đó là lần đầu tiên chúng ta thấy ông ấy đi chệch hướng. Ông ấy nên nhấn mạnh một trong những vấn đề tốt nhất của mình, nhưng lại nói về các cuộc vận động", Giáo sư Ben Warner nhận xét.

Trong khi đó, chiến lược gia của đảng Cộng hòa Ron Bonjean nhận định, mặc dù bà Kamala Harris đã có thể khiến đối thủ có phần lúng túng, nhưng vẫn chưa rõ liệu nữ ứng cử viên đảng Dân chủ có thuyết phục được cử tri đưa ra quyết định cuối cùng sau cuộc tranh luận này hay không. Về phần mình, tờ Boston Globe đánh giá mặc dù Phó Tổng thống Kamala Harris đã nhiều lần khẳng định mình có sự khác biệt với đương kim Tổng thống Joe Biden, nhưng bà chưa thể đưa ra những luận điểm cụ thể để làm rõ sự khác biệt đó. Theo đánh giá của tờ báo này, qua cuộc tranh luận, nữ chính khách này thể hiện mình là đối thủ "ngang tài, ngang sức" với đối thủ chứ không phải là vượt trội rõ rệt. Còn đối với ông Donald Trump, Boston Globe đánh giá màn tranh luận của ứng cử viên đảng Cộng hòa không tồi nhưng cũng không thể coi là tốt.

Thực tế cho thấy, có vẻ bà Kamala Harris đã đạt được một chiến thắng mà ít người mong đợi trước cuộc tranh luận, tuy nhiên, ông Donald Trump đưa ra một lập luận rất đáng thuyết phục - là bà đã có 3 năm trong Nhà Trắng, nhưng  vẫn chưa có thành tích gì đủ lớn lao để thuyết phục rằng bà xứng đáng làm Tổng thống Mỹ tiếp theo. Trong khi đó, khi nhìn lại những thành tích của ông Donald Trump  khi là Tổng thống thứ 45 của Mỹ, ông đã đạt được khá nhiều, đem lại nhiều thay đổi mang tính cải cách cho xã hội và nền kinh tế Mỹ. Trong một nước Mỹ chia rẽ, những thay đổi này sẽ được nhìn nhận là tiêu cực hay tích cực dựa trên quan điểm chính trị của từng cử tri - nhưng sự thật là ông Donald Trump đã đạt được nhiều thành quả hơn bà Kamala Harris.

Mức độ ảnh hưởng của cuộc tranh luận này ra sao vẫn còn là dấu hỏi, vì thực tế bản thân nhiều cử tri dù chưa đi bỏ phiếu song đã có được sự lựa chọn cho riêng mình. Lịch sử đã chứng minh không phải người chiếm ưu thế trong cuộc tranh luận đều chắc vé vào Nhà Trắng. Năm 2016, bà Hillary Clinton được đánh giá là giành chiến thắng cả 3 vòng đối đầu với ông Donald Trump, nhưng cuối cùng thất cử.

Ông David Lazer, giáo sư khoa học chính trị của Đại học Northeastern, dự đoán sẽ không có sự thay đổi lớn trong lá phiếu cử tri. Theo các chuyên gia, dù cuộc tranh luận không thể thay đổi ngay lập tức hướng đi của cuộc bầu cử, nhưng sự kiện này ít nhất cũng đã cung cấp những cái nhìn quan trọng về quan điểm, phong thái và chiến lược của hai ứng cử viên. Tuy nhiên, với đặc trưng của các cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ là đoán định, tiềm ẩn những ẩn số bất ngờ và khó lường, bất luận kết quả của cuộc tranh luận giữa hai ứng cử viên tổng thống ra sao hay thế trận đang nghiêng về bên nào, thì đáp án cuối cùng vẫn sẽ chỉ có vào ngày định mệnh 5/11 tới.

Khổng Hà (tổng hợp)

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

Để chứng minh năng lực kinh nghiệm của mình, Liên danh Công ty cổ phần Xây lắp Thủy sản II và Công ty cổ phần Xây dựng vận tải đầu tư kinh doanh nhà Hải Đăng đã “phù phép” biến dự án xây dựng mà liên doanh đã thực hiện có tổng trị giá khoảng 59 tỷ đồng thành dự án 147 tỷ đồng để đủ điều kiện dự thầu và sau đó trúng thầu dự án có tổng trị giá hơn 190 tỷ đồng ở huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ngày 21/11 đã đề cử cựu Tổng chưởng lý bang Florida Pam Bondi, 59 tuổi, làm Tổng chưởng lý Mỹ, nhanh chóng thay thế cựu ứng cử viên Matt Gaetz sau khi ông này rút lui.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文