Thế giới ra sao nếu Mỹ cấm nhập dầu của Nga?

13:35 08/03/2022

Giá dầu thế giới đang ở mức cao nhất trong vòng 14 năm qua và được dự báo có thể tiếp tục tăng mạnh nếu Mỹ áp đặt thêm các biện pháp cấm vận mới nhằm vào ngành xuất khẩu của Nga.

Mỹ hành động đơn phương?

New York Times ngày 7/3 cho biết, một loạt nghị sĩ lưỡng viện Quốc hội Mỹ đã đồng ý đề xuất tiến hành thêm các biện pháp trừng phạt bổ sung, bao gồm cấm nhập khẩu dầu mỏ, khí đốt của Nga vào Mỹ; đình chỉ quan hệ thương mại bình thường với Nga và Belarus vì chiến dịch quân sự của Moscow ở Ukraine.

Tổng thống Mỹ đang chịu áp lực từ các nghị sĩ về việc phải ban bố các biện pháp cấm vận mới chống Nga. Ảnh: Getty Images
Ngay sau khi các thông tin trên xuất hiện, giá dầu đã leo thang lên mức cao nhất kể từ năm 2008 trong ngày 7/3. Trong đó, dầu thô Brent hợp đồng tương lai tháng 4 có lúc gần chạm ngưỡng 140 USD/ thùng; sau đó giảm xuống mốc khoảng 126 USD trưa 8/3 (giờ Hà Nội). Dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) có lúc vọt lên 130,5 USD/thùng trước khi giảm nhẹ về 122 USD.

Nga hiện là nước xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu hàng đầu thế giới, với lượng dầu và các sản phẩm tinh chế xuất khẩu đạt khoảng 7 triệu thùng/ngày, chiếm 7% nguồn cung toàn cầu.

Trong khi châu Âu nhập 40% lượng khí đốt và 25% lượng dầu thô cần thiết từ Nga, Forbes nói rằng, chỉ 3,5% nguồn dầu nhập khẩu của Mỹ trong năm 2021 đến từ các doanh nghiệp của Moscow. Khoảng 57% dầu nhập khẩu vào Mỹ đến từ Canada, chưa kể khoản dầu mỏ mà Mỹ tự khai thác đáp ứng nhu cầu trong nước.

Reuters cho biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden trong ngày 7/3 đã điện đàm với lãnh đạo các nước Pháp, Đức và Anh nhằm tìm kiếm sự đồng thuận trong việc ban bố lệnh cấm với dầu mỏ và khí đốt Nga, song ý tưởng này dường như không nhận được sự ủng hộ quyết liệt.

Nga chỉ chiếm khoảng 3,5% nguồn nhập khẩu dầu của Mỹ, thấp hơn nhiều so với châu Âu. Ảnh: Forbes

Văn phòng Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 8/3 thừa nhận "việc nhập khẩu dầu và khí đốt từ Nga có tầm quan trọng thiết yếu đối với việc cung cấp các dịch vụ công cộng và đảm bảo cuộc sống hàng ngày của người dân ở châu Âu”.

Trên thực tế, dù ban bố nhiều lệnh cấm vận chống Nga, cách đây 3 hôm, Wall Street Journal cho biết, EU hiện đang thanh toán cho Nga mỗi ngày khoảng 660 triệu Euro, tương đương 722 triệu USD để mua khí đốt. Còn đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 chạy từ Nga sang Đức qua biển Baltic vẫn hoạt động hết công suất.

Các nước châu Âu gần đây rất nỗ lực phát triển những giải pháp thay thế cho nguồn năng lượng từ Nga. Trong đó, Đức có kế hoạch xây dựng hai nhà ga khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) để cho phép nhập khẩu từ các nhà cung cấp như Mỹ. Tuy nhiên, mục tiêu này không thể hoàn thành sớm hơn một năm.

Đến nay, Nhà Trắng chưa đưa ra quyết định chính thức về lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga" và nói rằng các cuộc thảo luận vẫn đang diễn ra, song Reuters dẫn 2 nguồn tin tiết lộ, Mỹ có thể sẽ sớm hành động đơn phương mà không cần sự tham gia của các đồng minh châu Âu, bởi họ không phụ thuộc lớn vào nguồn cung từ Nga như các đồng minh bên kia Đại Tây Dương.

Thị trường toàn cầu “lãnh đủ”

Ngay sau Mỹ và phương Tây bắt đầu chiến dịch cô lập nền kinh tế Nga vì chiến dịch quân sự ở Ukraine, một số doanh nghiệp dầu mỏ phương Tây đã quyết định không mua sản phẩm dầu khí nào của Nga nữa (dù phương Tây chưa chính thức áp đặt lệnh trừng phạt) để tránh rắc rối pháp lý về sau. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc giá dầu tăng cao vài ngày qua.

Một trạm trung chuyển khí đốt từ Nga sang Đức. Ảnh: Reuters

Khả năng Mỹ đơn phương cấm nhập khẩu dầu của Nga được dự báo là sẽ khiến thêm rất nhiều doanh nghiệp, bao gồm các doanh nghiệp ở châu Âu và châu Á, từ chối nguồn cung của Nga để đảm bảo không vướng phải rắc rối do các gói trừng phạt nhiều điều khoản của Mỹ, ngay cả khi châu Âu không "động" vào ngành năng lượng Nga.

Reuters đưa tin, JP Morgan dự đoán giá dầu thế giới có thể đạt kỷ lục 185 USD/thùng vào cuối năm 2022 nếu sự gián đoạn đối với nguồn dầu mỏ của Nga tiếp tục kéo dài. Trong khi đó, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cảnh báo kịch bản giá dầu có thể tăng lên mức 300 USD/thùng nếu phương Tây tiếp tục áp đặt các biện pháp cấm vận chống lại Nga.

Theo tính toán của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), tỷ trọng của dầu trong GDP toàn cầu vào khoảng 3%. Mặc dù không phải là yếu tố chính dẫn đến lạm phát, vốn thực sự chịu tác động từ các chính sách tiền tệ nới lỏng, nhưng dầu là một trong những hàng hóa quan trọng nhất trên thế giới, bởi nó là nhiên liệu cho hoạt động vận tải và nguyên liệu của các loại hàng hoá thiết yếu khác như dược, may mặc, hoá chất...

Giá nhiên liệu tại Mỹ cũng đang tăng mạnh, ảnh hưởng đến ví tiền của người dân. Ảnh: Getty Images

Vì vậy tác động của giá dầu tăng sẽ không chỉ được người tiêu dùng cảm nhận ở các trạm xăng mà còn ở hầu như tất cả các hàng hóa và dịch vụ mà con người sử dụng, từ đó góp phần đẩy lạm phát. Reuters nhận định, tình thế hiện tại với giá dầu có thể kéo mức lạm phát tại Mỹ và châu Âu lên trên 7% và "ăn sâu" vào sức mua của các hộ gia đình.

Theo quy luật thông thường, tại Mỹ, giá dầu tăng 10 USD/thùng sẽ làm tăng lạm phát 0,2%. Còn tại châu Âu, giá dầu tăng 10% sẽ kéo theo lạm phát từ 0,1 đến 0,2%. Chỉ hơn 2 tháng đầu năm 2022, giá dầu thô Brent đã tăng giá khoảng 80%, đóng góp mức tăng lạm phát từ khoảng 0,8 đến 1,6% tại EU.

Lệnh cấm đối với dầu của Nga được dự báo sẽ tiếp tục làm chậm quá trình phục hồi toàn cầu trong bối cảnh các nước chỉ vừa mở cửa trở lại nền kinh tế sau hơn 2 năm gián đoạn vì COVID-19.

Người dân xếp hàng mua xăng do lo ngại giá nhiên liệu tiếp tục gia tăng ở Bồ Đào Nha. Ảnh: Getty Images

Tính toán sơ bộ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho thấy, cuộc xung đột ở Ukraine có thể kéo giảm mức tăng trưởng ở khu vực đồng tiền chung Euro khoảng 0,3 đến 0,4% trong năm nay theo kịch bản chính và 1% trong trường hợp xảy ra "cú sốc nghiêm trọng" nào đó.

Trên thực tế, trái ngược với giá dầu, thị trường chứng khoán toàn cầu đã giảm hôm 7/3 trước lo ngại Mỹ có thể ban bố lệnh cấm với dầu khí Nga; còn tình hình chiến sự ở Ukraine tiếp tục leo thang. Theo Wall Street Journal, bản thân thị trường Mỹ cũng chứng kiến mức giảm lớn nhất theo ngày được ghi nhận trong hơn một năm qua, trong đó, chỉ số S&P 500 giảm 3%, chỉ số tổng hợp Nasdaq giảm 3,6%, dấy lên lo ngại về một cuộc suy thoái.

Ngoài là bên cung cấp dầu và khí đốt lớn, Nga còn là nhà xuất khẩu ngũ cốc và phân bón lớn nhất thế giới. Moscow cũng cung cấp ra thị trường toàn cầu lượng lớn palladi, niken, than và thép. Nỗ lực loại trừ nền kinh tế của nước này khỏi hệ thống thương mại sẽ ảnh hưởng đến một loạt các ngành công nghiệp và làm tăng thêm lo ngại về an ninh lương thực toàn cầu.

Thiện Nhân

Tối 23/12 (giờ địa phương), tân Thủ tướng Pháp François Bayrou đã chính thức công bố thành phần nội các mới sau hơn 2 tuần kể từ khi được Tổng thống Emmanuel Macron bổ nhiệm. Ông François Bayrou bày tỏ tự hào và tin tưởng vào một chính phủ được xây dựng hướng tới sự cân bằng với kinh nghiệm trong việc hòa giải và khôi phục niềm tin với tất cả người dân Pháp.

Thông tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 4h ngày 24/12, vị trí tâm bão số 10 ở vào khoảng 11,5 độ Vĩ Bắc; 112,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Tây Nam khu vực Giữa Biển Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/h), giật cấp 10; di chuyển theo hướng Tây, tốc độ 5-10km/h.

Tối 23/12, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh cho biết, lúc 15h30 cùng ngày, đã tiếp nhận điều trị 5 ca bị bỏng và bị thương nặng được chuyển đến từ Trung tâm Y tế huyện Tân Biên. Có 4/5 nạn nhân đã được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) tiếp tục điều trị.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Trần Hồng Minh vừa công điện gửi Cục Đường cao tốc Việt Nam, Cục Đường bộ Việt Nam, các ban quản lý dự án, nhà đầu tư về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện 8 dự án đầu tư kinh doanh công trình trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông.

46,15% cơ quan, doanh nghiệp bị tấn công mạng trong năm 2024; Số vụ tấn công mạng ước tính lên tới hơn 659.000 vụ; Việt Nam thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực chuyên trách về an ninh mạng; Tấn công có chủ đích, tấn công gián điệp và tấn công mã hoá dữ liệu là những hình thức tấn công phổ biến nhất; Tỷ lệ sử dụng sản phẩm, dịch vụ “Make in Vietnam” còn rất khiêm tốn, chỉ 24,77%; Tình trạng lộ lọt dữ liệu cá nhân đáng báo động nhưng công tác đảm bảo an ninh còn nhiều lúng túng.

Ngày 23/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết, liên quan vụ án "Đưa hối lộ" và "Nhận hối lộ" xảy ra tại tại Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất và các KCN tỉnh Quảng Ngãi đã khởi tố thêm tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” đối với một số đối tượng.

Sáng mai (24/12), TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu (giai đoạn 2) về các tội: “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Che giấu tội phạm”.

Ngày 23/12, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết đã nắm thông tin phản ánh của người thân một nữ bệnh nhân trẻ trên mạng xã hội Facebook về hành vi thiếu chuẩn mực của bác sĩ nam khi siêu âm tuyến giáp, tim và bụng. Sự việc xảy ra tại Phòng khám Đa khoa thuộc Công ty cổ phần Đầu tư Tư vấn dịch vụ y tế Y Đạo (địa chỉ 46-48 Ngô Quyền, phường 5, quận 10).

Công an huyện Lục Nam, Bắc Giang đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 5 triệu đồng đối với M.V.S về hành vi “Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân”.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文