Thông điệp rõ ràng của Tổng thống Nga đến phương Tây

11:05 23/11/2024

Tên lửa siêu thanh của Nga mang theo một thông điệp đơn giản tới phương Tây về Ukraine: Hãy lùi bước, nếu không, Nga có thể sẽ tấn công các cơ sở quân sự của Mỹ và Anh, các chuyên gia nhận định.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh Getty Images. 

Nga đã bắn một tên lửa đạn đạo siêu thanh tầm trung mới có tên gọi là Oreshnik vào Ukraine hôm 21/11, điều mà Tổng thống Putin cho biết là phản ứng trực tiếp đối với các cuộc tấn công vào Nga của lực lượng Ukraine bằng tên lửa do Mỹ và Anh cung cấp.

Trong một tuyên bố đặc biệt từ Điện Kremlin ngay ngày hôm đó, Tổng thống Nga nhấn mạnh cuộc chiến đang leo thang thành một cuộc xung đột toàn cầu, mặc dù ông tránh mọi lời lẽ liên quan đến vũ khí hạt nhân.

Cho đến nay, ông Putin cũng đã kiềm chế không thực sự tấn công phương Tây, một bước đi có thể dẫn đến một cuộc đối đầu trực tiếp giữa Nga và liên minh NATO, cuộc đối đầu mà Tổng thống Mỹ Joe Biden nhận định sẽ là Thế chiến thứ 3.

Trong tuyên bố của mình, người đứng đầu Điện Kremlin đã thông báo với phương Tây rằng Nga có quyền tấn công các cơ sở quân sự của các quốc gia cho phép Ukraine sử dụng tên lửa của họ để tấn công Nga. Cho đến nay, những nước này chỉ bao gồm Mỹ và Anh.

Trả lời phỏng vấn của Reuters, cựu cố vấn Điện Kremlin Sergei Markov cho biết: “Tổng thống Putin đang gửi thông điệp tới phương Tây rằng hãy dừng lại và lùi bước. Tín hiệu mà ông Putin đang gửi đến thế giới là chúng tôi coi những cuộc tấn công này là sự tham gia trực tiếp của Mỹ và Anh vào một cuộc chiến chống lại Nga”.

Tổng thống Mỹ Joe Biden trong thời gian gần đây đã bỏ đi sự phản đối với việc Ukraine bắn tên lửa của Mỹ vào các mục tiêu sâu bên trong nước Nga, một sự thay đổi trong chính sách đáng chú ý của Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 5/11.

Các quan chức Nga coi động thái của chính quyền ông Biden là một quyết định liều lĩnh của một chính quyền sắp mãn nhiệm nhằm tạo ra một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng để ông Trump giải quyết khi ông nhậm chức tổng thống vào tháng 1 tới.

Điều đó cũng khiến ông Putin rơi vào thế khó: nếu ông leo thang ngay bây giờ, ông có thể châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng. Nhưng nếu ông không làm vậy, thì phương Tây có thể coi ông là người yếu đuối và tiếp tục vượt qua các ranh giới đỏ rõ ràng của Nga.

Khi ông Putin cảnh báo vào tháng 9 rằng Nga sẽ cập nhật học thuyết hạt nhân của mình để có khả năng đáp trả bằng vũ khí hạt nhân đối với việc sử dụng tên lửa thông thường của phương Tây để tấn công Nga, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken cho biết đây không phải là lần đầu tiên ông “làm rung chuyển thanh kiếm hạt nhân”.

Vào ngày Ukraine bắn tên lửa ATACMS do Mỹ sản xuất sâu vào lãnh thổ Nga, ông Putin đã chấp thuận thay đổi về thế trận hạt nhân.

Sau động thái này, Lầu Năm Góc cho biết Mỹ không thay đổi thế trận hạt nhân của mình hoặc quan sát thấy sự thay đổi trong thế trận hạt nhân của Nga.

Khi được hỏi thông điệp chính trong tuyên bố của ông Putin là gì, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 22/11 cho rằng điều quan trọng là Nga sẽ phản ứng với “hành động liều lĩnh” từ các nước phương Tây tham gia vào các cuộc tấn công vào Nga.

Bên cạnh cảnh báo rằng các cơ sở quân sự của Mỹ và Anh có thể bị nhắm mục tiêu, ông Putin cho biết kế hoạch triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung của Washington ở châu Âu và châu Á có thể thúc đẩy Moscow làm điều tương tự, đưa hỏa lực của mình vào phạm vi tấn công gần hơn với phương Tây.

Jon Wolfsthal, cựu trợ lý đặc biệt của Tổng thống Mỹ Barack Obama và hiện là giám đốc rủi ro toàn cầu tại Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ cho rằng: “Ông Putin rõ ràng đang báo hiệu sự phụ thuộc ngày càng tăng vào vũ khí chiến lược, bao gồm tên lửa hạt nhân và tầm xa, để thúc đẩy Mỹ và NATO ngừng hỗ trợ cho Ukraine. Tôi không nghĩ ông ấy có ý định sử dụng vũ khí hạt nhân trong một cuộc chiến mà ông ấy đang thắng, nhưng ông ấy dường như muốn chúng ta lo lắng nhiều”.

Nhà lãnh đạo Chechnya Ramzan Kadyrov đã ca ngợi ông Putin vì tuyên bố mà ông cho biết hàng nghìn binh lính đã chờ đợi từ lâu.

“Họ đang ngồi đó ở phương Tây, ấm áp và khá yên tĩnh. Vì vậy, hãy để họ tự cảm nhận cuộc chiến thực sự là như thế nào. Họ có muốn một cuộc chiến thực sự với Nga không? Vậy thì hãy để họ thỏa mãn với điều đó. Cần phải chứng minh toàn bộ sức mạnh chết người của vũ khí tầm xa của Nga!”, ông Kadyrov nói.

Ông Putin cho biết cuộc tấn công của Ukraine bằng ATACMS vào ngày 19/11 đã không gây ra bất kỳ thiệt hại nghiêm trọng nào. Nhưng cuộc tấn công một ngày sau đó bằng tên lửa Storm Shadow của Anh vào khu vực Kursk đã nhắm vào một điểm chỉ huy và dẫn đến thương vong. 

Người phát ngôn Điện Kremlin Peskov cho biết về mặt kỹ thuật, Nga không có nghĩa vụ phải cảnh báo Washington về cuộc tấn công trả đũa hôm 21/11, vì tên lửa này là tên lửa tầm trung chứ không phải liên lục địa, nhưng ông cho biết Moscow đã thông báo cho Mỹ trước 30 phút.

Và dù ông Putin cố tình tránh đề cập đến vũ khí hạt nhân trong tuyên bố của mình, tên lửa siêu thanh mới mà Nga bắn vào Dnipro ở Ukraine có thể được trang bị đầu đạn hạt nhân và có thể vươn tới châu Âu hoặc bờ biển phía Tây của Mỹ.

Cuối cùng, lời cảnh báo của ông Putin đến phương Tây là không được đánh giá thấp quyết tâm của ông. “Chúng tôi coi mình có quyền sử dụng vũ khí chống lại các cơ sở quân sự của những quốc gia cho phép sử dụng vũ khí của họ chống lại các cơ sở của chúng tôi. Nếu bất kỳ ai khác nghi ngờ điều này thì họ đã sai”, Tổng thống Nga nhấn mạnh.

Tiến Minh

Công an TP Hà Nội phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an đồng loạt tiến hành triệu tập 26 đối tượng và khám xét khẩn cấp 8 địa điểm, thu giữ nhiều tài liệu, tang vật gồm 129,3 tấn nguyên liệu khí N2O ("khí cười"); 14 hệ thống máy móc, thiết bị san chiết khí; 2 máy bơm khí; 610 kg viên nén khí N2O; 71.668 chai khí thành phẩm; 6.586 vỏ bình khí; 50 kg vỏ bóng; nhiều điện thoại di động, máy tính cá nhân…; tạm giữ 23,17 tỷ đồng cùng 9.300 USD liên quan hoạt động phạm tội. 

Ít nhất 120 người đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công của Israel vào Gaza trong hai ngày qua, theo các quan chức y tế Palestine, trong bối cảnh Israel tăng cường các cuộc ném bom trên khắp vùng lãnh thổ bị bao vây này.

Từng được mệnh danh là “Thụy Sĩ của Trung Đông” nhờ sự phát triển thịnh vượng và đa dạng văn hóa nhưng hiện nay, Lebanon đang chìm sâu trong một giai đoạn đen tối. Những năm gần đây, đất nước này đã phải đối mặt với hàng loạt khủng hoảng chồng chất từ sự suy thoái kinh tế, chia rẽ chính trị, đến xung đột quân sự dữ dội với Israel. Tình hình hiện tại đã đưa Lebanon tới ngưỡng cửa sụp đổ hoàn toàn, đòi hỏi những nỗ lực không chỉ từ nội tại mà còn từ cộng đồng quốc tế để cứu vãn và tái thiết.

Trong bối cảnh cả Nga và Triều Tiên đều chịu áp lực nặng nề từ các lệnh trừng phạt quốc tế, hai quốc gia đã tìm thấy điểm tựa chiến lược để tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Từ kinh tế, quân sự đến ngoại giao, mối quan hệ này không chỉ giúp họ đối phó với sự cô lập, mà còn góp phần tái định hình cục diện địa chính trị tại Đông Bắc Á.

Đợt không khí lạnh tăng cường khiến các tỉnh thành ở miền Bắc nền nhiệt tiếp tục giảm, trời rét. Thủ đô Hà Nội ngày nắng, về đêm và sáng sớm lạnh. Vùng núi cao một số nơi dưới 16 độ C.

Dù lực lượng chức năng đã có nhiều biện pháp để hạn chế tình trạng spam (rác) cuộc gọi bằng cách hạn chế sim rác, cho phép người nghe báo cáo cuộc gọi làm phiền, tuy nhiên tình trạng gọi điện thoại để chào mời hàng hóa, dịch vụ, thậm chí lừa đảo tham gia các sàn giao dịch vàng, chứng khoán... vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Góp phần không nhỏ cho hiện trạng này, không ai khác chính là những đơn vị, hội nhóm chuyên mua bán các loại data trên chợ đen.

Lực lượng phòng vệ dân sự Lebanon ngày 23/11 cho biết một cuộc không kích dữ dội ở trung tâm Beirut đã khiến ít nhất 11 người thiệt mạng, làm rung chuyển thủ đô khi Israel tấn công nhóm vũ trang Hezbollah.

Nhân Ngày Di sản Văn hoá Việt Nam, chiều tối 23/11, tại Đại Nội Huế; UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Lễ đón Bằng công nhận di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO cho “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế”; công bố hoàn thành Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích Điện Thái Hòa…

Thời gian gần đây, một số người tham gia giao thông ở TP Hồ Chí Minh có hành vi sử dụng vũ lực, côn đồ hung hãn sau khi xảy ra va chạm giao thông, thậm chí gây án mạng. Từ những ứng xử thiếu văn hóa như trên đã dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, hệ lụy lâu dài cho bản thân họ, gia đình và xã hội.

Chiều 23/11, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đang phối hợp với cơ quan chức năng điều tra, làm rõ việc phát hiện 1.500 viên nén nghi ma túy trôi dạt vào bờ biển xã Bình Trị, huyện Bình Sơn.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, sáng nay (23/11), lực lượng cứu nạn cứu hộ (CNCH) đã tìm thấy được 2 thi thể trên sông.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文