Tiếp tục nỗ lực đưa Nga và Ukraine trở lại bàn đàm phán
Hai bên đã tiến hành đàm phán tại Istanbul hồi tháng 3/2022. Hai bên gần như đạt được thỏa thuận, tuy nhiên, Ukraine bất ngờ rút lại thỏa thuận, ngừng đàm phán với Nga. Moscow nhiều lần cáo buộc phương Tây đã hối thúc Kiev hủy bỏ thỏa thuận và tiếp tục chiến đấu chống lại Nga.
Không có giải pháp quân sự nào cho xung đột
Phát biểu tại buổi họp báo sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Hungary Viktor Orban ở Budapes, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỹ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố Ankara sẵn sàng hoà giải nối lại các cuộc đàm phán giải quyết xung đột ở Ukraine: “Chúng tôi sẵn sàng khôi phục tiến trình đàm phán từng bị gián đoạn ở Istanbul về giải pháp cho xung đột Ukraine”.
Theo ông, cuộc khủng hoảng ở Dải Gaza và xung đột ở Ukraine chỉ có thể được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình. “Chúng tôi đã thống nhất với Thủ tướng Hungary rằng, không có giải pháp quân sự nào cho xung đột ở Palestine và Ukraine”, ông nhấn mạnh. Tổng thống Tayyip Erdogan đã nhiều lần tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng làm trung gian hòa giải cho xung đột Ukraine và đề xuất đất nước của ông là địa điểm tổ chức các cuộc đàm phán mới giữa Moscow và Kiev. Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ vẫn duy trì liên lạc với cả hai người đồng cấp Nga Vladimir Putin và Ukraine Volodymyr Zelensky.
Trong khi đó, phát biểu họp báo chung với người đồng cấp Belarus Sergei Aleinik ngày 15/12, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh một số cường quốc phương Tây ngày càng quan tâm đến việc đạt được một giải pháp thương lượng, mặc dù ông từ chối nêu tên bất kỳ quốc gia nào.
Ông nêu rõ: “Tôi không muốn và không có quyền nêu tên, nhưng một số nhà lãnh đạo cấp cao, nổi tiếng của các nước phương Tây, trong đó có một nhà lãnh đạo phương Tây rất nổi tiếng, một vài lần... ít nhất là thông qua 3 kênh liên lạc khác nhau, đã gửi tín hiệu về việc tại sao chúng ta không gặp nhau và nói về những việc cần làm với Ukraine và với an ninh châu Âu”. Theo ông, Nga “luôn sẵn sàng thảo luận nghiêm túc về những vấn đề này”. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh bất kỳ cuộc đàm phán nào cũng sẽ phải tính đến “lợi ích hợp pháp của Nga” và có nghĩa là “chấm dứt ý đồ xây dựng an ninh của chính mình song gây tổn hại cho các bên khác,” ám chỉ nỗ lực của Ukraine gia nhập NATO.
Có cùng quan điểm, Đại sứ lưu động của Bộ Ngoại giao Nga Rodion Miroshnik nhận định rằng, cuộc xung đột ở Ukraine sẽ kết thúc bằng các cuộc đàm phán với phương Tây. “Đàm phán chắc chắn sẽ diễn ra. Mọi xung đột tất yếu sẽ kết thúc bằng đàm phán. Cho đến nay, phương Tây không thể hiện mong muốn đạt được các thỏa thuận đó. Họ không sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán”, nhà ngoại giao này cho biết, đồng thời nhấn mạnh các điều kiện để bắt đầu đàm phán sẽ có kết quả khi nguồn viện trợ cho Kiev cạn kiệt và tham vọng chính trị lắng xuống.
Trước đó, hôm 8/12, ông Leonid Slutsky, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Duma Quốc gia (Hạ viện), tuyên bố Moscow không từ chối các cuộc đàm phán, nhưng Nga chỉ đàm phán sau khi đạt được tất cả các mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt, gồm phi phát xít hóa và phi quân sự hóa chính quyền Kiev, và có tính đến thực tế là các vùng lãnh thổ mới là một phần của Nga. Tuy nhiên, ông nói rằng, Nga nhận thấy Tổng thống Volodymyr Zelensky không có ý định đối thoại.
Hồi tháng 3/2022, Nga và Ukraine đã tiến hành đàm phán tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) và gần như đạt được thỏa thuận. Tuy nhiên, Kiev bất ngờ rút lại thỏa thuận, ngừng đàm phán với Moscow. Nga nhiều lần cáo buộc phương Tây đã hối thúc Ukraine hủy bỏ thỏa thuận và tiếp tục chiến đấu chống lại Moscow. Trưởng đoàn đàm phán hòa bình của Nga Vladimir Medinsky cho biết, Kiev có thể đã chấm dứt xung đột vào tháng 4/2022 bằng cách công nhận nền độc lập của Donbass và công nhận Crimea là lãnh thổ của Nga. Tuy nhiên phương Tây đã dập tắt khả năng này.
Hôm 16/12 vừa qua, Phó Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc (LHQ) Dmitry Polyanskiy cho rằng, Ukraine đã lãng phí cơ hội có được một bước ngoặt thuận lợi như vậy. Họ đã tự phá hủy cơ hội tìm ra một lối thoát thuận lợi hơn cho cuộc xung đột với Nga, bất cứ thỏa thuận nào sau này sẽ không thể sánh bằng. Về phần mình, Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết Ukraine chưa sẵn sàng đàm phán với Nga trừ khi Moscow chấm dứt chiến dịch quân sự đặc biệt trên đất nước ông. Năm ngoái, ông Volodymyr Zelensky cũng ký sắc lệnh không đàm phán với chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Xung đột sẽ kéo dài hay có “tia sáng” đàm phán?
Ngày 12/12, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã tới Mỹ để gặp người đồng cấp nước chủ nhà Joe Biden và các thành viên Quốc hội Mỹ, với hy vọng thuyết phục Washington tiếp tục gửi vũ khí, phương tiện quân sự, đạn dược và các thiết bị khác cho Kiev. Nếu không có thêm viện trợ quân sự từ Mỹ, Ukraine có nguy cơ cạn kiệt vũ khí vào năm tới. Người đứng đầu Nhà Trắng và hầu hết thành viên đảng Dân chủ trong Quốc hội đều ủng hộ khoản viện trợ bổ sung cho Ukraine.
Trong khi đó, một số thành viên đảng Cộng hòa ở Quốc hội Mỹ gần đây phản đối việc tiếp tục hỗ trợ tài chính cho Ukraine. Thậm chí, một số quan chức cấp cao của Mỹ còn bày tỏ lo ngại nếu cuộc chiến rơi vào bế tắc kéo dài vào năm tới, Nga sẽ giành được lợi thế. Phát biểu tại Nhà Trắng trong cuộc gặp người đồng cấp Ukraine, Tổng thống Joe Biden cho rằng: “Ông Putin đang trông chờ vào việc Mỹ không thực hiện được điều gì cho Ukraine. Chúng ta phải chứng minh ông ấy sai”.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby hôm 18/12 nói rằng, chính quyền của Tổng thống Joe Biden có kế hoạch công bố thêm một gói viện trợ quân sự cho Ukraine trong tháng này. Nhưng sau đó, nguồn tài trợ cho Kiev sẽ cạn kiệt.
“Khi việc đó hoàn tất, chúng tôi sẽ không còn quyền bổ sung nữa. Ukraine vẫn cần sự giúp đỡ của chúng tôi và đã đến lúc Quốc hội phải hành động nhanh chóng và đứng lên bảo vệ tự do, dân chủ cũng như lợi ích an ninh quốc gia của chính chúng ta, những vấn đề có vai trò rất lớn”, ông nhấn mạnh.
Trong khi đó, theo người phát ngôn Lầu Năm Góc, Trung tá Garron Garn, Lầu Năm Góc vẫn có thẩm quyền gửi 4,4 tỷ USD dựa trên quyền rút vốn của tổng thống để cung cấp vũ khí cho Ukraine trực tiếp từ kho của Bộ Quốc phòng. Nhưng số vũ khí mà Bộ Quốc phòng có thể chuyển giao cho Ukraine đang bị hạn chế, bởi kho dự trữ của Mỹ cũng cần nguồn kinh phí cần thiết để bổ sung khi số vũ khí đó gần như đã được sử dụng hết.
Giới quan sát đánh giá rằng, việc Tổng thống Volodymyr Zelensky tới Mỹ cho thấy nhà lãnh đạo Ukraine lo ngại rằng sự hỗ trợ của Washington trong năm tới sẽ giảm đi. Cựu Tổng thống Donald Trump từng tuyên bố rằng nếu ông trở lại Nhà Trắng vào tháng 1/2025, ông có thể cắt viện trợ và gây áp lực buộc Ukraine phải đàm phán với Nga. Trong khi đó, sự hỗ trợ của châu Âu dành cho Ukraine trong năm tới cũng không bền vững. Hungary chỉ trích cách tiếp cận của Liên minh châu Âu (EU) với cuộc khủng hoảng Ukraine. Thủ tướng Viktor Orban đã phủ quyết gói viện trợ của EU cho Ukraine tại hội nghị thượng đỉnh diễn ra vào ngày 14/12. Chính phủ Đức cũng đang gặp khó khăn trong thực hiện cam kết viện trợ cho Ukraine.
“Một số quan chức quốc phòng cấp cao của châu Âu thừa nhận rằng vũ khí và đạn dược mà châu Âu gửi đến chiến trường ở Ukraine không thể so sánh được với tốc độ sử dụng của Kiev. Điều đó có nghĩa là Ukraine có thể cạn kiệt một số vũ khí vào đầu năm tới nếu Mỹ không phê duyệt khoản viện trợ bổ sung”, cây bút Lara Jakes của New York Times cho hay. Nhiều quan chức Mỹ và châu Âu, bao gồm cả những người ủng hộ Ukraine, tin rằng, một đề xuất hòa bình là kết quả hợp lý cho cuộc xung đột Nga - Ukraine vào năm tới.