Tổng thống Trump và Iran: Mâu thuẫn trong lời nói, nguy cơ trong hành động

13:38 20/06/2025

Trong tuần qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra hàng loạt tuyên bố trái chiều liên quan đến Iran, làm dấy lên nhiều lo ngại về khả năng Mỹ bị cuốn vào một cuộc xung đột mới ở Trung Đông.

Tổng thống Trump và Iran: Mâu thuẫn trong lời nói, nguy cơ trong hành động -0
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một cuộc họp tại Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng. Ảnh Reuters. 

Từ việc kêu gọi hòa bình và chấm dứt chiến tranh, ông Trump nhanh chóng chuyển sang giọng điệu cứng rắn, thậm chí không loại trừ khả năng ám sát Lãnh tụ Tối cao Iran, Ayatollah Ali Khamenei, và bày tỏ sự ủng hộ đối với chiến dịch ném bom của Israel nhằm vào quốc gia Hồi giáo này.

Trong một diễn biến mới, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Trump sẽ đưa ra quyết định về việc có can dự sâu hơn vào cuộc chiến hay không trong vòng 2 tuần tới.

Không có chiến lược rõ ràng?

Sự thay đổi liên tục trong lập trường của ông Trump khiến nhiều nhà phân tích cho rằng ông đang thiếu một chiến lược rõ ràng đối với Iran. Một số ý kiến cho rằng ông đang bị Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu “thao túng”, người từ lâu đã tìm cách lôi kéo Mỹ vào một cuộc đối đầu quân sự với Iran.

Jamal Abdi, Chủ tịch “Hội đồng người Mỹ gốc Iran quốc gia”, nhận định rằng Tổng thống Trump có thể đang sử dụng các lời đe dọa để tạo lợi thế đàm phán, buộc Iran phải từ bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân. “Ông ấy cố tình thể hiện mình như một nhà lãnh đạo khó đoán, nhưng chiến thuật này có thể khiến tình hình vượt khỏi tầm kiểm soát”, chuyên gia Abdi nói với Al Jazeera. Ông cảnh báo chính sách “bên miệng hố chiến tranh” có thể dẫn đến một cuộc xung đột toàn diện giữa hai quốc gia.

“Nói một đằng, làm một nẻo”

Negar Mortazavi, nhà báo và nhà phân tích chính trị người Mỹ gốc Iran, cho rằng ông Trump đang hành xử mâu thuẫn và có thể không nắm rõ chính xác điều mình muốn. “Ông ấy tranh cử với hình ảnh một tổng thống của hòa bình, hứa hẹn chấm dứt các cuộc chiến kéo dài. Thế nhưng đến nay, xung đột Nga–Ukraine vẫn chưa kết thúc, tình hình ở Gaza ngày càng leo thang, và giờ đây Trung Đông có nguy cơ bùng phát cuộc chiến lớn thứ ba dưới sự giám sát của ông ấy”, bà Mortazavi nói.

Nhà phân tích này cho rằng ông Trump đang bị các nhân vật “diều hâu” trong chính quyền Israel tác động, khiến các hành động quân sự trở nên khó tránh khỏi. Bà dẫn chứng rằng chiến dịch ném bom của Israel đã bắt đầu chỉ hai ngày trước khi vòng đàm phán hạt nhân thứ sáu giữa Mỹ và Iran được tổ chức tại Oman.

Mâu thuẫn trong tuyên bố và hành động

Mặc dù Tổng thống Trump từng tuyên bố vẫn cam kết với con đường ngoại giao, nhưng những phát biểu sau đó lại thể hiện một sự ủng hộ ngầm, thậm chí là tuyên bố giành công trạng, cho chiến dịch quân sự của Israel.

“Giờ đây chúng ta đã hoàn toàn kiểm soát bầu trời Iran”, ông viết trên mạng xã hội hôm 17/6, nhưng không làm rõ “chúng ta” là ai. Ông còn ca ngợi các thiết bị quân sự Mỹ là “không ai sánh bằng”, ngụ ý rằng Mỹ có vai trò trong chiến dịch này.

Chiến dịch không kích của Israel đã gây thiệt hại nặng nề cho Iran, với các mục tiêu bao gồm cơ sở hạ tầng dầu mỏ, quân sự, hạt nhân và dân sự. Hàng trăm người thiệt mạng, trong đó có cả quan chức cấp cao và dân thường. Iran đã lập tức đáp trả bằng hàng trăm tên lửa đạn đạo, khiến ít nhất 24 người Israel thiệt mạng và gây ra sự tàn phá trên diện rộng.

Nguy cơ chiến tranh toàn diện

Israel tuyên bố mục tiêu của họ là phá hủy chương trình hạt nhân và tên lửa của Iran, đồng thời không che giấu khả năng muốn thay đổi chế độ tại Tehran. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng để tấn công được cơ sở hạt nhân kiên cố như Fordow, vốn được chôn sâu trong lòng núi, Israel sẽ cần sự hỗ trợ từ phía Mỹ.

Bà Mortazavi cảnh báo rằng những người theo đường lối cứng rắn đang cố “đơn giản hóa” vấn đề để thuyết phục ông Trump rằng một cuộc tấn công quân sự sẽ nhanh chóng và ít rủi ro. “Họ khiến việc ném bom Fordow trông giống như một nhiệm vụ dễ dàng, chỉ cần dùng bom xuyên boongke là xong. Nhưng thực tế có thể dẫn đến một cuộc chiến thảm khốc mà chính ông Trump từng phản đối khi tranh cử”, bà nói.

Hàng ngàn quân lính Mỹ trong khu vực có thể bị tấn công bằng tên lửa của Iran. Nếu chiến tranh leo thang, Iran cũng có thể phá vỡ các tuyến đường vận chuyển ở Vùng Vịnh, một tuyến đường huyết mạch quan trọng đối với năng lượng toàn cầu. Các nhà lập pháp Iran đã đề xuất rằng Iran có thể đóng Eo biển Hormuz nối Vịnh với Ấn Độ Dương và là nơi 20% lượng dầu của thế giới đi qua.

Theo bà Mortazavi, việc leo thang xung đột sẽ gây ra hậu quả “thảm khốc” cho khu vực, “giống như Iraq và Afghanistan hợp lại, nếu không muốn nói là tệ hơn bởi Iran là một quốc gia lớn”.

Iran là một quốc gia có hơn 90 triệu dân. Các nhà phân tích cho biết sự sụp đổ của chính phủ có thể dẫn đến xung đột nội bộ, khủng hoảng di dời và bất ổn khu vực nếu không muốn nói là toàn cầu.

Sarah Leah Whitson, giám đốc điều hành của nhóm nhân quyền DAWN, cho biết ngay cả khi ông Trump đang cố gắng giành đòn bẩy bằng các lời đe dọa của mình và không tìm kiếm chiến tranh hoặc thay đổi chế độ ở Iran, thì đó vẫn là một chiến lược rủi ro.

“Khả năng các cuộc tấn công vào Iran leo thang không chỉ thành một cuộc chiến tranh khu vực rộng lớn hơn mà còn có khả năng là một cuộc chiến tranh toàn cầu là cực kỳ cao. Vì vậy, sự hiếu chiến và lời lẽ thù địch liên tục của Tổng thống Trump chỉ đổ thêm dầu vào lửa”, bà Whitson nói.

Sự mâu thuẫn trong lời nói và hành động của Tổng thống Donald Trump không chỉ tạo ra sự bất định trong chính sách đối ngoại của Mỹ mà còn đẩy khu vực Trung Đông đến gần hơn với một cuộc chiến tranh toàn diện. Khi các bên liên quan tiếp tục leo thang, câu hỏi đặt ra là liệu ngoại giao có còn là lựa chọn thực sự, hay đã bị đặt ra ngoài bàn đàm phán?

Duy Tiến (Dịch theo Al Jazeera)

Ngày 12/7, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hồ Chí Minh đã kết luận điều tra đề nghị truy tố đối với các bị can: Huỳnh Thế Năng (SN 1959, cựu Tổng giám đốc Vinafood II), Đinh Trường Chinh (SN 1974, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phát triển và kinh doanh nhà) và Nguyễn Thọ Trí (SN 1961, cựu Phó Tổng giám đốc Vinafood II) về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Ngày 10/7, trên trang Facebook "Tin Nóng Việt Nam" đăng tải 1 video clip có lời bình tiêu đề "Chấn động: CSGT dừng xe tang giữa đường, bé gái bất ngờ chui ra từ quan tài" xảy ra trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Ngay sau khi xuất hiện, video clip này đã lan truyền trên mạng xã hội với nhiều lượt chia sẻ, bình luận, gây tâm lý hoang mang trong quần chúng nhân dân...

Ngày 12/7, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết, tình hình dịch sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn đang ở mức báo động. Tính tích lũy trong 27 tuần đầu năm 2025, thành phố ghi nhận 14.370 ca bệnh, tăng đột biến 153,3% so với cùng kỳ năm 2024 (8,696 ca).  

Theo các quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mạng lưới đường sắt đô thị (ĐSĐT) của TP Hồ Chí Minh sau sáp nhập sẽ có chiều dài lên đến 1.012 km. Trong đó, địa bàn thành phố trước khi sáp nhập có 12 tuyến, tổng chiều dài khoảng 582km; tỉnh Bình Dương trước sáp nhập có 12 tuyến đường sắt đô thị với chiều dài 305km và trong số này có 6 tuyến kết nối với TP Hồ Chí Minh. Riêng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trước sáp nhập có 3 tuyến đường sắt đô thị với chiều dài 125km.

Nhiều ngày qua, tiết trời nắng nóng như trút lửa xuống dải đất miền Trung. Trong cái nắng nóng oi ả giữa trưa hè tháng 7, những CBCS Công an tỉnh Thanh Hóa vẫn căng mình “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để vận động, đưa đón những thân nhân liệt sĩ chưa xác định được danh tính đến các điểm thu nhận mẫu ADN…

Những khu dân cư hiện hữu với đường hẻm nhỏ hẹp ở khu vực nội thành TP Hồ Chí Minh là do lịch sử để lại, nếu muốn cải tạo, chỉnh trang đòi hỏi phải có nhiều thời gian, công sức. Vì vậy công tác phòng cháy hiệu quả nhất vẫn là ý thức của mỗi hộ gia đình, phải biết cứu lấy sinh mạng, tài sản của mình trước vì “giặc lửa” cũng như cơn cuồng phong, chỉ trong chớp mắt đã cuốn phăng tất cả nên không thể chủ quan chờ lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp.

Dẫu nắng hay mưa, dẫu ngày hay đêm, khó khăn vất vả, 2.233 tổ bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Sơn La thời gian qua vẫn luôn cần mẫn, năng nổ, nhiệt tình cùng lực lượng Công an cơ sở hàng ngày góp sức mình giữ gìn an ninh trật tự tại địa bàn, vì sự bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.