Triều Tiên phóng tên lửa "cảnh cáo các đối thủ"!

07:52 01/11/2024

Triều Tiên ngày 31/10 xác nhận việc đã thử một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa sáng cùng ngày, nâng cấp thứ được gọi là "vũ khí chiến lược mạnh nhất thế giới", đưa ra "lời cảnh cáo" với các đối thủ, trong bối cảnh cuộc bầu cử tại Mỹ chỉ còn chưa đầy một tuần nữa sẽ diễn ra.

Hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA đưa tin, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã đích thân giám sát vụ phóng mới này và khẳng định đây là lời cảnh báo đối với những kẻ thù đang đe dọa an ninh nước này.

"Cuộc thử nghiệm là một hành động quân sự phù hợp, hoàn toàn đáp ứng mục đích thông báo cho các đối thủ, những kẻ cố tình leo thang tình hình khu vực và gây ra mối đe dọa đối với an ninh của Triều Tiên gần đây, về ý chí phản công của chúng ta", KCNA trích lời ông Kim. Phát biểu tại địa điểm phóng, nhà lãnh đạo Triều Tiên nhấn mạnh nước này "sẽ không bao giờ thay đổi đường lối tăng cường lực lượng hạt nhân", theo KCNA.

Triều Tiên tuyên bố phóng tên lửa ngày 31/10. Ảnh minh họa KCNA.

Vụ phóng tên lửa của Triều Tiên đã nhanh chóng bị Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ lên án. Một ngày trước đó, Seoul đã cảnh báo về các dấu hiệu cho thấy Triều Tiên có thể thử phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) hoặc tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 7 vào thời điểm sắp diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 5/11 tới, nhằm thu hút sự chú ý đến sức mạnh quân sự ngày càng tăng của nước này.

Shin Seung-ki, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu về quân đội Triều Tiên tại Viện Phân tích Quốc phòng Hàn Quốc, nhận định vụ phóng này có khả năng là để thử nghiệm hiệu suất tăng cường được cải thiện của ICBM hiện có, có thể là với sự giúp đỡ của Nga.

Trong bối cảnh chịu áp lực về mối quan hệ với Nga, "mục đích của vụ phóng có thể là để chứng tỏ rằng họ sẽ không khuất phục trước áp lực, rằng họ sẽ đáp trả vũ lực bằng chính vũ lực, và cũng để gây ra một số ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ", chuyên gia này nói thêm.

Theo phía Hàn Quốc, vụ phóng sáng sớm 31/10 là vụ thử tên lửa đạn đạo dài nhất mà Triều Tiên từng thực hiện, lên đến 87 phút. KCNA cũng xác nhận vụ thử đã "lập kỷ lục mới" về khả năng tên lửa của nước này.

Theo hãng tin Reuters, tên lửa cất cánh theo quỹ đạo cao đột ngột từ một khu vực gần thủ đô Bình Nhưỡng và rơi xuống tại địa điểm cách đảo Okushiri của Nhật Bản khoảng 200km về phía Tây, ngoài khơi Hokkaido. Chính phủ Nhật Bản cho biết tên lửa đã đạt độ cao 7.000km và bay được quãng đường 1.000km.

Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Sean Savett lên tiếng phản đối hành động của Triều Tiên, nhấn mạnh rằng Washington sẽ thực hiện "tất cả những biện pháp cần thiết" để đảm bảo an ninh nước Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Ông Savett khẳng định: "Trong khi Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương Thái Bình Dương Mỹ đánh giá vụ phóng này không gây ra mối đe dọa trực tiếp nào đối với nhân sự, lãnh thổ hay các đồng minh của Mỹ, hành động như vậy làm gia tăng căng thẳng không cần thiết và có nguy cơ gây mất ổn định tình hình an ninh trong khu vực. Chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia lên án những hành vi vi phạm này và kêu gọi Triều Tiên chấm dứt các hành động gây bất ổn và tham gia đối thoại nghiêm túc. Nhóm an ninh quốc gia đang phối hợp chặt chẽ với các đồng minh và đối tác của chúng tôi".

Cuộc thử nghiệm mới nhất của Bình Nhưỡng diễn ra chỉ vài giờ sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và người đồng cấp Hàn Quốc Kim Yong-hyun gặp nhau tại Washington. Tại đây, hai vị Bộ trưởng tiếp tục cáo buộc và lên án việc triển khai quân đội của Triều Tiên tại Nga. Cả Moscow và Bình Nhưỡng đều không thừa nhận việc triển khai này. Tuy nhiên, Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vassily Nebenzia hôm 30/10 đã khẳng định rằng việc Nga và Triều Tiên hợp tác về quân sự "không vi phạm luật pháp quốc tế", đồng thời, đặt câu hỏi tại sao các đồng minh của Nga như Triều Tiên không thể giúp Moscow trong cuộc chiến với Ukraine khi các nước phương Tây tuyên bố có quyền giúp Kiev.

Người phát ngôn Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc, Lee Sung-joon cho biết tên lửa mà Triều Tiên phóng có thể là "tên lửa đạn đạo tầm xa đẩy rắn kiểu mới" được phóng từ bệ phóng di động 12 trục mà Bình Nhưỡng tiết lộ vào tháng trước. Tên lửa nhiên liệu rắn được cho là có thể giúp Bình Nhưỡng tiến hành các vụ phóng vũ khí hạt nhân tầm xa nhanh hơn so với tên lửa sử dụng công nghệ nhiên liệu lỏng.

Các chuyên gia cho biết ICBM nhiên liệu rắn ổn định hơn và có thể di chuyển dễ dàng hơn để tránh bị phát hiện so với tên lửa nhiên liệu lỏng, vốn mất hàng tiếng đồng hồ trước khi phóng cũng như tạo thời gian cho đối thủ phát hiện và vô hiệu hóa vũ khí. ICBM được phóng gần nhất của Triều Tiên, được gọi là Hwasong-18, đã được thử nghiệm vào tháng 12 năm ngoái.

Được cung cấp nhiên liệu rắn và được bắn từ bệ phóng di động, Hwasong-18 cũng được phóng theo góc nâng đột ngột và bay trong 73 phút, tương đương với phạm vi tiềm năng là 15.000km theo quỹ đạo bình thường. Khoảng cách này đồng nghĩa với việc tên lửa có thể vươn đến bất kỳ nơi nào trên lãnh thổ Mỹ lục địa.

Duy Tiến

Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” được tổ chức ngày 24/11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lào Cai ngày 21/11 cho biết vừa hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án lừa đảo môi giới hôn nhân với người nước ngoài… Đây chỉ là một trong những vụ án được Công an tỉnh Lào Cai điều tra, phát hiện trong thời gian qua. Theo Công an tỉnh Lào Cai, từ khi Chính phủ áp dụng chính sách cấp visa điện tử (Evisa) cho người nước ngoài, số người Trung Quốc dùng thị thực Evisa nhập cảnh Việt Nam tăng lên. Một số đã khai mục đích du lịch hoặc làm việc để sang Việt Nam tìm vợ… Từ các vụ án được phát hiện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文