Triều Tiên phóng tên lửa về phía biển Nhật Bản
Sáng 28/9, Triều Tiên đã phóng một tên lửa ra bờ biển phía Đông của nước này, ngay trước thời điểm Đại sứ Triều Tiên có bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ). Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản ngay lập tức đã có phản ứng đối với vụ phóng này.
Hãng tin Kyodo của Nhật Bản dẫn thông báo của Chính phủ nước này đánh giá Triều Tiên dường như đã thực hiện một vụ phóng tên lửa đạn đạo ra biển Nhật Bản vào sáng sớm 28/9. Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide cũng đã xác nhận khả năng này và cam kết sẽ nỗ lực thu thập, phân tích, cung cấp thông tin nhanh và chính xác đến với nhân dân, đồng thời chỉ đạo các quan chức chính phủ nước này đảm bảo an toàn hàng hải và hàng không, đồng thời chuẩn bị cho các tình huống bất ngờ.
Các quan chức Chính phủ Nhật Bản cho rằng ít có khả năng tên lửa của Triều Tiên không rơi vào trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này. Bộ Phòng vệ Nhật Bản cũng cho biết, tên lửa mà Triều Tiên phóng sáng nay không rơi vào khu vực lãnh hải, EEZ của Nhật Bản. Đến thời điểm hiện tại chưa có xác nhận thiệt hại nào. Bộ Nông Lâm Thủy sản Nhật Bản cũng xác nhận không có ngư thuyền nào bị thiệt hại. Bộ Quốc phòng Nhật Bản hiện đang phân tích thông tin về vụ phóng, tuy nhiên lực lượng bảo vệ bờ biển nước này hiện chưa ban bố bất kỳ cảnh báo nào đối với ngư dân.
Trước đó cùng ngày, Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JSC) xác nhận Triều Tiên đã phóng ít nhất một vật thể bay không xác định vào khoảng 6h40 ngày 28/9 từ đất liền về vùng biển phía Đông nước này. Cơ quan tình báo Hàn-Mỹ đang tiến hành phân tích cụ thể về vụ phóng, như hành trình bay hay quỹ đạo của tên lửa. Quân đội Hàn-Mỹ hiện đang phối hợp chặt chẽ để theo dõi động thái khác thường của Triều Tiên và duy trì trạng thái sẵn sàng đối phó.
Hiện chưa có thông tin chi tiết về số lượng, chủng loại vật thể bay đã được phóng cũng như địa điểm phóng. Phủ Tổng thống Hàn Quốc đã triệu tập một cuộc họp khẩn của Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) để đánh giá về vụ tên lửa này. Trong khi đó, Bộ Thống nhất Hàn Quốc khẳng định nước này sẽ tiếp tục nỗ lực ổn định tình hình trên Bán đảo Triều Tiên và thúc đẩy các mối quan hệ liên Triều thông qua đối thoại và hợp tác, bất chấp vụ phóng tên lửa mới nhất này.
Phát biểu với các phóng viên, một quan chức Bộ Thống nhất Hàn Quốc nêu rõ: “Đối với những hành động như các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên làm leo thang căng thẳng quân sự, chúng tôi sẽ duy trì nỗ lực giải quyết một cách hòa bình và ổn định tình hình bán đảo Triều Tiên”. Quan chức trên nhấn mạnh lập trường của Chính phủ Hàn Quốc là duy trì thúc đẩy hòa bình và các mối quan hệ liên Triều trên Bán đảo Triều Tiên thông qua đối thoại và hợp tác.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra tuyên bố “lên án vụ phóng tên lửa của Triều Tiên”, nêu rõ hành động này “vi phạm nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ và gây ra mối đe dọa đối với các nước láng giềng của Triều Tiên và cộng đồng quốc tế”.
Tuyên bố nhấn mạnh Mỹ vẫn cam kết một cách tiếp cận ngoại giao với Triều Tiên và kêu gọi Bình Nhưỡng tham gia đối thoại. Trong khi đó, Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ khẳng định vụ phóng mới nhất của Triều Tiên không gây ra mối đe dọa trực tiếp nào đối với người dân và lãnh thổ Mỹ cũng như các đồng minh của Mỹ. Tuyên bố nhấn mạnh “vụ phóng tên lửa cho thấy rõ sự bất ổn mà chương trình vũ khí trái phép của Triều Tiên gây ra”.
Đây là vụ phóng tên lửa thứ 3 của Triều Tiên chỉ riêng trong tháng 9 này và diễn ra ngay trước thời điểm Đại sứ nước này tại LHQ Kim Song có bài phát biểu tại Đại hội đồng LHQ. Trong bài phát biểu của mình, Đại sứ Kim Song đã bảo vệ các vụ thử nghiệm vũ khí của nước này, nhấn mạnh diễn ra trong bối cảnh Hàn Quốc cũng đang phát triển các loại vũ khí hiện đại, Mỹ và Hàn Quốc có nhiều “hành động thù địch” trong đó có tổ chức các cuộc tập trận chung. Đại sứ Kim Song nhận định, không ai có quyền ngăn cản quyền tự vệ chính đáng Triều Tiên để ngăn chặn chiến tranh, đồng thời cho biết, Washington nên từ bỏ chính sách thù địch nhằm vào Bình Nhưỡng cả về lời nói và hành động. Nếu Mỹ hành động như vậy, Triều Tiên sẵn sàng đáp lại ở bất kỳ thời điểm nào.
“Nếu Mỹ muốn chứng kiến Chiến tranh Triều Tiên - cuộc chiến kéo dài nhất trên thế giới đi đến hồi kết; và nếu Mỹ thực sự mong muốn hòa bình và hòa giải trên Bán đảo Triều Tiên; họ phải từ bỏ chính sách thù địch của mình lên Triều Tiên bằng cách ngừng vĩnh viễn các cuộc tập trận chung, ngừng triển khai vũ khí chiến lược lên bán đảo. Tôi tin rằng sẽ có những triển vọng cho mối quan hệ Mỹ - Triều và liên Triều”, Đại sứ Triều Tiên tại LHQ nói. Tuy nhiên, ông cũng nhận định, triển vọng này khó có thể xảy ra ở thời điểm hiện tại.
Trước đó, hôm 27/9, Bộ Ngoại giao Mỹ nhắc tại tuyên bố nước này sẵn sàng gặp Triều Tiên bất kỳ lúc nào, ở địa điểm nào mà không cần điều kiện tiên quyết để thúc đẩy giải quyết vấn đề phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. Phát biểu tại một cuộc họp báo, Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jalina Porter nêu rõ: “Chúng tôi sẵn sàng gặp Triều Tiên không kèm theo điều kiện tiên quyết, và tất nhiên, chúng tôi chắc chắn hy vọng rằng Triều Tiên sẽ phản ứng tích cực với động thái của chúng tôi”.
Phát biểu trên được bà Jalina Porter đưa ra khi được hỏi liệu Mỹ có sẵn sàng xem xét nới lỏng các biện pháp trừng phạt Triều Tiên hay không. Trả lời câu hỏi liệu Mỹ có sẵn sàng xem xét tuyên bố chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên hay không, bà Jalina Porter một lần nữa nhấn mạnh sự cần thiết của đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên, khẳng định “Mỹ chắc chắn ủng hộ đối thoại liên Triều, cũng như cam kết và hợp tác”.