Trung Quốc mở rộng hợp tác với châu Phi

07:27 01/12/2021

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố sẽ tăng cường hợp tác với châu Phi trên 9 lĩnh vực trong 3 năm đầu tiên của “Tầm nhìn hợp tác Trung Quốc - châu Phi đến năm 2035”.

Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 8 Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-châu Phi (FOCAC) do Senegal tổ chức thông qua liên kết video hôm 29/11, Chủ tịch Tập Cận Bình gọi quan hệ giữa hai bên là “tấm gương sáng trong việc xây dựng quan hệ quốc tế kiểu mới”. Ông đưa ra 4 kiến nghị và 9 chương trình hợp tác với châu Phi trong thời gian tới. Theo đó, Chủ tịch Trung Quốc kêu gọi hai bên kiên trì đoàn kết chống dịch, đi sâu hợp tác thiết thực, thúc đẩy phát triển xanh và bảo vệ công bằng chính nghĩa. 9 chương trình Trung Quốc mong muốn đẩy mạnh hợp tác với châu Phi trong 3 năm tới bao gồm y tế sức khỏe, xóa đói giảm nghèo, xúc tiến thương mại, thúc đẩy đầu tư, đổi mới kỹ thuật số, phát triển xanh, nâng cao năng lực, giao lưu nhân văn và hòa bình an ninh.

Hàng loạt cam kết đã được lãnh đạo Trung Quốc đưa ra. Theo đó, Bắc Kinh tuyên bố sẽ cung cấp thêm 1 tỉ liều vaccine COVID-19 để giúp châu Phi chủng ngừa cho 60% dân số vào năm 2022. Trong 1 tỉ liều này, 600 triệu liều sẽ được Trung Quốc viện trợ không hoàn lại, 400 triệu liều còn lại do các nước châu Phi và các công ty Trung Quốc cùng sản xuất. Ông Tập Cận Bình cũng cho biết, “Trung Quốc sẽ thực hiện 10 dự án y tế sức khỏe cho các nước châu Phi và cử 1.500 nhân viên y tế và chuyên gia y tế công cộng đến châu Phi”.

Các cam kết này được đưa ra trong bối cảnh biến thể Omicron phát hiện tại Nam Phi đang gây ra báo động trên toàn thế giới. Tính đến ngày 12/11, Trung Quốc đã cung cấp hơn 1,7 tỉ liều vaccine ngừa COVID-19 cho hơn 110 quốc gia và tổ chức quốc tế, trong đó bao gồm 50 quốc gia châu Phi và Liên minh châu Phi.

Nhà lãnh đạo Trung quốc cũng cho biết, Bắc Kinh sẽ đưa kim ngạch nhập khẩu từ châu Phi lên 300 tỷ USD trong 3 năm tới và cung cấp 10 tỉ USD để hỗ trợ châu Phi xuất khẩu vào Trung Quốc, cũng như xây dựng Khu thí điểm hợp tác kinh tế thương mại chuyên sâu Trung Quốc - châu Phi và Khu công nghiệp hợp tác Trung Quốc - châu Phi trong khuôn khổ sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) tại Trung Quốc. Bên cạnh đó, Bắc Kinh sẽ cung cấp 10 tỉ USD cho các tổ chức tài chính châu Phi trong 3 năm tới để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn.

Chủ tịch Tập Cận Bình (giữa) phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 8 Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-châu Phi. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Trung Quốc cũng cam kết khuyến khích doanh nghiệp đầu tư không dưới 10 tỉ USD tại các nước châu Phi và cử 500 chuyên gia sang thành lập các trung tâm nông nghiệp hiện đại chung Trung Quốc - châu Phi, đồng thời xóa các khoản vay không lãi suất đáo hạn trong năm nay để giúp các nước nghèo châu Phi có nền kinh tế lao dốc vì đại dịch. Bắc Kinh còn thực hiện 10 dự án hòa bình và an ninh cho châu Phi và tiếp tục viện trợ quân sự cho Liên minh châu Phi (AU), nhằm hỗ trợ các quốc gia tại châu lục này trong nỗ lực duy trì an ninh khu vực và chống khủng bố.

Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc cho hay, trong thời gian qua, do tác động của đại dịch COVID-19, nền kinh tế nước này chỉ tăng trưởng 4,9% trong quý III/2021, giảm mạnh so với mức tăng trưởng gần 8% trong quý II/2021. Sản xuất công nghiệp của Trung Quốc, một chỉ số dữ liệu quan trọng đối với các nước châu Phi xuất khẩu hàng hóa, không đổi với mức tăng trưởng chỉ 0,1%. Mặc dù trong suốt thời kỳ đại dịch, nền kinh tế Trung Quốc hoạt động tốt hơn nhiều so với các nền kinh tế lớn khác ở châu Á, châu Âu và Mỹ, nhưng điều đó có thể không còn đúng bởi một loạt sự kiện đã hội tụ trong những tháng gần đây, dẫn đến việc Chính phủ Trung Quốc hiện đang phải đối mặt thách thức kinh tế nghiêm trọng nhất trong nhiều năm, nếu không muốn nói là trong nhiều thập niên.

Các mức nợ trong nước gia tăng, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản, cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra dẫn đến tình trạng thiếu điện ở ít nhất 9 tỉnh, cũng như một loạt cải cách kinh tế đã làm gia tăng lo ngại về sức sống của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này. Các dữ liệu kinh tế mới nhất hiện nay chắc chắn đang được các Bộ Tài chính trên khắp châu Phi nghiên cứu kỹ lưỡng để đánh giá tác động đối với một khu vực vốn phụ thuộc lớn vào nhu cầu mạnh mẽ về dầu mỏ, gỗ và khoáng sản của Trung Quốc.

Các chuyên gia đánh giá rằng, nền kinh tế đang chậm lại của Trung Quốc sẽ tác động đến châu Phi theo ba khía cạnh. Thứ nhất, về tài chính phát triển. Nguồn tài chính cho phát triển ở nước ngoài của Trung Quốc, đặc biệt là từ hai ngân hàng chính sách lớn nhất của nước này, đã chậm lại trong nhiều năm và có thể sẽ không sớm trở lại do Trung Quốc sẽ ưu tiên phục hồi kinh tế trong nước hơn phát triển quốc tế. Thứ hai, sự sụt giảm nhu cầu. Mặc dù sản lượng công nghiệp của Trung Quốc vẫn tăng mạnh trong mùa hè vừa qua, nhưng sự kết hợp của tình trạng thiếu hụt điện khiến các nhà máy đóng cửa, gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và nỗi lo gia tăng của người tiêu dùng Trung Quốc rằng khoản tiết kiệm của họ gặp rủi ro trên thị trường bất động sản có thể sẽ góp phần làm giảm nhu cầu đối với hàng hóa từ các nước châu Phi và các điểm khác dọc theo sáng kiến BRI.

Thứ ba, tăng trợ cấp. Giống như các nền kinh tế lớn khác, Trung Quốc sẽ chuyển sang trợ cấp để hỗ trợ các ngành công nghiệp của nước này trong thời kỳ kinh tế khó khăn. Điều này đặc biệt khó khăn đối với những nước châu Phi đang tìm cách gia tăng giá trị cho nguyên liệu thô bằng cách chế biến trước khi xuất khẩu. Tuy nhiên, nếu Chính phủ Trung Quốc tăng cường các khoản trợ cấp vốn đã hào phóng của nhà nước cho các doanh nghiệp nước này chuyên về chế biến cobalt, mangan và uranium (trong số những doanh nghiệp khác) thì các công ty châu Phi về cơ bản sẽ không thể cạnh tranh được.

Khổng Hà

"Không thể để Thủ đô cứ mưa lớn lại ngập, trong nội đô ngập, ở ngoại đô, người dân phải chèo thuyền vào tầng 2 nhà mình",  TS Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phát biểu như vậy tại Hội thảo khoa học “Triển khai Luật Thủ đô số 39/2024/QH15: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn” được tổ chức sáng 14/11 tại Hà Nội.

Trưa 14/11, Giải đua ghe Ngo trong Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng khu vực ĐBSCL lần thứ 6 và Tuần VH-TT&DL Sóc Trăng lần thứ 1 năm 2024 chính thức khai mạc tại Khán đài đua ghe Ngo (sông Maspero, TP Sóc Trăng), với sự tranh tài của 60 đội ghe Ngo (53 đội nam, 7 đội nữ) đến từ các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, Kiên Giang và TP Cần Thơ.

Sáng 14/11, Phòng Tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh đã cung cấp thông tin xung quanh việc mở rộng đấu tranh Chuyên án VN10, xử lý triệt để các đối tượng đã từng mua ma túy từ các đối tượng bị bắt giữ trong chuyên án để tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Đáng chú ý, các đối tượng liên quan tới cả người mẫu, diễn viên, ca sĩ và những người có ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội…

Ngày 14/11, thông tin từ Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội cho biết, đang điều tra vụ án hình sự Cưỡng đoạt tài sản, xảy ra tháng 7/2020 tại Phòng 1004, tầng 10, khách sạn Thể Thao (số 15 Lê Văn Thiêm, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội).

Chịu sức ép từ sự phục hồi của đồng USD và lợi suất trái phiếu tăng cao, giá vàng thế giới giảm sâu phiên thứ 4 liên tiếp, kéo giá vàng trong nước tiếp tục đi xuống.

Cảnh sát liên bang tại Brazil đang điều tra các vụ nổ làm rung chuyển trung tâm thủ đô Brasilia của nước này, ngay cạnh Tòa án Tối cao Liên bang và khiến ít nhất một người chết.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文