Tuyên bố cứng rắn của Nga và Ukraine về Crimea

06:44 16/04/2023

Kiev sẽ “thử nghiệm và sử dụng” mọi vũ khí không bị cấm để giành lại lãnh thổ, bao gồm cả bán đảo Crimea. Trong khi đó, Moscow đã “gia cố” Crimea trước nguy cơ bị Ukraine tấn công.

Chia sẻ trên mạng xã hội Twitter hôm 14/4 (giờ địa phương), người đứng đầu Hội đồng An ninh và Quốc phòng Quốc gia Ukraine Oleksiy Danilov khẳng định: “Crimea là lãnh thổ của Ukraine. Chúng tôi sẽ thử nghiệm và sử dụng bất kỳ loại vũ khí nào không bị luật pháp quốc tế cấm, để giải phóng lãnh thổ của chúng tôi”. Bình luận trên được đưa ra trong bối cảnh Ukraine dự kiến sẽ tiến hành một cuộc phản công trong vài tuần hoặc vài tháng tới nhằm chiếm lại các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát ở phía Nam và phía Đông.

Công sự và răng rồng (hàng rào chống tăng bằng bê tông hình nêm) ở Medvedivka, Đông Bắc Crimea. Ảnh vệ tinh Maxar.

Trước đó, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cảnh báo rằng Moscow sẽ sử dụng “bất kỳ loại vũ khí nào” để ngăn chặn việc Ukraine giành lại Crimea. “Họ đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công, mọi người đều biết điều đó”, ông cho hay, “Bộ Tổng tham mưu của chúng tôi đang tính toán điều này và đang chuẩn bị các giải pháp của riêng mình”.

Trong khi đó, người đứng đầu chính quyền Crimea do Nga bổ nhiệm Sergei Aksyonov thông báo, bán đảo này đã được bảo vệ trước cuộc tấn công có thể sắp diễn ra của Ukraine. Theo ông, quân đội Nga ở Crimea đã xây dựng “các tuyến phòng thủ sâu và hiện đại”, cũng như có số lượng binh lính và trang thiết bị nhiều hơn mức cần thiết để đẩy lùi cuộc tấn công được dự đoán từ trước của Ukraine sau 13 tháng Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt.

Ông nhấn mạnh: “Chúng ta không thể đánh giá thấp đối thủ nhưng chúng tôi hoàn toàn có thể khẳng định chắc chắn rằng chúng tôi sẵn sàng cho một cuộc tấn công và sẽ không có thảm họa nào xảy ra”. Hồi tháng 3, ông Sergei Aksyoncho biết hoạt động xây dựng đang diễn ra với cách tiếp cận “độc đáo” và “bất đối xứng” do họ “có kinh nghiệm với các cuộc xung đột vũ trang”. “Cẩn tắc vô áy náy”, ông nói, “Và tôi luôn nói rằng, nếu bạn muốn hòa bình, hãy chuẩn bị cho chiến tranh. Vì vậy, tốt hơn hết là chúng ta nên sẵn sàng. Người dân Crimea và tất cả những người Nga khác có thể yên tâm về vấn đề này”.

Đáp lại, ông Andriy Zagorodnyuk, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine từ năm 2019-2020 và hiện là cố vấn cho chính phủ Tổng thống Volodymyr Zelensky, nói rằng, hoạt động xây dựng, phòng thủ của Nga ở Crimea không có gì bí mật. “Tất nhiên, người Nga đang cố gắng củng cố nhưng tôi không nghĩ nó sẽ hiệu quả, đơn giản vì đây không phải là đầu thế kỷ XX và các công sự vật chất không thể đảm bảo rằng một lực lượng sẽ có thể giữ vị trí”, ông nói.

Cựu quan chức này lưu ý thêm: “Tôi không nghĩ rằng các công sự có vai trò quyết định trong trường hợp này”, nhưng thừa nhận còn “quá sớm” để nói khi nào quân đội Ukraine có thể giành lại bán đảo. Trong khi đó, ông Mark Voyger, cựu cố vấn đặc biệt về các vấn đề của Nga và Á-Âu cho Tư lệnh quân đội Mỹ vào thời điểm đó là Tướng Ben Hodges, cho rằng, các công sự mới của Nga chỉ là một phần trong các thách thức với Kiev.

“Tôi nghĩ vấn đề nghiêm trọng hơn là sự phức tạp tuyệt đối của vị trí địa lý”, ông Mark Voyger, hiện là thành viên cấp cao Trung tâm Phân tích châu Âu và Giáo sư tại Đại học Hoa Kỳ ở Kiev, nhận định; đồng thời lưu ý đến địa hình đầm lầy nối liền bán đảo với đại lục và các tùy chọn tiếp cận rất hạn chế từ phía Bắc. Vị chuyên gia cho biết thêm, các lực lượng Ukraine sẽ cần phải có thời gian để làm xói mòn các vị trí của Nga trước khi có thể tấn công. Ông nói: “Người Ukraine có đủ năng lực để không mạo hiểm phát động các cuộc tấn công liều chết nhằm vào một chiến tuyến hẹp như vậy. Họ phải làm mềm các đặc tính vật lý của hệ thống phòng thủ”.

Hình ảnh vệ tinh gần đây từ Maxar được tờ Washington Post đăng tải cho thấy một mạng lưới rộng lớn các công sự của Nga đang được xây dựng trên bán đảo Crimea và dọc theo các hướng tiếp cận từ miền Nam Ukraine. Quân đội Nga chiếm giữ một hành lang trên bộ kéo dài từ sông Dnieper đến biên giới Nga, với các tuyến đường bộ quan trọng chạy qua các thành phố Melitopol và Mariupol đang do họ kiểm soát. Hành lang này là một trong số ít những thành công hữu hình của Điện Kremlin trong cuộc xung đột cho đến nay.

Ngoài những khu vực do Nga kiểm soát ở miền Nam Ukraine, bán đảo Crimea được ngăn cách với đất liền bởi eo đất Perekop, nơi rộng nhất khoảng hơn 6km một chút. Chỉ có hai con đường, gồm đường cao tốc M17 và M18, đi vào Crimea từ phía Bắc. Cao tốc M17 phía Tây hiện được bao bọc bởi các chiến hào và công sự của Nga, trong khi M18 ở phía Đông có thể bị chặn nếu cây cầu duy nhất dẫn qua bị phá hủy.

Các nhà lập kế hoạch của Nga đang tập trung củng cố tại các điểm tắc nghẽn như vậy. Chẳng hạn như thị trấn nhỏ Medvedivka nằm ngay phía Nam cây cầu quan trọng của cao tốc M18. Ở đó, các kỹ sư Nga đã xây dựng một mạng lưới chiến hào dài vài kilomet để bảo vệ bộ binh phòng thủ. Nơi này được tăng cường bởi các hào lớn để chặn và bẫy thiết giáp hạng nặng cũng như các phương tiện khác.

Quân đội Nga cũng được triển khai để đề phòng các cuộc tấn công đổ bộ, mặc dù các lực lượng Ukraine dường như không có khả năng thực hiện bất kỳ cuộc đổ bộ đáng kể nào như vậy. Tại thị trấn Vitino trên bờ biển phía Tây của Crimea, các đơn vị của Nga đã xây dựng các chiến hào và vị trí bắn, bao gồm các khẩu đội pháo, dọc theo bãi biển.

Hình ảnh vệ tinh do Al Jazeera công bố cũng cho thấy việc củng cố hệ thống phòng thủ xung quanh căn cứ hải quân Sevastopol của Nga ở mũi phía Tây Nam của bán đảo, nơi đóng vai trò trung tâm trong nỗ lực sáp nhập Crimea của Moscow vào năm 2014. Các hoạt động điều chuyển quân gần đây cũng cho thấy, người Nga đang chuẩn bị phòng thủ trong khu vực.

Tờ Moscow Times đưa tin, vào tuần trước rằng xe tăng chiến đấu chủ lực, xe chiến đấu bộ binh và pháo binh đều đã biến mất khỏi một căn cứ của Nga ở phía Bắc Crimea trong khoảng thời gian từ ngày 11/2 - 16/3, khi hệ thống phòng thủ mới được xây dựng dọc theo các lối tiếp cận bán đảo này. Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng vũ trang Ukraine hồi tháng 2 cũng báo cáo rằng, các lính nghĩa vụ mới của Nga đang được triển khai tới Crimea đặc biệt để tăng cường khả năng phòng thủ.

Khổng Hà (tổng hợp)

Ông Ngô Văn Tuấn, Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) mới đây đã có báo cáo về kế hoạch kiểm toán năm 2025 gửi tới Quốc hội. Theo đó, tổng số nhiệm vụ kiểm toán năm 2025 là 116 nhiệm vụ (giảm 5 nhiệm vụ so với năm 2024). 

Liên tiếp trong thời gian gần đây, lực lượng Công an xã tại Hà Tĩnh đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn nhiều vụ việc lừa đảo qua mạng, trong đó phổ biến vẫn là chiêu thức mạo danh người có công quyền đề nghị chuyển tiền qua tài khoản.

Trong 11 tháng đầu năm 2024, số ca chết não hiến tạng ở Việt Nam tăng gấp đôi năm 2023. Kể từ ca hiến tạng từ người cho chết não đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam vào năm 2008, đây là năm đạt kỷ lục cao nhất về số người chết não hiến tạng.

Chiều 15/11, Công an huyện Thăng Bình (Quảng Nam) cho biết, đã chuyển hồ sơ cùng 2 đối tượng Hồ Xuân Tâm (SN 1998) và Bùi Vinh Quang (SN 1993, cùng trú xã Bình Nguyên, huyện Thăng Bình) đến Phòng ANĐT Công an tỉnh Quảng Nam để tiếp tục điều tra, làm rõ về hành vi tàng trữ tiền giả.

Với chủ đề “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái”, ngày 15/11, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Công an và Cơ quan của Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024.

Trong lúc nam thanh niên cầm lái xe máy chở người cha ruột ôm hai bình rượu rắn đi giao cho khách hàng thì bị phát hiện. Khám xét nơi ở của đối tượng, cơ quan điều tra thu giữ thêm nhiều tang vật có liên quan, nhưng phải 4 tháng sau đó, khi có kết luận giám định từ cơ quan chức năng mới khởi tố vụ án và bị can.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文