Vẫn chưa thấy tia sáng cuối đường hầm Gaza
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) hôm 8/12 (giờ địa phương) đã không thể thông qua Nghị quyết yêu cầu ngừng bắn nhân đạo tại Dải Gaza sau khi Mỹ - thành viên thường trực HĐBA sử dụng quyền phủ quyết. Điều này đã khiến tình hình ở khu vực này vốn đã tồi tệ nay càng tồi tệ hơn trong bối cảnh số dân thường thiệt mạng tăng vọt và cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng sâu sắc.
Những phản ứng khác nhau
Ngoài Mỹ phủ quyết, Anh bỏ phiếu trắng, 13 thành viên HĐBA đã bỏ phiếu ủng hộ dự thảo nghị quyết do Saudi Arabia đệ trình. Giải thích cho quyết định của mình, Phó Đại sứ Mỹ tại LHQ Robert Wood nói: “Mỹ đã tham gia một cách thiện chí vào văn bản này. Chúng tôi đề xuất ngôn ngữ hướng tới một giải pháp mang tính xây dựng nhằm củng cố chính sách ngoại giao cứu sinh mà chúng tôi đã thực hiện kể từ ngày 7/10. Thật không may, gần như tất cả các khuyến nghị của chúng tôi đều bị bỏ qua và kết quả của quá trình vội vã này là một giải pháp không cân bằng và xa rời thực tế. Vì vậy, rất tiếc là chúng tôi không thể ủng hộ nó”.
Trong khi đó, Đại sứ Anh tại LHQ Barbara Woodward giải thích rằng: “Chúng tôi kêu gọi tạm dừng hơn nữa và lâu hơn để cung cấp viện trợ cho người Palestine và tạo không gian cho việc thả con tin tiếp theo. Nhưng chúng ta không thể bỏ phiếu ủng hộ một nghị quyết không lên án những hành động tàn bạo mà Hamas đã gây ra. Chúng ta kêu gọi ngừng bắn nhưng bỏ qua thực tế rằng, Hamas đã tấn công Israel và vẫn bắt giữ dân thường làm con tin. Israel cần có khả năng giải quyết mối đe dọa do Hamas gây ra và họ cần phải làm như vậy”.
Các thành viên còn lại của HĐBA tỏ ra khá thất vọng khi nghị quyết yêu cầu ngừng bắn nhân đạo không được thông qua. Nga chỉ trích chính sách ngoại giao của Mỹ không hiệu quả, chỉ biết bảo vệ đồng minh và ngăn HĐBA can thiệp vào tình hình. Kết quả là, Gaza đang trở thành đống mồ chôn trẻ em tập thể. Trong khi đó, đại diện của Palestine tại LHQ nhận định rằng, kết quả cuộc bỏ phiếu sẽ khiến những tội ác nối tiếp tội ác hằng ngày và hàng triệu người Palestine tiếp tục bị đe dọa tính mạng; hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng
Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đánh giá xung đột giữa Israel và người dân Palestine nói chung đã lên mức báo động, đòi hỏi một hội nghị quốc tế và sự đảm bảo của các cường quốc thế giới. Theo ông, không chỉ giao tranh với Phong trào Hamas tại Gaza, các lực lượng Israel còn tăng cường các vụ tấn công tại khu vực Bờ Tây bị chiếm đóng trong năm qua, trong bối cảnh leo thang các vụ bạo lực do những người định cư thực hiện nhằm vào các thị trấn của người Palestine. Ông cũng tái khẳng định quan điểm ủng hộ đàm phán trên cơ sở hội nghị hòa bình quốc tế, hướng tới giải pháp được các cường quốc bảo trợ nhằm thiết lập Nhà nước Palestine tại Dải Gaza, Bờ Tây và Đông Jerusalem.
Về phần mình, trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 8/12, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã khẳng định sự cần thiết của việc bảo vệ dân thường tại Gaza, đồng thời nêu bật tầm quan trọng của việc đạt được lệnh ngừng bắn lâu dài. Theo ông, Israel cần triển khai các biện pháp cần thiết để chấm dứt các vụ bạo lực của những người định cư nhằm vào người dân Palestine tại Bờ Tây. Tổng thống Emmanuel Macron cũng hối thúc Thủ tướng Benjamin Netanyahu mở cửa khẩu Kerem Shalom để vận chuyển hàng cứu trợ vào Gaza.
Liên quan tới vấn đề cứu trợ, Ủy ban châu Âu (EC) cùng ngày thông báo sẽ viện trợ nhân đạo 125 triệu euro (134 triệu USD) cho người Palestine trong năm 2024. Khoản tiền này sẽ hỗ trợ các tổ chức nhân đạo tại Gaza và vùng Bờ Tây bị chiếm đóng. EC nhấn mạnh trong bối cảnh khủng hoảng nhân đạo tại Gaza đang xấu đi từng ngày, cơ quan này đang khẩn trương triển khai các công cụ ứng phó khẩn cấp trên diện rộng. Theo EC, với 30 chuyến bay nhân đạo được thực hiện, khoảng 1.000 tấn hàng viện trợ đã được gửi đến người dân có nhu cầu tại Gaza.
Mỹ sẽ thay đổi quan điểm?
Số dân thường thiệt mạng tăng vọt và cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng sâu sắc ở Gaza đã khiến chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden phải thay đổi giọng điệu đối với Israel. Hãng tin Reuters ngày 9/12 dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, trong lời chỉ trích công khai mạnh mẽ nhất về việc Israel tiến hành cuộc chiến với Hamas ở phía Nam Gaza, lưu ý có “khoảng cách” giữa những cam kết bảo vệ dân thường và mức độ thương vong cho đến nay. Ông nói: “Khi chúng tôi chứng kiến gần một tuần chiến dịch tiến về phía Nam, điều bắt buộc là Israel phải đặt ưu tiên hàng đầu vào việc bảo vệ dân thường. Vẫn còn một khoảng cách giữa ý định bảo vệ dân thường và kết quả thực tế mà chúng ta đang thấy trên thực địa”.
Trước đó, trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Benjamin Netanyahu và Quốc vương Jordan Abdullah hôm 8/12, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã “nhấn mạnh nhu cầu thiết yếu là bảo vệ dân thường và tách dân thường khỏi lực lượng Hamas, bao gồm cả việc thông qua các hành lang cho phép mọi người di chuyển an toàn khỏi các khu vực chiến sự đã xác định”. Sự thay đổi quan điểm trên của chính quyền Mỹ xảy ra trong bối cảnh Israel mở rộng danh sách mục tiêu tấn công cở Gaza, cùng với số người chết vượt quá 17.000 người Palestine.
Tuy nhiên, tờ Guardian của Anh nhận định, Mỹ không hay đổi thực chất chính sách với Israel, mà chỉ điều chỉnh lập trường, làm dấy lên nghi ngờ trong số những người chỉ trích về độ tin cậy của các tuyên bố chính thức của Nhà Trắng về cuộc tấn công gây thương vong lớn đang diễn ra. Các quan chức hàng đầu của Mỹ đã thể hiện sự đồng cảm với Israel trong những tuần sau cuộc tấn công ngày 7/10 của Hamas, nhưng mối lo ngại ngày càng tăng về cái giá phải trả liên quan đến nhân mạng trong phản ứng của Israel - cùng với hậu quả chính trị trong nước - đã khiến họ phải thay đổi chiến thuật. Khoảng 2/3 số người Palestine thiệt mạng ở Gaza là phụ nữ và trẻ em.
Ước tính 80% dân số ở vùng lãnh thổ đã phải di dời trong cuộc tấn công trả đũa của Israel, được phát động với mục tiêu đã nêu là tiêu diệt vĩnh viễn Hamas. Những con số đó, cùng với viễn cảnh nghiệt ngã về nhiều thương vong sắp tới khi Israel tiến hành chiến dịch quân sự mới ở phía Nam Gaza, nơi ước tính có tới 2 triệu người phải sơ tán đã tập trung ở đây, đã thúc đẩy một loạt các quan chức chính quyền cấp cao Mỹ phải công khai cảnh báo Israel.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin từng cảnh báo rằng, Israel có nguy cơ thay thế “chiến thắng về mặt chiến thuật bằng thất bại về mặt chiến lược” nếu không bảo vệ được dân thường, do đó “đẩy họ vào vòng tay của đối thủ”. Đưa ra quan điểm mạnh mẽ hơn, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, phát biểu tại Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP28) ở Dubai, cho biết “quá nhiều người Palestine vô tội đã thiệt mạng” và nhấn mạnh: “Luật nhân đạo quốc tế phải được tôn trọng”.
Sau đó, trong cuộc gặp với Tổng thống Ai Cập Abdel Fatah al-Sisi, bà còn cứng rắn hơn khi nói: “Trong mọi trường hợp, Mỹ sẽ không cho phép buộc người Palestine phải di dời khỏi Gaza hoặc Bờ Tây, bao vây Gaza hoặc vẽ lại bản đồ biên giới Gaza”. Tuy nhiên, Joe Cirincione, nhà phân tích an ninh quốc gia ở Washington cảnh báo rằng, thái độ thay đổi của các quan chức Mỹ cấp cao khó có thể mang lại kết quả tốt hơn vì nó không được hỗ trợ bởi mối đe dọa về hậu quả thực sự.
Chuyên gia Cirincione, người ban đầu ca ngợi cách xử lý khủng hoảng của Tổng thống Joe Biden, nêu quan điểm: “Họ (chính quyền Mỹ) đã thay đổi lời nói nhưng không phải chính sách. Họ nhấn mạnh rằng, Israel phải giảm thương vong cho dân thường, nhưng khi Israel không giảm thương vong cho dân thường thì họ sẽ không làm gì cả”.
Cùng với đó, người đứng đầu Nhà Trắng – đang nguy cơ đối mặt với những khó khăn trong chiến dịch tái tranh cử vào năm 2024 – có thể bị áp lực bởi chính trị trong nước và những con số thăm dò đáng báo động. Một cuộc khảo sát trong tuần này của Viện Gallup cho thấy 63% đảng viên đảng Dân chủ phản đối hành động của Israel ở Gaza. Trong khi đó, các nhà tài trợ của đảng Dân chủ được cho là đang cảnh giác trước những tác động bầu cử tiềm tàng của cuộc chiến ở các bang chiến địa như Michigan và Georgia, nơi có khối cử tri người Mỹ gốc Arab quan trọng cư trú.
Chuyên gia Aaron David Miller, thành viên cấp cao tại Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie và là nhà đàm phán hòa bình Trung Đông dày dạn kinh nghiệm của Mỹ, cảnh báo rằng, chu kỳ bầu cử có nghĩa là “thời kỳ khó khăn hơn đang đến” đối với mối quan hệ giữa Washington với Tel Aviv.