Vì sao NATO khước từ đề nghị thiết lập vùng cấm bay của Ukraine?
Bên cạnh những lời kêu gọi thiết lập vùng cấm bay trên không phận Ukraine, nhiều chuyên gia cho rằng động thái này khiến Mỹ và các đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có nguy cơ đụng độ trực tiếp với Nga.
Khái niệm “vùng cấm bay”
Theo kênh truyền hình Sky News (Anh), vùng cấm bay (NFZ) là khu vực mà máy bay bị cấm hoặc hạn chế bay, thường vì lý do an ninh.
Ngoài lệnh cấm bay có thể được sử dụng trong bối cảnh dân sự, nhằm đảm bảo an toàn cho các sự kiện lớn như thế vận hội hay vùng trời xung quanh các tòa nhà nhất định, NFZ cũng được sử dụng tại các khu vực chiến sự để ngăn chiến đấu cơ của đối phương và bảo vệ một lãnh thổ khỏi bị pháo kích hoặc giám sát.
Lực lượng tiếp quản vùng cấm bay sẽ có trách nhiệm tuân thủ quy định về vùng cấm, tuần tra để tìm kiếm và phát hiện bất kỳ máy bay nào vi phạm để buộc hạ cánh, hộ tống ra khỏi vùng cấm bay hay bắn hạ ngay lập tức.
Trong bối cảnh xung đột ở Ukraine hiện nay, thiết lập NFZ sẽ đồng nghĩa với việc máy bay Nga không được phép bay trên bầu trời Ukraine, nhằm ngăn chặn Moscow tiến hành các cuộc không kích để chiếm Kiev. Nói cách khác, lực lượng quân đội tiếp quản vùng cấm bay bởi NATO hay Mỹ sẽ phải có những hành động thực thi, cụ thể là bắn hạ máy bay Nga nếu tiến vào vùng cấm.
Đây cũng chính là lý do mà NATO đưa ra hôm 4/3, để từ chối lời kêu gọi thiết lập NFZ tại Ukraine của Tổng thống Volodymyr Zelensky.
Nguy cơ châm ngòi một cuộc chiến toàn diện ở châu Âu
Theo Tổng thư ký NATO Stoltenberg, NATO không phải là một phần của xung đột Nga – Ukraine. Do đó, các máy bay NATO không nên hoạt động ở không phận Ukraine, binh sĩ NATO cũng không nên hoạt động trong lãnh thổ Ukraine.
Đồng quan điểm với NATO, Nhà Trắng cũng phát đi thông báo cho biết, Washington và các đồng minh sẽ chỉ hỗ trợ khí tài quân sự cho Ukraine cũng như gia tăng các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, bởi phương án lập vùng cấm bay ở Ukraine có thể tạo ra hệ quả nguy hiểm, châm ngòi một cuộc chiến tranh toàn diện ở châu Âu.
Nhận định về vấn đề này, Doug Birkey, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Hàng không Vũ trụ Mitchell, cho rằng những người thường nhắc tới NFZ có thể chưa hiểu hết tính phức tạp của nó.
NATO đã từng thiết lập các vùng cấm bay ở các nước không phải là thành viên của khối. Tuy nhiên, vấn đề này thường gây tranh cãi vì nó có nghĩa là “tham gia một nửa” vào một cuộc xung đột mà không triển khai đầy đủ lực lượng trên bộ.
Năm 2011, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc cho phép thiết lập NFZ ở Libya, do NATO thực thi. NATO cũng từng thiết lập vùng cấm bay ở Bosnia từ tháng 4/1993 - tháng 12/1995. Mỹ và các nước đồng minh cũng thiết lập hai NFZ ở Iraq sau chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991.
Chuyên gia Doug Birkey đánh giá, trong quá khứ, Mỹ và đồng minh NATO chỉ áp NFZ ở những nơi họ có ưu thế lớn hơn đối phương. Còn trong trường hợp này, thiết lập NFZ tại Ukraine nghĩa là NATO sẽ trực tiếp đối đầu với một cường quốc. Chưa rõ ai hơn ai nhưng hệ quả là điều ai cũng có thể đoán ra.
Ngoài ra, cũng có những trở ngại lớn về hậu cần. NATO không chỉ cần quyết định quốc gia nào sẽ chịu trách nhiệm đảm bảo thực thi NFZ, mà liên minh này còn phải thiết lập một hệ thống phòng thủ rất phức tạp để giám sát và thực thi nó.
Ngoài các máy bay chiến đấu, NATO sẽ phải triển khai cả máy bay tiếp nhiên liệu, máy bay trinh sát điện tử để hỗ trợ sứ mệnh. Để bảo vệ các chiếc máy bay hoạt động tầm cao với tốc độ tương đối chậm, NATO sẽ phải phá hủy các hệ thống tên lửa đất đối không ở Nga và Belarus.
Trung tá Tyson Wetzel của không quân Mỹ cho biết, trước mắt, không quân không có đủ lượng máy bay gần Ukraine để thực hiện một sứ mệnh như vậy.
Thật sự không thể thiết lập NFZ?
Câu trả lời đưa ra là “không gì là không thể”, bởi giới chuyên gia tin rằng mọi quyết sách đều phụ thuộc vào ý chí của các nhà lãnh đạo. Cũng Vì lẽ đó, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã chỉ trích mạnh mẽ quyết định không thiết lập NFZ của NATO, nhấn mạnh liên minh này đã "bật đèn xanh" để Nga tiếp tục không kích các thành phố Ukraine.
"Chúng tôi tin rằng các nước NATO đã tự tạo ra một câu chuyện rằng việc đóng cửa không phận Ukraine sẽ kích động sự tấn công trực tiếp của Nga vào NATO. Đài CNN trích lời Tổng thống Zelensky.
Theo Tổng thống Ukraine, thiết lập NFZ chỉ là một biện pháp phòng ngừa và không có ý định kéo NATO vào cuộc chiến trực diện với Nga.
Về vấn đề này, Kevin Ryan, cựu tùy viên quốc phòng Mỹ tại Nga nêu quan điểm rằng, Mỹ và NATO hoàn toàn có khả năng thiết lập một NFZ, nhưng là NFZ ở khu vực phía Tây Ukraine, nơi quân đội Nga chưa tiếp cận.
"Việc thiết lập vùng cấm bay ở phía Tây Ukraine sẽ giúp phương Tây tránh đối đầu trực tiếp với phi công Nga vì họ đang bận nhiệm vụ ở vùng trời phía Đông. Không những vậy, nó sẽ cung cấp một biện pháp bảo vệ cho Ukraine, không cản trở việc Kiev sử dụng máy bay và thiết bị bay không người lái của họ ở khu vực chiến sự", ông Kevin Ryan nhấn mạnh.