Vì sao Nga "đi trước, về sau" trong cuộc chiến chống COVID-19?
Nga là quốc gia đầu tiên cấp phép một vaccine ngừa COVID-19 và hiệu quả của vaccine Nga đã được chứng minh rộng rãi, song tỷ lệ tiêm chủng tại nước này thấp hơn hẳn các quốc gia phương Tây.
Khi tình hình COVID-19 tại nhiều quốc gia dần hạ nhiệt, Nga xảy ra làn sóng lây nhiễm và tử vong gia tăng chóng mặt trong những ngày gần đây. Số liệu mới nhất hôm 17/10, Nga báo cáo đến gần 34.000 ca nhiễm mới COVID-19, cao thứ 2 thế giới chỉ sau Anh (hơn 45.000 ca), nâng tổng số ca từ đầu dịch lên gần 8,45 triệu.
Về số ca tử vong theo ngày, Nga ghi nhận 997 người chết vì COVID-19 trong 24h gần nhất, mức cao nhất từ đầu dịch và cũng cao nhất thế giới trong ngày 17/10, gấp hơn 17 lần so với Anh (57 ca) và gấp 3 lần quốc gia có số tử vong cao thứ 2 là Mexico (313 ca).
Phần lớn số ca nhiễm mới tại Nga mang biến chủng Delta của virus SARS-CoV-2, vốn được mô tả là có khả năng lây lan nhanh hơn các biến chủng cũ. Giới chức y tế Nga thừa nhận dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp là do tỷ lệ người dân tiêm chủng quá thấp, bất chấp các biện pháp khuyến khích của chính phủ.
Số liệu của Our World in Data chỉ ra rằng, tính đến ngày 18/10 (giờ Việt Nam), chỉ khoảng 47,7 triệu người Nga được tiêm chủng đầy đủ, tương đương hơn 32,8% dân số. Con số này thấp hơn tỷ lệ toàn cầu là 36,3% và kém xa chỉ số tương tự của Mỹ và các nước châu Âu.
Nga là quốc gia đầu tiên cấp phép cho vaccine, mẫu Sputnik V, từ tháng 8/2020. Sputnik V được công nhận có hiệu quả cao trên toàn cầu và được sử dụng ở khoảng 70 quốc gia toàn cầu. Ngoài Sputnik V, Moscow cũng cấp phép ít nhất 2 mẫu vaccine nội địa khác và khởi động quá trình tiêm chủng diện rộng sớm, từ tháng 12/2020.
Tuy nhiên, theo truyền thông Nga, dù vaccine COVID-19 của Nga được săn đón trên toàn thế giới, người dân nước này vẫn khá thờ ơ với vaccine nội. Có hai nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này, một là tỷ lệ người dân mang tâm lý không muốn tiêm vaccine rất cao.
Nhiều người Nga không sợ nhiễm COVID-19 và cho rằng tác động của dịch bệnh đã bị thổi phồng.
Reuters trích dẫn số liệu một cuộc thăm dò dư luận được tiến hành cách đây vài tháng chỉ ra rằng, 62% người Nga được hỏi đã trả lời họ không có ý định tiêm vaccine. Trong số đó, nhiều người thậm chí tin virus SARS-CoV-2 là một vũ khí sinh học do con người tạo ra, dù giả thuyết này chưa có bằng chứng khoa học chứng minh.
Thủ đô Moscow cũng như các thành phố khác của Nga gần đây đưa ra những biện pháp thúc ép người dân tiêm chủng. Các quán café, nhà hàng yêu cầu mã QR chứng nhận đã tiêm vaccine đối với những khách muốn ngồi lại. Các bệnh viện cũng từ chối các bệnh nhân chưa tiêm chủng muốn làm phẫu thuật trong trường hợp không khẩn cấp…
Thế nhưng nhiều người lựa chọn đối phó với quy định này bằng cách mua chứng nhận tiêm chủng giả, bất chấp nguy cơ hứng chịu những hình phạt nghiêm khắc.
Nguyên nhân tiếp theo là vì vaccine Nga vẫn chưa được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cấp phép. Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko cuối tháng 9 nói rằng, Moscow đang hoàn tất những thủ tục cuối cùng để Sputnik V được phê duyệt, song vẫn chưa rõ mốc thời gian cụ thể.
Trong khi Nga và châu Âu vẫn chưa công nhận "hộ chiếu vaccine" của nhau, với những người Nga có nhu cầu ra nước ngoài, nhất là đến châu Âu, việc tiêm một mẫu vaccine đã được WHO cấp phép là yếu tố quan trọng để họ có thể đi lại dễ dàng hơn.
AP tuần trước thông tin, Serbia hiện được xem là điểm đến lí tưởng của hàng trăm ngàn người Nga muốn tiêm vaccine phương Tây, bởi công dân mang hộ chiếu Nga không cần xin thị thực để nhập cảnh Serbia. Dù không phải thành viên Liên minh châu Âu (EU), nhưng Serbia đã cấp phép cho cả vaccine Sputnik V và nhiều mẫu vaccine phương Tây, giống loại được WHO và các quốc gia châu Âu chấp thuận.
"Chúng tôi đã tiêm vaccine Pfizer vì chúng tôi muốn đi du lịch", bà Nadezhda Pavlova, 54 tuổi, cho biết sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược Mỹ ở thủ đô Belgrade. Chồng bà, ông Vitaly Pavlov, 55 tuổi, nói, ông muốn "cả thế giới rộng mở với chúng tôi thay vì chỉ một vài quốc gia".
Hiệu quả được công nhận của vaccine ngừa COVID-19 nói chung đang giúp thế giới dần chuyển sang trạng thái sống chung với dịch bệnh và dựa vào vaccine để hạn chế số ca chuyển nặng hoặc tử vong thay cho các biện pháp phong tỏa khắt khe, vốn gây tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế.
Điện Kremlin gầy đây khẳng định, Nga khó có thể tái áp đặt các hạn chế diện rộng trên toàn quốc để đảm bảo "nền kinh tế tiếp tục hoạt động".
Để ứng phó làn sóng dịch bệnh mới, giới chức Nga đang nỗ lực cải thiện hệ thống y tế để tiếp nhận nhiều bệnh nhân hơn. Tuy nhiên, với hơn 750.000 ca vẫn đang dương tính với COVID-19 ngay lúc này, cao nhất kể từ tháng 2/2020, hệ thống y tế Nga sẽ gặp nhiều khó khăn để hạn chế số ca tử vong.
Giữa tuần trước, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitri Peskov cảnh báo: "Trong bối cảnh dịch bệnh lây nhiễm nhanh, (chúng ta) cần giải thích cho người dân rằng họ phải tiêm phòng. Thật vô trách nhiệm nếu không tiêm phòng COVID-19. Nó (COVID-19) gây chết người".