Viễn cảnh nào cho Bangladesh sau cuộc khủng hoảng?
Sau nhiều tuần đầy bất ổn và bạo lực, tình hình tại Bangladesh tạm thời lắng dịu sau khi người đứng đầu chính phủ lâm thời mới được chỉ định, dù vậy, tương lai của đất nước Nam Á với hơn 170 triệu dân này vẫn khó đoán định, còn ẩn chứa nhiều nguy cơ bất ổn.
Từ tháng 7, sinh viên Bangladesh xuống đường tuần hành để phản đối chính sách "phân bổ hạn ngạch viên chức" gây tranh cãi mà theo đó, Bangladesh dành hơn một nửa chỉ tiêu tuyển dụng viên chức hàng năm cho các nhóm đặc quyền, như con của cựu binh trong cuộc chiến giải phóng dân tộc năm 1971.
Các cuộc biểu tình nhanh chóng leo thang thành làn sóng bạo loạn cùng lời kêu gọi Thủ tướng Sheikh Hasina từ chức. Điều đáng nói là bà Hasina vừa tái đắc cử nhiệm kỳ mới hồi đầu năm nay, sau cuộc bỏ phiếu bị phe đối lập tẩy chay và cáo buộc là thiếu tự do và mất công bằng.
Sau khi bà Hasina tuyên bố từ chức và lên trực thăng rời khỏi đất nước, người biểu tình tràn vào Phủ Thủ tướng ở thủ đô Dhaka, những hình ảnh loạn lạc tràn ngập khắp thủ đô. Theo thống kê, ít nhất 300 người đã thiệt mạng sau một tháng diễn ra phong trào biểu tình bạo lực tại Bangladesh, đặc biệt, ngày 4/8 trở thành ngày đẫm máu nhất với ít nhất 94 người thiệt mạng, trong đó có 14 cảnh sát, khi lực lượng an ninh đụng độ bạo lực với sinh viên biểu tình.
Làn sóng bạo lực đặt dấu chấm hết cho thời gian nắm quyền kéo dài 15 năm của chính trị gia được mệnh danh là "Người đàn bà thép" của Bangladesh. Bà Hasina được biết đến với những đóng góp nhằm chấm dứt chế độ quân chủ và hồi sinh nền kinh tế đất nước Nam Á. Trong suốt các nhiệm kỳ cầm quyền, bà Hasina được những người ủng hộ ca ngợi vì đã chèo lái đất nước và giúp Bangladesh chứng kiến giai đoạn tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, trong đó động lực chính là ngành công nghiệp xuất khẩu sản phẩm dệt may với lực lượng lao động chủ yếu là nữ giới.
Bangladesh từng là một trong các quốc gia nghèo nhất thế giới khi giành độc lập vào năm 1971, thậm chí, cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger còn nhận định nước này là "trường hợp không thể cứu vãn được" về mặt kinh tế, theo AFP. Đáng chú ý, dưới thời của bà Hasina, Bangladesh từ năm 2009 đã đạt mức tăng trưởng trung bình hơn 6% mỗi năm. Tình trạng đói nghèo ở nước này cũng giảm mạnh và hơn 95% trong tổng số 170 triệu dân nước này hiện có điện sinh hoạt.
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, thu nhập bình quân đầu người của Bangladesh vượt Ấn Độ, đạt mức 2.457,92 USD vào năm 2021. Bên cạnh đó, nữ Thủ tướng cũng được biết đến vì đã mạnh tay trấn áp các nhóm phiến quân Hồi giáo, sau vụ việc hồi năm 2016 khi 5 phần tử cực đoan người Bangladesh xông vào một quán cafe được nhiều người phương Tây yêu thích ở Dhaka và sát hại 22 người.
Tình hình bất ổn tại Bangladesh tạm lắng ngày 6/8, khi Tổng thống nước này chỉ định ông Muhammad Yunus, một doanh nhân từng được trao Giải Nobel, làm người đứng đầu chính phủ lâm thời. Thông tin này được công bố bởi Joynal Abedin, thư ký báo chí của Tổng thống Mohammed Shahabuddin. Ngoài ra, thành phần chính phủ do ông Yunus lãnh đạo sẽ sớm được quyết định sau khi thảo luận với các đảng phái chính trị và các bên liên quan khác.
Được biết, ông Yunus là một nhà kinh tế và chủ ngân hàng, được trao Giải Nobel Hòa bình năm 2006 vì tiên phong sử dụng tín dụng vi mô để giúp đỡ những người nghèo, đặc biệt là phụ nữ, theo Al Jazeera. Lãnh đạo phe biểu tình của sinh viên kỳ vọng rằng chính phủ lâm thời có thể sẽ sớm được hoàn thiện để vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Theo Reuters, tình hình dần trở lại bình thường sau sự hỗn loạn hồi đầu tuần, mặc dù vẫn còn một số cuộc biểu tình lẻ tẻ tại Dhaka ngày 7/8. Ấn Độ, người hàng xóm khổng lồ của Bangladesh, đã sơ tán toàn bộ nhân viên không thiết yếu và gia đình của họ khỏi đại sứ quán và 4 lãnh sự quán tại nước này. Hầu hết các trường học và khuôn viên đại học ở Dhaka cũng như các thành phố lớn khác đã mở cửa trở lại, trong khi người dân đã bắt đầu đi xe buýt hoặc các phương tiện giao thông khác để đến công sở, ngân hàng… Các nhà máy may mặc, trụ cột của ngành sản xuất của đất nước 170 triệu dân này, cũng đã hoạt động trở lại sau nhiều ngày buộc phải đóng cửa vì bạo lực.
Sau tất cả những diễn biến vừa qua, nhiều người đặt ra câu hỏi liệu tương lai của Bangladesh sẽ ra sao. Đất nước này vẫn đang vật lộn với những khó khăn kinh tế và đang nằm trong chương trình cho vay cứu trợ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Chính phủ lâm thời dự kiến sẽ tổ chức bầu cử ngay sau khi nhậm chức.
Một số nguồn tin cho biết ông Yunus có thể sẽ về nước vào ngày 8/8. Việc lựa chọn của người dân trong cuộc bầu cử sắp tới cũng sẽ quyết định tương lai chính trị của đất nước. Một viễn cảnh mà nhiều chuyên gia đồng ý là bất ổn sẽ tiếp tục đeo đuổi đất nước này trong thời gian tới, khi lãnh đạo phe sinh viên biểu tình đưa ra một loạt yêu cầu đối với chính phủ mới, và nếu không thực hiện đúng, khả năng cao Bangladesh lại rơi vào khủng hoảng.