Vụ va chạm trên biển Đen thổi bùng căng thẳng Nga - Mỹ?

06:47 16/03/2023

Thông tin về việc một tiêm kích của Nga va chạm với một máy bay không người lái (UAV) trinh sát cỡ lớn của Mỹ trên không phận quốc tế ở biển Đen sáng 14/3 (giờ địa phương) được đánh giá là một sự cố đặc biệt.

Giới chức Mỹ đã liên tục đưa ra những phản ứng gay gắt, đặt dấu hỏi về yếu tố an toàn khi nước này tiến hành các hoạt động thường nhật trong không phận quốc tế cũng như khả năng Nga có thể nắm bắt được các công nghệ nhạy cảm của Washington khi trục vớt UAV bị rơi. Trong khi đó, giới quan sát chính trị quốc tế lo ngại vụ việc có khả năng thổi bùng căng thẳng giữa hai cường quốc.

UAV MQ-9 Reaper của Mỹ có giá khoảng 32 triệu USD. Nguồn: Twitter.

Truyền thông quốc tế ngày 15/3 đồng loạt đưa tin về việc giới chức Nga và Mỹ đang cùng đưa ra các lý lẽ của mỗi bên, liên quan tới thông tin máy bay chiến đấu Su-27 của Nga va chạm với UAV MQ-9 Reaper của Mỹ ở không phận quốc tế trên biển Đen hôm 14/3 (giờ địa phương).

Cụ thể, Lầu Năm Góc và Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ cáo buộc, hai máy bay chiến đấu Su-27 của Nga đã có hành động chặn một UAV MQ-9 Reaper của Mỹ một cách không an toàn và thiếu chuyên nghiệp trên vùng biển quốc tế ở biển Đen.

Một trong hai chiếc máy bay của Nga sau đó đã va vào cánh quạt của MQ-9 Reaper, buộc các lực lượng Mỹ phải để thiết bị bay của mình rơi xuống vùng biển quốc tế. Phía Mỹ còn cho biết, các máy bay Nga trước đó đã xả nhiên liệu và bay trước thiết bị bay của Mỹ từ 30-40 phút trước khi xảy ra vụ va chạm.

Đại tướng James B. Hecker, Tư lệnh lực lượng Không quân Mỹ tại châu Âu và châu Phi nói với Euronews, đây là lần đầu tiên kể từ thời Chiến tranh Lạnh, Mỹ buộc phải hủy bỏ một UAV sau va chạm với máy bay chiến đấu của Nga. Hiện Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin vẫn chưa thể liên lạc với người đồng cấp Nga Sergei Shoigu để trao đổi về vấn đề này. Cuộc điện đàm gần nhất giữa người đứng đầu quân đội hai nước là vào tháng 10/2022.

Phản ứng trước cáo buộc từ Mỹ, Bộ Quốc phòng Nga đã ngay lập tức phủ nhận tiêm kích của nước này va chạm với UAV MQ-9 Reaper, nhưng thông tin rằng Nga có phát hiện một UAV bay gần bán đảo Crimea. "Các tiêm kích Nga không sử dụng vũ khí trên máy bay, không tiếp xúc với UAV và đã trở về sân bay an toàn", thông báo nêu rõ.

Theo Moscow, UAV MQ-9 Reaper bị rơi xuống biển là do phi công Mỹ đã mất điều khiển. Nga đồng thời cáo buộc UAV của Mỹ đã di chuyển tới gần khu vực biên giới nước này. Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov sau khi bị Bộ Ngoại giao Mỹ triệu tập vì vụ việc đã lên tiếng khẳng định: "Chúng tôi không muốn xảy ra bất kỳ cuộc đối đầu nào giữa Nga và Mỹ. Chúng tôi ủng hộ việc xây dựng các mối quan hệ thực tế vì lợi ích của người dân hai nước. Tuy nhiên, Nga coi việc Mỹ cáo buộc là một sự khiêu khích".

Theo nguồn tin của The Guardian, vị trí mà chiếc UAV của Mỹ rơi ở biển Đen rất gần với vùng chiến sự Ukraine, nơi Moscow cho rằng Washington đang can thiệp sâu bằng cách cung cấp vũ khí cho Kiev.

Giới chuyên gia nhận định, việc duy trì các hoạt động quân sự tại một vùng biển nhạy cảm trong thời gian chiến sự diễn ra có khả năng dẫn đến những tính toán sai lầm khiến hai cường quốc leo thang căng thẳng. Nếu không được kiềm chế, những vụ va chạm như trên tại biển Đen hoàn toàn có khả năng đẩy hai nước này vào một cuộc xung đột trực tiếp tại châu Âu.

Tuy vậy, có những học giả lại đưa ra quan điểm trái ngược. Bà Becca Wasser - thành viên cấp cao tại Viện nghiên cứu Trung tâm An ninh mới của Mỹ, chỉ rõ: "Chiếc UAV bị rơi là không người lái. Đây là chi tiết đặc biệt của vụ việc khiến hai bên khó thổi bùng căng thẳng".

Bà Becca Wasser viện dẫn, một sự cố tương tự từng xảy ra vào năm 2019 khi Iran bắn hạ một chiếc RQ-4 Global Hawk mà không dẫn đến phản ứng quân sự trực tiếp từ Mỹ. Trong khi đó, Tướng Stephen Twitty - cựu Phó chỉ huy Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ, hiện là chuyên gia của Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu (CEPA) đánh giá, sự việc có thể được hai phía dàn xếp ổn thỏa và điều quan trọng là Washington không có những động thái làm căng thẳng leo thang. 

Trước đó, Chuẩn tướng Pat Ryder của Lầu Năm Góc nói rằng Nga không có dấu hiệu tìm cách thu giữ mẫu máy bay không người lái bị rơi của Mỹ trên biển. Nhưng nhiều chuyên gia quân sự Mỹ vẫn bày tỏ lo ngại về khả năng Moscow có thể nắm bắt được các bí mật quân sự của Washington khi trục vớt thành công UAV bị rơi. Phía Lầu Năm Góc cũng từ chối thông tin về việc liệu cơ quan này có đang thực hiện bất kỳ nỗ lực nào trong việc tiến hành thu thập các mảnh vỡ của UAV nêu trên hay không.

Được biết, MQ-9 Reaper có giá khoảng 32 triệu USD. Đây là dòng máy bay không người lái cỡ lớn được điều khiển từ xa bởi một đội hai người, sản xuất bởi nhà thầu General Atomics. MQ-9 Reaper ra mắt lần đầu tiên vào năm 2001 và thuộc biên chế không quân Mỹ từ năm 2007.

Loại UAV này được sử dụng nhiều trong các cuộc chiến tranh ở Iraq và Afghanistan, nhằm giám sát và không kích. Chiếc UAV này có thể mang tới 8 tên lửa dẫn đường bằng laser, bao gồm tên lửa Hellfire và các loại vũ khí tinh vi khác, đồng thời có thể lượn lờ trên các mục tiêu trong khoảng 24 giờ. Nó dài khoảng 11 mét, cao 4 mét và nặng 2.200kg, có thể bay ở độ cao lên tới 15km và có tầm hoạt động khoảng 2.500km.

Theo chuyên trang quân sự Defense Express, tại khu vực biển Đen, các UAV MQ-9 Reaper thường được sử dụng để thu thập thông tin tình báo về hoạt động tác chiến của Hải quân Nga. Theo một số nguồn tin, hiện quân đội Mỹ đang sở hữu và vận hành khoảng 300 UAV MQ-9 Reaper ở các phiên bản khác nhau.

Kim Khánh

Sáng 18/11, trong quá trình lực lượng chức năng thực hiện đảm bảo ANNT, cưỡng chế thu hồi đất, nhóm các đối tượng thành viên trong gia đình bà Nhan – ông Điền đã dùng bom xăng, xe cuốc, hung khí tấn công lực lượng chức năng, khiến 5 CBCS bị thương, nhiều phương tiện, máy móc của đơn vị thi công công trình bị hư hại.

Khoảng 16h ngày 18/11, tại khu vực bãi bồi sông Hồng thuộc địa bàn xã Hiền Quan, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ đã xảy ra vụ đuối nước thương tâm khiến 5 học sinh đều sinh năm 2011, học sinh trường THCS xã Hiền Quang mất tích, hiện mới tìm thấy 1 thi thể.

Để tránh sự phát hiện, các đối tượng tạo tài khoản, cửa hàng kinh doanh giả ngụy trang trên trang thương mại điện tử Lazada hoặc trên sàn giao dịch điện tử Bambooship để tạo các đơn vận chuyển với nội dung giả là sản phẩm linh kiện điện tử. Thực tế, trong mỗi kiện hàng là thuốc lá nhập lậu để gửi đến các tỉnh, thành phố để tiêu thụ. 

Tâm thấy dải phân cách trồng nhiều bụi cau kiểng có chiều cao che khuất tầm nhìn các bảng quảng cáo nên nảy sinh ý định thuê người cưa các bụi cây cau kiểng để tạo khoảng trống, không bị khuất tầm nhìn. Tâm đã thuê 3 đối tượng chặt 9 cây cau kiểng với giá 15 triệu đồng.

Ngày 18/11, Công an tỉnh Bình Thuận cho biết, vừa bắt giữ 2 phụ nữ dùng xe ôtô vận chuyển ma túy từ thị xã La Gi tới TP Phan Thiết, Bình Thuận để kiếm 500 nghìn đồng tiền công.

Sau 2 tuần lao dốc, giá vàng đã có phiên đảo chiều tăng mạnh, kéo kim loại quý trở lại “quỹ đạo” tăng giá.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文